Nhìn lại năm 2019! (Trần Hùng)
Chúng ta phải đi xa hơn
nữa về đồng thuận đấu tranh có tổ chức. Để có một cuộc cách mạng dân chủ thành
công chúng ta cần một tổ chức chính trị mạnh, và việc xây dựng nên một tổ chức
chính trị mạnh là một hành trình rất khó khăn do đó phải được xuất phát từ một
tư tưởng chính trị - thứ mà dân tộc ta rất thiếu hụt, cùng với những cố gắng bền
bỉ và liên tục trong nhiều thập kỷ. Hiện tại, dân chủ đã tới rất gần, đã quá muộn
để bắt đầu từ con số 0. Chúng ta phải tiến nhanh tới một đồng thuận rằng cần ủng
hộ và đóng góp cho một tổ chức nghiêm chỉnh có sẵn hơn là bỏ thời giờ và công sức
để thành lập những tổ chức mới. (Trần Hùng)
Vậy là một năm nữa lại
sắp trôi qua, một năm đầy biến động và thử thách nhưng cũng tràn đầy những tín
hiệu lạc quan. Đã tới lúc chúng ta cùng nhau nhìn lại năm 2019, để cùng điểm lại
những gì đã xảy ra và, quan trọng hơn, để nhận diện những thử thách và hi vọng
đang chờ đợi đất nước trong những năm tới.
Khuynh
hướng “bỏ Tàu theo Mỹ" được xác nhận một cách rõ ràng
Cuối năm 2017 Việt Nam
đã bỏ chạy khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực nếu không dừng dự án thăm dò dầu
khí của hãng Repsol tại bãi Tư Chính, dù bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng
biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tình hình đã thay đổi hẳn vào năm 2019,
cũng tại bãi Tư Chính, Trung Quốc vẫn đe dọa, nhưng Việt Nam đã không rút lui,
nghĩa là thách thức Trung Quốc. Chắc chắn là đã có một sự bảo đảm nào đó từ các
nước dân chủ thì chính quyền Việt Nam mới dám hành động như vậy. Cuối cùng
Trung Quốc đã phải rút lui ngay tại vùng biển mà chính họ cũng tuyên bố chủ quyền.
Thái độ với Trung Quốc của chính quyền Việt Nam đã thay đổi hẳn, không chỉ là
trong vụ việc này. Việt Nam đã loại bỏ đấu thầu quốc tế với dự án đường cao tốc
Bắc - Nam để tránh dự án này rơi vào tay Trung Quốc, loại bỏ Huawei khỏi kế hoạch
xây dựng mạng lưới 5G - một việc mà nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ cũng không
làm dù Mỹ kêu gọi tẩy chay, và nhất là việc lần đầu tiên tập trận chung với Mỹ
và các nước khác trong ASEAN tại Biển Đông. Việc chuyển đồng minh của chính quyền
Việt Nam đã quá rõ ràng.
Thực ra chính quyền Việt
Nam cũng không thể chọn lựa khác trong trường hợp này. Kinh tế Việt Nam lệ thuộc
quá nặng nề vào ngoại thương với các nước dân chủ, và trong một thế giới không
có chiến tranh thì quyền lực kinh tế là quyền lực áp đảo, Việt Nam buộc phải
nghiêng về các nước dân chủ dù có muốn hay không, nhất là khi Trung Quốc đang
trên đà sụp đổ và tan rã do chính sách tăng trưởng hoang dại và sự tụt hậu về
cách tổ chức xã hội của mình, Trung Quốc chỉ có thể là một gánh nặng cho Việt
Nam. Trung Quốc buộc phải buông Việt Nam như Liên Xô từng phải buông Đông Âu
trước khi sụp đổ, sự rút lui tại bãi Tư Chính là một minh chứng. Trong khi đó
các nước dân chủ lại cần Việt Nam, một nước sát sườn Trung Quốc, trong cuộc đối
đầu với Trung Quốc. Quá trình “bỏ Tàu theo Mỹ” là không thể đảo ngược.
