Chưa cần tới quý II, tác động của dịch bệnh đã phản ánh vào sự suy giảm tăng trưởng của khối doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trong quý I.

FiinGroup vừa có báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 với kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Số liệu được FiinGroup tổng hợp từ 999 doanh nghiệp niêm yết phi tài chính, chiếm 97,6% giá trị vốn hóa trên HoSE, HNX và thị trường UPCoM.

Theo thống kê, doanh thu các doanh nghiệp chỉ giảm 4,4%, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp giảm gần 58% so với cùng kỳ năm 2019 và gần 69% so với quý liền kề.

Lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý I giảm gần 58% so với cùng kỳ. Ảnh: FiinGroup.
Lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý I giảm gần 58% so với cùng kỳ. Ảnh: FiinGroup.

Sự sụt giảm lợi nhuận diễn ra ở nhiều ngành khác nhau trong đó đặc biệt là những ngành chịu tác động trực tiếp bởi Covid 19 như dầu khí (giảm 303%), giải trí và du lịch (giảm 212%) và bất động sản (giảm 81%).

Nếu không tính những nhóm bị ảnh hưởng mạnh, lợi nhuận sau thuế những ngành còn lại giảm 27% so với cùng kỳ và giảm 50,2% so với quý IV/2019.

Ở chiều ngược lại, một số ngành lại tăng trưởng doanh thu tốt bao gồm viễn thông (+23%), bán lẻ (+16%), thực phẩm và đồ uống (+8,7%), dược phẩm (+10%) và công nghệ thông tin (+8%). Những ngành này cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực, ít nhất cũng ở mức hai con số.

Tuy nhiên, bên cạnh việc sụt giảm về số tuyệt đối, chất lượng lợi nhuận cũng suy giảm mạnh, nối tiếp đà giảm từ đầu năm 2018.

Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) trong quý I giảm 26% so với cùng kỳ năm trước và giảm 33% so với quý liền kề, xác lập quý thứ 10 suy giảm kể từ cuối năm 2017. Mức suy giảm này là do tỷ lệ EBITDA trên doanh thu thuần chỉ đạt bình quân 10,9% trong khi cùng kỳ năm trước là 13,7% và quý liền kề là 12,3%.
Doanh thu các doanh nghiệp giảm 4,4% trong quý I, thấp hơn mức giảm của lợi nhuận. Ảnh: FiinGroup.
Doanh thu các doanh nghiệp giảm 4,4% trong quý I, thấp hơn mức giảm của lợi nhuận. Ảnh: FiinGroup.

Đáng chú ý hơn, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh (CFO) cũng lần đầu tiên âm ở mức âm 26.000 tỷ trong quý I, từ số liệu của 999 doanh nghiệp phi tài chính. Đây là lần đầu tiên dòng tiền CFO âm kể từ năm 2015.

Theo nhóm phân tích, do CFO âm và khả năng trả lãi vay suy giảm nên các doanh nghiệp phải vay nhiều hơn để duy trì hoạt động. Theo đó, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu đã tăng từ 0,68 lần cuối năm 2019 lên 0,72 lần cuối quý I.

Dòng tiền cho hoạt động đầu tư (CFI) cũng thu hẹp mạnh trong ba tháng đầu năm. Trong quý I năm 2018 và 2019, các doanh nghiệp chi lần lượt 51.800 tỷ và 62.900 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư thì ba tháng đầu năm nay con số này giảm gần 40%, còn 37.700 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. "Dữ liệu này cho thấy các doanh nghiệp đã có động thái tạm dừng các hoạt động đầu tư để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh được ổn định và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua", báo cáo của FiinGroup viết.
Điểm tích cực, theo nhóm phân tích, là các chỉ số số ngày xử lý hàng tồn kho và số ngày phải thu, phải trả khách hàng mặc dù có tăng nhẹ nhưng vẫn chưa ở mức quá cao như những giai đoạn khó khăn trước đây.

Với những kết quả kém tích cực, các doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ dù doanh thu dự kiến vẫn tăng nhẹ.

Theo thống kê của FiinGroup, 426/1644 công ty đại chúng phi ngân hàng, chiếm 71% tổng vốn hóa, được có kế hoạch kinh doanh 2020 và phần lớn được cập nhật từ tài liệu hay nghị quyết đại hội cổ đông sau khi dịch Covid-19 xuất hiện. Các doanh nghiệp này kỳ vọng doanh thu tăng 2,5% so với 2019. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm hơn 12%.
Kết quả này, theo nhóm phân tích, là mức giảm khá lớn nếu so với số thực tế tăng trưởng 14,7% trong năm 2019 và 18,2% trong năm 2018 của 426 doanh nghiệp này. Trước khi đại dịch diễn ra, FiinGroup dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khối phi tài chính sẽ ở mức 15%.

Dù vậy, theo nhóm phân tích, kinh nghiệm nhiều năm theo dõi cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp thường có xu hướng xây dựng kế hoạch kinh doanh "an toàn" hoặc thấp hơn kỳ vọng. Điều này còn đúng hơn trong các bối cảnh khó khăn khi mà các yếu tố khách quan như "thiên nga đen" xuất hiện. 

"Nếu các ngành bị hưởng bởi Covid-19 này có sự đột biến nào đó về kết quả hoạt động kinh doanh nhờ sự khởi động trở lại các tuyến bay, du lịch nội địa sôi động và các nhân tố vĩ mô khác,bức tranh về kết quả kinh doanh sẽ cải thiện đáng kể", báo cáo FiinGroup viết.

Nguồn tin: Vnexpress