Việt Nam học được gì từ khủng hoảng Covid-19 ở Ý? (BBC Tiếng Việt)
Một bài phân tích về nguyên nhân bùng phát và diễn biến dịch covid - 19 tại Ý. Đây là những kinh nghiệm hữu ích cho tất cả chúng trong giai đoạn đầy thách thức trước dịch bệnh quái ác này.
Ngô Trường Anh Vũ Doanh nhân, blogger ở TPHCM
Italy đang vất vả đối phó Covid-19
Tính đến ngày 10/3, Ý đã phải đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng phong toả cách ly. Số người nhiễm tại đây đã là 9172 trong đó có 463 người chết, tỷ lệ tử vong là 5%.
Tại sao một quốc gia Châu Âu với trình độ và cơ sở hạ tầng y tế tương đối tốt hơn nhiều nước khác lại có tỉ lệ tử vong cao như thế?
Nên nhớ rằng tỉ lệ tử vong trong lúc dịch bệnh đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác trên thế giới là rất thấp, điển hình là Hàn Quốc đang có tỉ lệ tử vong 0,4%, Tây Ban Nha và Pháp là 2% [1]
Theo tôi, có 5 lí do chính dẫn đến việc này, cả khách quan và chủ quan:
Bị động
#1. Lí do đầu tiên chính là Ý chỉ phát hiện người bệnh một cách bị động.
Con số 9172 ca nhiễm chỉ đại diện cho số người được phát hiện dương tính với COVID-19, số người đang thực sự nhiễm bệnh hay có một số triệu chứng nhẹ và đã tự khỏi chắc chắn là cao hơn. Sáng ngày 19 tháng 2 Ý vẫn chưa có ca nhiễm được ghi nhận nào thì chỉ trong 24h, sáu bệnh nhân đã nhập viện và tất cả đều trong trường hợp nguy kịch [2].
Những con số người bệnh và tử vong tại đất nước hình chiếc ủng từ đó tăng lên nhanh chóng.
Những trường hợp sau đó ghi nhận là dương tính với Corona Virus chủng mới hầu hết chỉ được phát hiện khi đã phát triệu chứng và đến bệnh viện kiểm tra, có nghĩa là họ đều ở trong giai đoạn phát bệnh. Điều này là khác biệt rõ ràng khi được so sánh với Hàn Quốc. Hàn Quốc tìm và xét nghiệm chủ động nên rất nhiều ca dương tính của họ được phát hiện ngay trong thời gian ủ bệnh. Nói cách khác, Ý chỉ phát hiện được người bệnh ở giai đoạn sau còn Hàn Quốc đã phát hiện từ giai đoạn đầu khi nồng độ virus còn thấp và ít nguy cơ tử vong.
Nếu tính cả những ca bệnh chưa được phát hiện thì tổng số ca nhiễm tại Ý phải cao hơn rất nhiều, điều đó dẫn đến chuyện tỷ lệ tử vong hiện tại được tính toán lại cao như vậy.
Quá tải hệ thống y tế
#2. Lí do thứ hai là Ý đã xảy ra tình trạng quá tải hệ thống y tế. Ở Ý có sự phân hoá phát triển rất lớn ở miền Bắc và miền Nam và kéo theo đó là hệ thống y tế không đồng đều. Tuy nhiên ở Lombardy, vùng giàu nhất quốc gia với thành phố Milan thì các bệnh viện cũng đã quá tải.
Bác sĩ Christian Salaroli là một trong những người đang chiến đấu trên tuyến đầu với COVID-19 tại tâm dịch cho biết "Sau một vài ngày bệnh nhân nhập viện, chúng tôi phải lựa chọn. Thật không may là có một sự bất cân xứng giữa các nguồn lực của bệnh viện, số giường hồi sức với số lượng bệnh nhân nguy kịch. Không phải ai cũng có thể được đặt nội khí quản. Chúng tôi quyết định dựa trên tuổi và tình trạng sức khỏe, nếu một người từ 80 đến 95 tuổi bị suy hô hấp nặng, có khả năng chúng tôi sẽ không chữa trị tiếp cho họ."