Tình hình này mở ra rất
nhiều cơ hội cho đất nước và phong trào dân chủ. Càng lệ thuộc vào các nước dân
chủ thì chính quyền cộng sản sẽ buộc phải thực hiện, ngày một nhiều hơn, những
nhượng bộ về dân chủ và nhân quyền. Gần đây nhất là việc sửa đổi luật lao động
để cho phép thành lập các công đoàn độc lập, rồi sẽ tới lúc chính quyền hiện
nay phải nhượng bộ tới mức phải để cho cả các tổ chức chính trị hoạt động công
khai. Đất nước đang bước vào một giai đoạn đầy triển vọng.
Đây có thể xem là quyết định “sáng suốt” nhất của đảng cộng sản từ ngày đầu thành lập. Nhưng phải chăng chúng ta nên tôn vinh họ vì quyết định này ? Có lẽ là không. Họ chỉ làm một việc mà đã đến lúc “không thể không làm”. Nếu họ là một chính quyền có trách nhiệm thì đáng ra họ phải làm cách đây 30 năm, đúng hơn là cách đây 70 năm. Nếu nó được thực hiện cách đây 70 năm, thì chúng ta đã tránh được 4 cuộc chiến tranh khốc liệt trong thế kỷ 20 và ngày nay chúng ta đã nằm trong nhóm 10 hay ít nhất cũng là nhóm 20 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới chứ không tới nỗi bi đát như hiện nay. Khó mà kể hết được những thiệt hại mà đảng cộng sản đã gây ra cho đất nước khi họ đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước.
Sức
khoẻ ông Trọng và tình trạng nguy ngập của đảng cộng sản
Để duy trì một chế độ
không có lý tưởng và cũng không có cả sự chính đáng, trước đây chính quyền cộng
sản tồn tại nhờ việc ban phát quyền lợi và quyền lực cho các phe phái để mua
chuộc sự trung thành với đảng. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng
tràn lan dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng, nó cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng
bệnh hoạn là cả công an và quân đội cũng đi kinh doanh, các sứ quân mọc lên như
nấm. Tuy nhiên tình trạng này không thể kéo dài, khi không có lý tưởng chung mà
quyền lực lại bị phân tán sẽ khiến chế độ tê liệt vì không thể lấy được những
quyết định chung, trong khi việc chia chác quyền lợi và quyền lực tràn lan lại
đẻ ra rất nhiều vấn đề. Giải pháp của chế độ là phải tập trung quyền lực vào một
người để có thể lấy quyết định thay cho tất cả. Xu hướng này bắt đầu vào năm
2013 với một bản hiến pháp tập trung quyền lực vào tay chủ tịch nước, và hoàn tất
cuối năm 2018 với việc ông Trọng nắm giữ cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch
nước. Chế độ đã có một giải pháp, nhưng giải pháp đó lại gặp rắc rối lớn vào đầu
năm 2019 khi ông Trọng có vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Dù chưa thể biết chắc
tình trạng sức khỏe của ông Trọng như thế nào nhưng chắc chắn việc ông ấy tiếp
tục nắm quyền sau đại hội 13 không còn đặt ra nữa.
Đây là một sự kiện ảnh
hưởng rất lớn tới đảng cộng sản, không chỉ vì nó đưa đảng cộng sản trở lại tình
trạng tê liệt như trước đây, mà còn vì nó diễn ra trong lúc đảng cộng sản sắp
phải trải qua kỳ đại hội hiểm nghèo nhất từ trước tới nay khi họ đổi đồng minh
và là đồng minh khác ý thức hệ, nghĩa là chính thức xác nhận từ bỏ chủ nghĩa cộng
sản. Việc tìm kiếm người thay thế ông Trọng cũng sẽ là một vấn đề lớn, và sẽ diễn
ra cực kỳ khốc liệt khi kẻ thắng sẽ có tất cả còn kẻ thua sẽ mất hết, thậm chí
có thể là mất luôn cả mạng (Ông Nguyễn Bắc Son “thuộc phe thua” đang bị đề nghị
án tử hình). Chế độ nếu không tan vỡ thì cũng sẽ “thương tích đầy mình"
sau cuộc đấu đá dữ đội này. Và sau đó nhiều phe phái trong đảng sẽ ngay lập tức
nhận ra là nguy cơ không đến từ các “thế lực thù địch" mà đến từ những người
“đồng chí” của mình. Vả lại đường nào đảng cộng sản cũng đã đổi đồng minh sang
các nước dân chủ, chính vì thế mà nhiều người sẽ tìm đến, tiếp tay cho phong
trào dân chủ vì sự an nguy của chính họ. Điều này sẽ làm thay đổi hẳn tương
quan sức mạnh giữa chính quyền và đối lập, một thuận lợi lớn cho phong trào dân
chủ với điều kiện chúng ta tiếp tục cam kết một cách thành thực với những giá
trị như bất bạo động, bao dung và hòa giải, mọi hành động kêu gọi bạo lực và trả
thù cần phải dứt khoát bị lên án.
