Báo Cáo Nhân Quyền Tại Việt Nam 2019 - 2020 (Việt Dân)


Tính trong năm 2019 cho đến đầu năm 2020, theo báo cáo của mạng lưới nhân quyền Việt Nam Human Right Watch thì chính quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng các Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà họ đã ký khi trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc, cũng như chính bản hiến pháp do họ tự tạo ra. Bộ luật hình sự vẫn duy trì án tử hình cho 18 tội danh. Trong vòng 5 năm tính đến cuối tháng 6 năm 2016, trên toàn quốc có 1,134 người bị tuyên án tử hình; và có 429 người đã bị thi hành án bằng cách tiêm thuốc độc trong vòng 3 năm kể từ tháng 8 năm 2013 đến 30-6-2016. Trong đó, tình trạng vi phạm thủ tục tố tụng, ép cung và án oan ngày một gia tăng ở Việt Nam. Điển hình là bốn bản án tử hình của Hồ Duy Hải, của Nguyễn Văn Chưởng, của Lê Văn Mạnh, và của Đặng Văn Hiến mà giới luật sư và ngay cả nhiều quan chức trong bộ máy cầm quyền cũng cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội, mà hoàn toàn dựa vào lời tự thú của bị cáo vì bị công an ép cung, và đã phản cung sau đó. Cũng cần lưu ý rằng, trong tuyệt đại đa số các phiên tòa hình sự ở Việt Nam, vai trò của luật sư biện hộ đều rất hạn chế. Thẩm phán - Những người có vai trò tuân theo công lý, lẽ phải, trong nhiều trường hợp đã chỉ nói thứ ngôn ngữ lưỡi gỗ theo chỉ định của đảng CSVN.
Đảng CSVN vẫn tiếp tục giữ nguyên những tội phạm chính trị mơ hồ trong bộ luật cũ, nay được ghi lại ở chương VIII bộ luật mới, như tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), tội gián điệp (Điều 110), tội bạo loạn (Điều 112), tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 113), và tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114). Trong năm 2019 và quý 1 năm 2020 đã có ít nhất 96 người bất đồng chính kiến bị bắt giữ tùy tiện hay kết án theo các điều khoản mơ hồ của bộ hình luật. Tất cả những người bị truy tố ở trên chỉ vì họ hành sử những quyền con người căn bản được quy định trong Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng như Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam do chính quyền đảng CSVN viết ra.
Tổng dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người, trong đó có hơn 5,2 triệu đảng viên CSVN. Mọi sinh hoạt chính trị đều nằm dưới quyền kiểm soát của một thiểu số nhỏ trong 5,2 triệu đảng viên CSVN, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam bị gạt ra bên lề. Quốc hội chỉ đóng một vai trò bù nhìn không hơn không kém. Trong tổng số 500 đại biểu quốc hội khóa XIII, đã có hơn 90% là đảng viên đảng CSVN. 42 đại biểu còn lại (chiếm 8.4%) đã chỉ được chỉ định thông qua những tiêu chí sàng lọc gắt gao của đảng. Những phát biểu gần nhất của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò của Quốc hội phải chịu sự kiểm soát và tuyệt đối tuân theo chỉ đạo, ý chí của đảng CSVN càng làm rõ nét điều này.
Dù đã tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng tình trạng về quyền tự do lập hội, công đoàn độc lập ở Việt Nam vẫn không được cải thiện. Trên cả nước có 52,565 hội đều chịu sự kiểm soát, và là những cánh tay nối dài của đảng CSVN. Ngân sách quốc gia đã phải chi cho những hội đoàn này vào khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Thiếu công đoàn độc lập, càng làm trầm trọng thêm tình trạng an toàn lao động và quyền chính đáng của người lao động ở Việt Nam. Chỉ tính trong năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 7,997 vụ tai nạn lao đồng, làm 8,229 người bị nạn trong đó 1,039 người chết, 1,939 người bị thương nặng.
Về quyền tự do ngôn luận và thông tin, Luật An Ninh Mạng 2018 của Việt Nam nhằm hợp pháp hóa việc chính quyền kiểm soát Internet để bảo vệ sự độc tôn lãnh đạo của Đảng CSVN. Hệ quả là hàng loạt vụ bắt bớ những tiếng nói ôn hòa, bất đồng chính kiến trên không gian mạng.