Như vậy, Ý đang chấp nhận bỏ các ca có tiên lượng xấu như người cao tuổi có tiền sử bệnh án để tập trung nguồn lực cứu những người trẻ hơn. Thảm kịch này còn trở nên trầm trọng hơn khi từ ngày 4 tháng 3, tờ Washington Post đã cho biết nhiều bác sĩ Ý đã trở thành bệnh nhân và các phòng hồi sức của bệnh viện đã chật kín.
Khi các bệnh viện quá tải thì tỉ lệ tử vong sẽ tăng một cách chóng mặt vì 20% số người bị nhiễm sẽ cần trợ giúp y tế tối thiểu là trợ thở, điều này đã được ghi rõ trong nhiều báo cáo.
Tỉ lệ tử vong lên đến 5% của Ý là trùng khớp với tỉ lệ tử vong tại Vũ Hán, khi thành phố này cũng gặp tình trạng quá tải y tế tương tự và tỷ lệ tử vong tại đây chắc chắn cao hơn nhiều con số được Trung Quốc công bố.
Văn hoá
#3. Lí do thứ ba thuộc về văn hoá mà cụ thể là ngôn ngữ và phong cách giao tiếp của người Ý.
Tiếng Ý là một trong những ngôn ngữ đòi hỏi nhiều sự biểu cảm và đặc biệt là sử dụng tay để diễn tả rất nhiều. Thực tế, người Ý có riêng một quy ước để sử dụng các cử chỉ bằng tay, bao gồm múa tay liên tục trong khoảng cách giữa bản thân và người đối diện trong giao tiếp. Từ đó dẫn đến nguy cơ cao các giọt bắn li ti từ miệng người này bắn sang tay người kia rồi lây nhiễm, hoặc từ tay chuyển sang đồ vật trung gian và ngược lại. Trong khi đó, lây nhiễm qua giọt bắn li ti (droplets) và qua đồ vật bám virus (formites) được cho là 2 cách truyền nhiễm chính của dịch bệnh lần này.
Người Ý theo văn hoá lại là một trong những dân tộc chuộng đứng gần nhau hoặc thân thiết thì đứng sát vào nhau khi giao tiếp. Như vậy, yếu tố văn hoá giao tiếp đã vô tình khiến người Ý nhạy cảm hơn với dịch bệnh lần này.
EPA
Yếu tố chính trị và chính sách
#4. Lí do thứ tư lại thuộc về yếu tố chính trị và chính sách của chính phủ Ý, bao gồm trước và sau khi bùng dịch tại Lombardy. Ý là quốc gia đi đầu ở Châu Âu trong việc tham gia vào sáng kiến "vành đai - con đường" của Trung Quốc. Từ đó, họ đã nới lỏng chính sách nhập cư và xin VISA du lịch của người Trung Quốc từ năm 2014.
Quê hương của rất nhiều công trình cổ điển và là một trong những cái nôi văn hoá Tây Âu cũng là điểm đến yêu thích của khách du lịch Trung Quốc. Ý luôn nằm trong top các quốc gia khách du lịch Trung Quốc đến tham quan và chi nhiều tiền để mua sắm.
Bằng việc tích cực tham gia vào sáng kiến "vành đai - con đường", Ý đã mở rộng cửa cho nạn buôn người và nhập cư trái phép lao động Trung Quốc vào nước này, trở thành cửa ngõ đến Châu Âu cho nhiều người Trung Quốc. Từ 1995 đến 2011, cộng đồng người Hoa ở Ý tăng gấp 5 lần từ 60.000 lên 330.000 người. Lao động giá rẻ gốc Hoa là xương sống của ngành công nghiệp may mặc tại Ý và có mặt ở các tỉnh thành lớn như Florence, Turin, Naples và nhiều nhất là tại tâm dịch lần này, Milan của vùng Lombardy. Đường dây "buôn" lao động Trung Quốc là ngành béo bở của các tổ chức Mafia tại Ý, vốn đóng góp đến 14,6% GDP cho đất nước.
