Có đúng 86% người dân hài lòng sự phục vụ của công chức?

Các khảo sát và thống kê của chính quyền CSVN luôn có kết quả cao và phản ánh thiếu trung thực, minh bạch. Khu vực hành chính của Việt Nam là khu vực còn rất nhiều trì trệ và quan liêu, sau bao nhiêu năm vẫn chưa thể số hóa dữ liệu và chủ yếu vẫn giũ cách làm việc "bàn giấy" thì không thể nào có một mức độ hài lòng 86% được.






Người dân làm thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa chụp trước đây)



Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố... Theo kết quả khảo sát, trong năm 2019 trung bình có đến 86% người dân hài lòng thái độ giao tiếp, giải quyết công việc của công chức.

Từ Nha Trang hôm 26 tháng 5 năm 2020, Chị Nguyễn Lai nhận định với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn:

“Tuyên truyền không đúng sự thật đâu... Cửa quyền tại các nơi cơ quan hành chính đa phần lề mề chậm chạp và coi thường dân... Quen biết thì vô ký giấy tờ mau lắm, còn không thì tha hồ ngồi chờ...”

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 26 tháng 5 năm 2020, Chị Huỳnh Hằng, một người dân sống tại Đà Nẵng tỏ vẻ nghi ngờ về các kết quả khảo sát:

“Chị chưa bao giờ tin vào những con số của chính phủ, cũng như báo chí đã đưa, chị từng viết trên facebook: chính phủ và báo chí đến giờ này hãy dừng lại việc đưa tin nhân dân đồng thuận cao trong việc này việc kia, dân đã tỉnh rồi, công chức thì vẫn rất cửa quyền, thái độ trịch thượng với dân, làm việc chểnh mãng, ăn cắp giờ công, buổi sáng 8 giờ mới bắt đầu làm việc với thái độ lề mề, tán gẫu, ăn uống, đi chợ, dân chờ mặc dân, 11 giờ đã lo nghỉ trưa, nói chung rất bức xúc.”
Nói về con số khảo sát độ hài lòng vấn đề này vấn đề kia của Việt Nam thì người ta thường ít tin tưởng, do những cuộc khảo sát đó không được thực hiện bởi các đơn vị độc lập.
-Trần Đình Thu
Đứng đầu bảng khảo sát là Ngân hàng nhà nước với 95.4% người dân hài lòng với cách làm việc của các nhân viên ngân hàng nhà nước, kết đến là Bộ Tài chính 94.8% người dân hài lòng... Đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ Giao thông – Vận tải, nhưng cũng có kết quả đến 80.5% người dân hài lòng với Bộ này. Các kết quả này có thể được coi là hoàn hảo đối với bất cứ quốc gia nào.(!?)

Ông Lê Thiệu, hiện sinh sống tại Sài Gòn, cho RFA biết ý kiến của mình:

“Chính quyền tuyên truyền vậy thôi, chứ thủ tục hành chính của nhà nước từ xưa đến giờ người dân thường nói ‘hành là chính’, nhiêu khê lắm, chính bản thân tôi mỗi lần đi làm giấy tờ gì anh mệt, tôi phát ngán luôn. Các công đoạn làm giấy tờ, thì những người làm việc hành chính nhà nước họ không hướng dẫn mình cụ thể cần cái gì, cứ mang giấy tờ lên thì nói còn thiếu cái này cần bổ sung, nhưng mang lên lại nói thiếu cái kia…”

Theo Bộ nội vụ, Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX nhằm đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ cơ quan hành chánh nhà nước, nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi người dân... để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ...

Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, kết quả PAR INDEX 2019 được điều tra xã hội học dựa trên 20.000 phiếu để cán bộ trong các cơ quan nhà nước tự đánh giá và 36.630 phiếu khảo sát người dân phát ra tại Ủy ban Nhân dân phường xã của 63 tỉnh trong cả nước.

Đây không phải là năm đầu tiên Bộ Nội Vụ khảo sát chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX, việc này đã thực hiện từ năm 2017, với tỷ lệ 77% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong cả nước. Và năm 2018 là 83% người dân hài lòng.