Không những thế, chính quyền CSVN tiếp tục can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của các tôn giáo, ngăn trở và bắt bớ người dân...Luật tín ngưỡng - tôn giáo năm 2016 có nhiều điều đi ngược lại những nguyên tắc căn bản về quyền tự do tôn giáo được vạch rõ trong Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền và Điều 18 của Công ước Quốc tế về Những Quyền dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng như là một thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Về đời sống kinh tế, xã hội, đảng CSVN đã thất bại trong tất cả mọi địa hạt và trên tất cả mọi phương diện. Thu nhập trung bình của một người Việt Nam tính đến năm 2019 chỉ là 50 triệu đồng/ năm, nhưng của cải đã chỉ nằm trong tay một thiểu số rất ít giai cấp quyền thế, tư bản đỏ thân hữu trong xã hội. Nạn nhân mãn ở một số khu vực nghèo, buôn người, bất bình đẳng, kỳ thị, trẻ em bị ngược đãi, suy dinh dưỡng...tăng một cách báo động.Trong tài liệu của UNICEF hiện có khoảng 5,5 triệu trẻ em Việt Nam bị thiếu thốn ít nhất trong hai nhóm của các lĩnh vực: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường, và hòa nhập xã hội. Đảng CSVN đã không có một chính sách hay một nỗ lực nào để cải thiện những vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Theo Bộ Công An Việt Nam, từ năm 2018 đến 2019, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18,000 công dân kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Đại Hàn...78% số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài là có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp. Thân phận của trẻ em, phụ nữ và người già - Những người thay vì phải được bảo vệ, lại đã chỉ là nạn nhân của một chính sách an sinh xã hội yếu kém, nạn buôn người, bạo hành, mại dâm...
Ngược lại, đảng CSVN còn tiếp tay khuếch trương thêm những vấn nạn này. Ví dụ là cả nước hiện đang có khoảng 650,000 lao động xuất khẩu làm việc ở ngoài nước. Rất nhiều trong số đó phải lao động trong những điều kiện vật chất thiếu thốn và bị chà đạp nhân phẩm, lao động chui...Hầu hết các tổ chức môi giới lao động đều được Nhà nước khuyến khích và quản lý lỏng lẻo, trong đó có sự tiếp tay của những lãnh đạo, cán bộ trong bộ máy đảng CSVN. Có những sự kiện nhỏ nhưng đủ để khẳng định một thực trạng lớn. Câu chuyện 39 thanh niên trẻ chết trong một container khi chấp nhận mọi rủi ro để qua lao động chui bên Anh, làm thân phận những người rơm không khỏi khiến chúng ta bàng hoàng và xúc động. Chưa bao giờ mà thân phận người Việt lại tủi nhục đến như thế. 
Một vấn nạn khác là quy mô dân số trên 96 triệu người nhưng tiến trình đô thị hóa trên cả nước vẫn còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số đang già hóa nhanh chóng. Việt Nam hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê về Tổng điều tra dân số 2019, dân số ở khu vực nông thôn là 63,149,249 người, chiếm 65,6%. Đất đai là nguồn sống chính của nông dân nhưng họ cũng là những người phải rơi vào cảnh không nhà, không cửa vì những hành động cướp đất trắng trợn của chính quyền CSVN. Điển hình là vụ cướp đất ở Đồng Tâm. Đảng CSVN đã hành động như một lực lượng khủng bố. Vào ngày 9-1-2020, chính quyền đã huy động hàng ngàn cảnh sát động vào lúc 4 giờ sáng, tấn công vào làng Đồng Tâm. Cuộc tấn công đẫm máu đã làm thiệt mạng 4 người, gồm ông Lê Đình Kính và 3 cảnh sát.
Về môi trường, tài nguyên rừng bị chặt phá nghiêm trọng. Trong năm 2019, 1,179 vụ phá rừng đã bị phát hiện, tăng trên 16% so với năm 2018. hệ thống sông ngòi, kênh rạch ngày càng bị ô nhiễm. Tuyệt đại đa số người dân không được dùng nước sạch. Chất liệu nhân xã trong xã hội rạn nứt, văn hóa và đạo đức xuống cấp dẫn đến tệ làm ăn gian dối, thực phẩm bẩn tràn lan.
Chính quyền CSVN đã để tệ nạn tham nhũng hoành hành trên khắp mọi lĩnh vực. Theo bảng xếp hạng Chỉ Số Cảm Nhận Tham Nhũng hằng năm (CPI) của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế thì năm 2019 Việt Nam xếp hạng thứ 96 trên 180 nước được khảo sát.
Đã đến lúc chúng ta phải cất tiếng nói đáng báo động về hiện tình đất nước dưới ách cai trị thô bạo của đảng CSVN. Họ hành xử với đất nước, với dân tộc như một lực lượng chiếm đóng. Họ không tôn trọng quyền con người và xem người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam như đối tượng để trục lợi.

Việt Dân
Link tải Báo cáo nhân quyền tại Việt Nam 2019 - 2020 Tại đây. Các bạn có thể dùng VPN nếu không truy cập được.