Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Libya giúp chính phủ Tripoli (Anh Vũ)
Trong cuộc cách mạng " mùa xuân Arap " Libya là nước chấm dứt chế độ độc tài bằng con đường bạo lực. Và, giờ đây, Libya đang chìm trong bạo lực với nguy cơ tan vỡ do các phe phái không tìm được đồng thuận chung, nên phải dựa vào thế lực bên ngoài. Kinh nghiệm cho thấy đấu tranh chống độc tài bằng con đường bạo lực chỉ đưa tới chia rẽ và rất khó xây dựng dân chủ sau đó.
Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành con ngựa bất kham trong khối NATO, nếu kế hoạch đưa quân vào Libya được thực hiện, các nước trong khối NATO cũng như khối Arap sẽ có phản ứng mạnh.
02/01/2020 - 13:05
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan REUTERS/Denis Balibouse
Hôm nay, 02/01/2020, Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thảo luận để thông qua nghị quyết cho phép triển khai quân đội sang Libya.
Đây là bước tiếp theo, sau thỏa thuận quân sự được tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký với thủ tướng Libya Fayez El-Sarraj hồi cuối tháng 11/2019 nhằm tăng cường ủng hộ chính phủ tại Tripoli đối phó với cuộc tấn công của thống chế Khalifa Hafta, đang kiểm soát phần đông của Libya và được nhiều nước phương Tây cũng như Ả Rập hậu thuẫn.
Thông tín viên RFI tại Istanbul, Anne Andlauer tường trình :
Nghị quyết đưa ra thảo luận để bỏ phiếu tại Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay đã mô tả cuộc tấn công chống chính phủ đoàn kết dân tộc Libya ở thủ đô Tripoli là mối đe dọa các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng Địa Trung Hải và Bắc Phi.
Cũng vì lý do đó mà tổng thống Recep Tayyip Erdogan biện minh trước người dân Thổ về ý định triển khai quân tại Libya, trên bộ, trên biển và trên không nếu cần thiết, theo nguyên văn lời của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Libya là thách thức tầm khu vực. Không có chuyện bỏ trận địa về quân sự cũng như ngoại giao cho những nước mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là đối thủ và những nước chọn ủng hộ lực lượng của Khalifa Haftar. Nêu tên các nước như Ai Cập và nhất là Ả Rập Xê Út, cách đây ít hôm, ông Erdogan nói : Họ đến Libya để làm cái gì ?.
Việc vươn rộng sức mạnh Thổ Nhĩ Kỳ ra bên ngoài còn nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược lớn. Ankara lẽ ra sẽ không bao giờ ký được thỏa thuận hợp tác quân sự với chính phủ hiện nay tại Tripoli, nếu chính phủ này không đồng ý ký cùng lúc một thỏa thuận về hàng hải.
Hiệp định đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền lợi trong một vùng rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải, nơi có nguồn dầu khí dồi dào nhưng đang có tranh chấp với các nước Hy Lạp, Ai Cập, Chypre và Israel.
Nguồn: RFI Tiếng Việt