Kinh
tế Việt Nam tăng trưởng cao
Một điểm sáng trong năm
qua là việc kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong lúc cả Châu Á đang
tăng trưởng chậm lại do sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Đây là một hệ quả
của chính sách chuyển trục, khi các nước dân chủ, nhất là Mỹ đang muốn giúp Việt
Nam mạnh lên để có thể đối đầu với Trung Quốc. Rất nhiều công ty đã chuyển nhà
máy từ Trung Quốc qua Việt Nam khiến ngoại thương Việt Nam tăng trưởng mạnh
trong lúc ngoại thương thế giới đang suy giảm. Xuất khẩu qua Mỹ tăng rất mạnh
(gần 40% so với năm ngoái) và xuất siêu cũng đạt mức kỷ lục (46,3 tỉ USD trong
10 tháng 2019) mà vẫn không bị chính quyền Trump gây khó dễ, một điều sẽ không
bao giờ xảy ra nếu chính quyền Việt Nam chưa dứt khoát chọn đứng hẳn về phía Mỹ.
Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn trong các năm tới khi chính sách chuyển trục ngày
càng tăng tốc, cùng với đó là hiệp định thương mại tự do với EU nhiều khả năng
sẽ được thông qua, điều này sẽ làm cho Việt Nam lệ thuộc nặng nề hơn nữa vào
các nước dân chủ.
Đây là một cơ hội lớn
cho đất nước để vươn lên. Nó cũng cho phép chúng ta lạc quan hơn về tương lai của
đất nước. Với một bộ máy tham nhũng tràn lan, với một hệ thống doanh nghiệp nhà
nước bệnh hoạn, với một nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” đầu voi đuôi
chuột, người dân không có cả quyền tư hữu, mà Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ở
mức 7% thì khi đất nước có một chế độ dân chủ pháp trị, với một hệ thống công
quyền được trong sạch hóa, với một nền kinh tế thị trường tự do đặt nền tảng bởi
các doanh nghiệp tư nhân, tôn trọng quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh thì
nền kinh tế của chúng ta có thể tăng trưởng với tốc độ hai con số trong vòng
1-2 thập kỷ. Chúng ta hoàn toàn có lý do để mơ ước về một vị thế xứng đáng cho
đất nước sau khi dân chủ được thiết lập tại Việt Nam.
Thảm
kịch 39 người chết trên đường vượt biên vào Anh
Một sự kiện làm rúng động
dư luận Việt Nam và thế giới trong năm qua là thảm kịch 39 người Việt chết
trong container đông lạnh đang trên đường vận chuyển vào Anh. Tất nhiên không
chỉ 39 người mà là hàng nghìn tới hàng chục nghìn người Việt đã chấp nhận mạo
hiểm cả tính mạng để vào Anh theo con đường này. Để được gì ? Một cuộc sống bất
hợp pháp, không có quyền công dân, và trong nhiều trường hợp là không có cả quyền
con người, cũng chẳng có tiếng nói trong xã hội, sống dưới tầng đáy của xã hội
Anh Quốc...Và nhiều người Việt Nam đã phải trả hơn 1 tỉ VNĐ cùng với rủi ro có
thể mất mạng chỉ để bỏ nước ra đi và đổi lấy một cuộc sống như thế. Vậy thì phải
hiểu là cuộc sống tại Việt Nam của họ đã tồi tệ tới mức nào ? Đây không phải là
thảm kịch của riêng 39 người mà là của cả dân tộc Việt Nam. Thật phẫn nộ với những
kẻ đã hênh hoang về thành tích “phát triển đất nước" trong hơn 70 năm qua.