Khi đã bùng dịch, chính phủ Ý cũng lúng túng và không dứt khoát trong cách xử lý. Tại tâm dịch Lombardy, Ý cấm tụ tập nơi công cộng bao gồm các buổi đám cưới, đám ma, hoà nhạc, các hoạt động thể thao, vv…nhưng vẫn cho phép sân bay và ga tàu lửa hoạt động, các chuyến bay và chuyến tàu lửa vẫn đến và đi đúng giờ. Các quán cà phê được phép mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều nhưng giữa những chỗ ngồi phải có khoảng cách nhất định (?). Các biện pháp không rõ ràng của chính phủ Ý đã tiếp thêm dầu vào lửa và càng làm người dân hoang mang hơn.
Như vậy để dẫn đến sự bùng dịch lần này, yếu tố chính trị và quan hệ ngoại giao của Ý với Trung Quốc đóng vai trò không nhỏ. Tuy Ý đã ngưng các chuyến bay đến từ Trung Quốc, nhưng người Trung Quốc đã đến Ý từ trước và ngay cả sau khi lệnh này được ban hành qua một nước thứ ba.
EPA
Thủ đô Rome những ngày này vắng bóng người
Khí hậu
#5. Lí do cuối cùng để dịch bệnh bùng phát rất nhanh tại Ý là do khí hậu. Ý đang nằm trong dải nhiệt độ lí tưởng cho COVID-19. Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc, Corona Virus chủng mới rất nhạy cảm với nhiệt độ và lây lan tốt nhất ở môi trường 9 độ C. Ý vừa bước qua mùa Đông từ tháng 12 đến tháng 2 và đang có nhiệt độ trung bình từ 7 đến 14 độ C.
Cho dù giới khoa học vẫn còn nhiều tranh cãi về sự ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường đối với SARS-CoV-2, thì khi quan sát và đối chiếu tính hình dịch bệnh tại các nước ôn đới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Đức, vv… với các nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines ta có thể nhận thấy rằng Corona virus chủng mới không chuộng nhiệt độ môi trường cao.
Điều này là may mắn rất lớn cho hàng tỉ người vì nói chung các nước ở vùng nhiệt đới có trình độ và hạ tầng y tế không cao. Nếu dịch bệnh lần này không bị kềm chế bởi khí hậu nhiệt đới, có lẽ nhiều thảm hoạ y tế và khủng hoảng nhân đạo đã xảy ra tại các nước này.
Như vậy, 5 nguyên nhân chính dẫn đến bùng dịch tại Ý với tỷ lệ tử vong cao lần lượt là: Chính sách phòng dịch thụ động, Quá tải và thiếu chiều sâu hệ thống y tế, Văn hoá giao tiếp của người Ý, quan hệ chính trị của Ý đối với Trung Quốc và Khí hậu. Trong đó lí do thứ 2, 3, và 4 là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt nổi bật giữa tình hình dịch bệnh tại Ý và Đức.
Theo phân tích di truyền học, bên cạnh Trung Quốc thì biến thể của Corona virus tại Ý cũng xuất phát từ Đức, có nghĩa là có nguồn lây nhiễm từ Đức sang [18]. Thế nhưng trong khi Đức vẫn đang phần nào kiểm soát được dịch bệnh với 1307 ca nhiễm và 2 ca tử vong tính đến ngày 10/3, thì Ý đã rơi vào hỗn loạn.
Nhìn Ý, Việt Nam học được điều gì?
------------------------------------------
1. Số ca tử vong/ Tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc (54/7513), Tân Ban Nha (35/7512), Pháp (30/1412). Số liệu tính đến ngày 10/3 theo Worldometers.info
2. Theo BNO News và Hãng thông tấn Ý ANSA.
Vì trang web của BBC bị chặn ở một số nơi tại Việt Nam, thông tin trong bài này và các bài khác nhằm phục vụ công chúng lo ngại về Covid-19 có thể không đến được với đông đảo độc giả nên các bạn nhớ chia sẻ nội dung này qua mạng xã hội.
Nguồn: BBC Tiếng Việt