Từ cái chết của ông Đào Quang Thực nhìn lại trách nhiệm của trại giam (Diễm Thi)
Cố trung tướng Trần Độ, một công thần của chế độ cộng sản Việt Nam từng nói rằng : "Nhà tù đế quốc thực dân mà như nhà tù cộng sản thì chúng tôi không ai sống sót trở về".
Cái chết của thầy giáo, tù nhân chính trị Đào Quang Thực trong tù làm dày thêm một trang tội ác của chế độ cộng sản Việt Nam. Lịch sử sẽ lưu lại.
Một trại giam ở Hà Nội. Minh họa. Reuters
Bàng hoàng nhưng không bất ngờ
Tù nhân chính trị Đào Quang Thực, người đang phải thụ án 13 năm tù giam với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vừa qua đời sáng ngày 10 tháng 12 năm 2019 với lý do được đưa ra là xuất huyết não và viêm phổi. Gia đình không được mang xác về mà phải mai táng trong trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người thực hiện chiến dịch cho tổ chức Ân xá Quốc tế ở hai nước Campuchia và Việt Nam bày tỏ sự đau buồn và bàng hoàng về cái chết này và khẳng định việc không cho người nhà nhận thi thể là việc làm trái đạo đức không thể chấp nhận được. Ông nói:
“Chúng tôi cũng nhận được tin là hiện nay gia đình đang cố gắng nhận lại thi thể của tù nhân lương tâm Đào Quang Thực và mong muốn an táng ông ở quê nhà. Tuy nhiên trại giam nhất quyết không đồng ý và muốn chôn cất ông tại trong trại giam, theo chúng tôi đây là việc làm hết sức trái đạo đức và nó trái với cả đạo đức không chỉ của người Việt Nam mà còn là đối với bất cứ một nền đạo đức nào khác trên thế giới. Điều đó là điều không thể chấp nhận được!”
RFA trò chuyện với một vài thân nhân người tù cũng như chính những người tù bị kết án theo những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia của Việt Nam, thì hầu như họ không bất ngờ về những cái chết như trường hợp ông Thực. Họ bàng hoàng và càng thêm lo lắng, bởi theo họ, chính ban quản giáo nhà tù là một trong những nguyên nhân đưa đến những cái chết tức tưởi cho người tù.
Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc từng thụ án 3 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, chia sẻ cảm xúc của ông:
“Tôi không hề ngạc nhiên mà tôi chỉ bàng hoàng khi nghe tin thầy giáo Đào Quang Thực vừa chết tại trại giam tỉnh Nghệ An. Những người đi tù như chúng tôi mới thấm thía và mới cảm thấy rất là đau đớn và bàng hoàng khi hay tin bạn tù mình chết.”
Bà Bùi Thị Rề, vợ ông Nguyễn Văn Túc, thành viên Hội Anh em Dân chủ, bị tuyên án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam nói với RFA:
“Từ lúc nghe tin anh Đào Quang Thực chết trong tù là tôi lo lắm vì chồng tôi cũng cùng trại với anh Thực, chỉ khác buồng giam thôi. Lần nào lên thăm anh Túc cũng nói lần này lên gặp anh chứ lần sau có khi vợ chồng anh em lại không gặp được nhau.”
Trường hợp ông Đào Quang Thực không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2019 đã có hai trường hợp tù chính trị chết khi bị giam. Trường hợp thứ nhất là cái chết của ông Đoàn Đình Nam vào tháng 10 năm 2019. Ông Nam bị tuyên án 16 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam cũ trong một phiên tòa hồi năm 2013 tại Phú Yên.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền (Defend the Defenders) lên tiếng với RFA rằng chuyện này không lạ ở Việt Nam, một đất nước mà theo ông đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ông nói:
“Tôi nghĩ những người tù nhân lương tâm ở Việt Nam không được sự chăm sóc y tế đầy đủ và bị đối xử nghiệt ngã, hà khắc trong tù, chẳng hạn như vệ sinh kém, thức ăn thức uống không đảm bảo… Do đó những người tù bị suy giảm sức khỏe.”
Trại giam phớt lờ yêu cầu của tù nhân
Thầy giáo Đào Quang Thực tại phiên tòa hôm 19/9/2018 Photo: cand
Với những cái chết của những tù nhân lương tâm những năm qua vì bệnh, không khó để nhận thấy trách nhiệm một phần lớn thuộc về những quản giáo, giám thị trại giam mà trường hợp ông Đoàn Đình Nam là một ví dụ. Sau 7 năm thụ án, ông Đoàn Đình Nam bị suy thận nặng và gia đình đã xin cho ông được tạm hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh. Tuy nhiên, phía trại giam đã khước từ.
Bà Bùi Thị Rề cũng lên tiếng với RFA về trường hợp của chồng bà, ông Nguyễn Văn Túc:
“Anh Túc nhiều bệnh lắm. Anh ấy có xin trại giam cho đi chữa bệnh nhưng nó không cho anh ấy đi. Mình biết làm thế nào được, nhà cứ gửi thuốc vào thôi (thuốc trĩ, tim mạch, cao huyết áp).
Nhà chỉ biết gửi thuốc chứ trong đấy thì không biết thế nào vì anh Túc lại ở chung với người tù án ma túy, nó hành hạ anh ấy khổ lắm.”
Thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung, từng ngồi tù hơn 4 năm với cáo buộc “Âm mưu lật đổ chính quyền”, cho hay, theo anh được biết thì khi tù nhân có bệnh phải được chữa trị chứ không thể bị từ chối. Tất nhiên những tù nhân chính trị thường bị gặp khó khăn trong những việc như thế này. Anh nói thêm về kinh nghiệm của mình:
“Theo kinh nghiệm của tôi khi ở trong tù thì nếu bị bệnh nhẹ sẽ báo y tá của trại thì y tá sẽ cho thuốc. Nếu bệnh nặng thì trước hết cũng phải kêu y tá. Y tá sẽ làm đơn đưa lên cho giám thị trại giam đồng ý cho ra bệnh viện bên ngoài chạy chữa.
Việc ra bệnh viện bên ngoài theo kinh nghiệm của tôi là tốn khá nhiều thời gian, nên tốt nhất trong thời gian ở tù phải giữ sức khỏe cho tốt, tập thể dục, ăn uống đầy đủ chứ đừng phá sức khỏe của mình.”
Ông Nguyễn Đình Ngọc kể với RFA câu chuyện mà chính ông chứng kiến, kêu gọi và đòi hỏi quyền lợi cho bạn tù cùng trại là ông Phạm Xuân Thân, người nhận án chung thân vì một vụ án chính trị trước đó. Suốt một tuần lễ, cứ vào giờ sáng nhận cơm, ông Ngọc lại đứng trước cửa phòng giam kêu gọi đưa ông Thân đi chữa bệnh vì ông Thân bị khớp, bị viêm xoang…nhưng quản giáo phớt lờ coi như không có. Ông ví họ đang thực hiện chính sách “ba không” với những tù nhân như ông: Không nghe, không thấy, không biết. Ông kết luận:
“Điều trước tiên tôi phải nói là quyền con người trong xã hội ngày nay hầu như không đáng kể. Riêng đối với những người tù chúng tôi, tức những người tù bị khép vào tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì mạng người còn rẻ rúng hơn so với tất cả các loại tù thường phạm khác.”
Theo NOW! Campaign, một sáng kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, tính đến tháng 4 năm 2019, Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự, bao gồm 221 người đã bị kết án, đa số bị kết tội với những tội danh nguỵ tạo như tuyên truyền chống lại nhà nước, lật đổ chế độ và phá hoại việc thực thi các chính sách đoàn kết dân tộc; và 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử.
Ông Vũ Quốc Ngữ nhận định:
“Họ đang vi phạm công ước quốc tế về chống tra tấn và đối xử tàn bạo. Nó là mối lo ngại rất lớn của chúng tôi, của những người hoạt động nhân quyền. Việc tra tấn và đối xử hà khắc trong tù rất phổ biến, đặc biệt với tù nhân lương tâm.”
Việt Nam hiện là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.
Nguồn: RFA Tiếng Việt