Phẫn nộ hơn, đó là cách
hành xử của các quan chức chính quyền trong thảm kịch này. Đã không có một lãnh
đạo nào tới chia buồn với các nạn nhân và người thân, một việc mà ngay cả thủ
tướng Anh cũng đã làm, dù ông không phải là một người Việt Nam. Tình cảm dân tộc,
tình nghĩa đồng bào dường như không có một trọng lượng nào trong cách suy nghĩ
và hành động của các lãnh đạo trong chế độ này. Một thứ văn hóa vô tổ quốc. Thậm
chí là ngay cả kinh phí để đưa thi hài các nạn nhân về nước thì “chính quyền chỉ
cho các gia đình nạn nhân tạm ứng, sau đó các gia đình phải hoàn trả lại cho
chính quyền”, một hành động lố bịch và trơ trẽn vượt qua mọi tưởng tượng. Đây
là một thảm kịch quốc gia nhưng chính quyền này làm như mình vô can, họ đẩy
trách nhiệm về phía nạn nhân và gia đình, trong khi chính họ lại tự cho mình
quyền lãnh đạo độc quyền và toàn diện đất nước. Đây thuần tuý là hành động của
một lực lượng chiếm đóng và thống trị, một lực lượng lãnh đạo đất nước thực sự
không bao giờ hành động như vậy.
Thảm kịch này một lần nữa
nhắc lại cho chúng ta tình trạng bi đát của đất nước hiện nay, và rằng chúng ta
cần một giải pháp chung cho cả dân tộc chứ không thể luồn lách tìm những giải
pháp cá nhân cho mỗi người. Chúng ta cần một đất nước đáng sống và đáng tự hào
để có thể mang lại hi vọng và tương lai cho cả dân tộc.
Những
thảm họa về môi trường
Một vấn đề cũng gây nhiều
nhức nhối trong năm qua là môi trường. Các thảm họa về môi trường xảy ra liên
tiếp, từ vụ nhiễm độc thuỷ ngân rồi khủng hoảng nước sạch tại Hà Nội cho tới
tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng trên khắp cả nước, thậm chí trong nhiều
ngày Hà Nội trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ba nguyên nhân chính dẫn
tới tình trạng này là tham nhũng, sự vô trách nhiệm và chính sách tăng trưởng
hoang dại của chính quyền hiện nay. Tham nhũng bao che và dung túng cho những
cơ sở gây ô nhiễm, sự vô trách nhiệm của các quan chức đã làm cho những thảm họa
môi trường thêm phần trầm trọng và kéo dài - đây là hệ quả tự nhiên của một
chính quyền lấy lý tưởng là quyền lợi và quyền lực của mình thay vì phục vụ đất
nước và nhân dân, trong khi đó chính sách tăng trưởng hoang dại đã cho phép những
huỷ hoại về môi trường chỉ để đổi lấy những lợi ích kinh tế rất ngắn hạn, nó
cũng làm cho những tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam thấp hơn nhiều mức chuẩn
chung của thế giới. Chính quyền hiện nay đã và sẽ phải duy trì chính sách tăng
trưởng hoang dại này nhằm tìm một sự chính đáng nào đó cho chế độ, với hi vọng
có thể giảm bớt những bất mãn và chống đối của dân chúng với một chế độ không
có sự chính đáng thông qua những cuộc bầu cử tự do. Cả ba vấn đề gốc rẽ này đều
không có giải pháp dưới chế độ cộng sản vì một lý do rất giản dị là chính chế độ
cộng sản đã đẻ ra cả ba vấn đề này.
