Có đúng ‘Suy nghĩ của Tổng bí thư là suy nghĩ của toàn đảng, toàn dân’ như truyền thông Nhà nước nói? (RFA)

Các chính quyền độc tài bao giờ cũng là những chính quyền dân tuý nhất. Họ luôn tự nhận mình là lực lượng chính đáng của nhân dân, đại diện cho nhân dân…dù sự thực luôn trái ngược hoàn toàn. Về mặt tâm lý học, người ta thường phải lặp đi lặp lại những thông điệp lỗi như thế không phải vì để cho nhân dân nghe, mà là một cách trấn an bản thân mình. Ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói “đất nước chưa bao giờ đẹp như hôm nay” nhưng những lần khác ông ta cũng chia sẻ sự nghiêm trọng về hiện trạng tham nhũng, tụt hậu của đất nước, sự chia rẽ và phai nhạt lý tưởng trong nội bộ đảng CSVN. Tại sao những phát biểu lại mâu thuẫn nhiều như vậy? Câu trả lời giản dị là người ta chỉ có thể nói đúng, nói một cách nhất quán nếu có một hệ tư tưởng lành mạnh và đứng đắn. Tư tưởng Mác-Lenin từng thôi thúc sự nhiệt thành của nhiều đảng viên CSVN thì với thời gian, nó đã bị vứt bỏ và lãng quên vì nội dung sai lầm của nó. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Báo chí Nhà nước Việt Nam trong mấy ngày qua đồng loạt đăng bài cho rằng: ‘Suy nghĩ của tổng bí thư là suy nghĩ của toàn đảng, toàn dân...’

Sự việc được đưa ra sau Hội nghị cán bộ toàn quốc do Bộ Chính trị tổ chức tại trụ sở Trung ương Đảng vào tuần cuối tháng 4. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nhân sự... Ông Trọng cho rằng đây không những là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà còn là mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

Những điều ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra có thể hiện suy nghĩ của người dân và ngay cả đảng viên cộng sản hay không?

Chị Nguyễn Lai, một người dân sống ở Nha Trang nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 4 năm 2020:

“Chuyện gì khó có nhân dân mà. Cái gì ăn không được đều nhét vào mồm nhân dân. Chuyện đánh đồng, đưa nhân dân vào các câu phát biểu, các tít của các bài báo chẳng qua để lấp liếm, ngụy biện việc làm sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam. Thực chất, chả nhân dân nào đồng tình suy nghĩ hay hành động của nhà cầm quyền độc tài cả, ngoài 4,5 triệu đảng viên.”

Tại Việt Nam, dù là các bài báo của Ban Tuyên giáo hay các phát biểu của các vị lãnh đạo, hai từ Nhân dân rất thường hay được nhắc đến. Ngay cả một vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ trước đây, còn cho rằng: Quốc hội chủ trương đầu tư sai thì phải nhận khuyết điểm chứ không kỷ luật được. Theo ông này, Quốc hội là đại biểu của nhân dân, mà trong thể chế hiện nay ở Việt Nam có qui định nhân dân làm chủ, cho nên không thể kỷ luật nhân dân hay là người chủ được.

Theo Trung tá Vũ Minh Trí, nguyên cán bộ của Tổng Cục 2, khi nhận xét với Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 4 năm 2020 cho rằng, kiểu tuyên truyền như thế đến thời phong kiến còn chẳng chấp nhận được huống gì thời nay. Theo ông Trí, tất cả mọi việc là ‘chín người mười ý’. Ông nói tiếp:

“Tôi chắc chắn bản thân tôi có suy nghĩ hoàn toàn khác những người đấy, và cũng có nhiều người cũng có suy nghĩ không giống với cả họ... Cho nên họ càng nói như thế thì tóm lại càng thấy đáng xấu hổ. Thời tôi trong quân đội, tôi sống trong môi trường gồm những người tương đối có học, tôi học đại học quân đội rồi dạy ở đại học quân đội, nói chung là đối với những người như chúng tôi thì kiểu tuyên truyền ấy là phản tác dụng nên người ta cũng ít nói với chúng tôi như thế. Tôi cảm thấy thời nay đáng lẽ ngày phải càng khác đi, phải có xu hướng tự do cá nhân, tôn trọng quyền tự do phát ngôn của cá nhân ngày càng nhiều hơn. Thì tôi thấy kiểu tuyên truyền như thế kìm hãm sức sáng tạo, kìm hãm tự do cá nhân của con người và không thể chấp nhận được.”

