“Tréo ngoe” việc Bộ Y tế kêu gọi các nhà thuốc phát miễn phí khẩu trang cho dân! (RFA Tiếng Việt)
Phát khẩu trang miễn phí là việc thiện nguyện. Thật buồn cười khi bộ y tế lại kêu gọi các cơ sở kinh doanh vì mục đích lợi nhuận phát khẩu trang miễn phí. Chắc bộ y tế không biết phải làm gì trong thời điểm này nên ra lời kêu gọi chỉ để thể hiện bộ cũng có trách nhiệm chăng ?!
Hình minh họa. Một quán bán nước phát khẩu trang y tế miễn phí trong dịch virus Corona. Courtesy of FB Dương Đại Triều Lâm
Nhà nước đi sau người dân!
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế hôm 5/2 cho báo chí biết bộ này kêu gọi, khuyến khích khoảng 50.000 -70.000 các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ trong cả nước cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng lây nhiễm nCoV.
Theo vị Phó Cục trưởng Cục quản lý dược, các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ hãy vì ‘hình ảnh của nhà thuốc mình, của ngành dược, cùng chung tay với toàn thể các ngành, các cấp, xứng đáng là những tuyên truyền viên, không chỉ cấp phát hoặc bán đúng giá mà còn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách đeo khẩu trang đúng theo khuyến cáo của ngành y tế’.
Trước đó, trên báo chí cũng như mạng xã hội, rất nhiều hình ảnh các bạn trẻ, một số nhà thuốc, các nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã bỏ tiền túi mua khẩu trang phát miễn phí cho người dân phòng chống virus corona.
Linh mục Đặng Hữu Nam, Chánh xứ Mỹ Khánh, Giáo phận Vinh, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác thiện nguyện nhận xét với RFA hôm 5/2/2020:
“Bây giờ trong đại dịch corona này, chúng ta có thể thấy có những người dân sẵng sàn bỏ tiền túi mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho người dân, bất kỳ ai cũng có thể lấy được. Ngoài ra cũng có thể thấy các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng có những hành động như thế, chẳng hạn như cảnh sát giao thông cũng có vài lần làm như vậy, nhưng theo tôi đó là làm để quay phim chụp hình. Điều đó người dân cũng có thể thấy, đó là khác biệt lớn nhất trong tất cả các vấn đề chứ không chỉ vấn đề phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân trong dịch virus corana này.”
Dân không tin chính quyền
Vì sao người dân hay các nhóm thiện nguyện, chỉ thích tự mình làm thiện nguyện mà không qua chính phủ mặc dù có thể gặp khó khăn, gây cản trở? Linh mục Đặng Hữu Nam giải thích thêm:
“Ở Việt Nam bấy lâu nay, những người làm thiện nguyện không qua chính phủ thì rất khó khăn, kể cả những người trong quốc nội cũng gặp khó khăn, thậm chí người ta gây cản trở, không cho làm. Nhưng người dân không thích qua chính phủ vì có thể không đến được tay những người cần giúp đỡ, hoặc đến với số lượng ít ỏi so với sự thật… Vì vậy các tổ chức và người dân không thích làm như vậy.”
Người dân lo ngại quà từ thiện không đến được tay người khó khăn không phải là vô lý. Trước đây, dư luận Việt Nam từng bày tỏ bất bình trước tin cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội đã tuồn hàng từ thiện bán ra ngoài. Hay vụ Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phát hiện một số cán bộ sở này làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn một tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên cho Quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo.
Một nhân viên tại Hà Nội hướng dẫn đeo khẩu trang cho người dân (Ảnh minh họa) AFP
Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, người sáng lập Hội từ thiện “Bác Ái”, khi trả lời RFA cho biết kinh nghiệm làm từ thiện tại Việt Nam của Bà:
“Quà từ thiện hay viện trợ từ nước ngoài gửi về trong nước thì không bao giờ đến được tay người dân. Khi trao được đến tận tay người dân thì phải chia hết khoảng một nửa cho chính quyền địa phương. Lúc trước khi vùng núi phía Bắc bị nạn rét, chúng tôi gửi áo ấm về cho trẻ em nơi đó, nhưng thùng hàng cứu trợ đó bị chặn lại ở cảng Hải Phòng. Cơ quan chức năng trả lời là thùng hàng đó đã bị bể nên không thể đưa người dân vùng núi được. Sau đó mình hỏi hoài nhưng họ không trả lời nữa. Vậy thùng đồ đó hiện đang ở đâu không ai biết.”
Chính phủ lo chuyện ‘bao đồng’?
