"Chúng ta phải chung sống với virus corona như đang sống với HIV" (Peter Piot)

Đại dịch Covid-19 để lại một bài học rất lớn cho các nước trong ưu tư về liên đới xã hội và một sự phối hợp toàn cầu. Các nước chống dịch hiệu quả nhất cũng là các nước có một hệ thống y tế tốt, người dân dễ dàng tiếp cận sự săn sóc. Chúng ta sẽ còn phải sống chung với Covid-19 rất lâu trước khi tìm ra và áp dụng Vaccine trên diện rộng. Nhưng Covid-19 chỉ có thể bị đẩy lùi nếu có một sự phối hợp toàn cầu, thay vì lời kêu gọi của những chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.







Nhà vi trùng học người Bỉ Peter Piot, là một trong số người phát hiện ra virus Ebola, trước khi làm lãnh đạo Chương trình Liên Hiệp Quốc về HIV-Sida từ năm 1995 đến 2008. Hiện ông là giám đốc của trường y tế Luân Đôn - London School of Hygiene & Tropical Medicine. Gần đây, ông được chỉ định làm cố vấn nghiên cứu virus corona chủng mới để giúp việc cho chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen. Bản thân ông cũng đã bị nhiễm Covid nặng.

vih1
Mô hình virus corona SARC-CoV-2, do Trinity College Dublin, xây dựng via Reuters- Social Media

RFI trích dịch bài trả lời phỏng vấn của ông Peter Piot trên nhật báo Le Monde ra ngày 12/06/2020 về đại dịch Covid-19.

Le Monde : Ông nhìn nhận thế nào về cách thức thế giới phản ứng trước dịch Covid-19 ?

Peter Piot : Dịch Covid-19 cho chúng ta thấy tầm quan trọng phải có một thủ lĩnh và một hệ thống y tế công cộng tốt sẵn sàng. Ngoài Singapore, Đài Loan và Hồng Kông, các nước khác đều đã đánh giá thấp quy mô và tốc độ lây lan của virus. Các nước Châu Á vẫn còn ký ức buồn về dịch viêm phổi cấp SARS 2003 và họ nhạy bén bén hơn. Họ đã phản ứng thích đáng.

Những nước đã triển khai ngay lập tức các quy định tầm soát bệnh là những nước có số tử vong thấp. Đức đã cho thấy điều này. Ngay từ cuối tháng Giêng, nước Đức triển khai làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh chứ không đợi đến khi có nhiều ca nhiễm mới cho xét nghiệm trên diện rộng.

Ở chiều ngược lại, Vương Quốc Anh Quốc đã hành động chậm và chỉ đặt vấn đề cách ly du khách khi số ca nhiễm giảm. Như thế là quá, quá muộn. Bên này bờ biển Manche, nước Pháp thì mất hẳn ngân sách dành tích trữ kho khẩu trang sau đợt đại dịch cúm H1N1 2009-2010 và thiếu đầu tư vào y tế công cộng.

Le Monde : Ông đã từng nhắc đến việc đại dịch trở lại. Liệu chúng ta có thể loại trừ được điều này ?

Peter Piot : Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của dịch. Không có lý do gì sau khi đạt được đến quy mô như hiện nay mà dịch bỗng nhiên biến mất. Chúng ta vẫn chưa có miễn dịch cộng đồng, ngay cả Thụy Điển, nước theo đuổi chiến lược này, cũng đã thất bại. Phải một hay hai năm chúng ta mới có thể tổng kết được cách đối phó nào là hiệu quả nhất.

Le Monde : Tình hình trên thế giới và cả bên trong từng quốc gia là không đồng nhất…

Peter Piot : Trận đại dịch này là tổng hòa của nhiều trận dịch ở địa phương. Tất cả các vùng trong một nước không bị dịch đồng đều nhau. Vậy thì hành động cũng mang tính địa phương hay vùng. Đa số các nước buông lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Dịch bùng phát là có thể nhưng không ở quy mô lớn ngay lập tức. Chúng ta không nên dùng đến phương pháp mạnh quá và đóng cửa cả nước nhưng cần phải thông tin kịp thời, cụ thể ở từng khu vực về dịch bệnh để có thể khống chế được.