Anh Trần Đình Thu, một cư dân Sài Gòn, nói với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 26 tháng 5 năm 2020:

“Nói về con số khảo sát độ hài lòng vấn đề này vấn đề kia của Việt Nam thì người ta thường ít tin tưởng, do những cuộc khảo sát đó không được thực hiện bởi các đơn vị độc lập. Đặc biệt là cũng không công bố là đơn vị nào khảo sát, dùng phương pháp gì... Những điều này làm giảm độ tin cậy. Tuy nhiên người ta cũng chỉ nghi ngờ một cách chung chung thế thôi, chứ không biết lấy gì để phản bác các số liệu đó, là chính xác hay không, nếu không chính xác thì sai số bao nhiêu phần trăm. Bản thân tôi cũng chịu không thể nhận định được là chính xác hay không.”

Ảnh minh họa người dân nộp hồ sơ liên quan đất đai.
Ảnh minh họa người dân nộp hồ sơ liên quan đất đai. Photo: luatvn.vn
Người dân nghi ngờ các con số khảo sát của cơ quan nhà nước không phải là không có lý do, khi nhiều cơ quan nhà nước lại đưa ra các số liệu rất khác nhau. Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hôm 3/1/2020 công bố số liệu đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2019, cho biết, hơn 98% người dân được khảo sát trong năm 2019 cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về thủ tục hành chính công.(!?)

Trong khi PAR INDEX 2019 cho rằng có đến 86% người dân hài lòng cách giải quyết công việc của công chức. Thì liên tiếp mấy năm gần đây, số lượng hồ sơ giải quyết tại các cơ quan nhà nước bị trễ hạn đã lên đến con số hàng chục ngàn, chủ yếu tập trung ở lãnh vực đất đai. Đơn cử trong năm 2018, TP. HCM tiếp nhận giải quyết hơn 14,2 triệu hồ sơ nhà đất, trong đó có hơn 68.200 hồ sơ trễ hạn. Đến cuối năm 2019, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho hay trong năm đã giải quyết gần 502.100 hồ sơ, trong đó có gần 34.900 hồ sơ trễ hẹn.

Một cán bộ về hưu, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại, nhận định với RFA hôm 26/5:
Tôi nhìn thấy sự hài lòng của người dân đối với cải cách hành chính, thì tôi chưa thấy cái gì người ta biểu thị hoan nghênh đâu.
-Lê Minh Triết
“Tôi thì không biết con số cụ thể của người đứng ra làm chuyện khảo sát, để công bố ra sao. Nhưng tôi nhìn thấy sự hài lòng của người dân đối với cải cách hành chính, thì tôi chưa thấy cái gì người ta biểu thị hoan nghênh đâu. Bây giờ về mặt cải cách hành chính thì phải nói những thủ tục hành chính có giúp cho người ta giải quyết các vấn đề khi đến công sở hay không? Thì cái đó chó đến bây giờ chưa thấy ai biểu thị phấn khởi, hoan nghênh gì hết đâu. Nếu mà nói dân hoan nghênh việc chỉ đạo chống dịch covid-19 thời gian qua, thì cái đó thể hiện rõ, người dân thấy đồng tình, hoan nghênh... Còn nói cải cách hành chính thì tôi chưa thấy có cái gì tác động để người ta hoan nghênh cả. Còn chuyện họ nói 90% gì đó là do họ công bố, chưa có ai thừa nhận chuyện họ cải cách có kết quả, để người dân hài lòng đến mức đó đâu.”

Báo chí do chính phủ Việt Nam kiểm soát thường đăng các kết quả khảo sát với chỉ số rất cao  như khảo sát hồi cuối năm 2019 cho rằng Việt Nam là nơi dễ kiếm tiền nhất thế giới; hay khảo sát cho rằng: ‘Hà Nội là thành phố đáng sống nhất Châu Á’... Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về những kết quả đó.

Trở lại với khảo sát người dân hài lòng với cải cách hành chính, ông Lê Minh Triết cho rằng, cải cách thủ tục hành chính đối với nhân dân thì không có thay đổi để làm cho dân nhẹ nhàng hơn, mà người dân vẫn xếp hàng, chờ đợi… và biết bao nhiêu cái nhũng nhiễu của bộ máy… Nên không thể nói là 86% được nhân dân hài lòng được. Ông cho rằng, nhận định đó là hết sức chủ quan, cố áp đặt cái đó chứ không có cái đó, chưa có cái đó… và còn lâu mới mới đạt được như vậy.

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt