Cách ly du thuyền Diamond Princess để chặn virus corona: Một thảm họa ? (Mai Vân)

Bài học rút ra cho nước Nhật và thế giới từ vụ tàu du lịch Diamond Princess là không thể sử dụng một con tàu có người bị nhiễm bệnh truyền nhiễm như covid - 19 làm khu cách ly.

21/02/2020 - 16:51
Du thuyền  Diamond Princess ở cảng Yokohama, Nhật Bản. Ảnh ngày 21/02/2020.
Du thuyền Diamond Princess ở cảng Yokohama, Nhật Bản. Ảnh ngày 21/02/2020. REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Điều mà nhiều người lo ngại đã xẩy ra. Vào hôm qua, 20/02/2020, hai trường hợp tử vong đầu tiên đã được ghi nhận trong số hành khách bị nhiễm virus corona (Covid-19) trên chiếc du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly vì dịch bệnh ở cảng Yokohama (Nhật Bản). Hai cái chết trên đây là bề nổi của một thảm trạng diễn ra đối với cả ngàn người bị cô lập trên tàu, với số ca lây nhiễm virus tăng đều mỗi ngày như thể không có gì ngăn cản nổi.

Theo số liệu tính đến cuối ngày hôm qua, 20/02, trên tổng số 3700 người trên chiếc du thuyền, đã có đến 634 ca bị xét nghiệm dương tính với virus corona, một con số không ngừng gia tăng từ khi con tàu bị cách ly ở cảng Nhật Bản ngày 04/02.
Từ một ca duy nhất của một hành khách Hồng Kông chỉ ở trên tàu có 5 hôm, đã rời tàu hôm 25/01 ở Hồng Kông, nhưng sau đó đã bị xét nghiệm dương tính với virus Covid-19 hôm 01/02, đến ngày 04/02, đã có thêm 10 người bị phát hiện nhiễm virus, dẫn đến quyết định cách ly con tàu ở cảng Yokohama trong khoảng thời gian 14 ngày.

Vấn đề là trong thời gian cách ly, số người bị xét nghiệm dương tính cứ mỗi ngày mỗi tăng, vượt mức 100 người hôm 10/02, 200 người hôm 13/02, rồi 300 người hôm 17/02, 400 người một hôm sau, để vượt ngưỡng 600 – chính xác là 621– hôm 19/02, tức là ngày hết thời hạn cách ly.

Sai lầm nghiêm trọng

Tình trạng lây nhiễm mạnh và nhanh của virus corona trên du thuyền Diamond Princess đã làm dấy lên nghi vấn về tính chất hữu hiệu của biện pháp cách ly, và cô lập con tàu như chính phủ Nhật Bản đã làm.

Đối với một số chuyên gia y tế, biện pháp cách ly người trên chiếc tàu là “một thất bại chưa từng thấy”. Trên nhật báo Mỹ New York Times, một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm ở Tokyo đã đánh giá là việc cô lập số 3.700 người vừa hành khách, vừa thủy thủ đoàn và nhân viên phục vụ trên du thuyền là một sai lầm nghiêm trọng.

Đánh giá kể trên rất khó phản bác nếu ta nhìn vào số người bị lây nhiễm ngày càng nhiều trên con tàu bị cô lập, đó là chưa kể đến hai ca tử vong vừa được ghi nhận hôm qua.

Trong thực tế, chiếc Diamond Princess đã trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc, và các chuyên gia vẫn đang cố tìm hiểu là do đâu mà virus Covid-19 đã có thể lây lan một cách nhanh chóng và dễ dàng như thế trong cộng đồng bị cô lập trên tàu.

Thực hiện cách ly không đúng

Bị chỉ trích nhiều nhất là việc quản lý trên tàu. Trả lời hãng tin Mỹ AP, bác sĩ Paul Hunter, giáo sư đại học y khoa East Anglia, Anh Quốc, đã cho rằng “có lẽ người sống trên tàu không bị cô lập với nhau một cách đúng đắn như chúng ta nghĩ”.

