2020 : Một năm đầy rủi ro cho tổng thống Pháp Macron (Minh Anh)

Năm 2019 là một năm đầy vất vả của tổng thống Pháp Macron, với những cuộc biểu tình của phe áo vàng làm tê liệt nước Pháp. Năm 2020, ông và đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông có thể sẽ còn vất vả hơn vì đảng vẫn chưa có cơ sở quần chúng ở địa phương khi cuộc bầu cử cận kề.

01/01/2020 - 15:00
Biểu tình chống cải cách hưu trí tại Paris, ngày 28/12/2019.
Biểu tình chống cải cách hưu trí tại Paris, ngày 28/12/2019. REUTERS/Benoit Tessier

Ngày 31/12/2019 đã khép lại một năm đầy biến động xã hội tại nước Pháp. Thế nhưng, theo giới quan sát, năm 2020 này sẽ là một năm vất vả cho chủ nhân điện Elysée.

Trước hết là tình hình chính trị trong nước, bắt đầu với hồ sơ cải cách hưu bổng. Việc nguyên thủ Pháp có những lời lẽ cứng rắn trong bài phát biểu, nhấn mạnh đến quyết tâm thực hiện cải cách hưu bổng đã cho thấy rõ quan điểm không thay đổi của ông trong hồ sơ gai góc này.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay, kéo dài từ 28 ngày qua với các cuộc đình công trong ngành chuyên chở công cộng ? Nguyên thủ Pháp hy vọng có thể kết thúc các cuộc thương lượng với các nghiệp đoàn trong tháng Giêng này để có thể đưa dự luật ra thảo luận tại Quốc Hội trong tháng Hai năm 2020.

Cái giá phải trả cho cuộc đọ sức giữa chính phủ và các nghiệp đoàn trong gần một tháng qua khá là lớn (công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF thiệt hại gần nửa tỷ euro, ngành du lịch và kinh doanh bán lẻ bị thất thu mùa Noel). Đối với chính phủ Pháp, trước triển vọng dân số lão hóa, cải cách hưu bổng là cần thiết. Do vậy, mọi sự nhượng bộ của chính phủ sẽ chẳng khác gì với việc đổ thêm tiền vào một chiếc giếng không đáy mới.

Do vậy, theo nhận định của tờ báo Anh The Spectator tại Luân Đôn, được Courrier International trích dẫn lại điều này sẽ dẫn đến hệ quả kinh tế thứ hai cho tổng thống Macron : Tình hình tài chính nước Pháp đang trong tình trạng báo động đỏ. Thâm hụt ngân sách của Pháp từ nhiều năm qua đã vượt mức trần 3% do Liên Hiệp Châu Âu ấn định.

Cuộc khủng hoảng « Áo Vàng » đã làm cho Pháp tiêu tốn thêm 17 tỷ euro. Với mức tỷ lệ thất nghiệp là 8,6%, thâm thủng ngân sách của Pháp một lần nữa đã vượt ngưỡng 3% của GDP. Thế nhưng, rủi ro khủng hoảng xã hội lây lan sang các lĩnh vực khác là rất lớn. Nhiều lĩnh vực khác như ngành Y Tế, Giáo Dục hay Nông Nghiệp… cũng bắt đầu sôi sục trong thời gian qua. Phong trào « Áo Vàng » tuy không còn rầm rộ như trước, nhưng vẫn « âm ỉ » chờ thời.

Trấn an và bảo đảm phúc lợi của người dân nhưng không làm tăng thêm gánh nợ cho ngân sách không phải là một phương trình dễ giải quyết. Bruxelles gần đây đã hối thúc Paris phải có những biện pháp điều chỉnh. Trong khi đó, nợ công của Pháp lần thứ hai trong lịch sử đương đại là 100% GDP trong tháng 12/2019. Tất cả những yếu tố này đang làm suy yếu hơn nữa vị thế tổng thống Macron vào lúc ông muốn đi đầu trong phong trào cải cách châu Âu được khởi xướng cách nay gần một năm.

Sau cùng là cuộc bầu cử địa phương vào tháng Ba năm 2020. Bất ngờ xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, nhưng đảng Những người Cộng hòa Tiến bước LREM của ông Macron lại không có một cơ sở địa phương nào. Làm thế nào thuyết phục được lòng dân trong bối cảnh niềm tin của dân chúng vào các chính sách của đảng cầm quyền đang bị lung lay ? Bởi vì việc có được những cơ sở địa phương sẽ là bàn đạp vững chắc cho ông Macron tiến bước trong những cuộc bầu cử khác mà mục tiêu trước hết là cuộc bầu cử tổng thống 2022.

Tuy nhiên, đảng LREM cầm quyền cũng có nguy cơ hứng lấy một thất bại cay đắng trong khi đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen đang tìm cách củng cố vị thế đảng chính trị hàng đầu tại Pháp. Phải chăng, trong bối cảnh này, những lời lẽ khá cứng rắn trong bài phát biểu chúc Tết khác với giọng điệu hòa dịu năm rồi cũng là cách để nguyên thủ Pháp khẳng định ông chấp nhận đương đầu với những rủi ro trên ?