Vì sao Hà Nội hoảng loạn với ca nhiễm virus corona thứ 17? (Diễm Thi)

Sống dưới chế độ cộng sản nhiều năm, lại vừa chứng kiến tình cảnh của dân Vũ Hán dưới chế độ cộng sản đàn anh, nên không có gì lạ khi dân Hà Nội hoảng loạn khi biết tin có bệnh nhân dương tính với covid - 19.

Nhiều quan chức và gia đình giờ cũng đang như ngồi trên lữa, khi biết bệnh nhân số 21 là quan chức thuộc hội đồng lý luận đã tiếp xúc, họp hành với nhiều người.

Người dân đeo mặt nạ xếp hàng mua đồ dự trữ tại siêu thị ở Hà Nội, lo ngại về sự lây lan COVID-19. Ảnh chụp ngày 7 tháng 3 năm 2020.
Người dân đeo mặt nạ xếp hàng mua đồ dự trữ tại siêu thị ở Hà Nội, lo ngại về sự lây lan COVID-19. Ảnh chụp ngày 7 tháng 3 năm 2020. AFP


Dân hoảng loạn…

Khoảng 10 giờ đêm 6 tháng 3 năm 2020, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn cấp cho báo chí tham gia để thông tin về sự việc liên quan đến dịch bệnh. Cuộc họp đã công bố xác nhận bệnh nhân thứ 17 dương tính với virus corona. Người dân lập tức đi mua lương thực tích trữ, vét sạch các kệ hàng trong siêu thị ngay trong đêm gây tâm lý hoảng loạn trong dân chúng.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 700 điểm cầu toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19 hôm 25 tháng 2, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus corona trước đó đã được chữa khỏi. Ông Vũ Đức Đam phát biểu: “Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch”.

RFA thăm dò ý kiến của một vài người dân sống tại Hà Nội lúc bấy giờ thì đa số họ tin tưởng vào những gì chính phủ nói. Do vậy khi chính phủ đưa tin ca nhiễm thứ 17 mà theo họ có gì đó ‘bất thường’, người dân cảm thấy bất an và hoảng loạn.

Nhiều facebookers trước đây đưa thông tin về dịch bệnh này bị chính quyền mời làm việc, đóng phạt. Có thể nêu vài trường hợp cụ thể như chị Vũ Thị N.T ở Hải Phòng vào ngày 30 tháng 1 năm 2020 bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng với lý do ‘đăng tải thông tin sai sự thật’ về số người nhiễm virus corona ở địa phương. Hay facebooker Nhàn Lê hôm 29 tháng 1 năm 2020 bị phạt 12.500.000 đồng vì đưa tin Huế đã có một trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 9 tháng 3, Bộ Y Tế Việt Nam tiếp tục khuyến cáo cần cảnh giác với thông tin bị cho là ‘giả’ về dịch COVID-19.

Anh Nguyễn Văn Khánh, một cư dân Hà Nội cho hay tình hình Hà Nội những ngày qua:

“Bệnh dịch này nó mang tính chất toàn cầu nhưng ở Việt Nam thì thông tin đưa ra cho công chúng rất ít. Những thông tin từ mạng xã hội thì bị ngăn chặn gắt gao. Cho nên đến trường hợp cô thứ 17 thì gây ra sự hoảng loạng rất lớn ở Hà Nội. Em cho là rất tiêu cực khi người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ gây xáo trộn. Sáng nay thứ hai thì đường phố vắng tanh. Các hàng quán hầu như không mở.”

Anh Khánh giải thích thêm rằng, vì chính quyền quá tự tin hoặc quen thói dối trá về việc đã khống chế được dịch. Bây giờ ngay tại Thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của Việt Nam lại chính thức có người nhiễm. Người dân không tin chính quyền nên đã hoảng loạn đi mua thực phẩm dự trữ. Mặc dù chính phủ, thành phố vẫn tuyên bố trên truyền thông là không thiếu hàng, trấn an người dân nhưng vô nghĩa.

Là một cư dân Hà Nội, đồng thời là Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho hay, bà cũng lấy làm lạ khi người dân Hà Nội phản ứng bất thường như vậy khi nghe tin có ca nhiễm thứ 17. Nhưng theo bà thì hành động đó là do tâm lý mà ra, những bệnh nhân trước đây không được công khai nên tâm lý người Việt xưa nay coi đó là chuyện bên ngoài cửa nhà mình. Họ vẫn nghĩ những người đó từ Trung Quốc sang và họ biết để giữ khoảng cách. Nghĩa là họ biết nguồn gây bệnh. Thêm vào đó họ vẫn tin vào những gì nhà nước nói là không chế được dịch.

Đến ca thứ 17, nhà nước công khai mọi thứ trên truyền thông thì người dân giật mình. Họ thấy không còn xa lạ nữa mà nó ngay cửa nhà mình thì tâm lý họ hoảng sợ là đúng.

Khi chính quyền công khai?

Chuyện chính quyền công khai ca nhiễm thứ 17 trên truyền thông một cách nhanh chóng và ồ ạt, khác hẳn với 16 ca trước đó khiến người dân đặt nhiều câu hỏi. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng những ca trước đây xuất phát từ Trung Quốc nên chính quyền im lặng, bây giờ ca thứ 17 rõ ràng xuất phát từ châu Âu nên đây là dịp để bày tỏ sự nể mặt Trung Quốc. Lý do hai, có thể chính chính quyền cũng hoảng loạn khi chuyến bay của bệnh nhân thứ 17 có mặt vài quan chức cao cấp.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định:

“Tâm lý của người Việt Nam rất phức tạp. về mặt tiềm thức thì người ta cũng không tin nhà nước. Không tin chuyện có 16 ca chữa khỏi cả 16. Cả hệ thống cứ úp úp mở mở không chính thống đưa tin cho nên người ta nửa tin nửa ngờ.

Lần này cả hệ thống tập trung vào đưa tin rầm rộ cho nên người dân rất sợ. Trong thâm tâm lâu nay họ đã không tin. Bây giờ chính thức công bố thì họ dựa luôn vào những trường hợp trước đây thành ra nó bùng nổ tâm lý.”

Trên facebook cá nhân của mình, nhà báo Phạm Đoan Trang có bài viết ngắn phân tích việc vì sao Việt Nam tiếp nhận 16 ca nhiễm virus corona một cách bình thản mà đến ca thứ 17 lại loạn lên, tổ chức họp khẩn cấp lúc 10h đêm với kết luận:

“Việc chửi rủa bệnh nhân số 17, chạy trốn khỏi khu vực bị cách ly hay sôi sục càn quét siêu thị để vét hàng ngay trong đêm công bố ca bệnh thứ 17, suy cho cùng, về bản chất đều có điểm chung: Đó là hậu quả của cơn say chiến thắng, tô hồng thực tế từ nhiều ngày trước đó.

Nếu không ngấm cái men say ấy, không lên đồng cùng thơ ca hò vè ca ngợi chính phủ, không “đặt trọn niềm tin” vào một nhà nước chưa bao giờ “của dân do dân vì dân”, mà chuẩn bị tinh thần ngay từ đầu cho việc dịch bệnh có thể bùng phát ở Việt Nam bất cứ lúc nào, thì người ta đã có thể đón nhận tin về ca bệnh số 17 một cách bình thản như với tất cả các ca trước.”