Trở lại với việc Bộ Y tế Việt Nam kêu gọi các nhà thuốc phát miễn phí khẩu trang cho dân, trong khi trước đó vào ngày 31/1/2020, Chính phủ Việt Nam cho biết đã quyết định viện trợ hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng nửa triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc đối phó với dịch cúm do virus corona gây ra.
Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam trong thời điểm đó cũng đã vận động viện trợ hàng hóa cho Trung Quốc trị giá khoảng 100 ngàn USD. Ngoài ra theo cổng thông tin chính phủ, 7 tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc cũng được chỉ đạo ‘có các hình thức hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước’.
Liên quan thông tin này, Linh mục Đặng Hữu Nam, nhận định:
“Đây là việc chính của nhà cầm quyền, phải lo cho việc an sinh của dân, đó là lẽ đương nhiên, mới xứng đáng là một chính phủ. Bây giờ khi nhà nước làm không được, hay chính quyền làm không nổi, kêu gọi người dân hay những nhà thuốc… thì việc đó cũng là tốt. Nhưng ở đây, quả thật, số lượng và kinh phí không phải là nhiều (đối với ngân sách chính phủ). Ngoài ra chúng ta còn thấy một điều khuất tất, hay ngược đời, đó là so với lẽ thường thì khi thảm họa xảy ra thì cả thế giới chung tay giúp đỡ chứ không chỉ một mình trong đất nước đó, nhưng ở đây là chưa lo cho người dân thì đã lo cho người ngoài?
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, chính phủ Việt Nam sẵn sàng viện trợ cho Trung Quốc nửa triệu đô la chống dịch corona, nhưng trong khi đó, người ta vẫn thừa nhận Hà Nội không đủ áo bảo hộ cho những chống dịch hay phục vụ nạn nhân, đó là điều bất cập.
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, một người dân ở quận Tân Bình, Sài Gòn, hôm 5/2 cho RFA biết ý kiến của mình về việc chính phủ kêu gọi nhà thuốc phát khẩu trang miễn phí cho dân:
“Chị thấy nhà thuốc phát chút xíu là hết liền, làm sao mà đủ cho mọi người… cả bao nhiêu nhà thuốc mà chị đi vòng vòng có nhà thuốc nào có khẩu trang đâu? Chị vô siêu thị cũng không có khẩu trang… Nhà nước mới có tiền, chứ làm sao nhà thuốc tây có tiền mà phát khẩu trang miễn phí… nếu có thì người ta chỉ phát tượng trưng vài chục cái để chụp hình hay làm phỏng vấn thôi. Nhà nước đã như thế mà không làm thì làm sao dân có tiền mà làm, dân ở đây đa số là nghèo mà.”
Mấy ngày qua, trước tình trạng dịch nCoV bùng phát mạnh tại Trung Quốc và lây nhiễm đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, nhiều nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc đã tăng giá bán khẩu trang lên cao gấp 10 lần, có nơi tăng gấp 16 lần như một số nhà thuốc tại Hà Nội, Hải Phòng, đẩy giá bán 10 chiếc khẩu trang lên giá 400-500 ngàn đồng. Những nhà thuốc này sau đó đã bị phạt lên đến 30 triệu đồng, thậm chí bị niêm phong cửa hàng.
Linh mục Đặng Hữu Nam đưa thêm ví dụ, không chỉ cá nhân mà cả nhà nước cũng trục lợi trong thảm họa:
“Chúng ta cũng biết, trong những ngày đầu, bộ y tế Việt Nam có đưa ra một đường dây nóng, để ai quan tâm muốn tìm hiểu về dịch corona này, đáng lẽ đây là sự phục vụ của chính phủ thì người ta lại lấy giá cước rất cao. Chẳng hạn muốn gọi vô đường dây nóng đó để hỏi về tình hình, hay diễn tiến, hay về bệnh, về virus, thì mỗi phút nếu gọi từ Việt Nam phải trả đến năm ngàn đồng. Điều đó là quái lạ so với cách thông thường của con người, tình người phải được thể hiện trong thảm họa.”
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, những ngày này, chẳng hạn tại Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên sự tréo ngoe, không chỉ thảm họa của chủng virus, thảm họa của bên ngoài, mà là thảm họa của tâm hồn con người. Ông so sánh cho rằng, virus corana này không nguy hiểm bằng virus dacosa (đảng cộng sản), vì một thể chế vô thần, một chủ thuyết tam vô, nó làm cho con người mất đi tính người và mất đi tình người, nên con người sống với nhau như ‘lang sói’, lợi dụng lẫn nhau, làm giàu trên xương máu của kẻ khác.
Nguồn: RFA Tiếng Việt