Chính quyền Việt Nam cho rằng, thể chế hiện nay mà họ đang theo đuổi là một nền dân chủ tập trung... Với khẩu hiệu thường được tuyên truyền là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ... Tuy nhiên, tại Hội nghị Quân chính toàn quân hồi năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng lại đặt lòng trung thành của quân đội với đảng, lên trên cả lòng trung thành với đất nước và nhân dân.

Trở lại với loạt bài tung hô nhân dân đồng lòng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nhà ngôn ngữ học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng khi trao đổi với RFA hôm 29/4, phân tích về cách nói cái gì cũng ‘vơ vào’: toàn đảng, toàn dân… của chính quyền hiện nay:

“Cách nói như thế không xa lạ gì với người dân trong nước, báo chí trong nước cứ thỉnh thoảng lại viết như vậy. Người có hiểu biết thì bao giờ người ta cũng trả lời bằng một nụ cười, tại vì nghe nhiều quá rồi nên người ta cười còn hơn là phản đối. Nói như Karl Marx, khi để tiễn quá khứ một cách vui vẻ thì người ta cười, mà khi người ta cười thì sự kiện đó quyết nhiên không thể tồn tại được.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa một ví dụ dẫn chứng ông và người dân không thể đồng lòng với ông Nguyễn Phú Trọng được:

“Ông Nguyễn Phú Trọng có nói Việt Nam có 4 nguy cơ: tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tệ nạn tham nhũng quan liêu và diễn biến hòa bình. Thế thì người dân Việt Nam sẵn lòng đồng ý một nửa với ông, đó là nguy cơ Việt Nam tụt hậu xa hơn về kinh tế và tệ tham nhũng nạn quan liêu. Chứ còn chệch hướng xã hội chủ nghĩa và diễn biến hòa bình thì tôi thấy người Việt, trong đó có tôi, cảm thấy là mừng chứ không phải nguy cơ. Nguy nhất là cứ không chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nguy nhất là diễn biến chiến tranh chứ không phải diễn biến hòa bình... Tôi chỉ đưa ví dụ như thế để thấy rằng, suy nghĩ của ông Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khá xa với suy nghĩ của người dân. Chứ không phải hễ ông Trọng nói là đồng nhất nói lên tâm nguyện của người dân được, loại tuyên truyền như vậy cứ lập đi lập lại mãi, nó chỉ đưa đến tiếng cười của người dân.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với RFA, thì lực lượng kém hiểu biết nhất là lực lượng cảnh sát tư tưởng của Việt Nam. Ông cho rằng đó là lực lượng phản dân tộc một cách khủng khiếp, vì làm cho người dân mụ mẫm đi. Theo ông, họ không ngại gì khi dùng những từ ngữ như vậy. Tư duy của họ chỉ làm sao để bảo vệ đảng, chứ họ không nghĩ là phải ưu tiên bảo vệ chủ quyền dân tộc. Ông nhấn mạnh hai việc đó khác nhau hoàn toàn, nhưng cảnh sát tư tưởng Việt Nam lại luôn đánh đồng như là một.

Đại hội Đảng Cộng sản XIII của Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, từ đó bầu ra các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư. Và thông thường từ nhiều tháng trước đại hội, báo chí nhà nước luôn cho rằng người dân đồng lòng với những tiêu chuẩn nhân sự do lãnh đạo đảng và nhà nước đưa ra.

Nhà văn Phạm Đình Trọng khi trả lời RFA cho rằng:

“Tất cả những tiêu chuẩn mấy ổng đề ra chỉ là một cái thứ hảo huyền ảo tưởng, do mấy ổng tưởng tượng chứ không gắn vào thực tế. Những lựa chọn ấy là quyền của dân, các ổng làm cái đó là cướp quyền dân. Chứ những tiêu chuẩn ấy chẳng có thực trong cuộc sống.”

Theo ông, thông tin trên internet cung cấp cho người dân sự thật hàng ngày hàng giờ. Cho nên mọi thứ, các vị lãnh đạo nhà nước không thể nào lừa dối mãi được.

Còn Trung tá Vũ Minh Trí thì cho rằng, kiểu tuyên truyền như thế kìm hãm sức sáng tạo, kìm hãm tự do cá nhân của con người và không thể chấp nhận. Theo ông, kể cả ngày xưa, thời ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn hay các vị lãnh đạo tiền bối khác... của chế độ cộng sản, thì cũng không bao giờ được tuyên truyền đến mức như kiểu ‘Suy nghĩ của Tổng bí thư là suy nghĩ của toàn đảng, toàn dân’. Ông so sánh kiểu tuyên truyền này, giống như kiểu tung hô ông Mao Trạch Đông ở bên Tàu.

Nguồn bài: RFA