Ở đây chúng ta cũng cần
nhấn mạnh sự khác biệt giữa tăng trưởng và phát triển. Thực ra kinh tế Việt Nam
chỉ tăng trưởng nhanh chứ không phát triển. Những thiệt hại về môi trường và sức
khoẻ của con người (một thí dụ là mỗi năm chúng ta có 115.000 người chết vì ung
thư) nếu quy ra chi phí để phục hồi có thể còn cao hơn cả những con số tăng trưởng,
đó là chưa kể tới sự xuống cấp đạo đức của xã hội và sự giải thể của đất nước
trong lòng người vì phải chịu đựng một ách độc tài quá lâu. Sự phát triển trên
quy mô quốc gia luôn gắn liền với dân chủ, nó là hiện tượng mới chỉ xuất hiện
cách đây 300-400 năm, khởi đầu tại Hà Lan và Anh Quốc cùng với sự ra đời của
dân chủ tại hai quốc gia này. Nếu quan sát kỹ thì chúng ta sẽ đều thấy quốc gia
nào càng dân chủ thì càng phát triển, dân chủ càng lâu thì phát triển càng cao,
ngày nay tất cả các quốc gia phát triển đều là những nước dân chủ. Thế nên
không thể có phát triển bền vững dưới một chế độ độc tài như trường hợp của Việt
Nam hiện nay.
Hi
vọng ?
“Không thể có phát triển
dưới một chế độ độc tài” - điều này cũng đồng nghĩa là hi vọng cho đất nước chỉ
có thể đến cùng với sự thắng lợi của dân chủ. Và đang có nhiều dấu hiệu là thắng
lợi này đang tới gần, không chỉ vì áp lực dân chủ hóa tăng cao bởi chính sách
chuyển trục, hay là vì chế độ đang nguy ngập bởi tình trạng sức khoẻ của ông Trọng
như đã phân tích ở trên, mà còn vì phong trào đối lập dân chủ đã tiến được một
bước dài để xứng đáng là hiện thân cho một tương lai mới. Chúng ta đều hiểu rằng
một đất nước dân chủ chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của trí tuệ, và một
cuộc cách mạng dân chủ chỉ có thể thành công nếu có một vài tổ chức dân chủ mạnh.
Phong trào dân chủ đã đi vào chiều sâu nhiều hơn, các hoạt động ồn ào gây tiếng
vang không còn nhận được sự hưởng ứng như nó đã từng nhận được, những hành động
nhân sĩ và ngôi sao không còn được tôn vinh như trước đây, những bản kiến nghị
hay thư ngỏ, những kết hợp ngẫu hứng và tạm bợ đã giảm xuống rõ rệt. Đây là điều
rất đáng mừng, nhưng chúng ta vẫn cần phải tiến nhanh hơn nữa khi mà tình hình
đất nước sắp có những biến động lớn, sự thay đổi sẽ tới dồn dập trong thời gian
tới, nhất là sau đại hội 13 - kỳ đại hội
cuối cùng của đảng cộng sản.
Chúng ta phải đi xa hơn
nữa về đồng thuận đấu tranh có tổ chức. Để có một cuộc cách mạng dân chủ thành
công chúng ta cần một tổ chức chính trị mạnh, và việc xây dựng nên một tổ chức
chính trị mạnh là một hành trình rất khó khăn do đó phải được xuất phát từ một
tư tưởng chính trị - thứ mà dân tộc ta rất thiếu hụt, cùng với những cố gắng bền
bỉ và liên tục trong nhiều thập kỷ. Hiện tại, dân chủ đã tới rất gần, đã quá muộn
để bắt đầu từ con số 0. Chúng ta phải tiến nhanh tới một đồng thuận rằng cần ủng
hộ và đóng góp cho một tổ chức nghiêm chỉnh có sẵn hơn là bỏ thời giờ và công sức
để thành lập những tổ chức mới.
Một năm mới lại sắp tới,
có lẽ điều khác nhất với các năm trước là hi vọng đã biến thành mối lo, những
năm trước chúng ta hi vọng dân chủ sẽ đến sớm, ngày hôm nay chúng ta lại lo là
nó sẽ đến quá sớm, đến vào lúc chúng ta chưa sẵn sàng.
Năm 2020 sẽ là một năm
bản lề của đất nước, chúc cho phong trào dân chủ tiếp tục lớn mạnh để có thể
đúng hẹn với vận hội của lịch sử, chúc cho đất nước tiếp tục chuyển hướng để có
thể tìm kiếm một chỗ đứng xứng đáng cho mình và chúc cho mọi người Việt Nam vững
niềm tin và hi vọng vào đất nước - một
tương lai mới đang chờ chúng ta ở phía trước!
Trần Hùng
(27/12/2019)