Bác sĩ Clare Wenham, trả lời nhật báo Anh The Guardian cũng nêu bật một số sai sót trong những điều kiện cách ly, vừa “không đáng tin cậy”, vừa “phản tác dụng”. Đối với vị giáo sư về chính sách y tế thế giới, ở trường London School of Economics, thì chiếc tàu đã trở thành một nơi ủ bệnh. Việc tổ chức thiếu nghiêm túc đến nỗi mà ngay trong giới y tế Nhật Bản, 3 người phụ trách cách thức cách ly trên tàu cũng đã bị nhiễm virus.

Theo bác sĩ Nathalie MacDermott, chuyên gia về dịch tễ ở King’s College, Luân Đôn, việc cách ly đã không được thực hiện đúng. Trả lời AP, bà cho là chủ trương cách ly hoàn toàn có thể có kết quả, nhưng vấn đề là các lãnh đạo đã thiếu những thông tin cần thiết.

Bà nói, có thể có một phương cách lây nhiễm mà chúng ta không biết, ví dụ qua những đường ống thông hơi trên tàu. Vị bác sĩ này còn nhấn mạnh là cần tìm hiểu thêm là những biện pháp được thực hiện như thế nào trên tàu, cách lọc không khí ra sao. Con tàu cần được khử trùng kỹ lưỡng trước khi dùng làm nơi cách ly, điều không thể thực hiện với hàng ngàn người trên tàu.

Trả lời tờ New York Times, bác sĩ Eiji Kusumi, nói thẳng thừng: “Bài học duy nhất rút ra từ sự kiện này là không thể tiến hành cách ly trên một chiếc tàu”. Một số chuyên gia khác, cũng cùng quan điểm, cho là đáng lý ra hành khách phải được đưa lên bờ để cách ly.

Ông Arthur Caplan, giáo sư về đạo đức sinh học ở Đại Học Y Khoa New York cho rằng “ai cũng biết tàu là nơi ủ virus”.

Quản lý kém

Ngoài vấn đề phương pháp không hiệu nghiêm, cách quản lý của Nhật Bản cũng bị chỉ trích nghiêm khắc vì đã biến chiếc tàu thành “một nhà tù trên biển”.

Ông Mark Eccleston, giáo sư luật ở Đại học Keele, chỉ trích vấn đề thiếu tôn trọng quyền con người và nhắc lại là giới hạn các quyền tự do nhân danh sức khỏe công cộng thì phải đáp ứng một số đòi hỏi để được xem là hợp pháp và chính đáng.

Trong trường hợp chiếc du thuyền Diamond Princess, ông Eccleston nhấn mạnh trên tình trạng phân biệt đối xử trong việc cô lập: người thì có được bao lơn để hít thở, người bị “nhốt” trong những cabin một chục mét vuông, chỉ được khuây khỏa với một khoảng thời gian đi dạo trên boong tàu hàng ngày. Họ đã phải chịu cảnh khổ ải vì các quan chức Nhật quyết định đó là để phòng chống Covid-19, một mục tiêu coi như bất thành vì 15% người trên tàu đã bị bệnh.

Phải kéo dài cách ly

Trên nguyên tắc, 19/02 là ngày hết thời hạn cách ly, và trong một đợt đầu tiên, 500 hành khách được xét nghiêm âm tính với virus đã được ròi tàu. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng chưa thể chấm dứt hoàn toàn việc cách ly.

Trả lời tờ báo Mỹ Huffpost, bà Anne Gofar, giáo sư về vi trùng học ở Đại Học Lille, miền bắc Pháp, giải thích, nếu theo đúng quy định nghiêm ngặt của việc cách ly thì không thể bãi bỏ biện pháp này khi mà vẫn còn những ca nhiễm mới.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO thì cách ly chỉ kéo dài đối với những người đã có tiếp xúc gần với những ca phản ứng dương ghi nhận vào ngày cuối này. Những người đó sẽ phải bị cách ly thêm 14 ngày nữa, kể từ ngày họ tiếp xúc với người có phản ứng dương tính.

Đây chính là vấn đề đặt ra đối với những người đã được rời tàu Diamond Princess để lên bờ. Theo báo chí Úc vào hôm nay, chính quyền Canberra vừa xác nhận hai ca lây nhiễm virus corona trong số 160 hành khách Úc trên con tàu vừa được hồi hương.