Le Monde : Như vậy có nghĩa là phải sống chung với Covid-19…

Peter Piot : Đúng vậy, chúng ta phải sống cùng với Covid-19 như chúng ta đang sống cùng HIV. Ta phải chấp nhận là việc thanh toán virus này hiện tại là không thực thi. Bệnh truyền nhiễm duy nhất đã được thanh toán là bệnh đậu mùa. Còn với bệnh bại liệt, chúng ta vẫn còn rất lâu mới thanh toán được. Nhưng nếu chúng ta không kiểm soát được bệnh Covid-19, hệ thống y tế không thể hoạt động bình thường được. Chúng ta cần phải có phương pháp tiếp cận theo cách giảm nguy cơ, hạn chế tối đa tác động của bệnh này và suy nghĩ làm sao để xã hội của chúng ta sẵn sàng chấp nhận điều đó.

Không thể nào lại trở lại phong tỏa như cũ, cứ 2 tháng một lần. Có những tác động phụ rất lớn và ảnh hưởng đến những căn bệnh khác như : tỷ lệ tử vong quá cao ở các bệnh đột quỵ, tim mạch, ung thư vì thiếu các chăm sóc chủ chốt ; rồi còn nhiều tác động đến sức khỏe tâm thần. Đó là chưa nói đến các vấn đề về kinh tế.

Sống chung với Covid-19, điều đó có nghĩa là tìm ra các thỏa hiệp giữa việc bảo vệ dân chúng mà không làm trầm trọng thêm các vấn đề. Cần phải thay đổi quan niệm trên diện rộng về việc đeo khẩu trang, rửa tay và thực hiện giãn cách xã hội. Ở nhiều nước, dịch chủ yếu lây lan trong các nhà dưỡng lão, bệnh viện, những người làm việc trong lĩnh vực y tế hay nhà tù. Chúng ta phải tập trung những nỗ lực cho các khu vực đó.

Le Monde : Ông cảm nhận thế nào về sự huy động quốc tế để chế vác-xin phòng Covid-19 ?

Peter Piot : Những việc đã làm được trong 5 tháng qua là rất ấn tượng. Các phòng thí nghiệm ở các trường đại học hay của các cơ sở thương mại đã bắt đầu nghiên cứu vác-xin ngay từ tháng Giêng. Trong Diễn đàn Davos (21 -24/01), các nước liên kết trong lĩnh vực chuẩn bị đối phó với dịch bệnh đã thỏa thuận chi phí cho 4 dự án nghiên cứu các loại vác-xin. Có hơn một trăm sáng kiến, trong đó khoảng một chục có sang kiến thể đạt kết quả.

Le Monde : Người ta trông đợi gì ở vác-xin phòng Covid-19 ?

Peter Piot : Có bốn điều kiện cần thiết. Vác-xin phải chứng minh chống nhiễm virus, hạn chế tác động của bệnh và giảm con số tử vong. Việc này cần phải có thử nghiệm lâm sàng trong dân cư mà Covid-19 có tác động đủ lớn. Dịch đang giảm ở Châu Âu và có thể ở Brazil. Nhìn chung thì ít có vác-xin hiệu quả đối với những bệnh đường hô hấp, ngoài vác-xin phòng bệnh khuẩn cầu phổi.

Vac-xin cũng không được gây phản ứng phụ. Với việc cho sử dụng trên diện rộng, các tác dụng phụ sẽ tác động đến một số lượng lớn người. Một khi hai điều kiện đầu tiên này hội đủ, thì ta cũng không hy vọng vác-xin được phép lưu hành trước năm 2021.
Điều kiện thứ ba, sẽ có hàng tỷ liều vác-xin phòng Covid-19 được sản xuất. Khả năng sản xuất này hiện không có được. Cần phải đầu tư để mua hoặc xây dựng nhiều cơ sở sản xuất đáp ứng được chuẩn mực vệ sinh và an toàn ngay cả trước khi chọn được loại vác-xin để đưa vào sản xuất.

Cuối cùng cần phải làm tất cả để mọi người có nhu cầu vác-xin được tiếp cận công bằng. Đây là điều rất quan trọng trong lúc mà ta thấy xuất hiện thái độ muốn độc chiếm vác-xin cho nước mình. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các vác-xin chế ra tại Mỹ sẽ được dành cho nước Mỹ. Bằng mọi giá phải tránh điều này. Cần phải có sự lựa chọn ưu tiên cho việc tiêm chủng. Việc này sẽ còn phải bàn cãi căng thẳng, chừng nào vác-xin còn khan hiếm.


Anh Vũ dịch
Nguồn : RFI, 12/06/2020