Tìm hiểu về Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và Thứ Sáu Đen Tối (Black Friday) (Huỳnh Chí Viễn)

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

1.Lễ Tạ Ơn ở Mỹ bắt nguồn từ đâu?

Không như những ngày lễ lớn ở Mỹ đều có nguồn gốc từ châu Âu, Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) là ngày lễ đặc trưng của người Mỹ mà không bắt nguồn từ một nước châu Âu nào cả. Đến nay, việc xác định ngày Thanksgiving đầu tiên diễn ra chính xác vào năm nào và ở đâu là một điều gây nhiều tranh cãi vì có khá nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên đã diễn ra tại Plymouth Colony, bang Massachusetts năm 1621do những người di dân từ Hà Lan sang Mỹ để tạ ơn một mùa thu hoạch sung túc đầu tiên ở vùng đất mới.

Những người di dân từ Hà Lan này được gọi là the Pilgrims, vốn là những người Anh theo Thanh giáo (Puritanism) chấp nhận rời khỏi quê hương của mình vì không muốn cải đạo theo lệnh của vua Anh. Nơi đầu tiên họ đến là Hà Lan nhưng họ nhanh chóng nhận ra vùng đất này không thực sự chào đón mình và tương lai con cái của họ sẽ chỉ là những công dân hạng hai. Những người Pilgrim đã có một quyết định liều lĩnh là vượt Đại Tây Dương để khởi nghiệp ở vùng đất mới châu Mỹ. Đó là một cuộc hành trình đầy gian khổ và số người chết trên đường tới Mỹ gần như một nửa vì không chịu nổi sóng gió, bệnh tật và sự thiếu thốn lương thực. Còn khoảng 100 người trên con tàu Mayflower cuối cùng đã đến được vùng đất New England (Boston, Massachusetts ngày nay) vào mùa đông năm 1620. Cái đói và khí hậu khắc nghiệt tiếp tục giết chết 50 người trong đoàn, và những người may mắn sống sót đã được người Mỹ bản địa da đỏ tiếp đón và chia sẻ thức ăn cũng như dạy cách trồng trọt và chăn nuôi những thứ sản vật của vùng đất này. Khi những người Pilgrims đã ổn định về nơi ăn chốn ở tại vùng đất mới, họ đã tổ chức một buổi tiệc Tạ Ơn với những sản vật do chính họ nuôi trồng được và mời những người da đỏ ân nhân đến dự.

Những ngày lễ Tạ Ơn sau đó được tổ chức gián đoạn vì mối quan hệ giữa người da trắng và người da đỏ ngày một xấu đi. Hậu duệ của những người di dân da trắng đầu tiên ở Mỹ tiếp tục lấn chiếm đất đai của những người da đỏ đã cưu mang cha ông của họ, và cùng với sự giúp đỡ của những đợt di dân tiếp theo, đã tấn công và tiêu diệt gần hết những người da đỏ bản địa để cướp đất. Phải đến thời tổng thống Abraham Lincoln, lễ Tạ Ơn mới thực sự trở thành quốc lễ của người Mỹ mặc dù trước đó tổng thống đầu tiên của Mỹ là George Washington đã tổ chức lễ Tạ Ơn chính thức để kỉ niệm nền độc lập mới giành được từ thực dân Anh.

2.Tại sao Lễ Tạ Ơn mỗi năm lại rơi vào một ngày khác nhau?

Ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ không phải là một ngày cố định nào trong tháng 11 mà được tổ chức vào ngày thứ năm của tuần thứ 4 tháng 11. Thường thì lễ Tạ Ơn sẽ rơi vào khoảng từ 22-25 tháng 11 mỗi năm, tức là khoảng 1 tháng trước Giáng Sinh. Lễ Tạ ơn ở Mỹ cũng đánh dấu cho sự bắt đầu của mùa lễ hội (Holiday Season) bao gồm ba lễ lớn là Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết Dương Lịch. Các cửa hàng và hệ thống siêu thị bắt đầu tung ra những chiến dịch khuyến mãi mua sắm dịp lễ, công nhân viên chức sẽ đặt vé máy bay hoặc lo xin nghỉ phép về thăm quê và đoàn tụ với gia đình lớn của mình cũng như người Việt về quê ăn tết. Các trường học ở Mỹ từ sau Thanksgiving cũng sẽ cho học sinh thi học kỳ và sau đó là một tháng nghỉ lễ gọi là Winter’s Break.

3. Người Mỹ làm gì vào lễ Tạ Ơn?

Bình thường người Mỹ sẽ sắp xếp công việc để về thăm gia đình bố mẹ nếu phải đi làm xa. Trong ngày lễ Tạ Ơn, người Mỹ thường đi nhà thờ để cầu nguyện và tạ ơn Chúa. Sau đó họ về nhà để chuẩn bị nấu bữa ăn truyền thống Thanksgiving’s Dinner để cùng ăn với gia đình. Một số người sẽ làm từ thiện giúp đỡ những người vô gia cư hoặc nghèo khó để họ cũng có được một ngày Thanksgiving sung túc. Rất ít người đi ra đường đến những nơi vui chơi giải trí trong ngày lễ Thanksgiving, các cửa hàng siêu thị cũng đóng cửa sớm hơn để chuẩn bị cho ngày Black Friday nên đường phố tương đối vắng vẻ.

4.Bữa ăn truyền thống của người Mỹ vào lễ Tạ Ơn gồm những gì?

Thường thì người Mỹ sẽ ăn một bữa ăn truyền thống rất lớn vào ngày Thanksgiving với tất cả các thành viên trong gia đình. Đây là một bữa ăn quan trọng cũng như bữa tối Giáng Sinh và tối Giao Thừa, dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ. Tùy theo vùng mà tiệc Thanksgiving’s Dinner của người Mỹ có chút ít khác nhau nhưng hầu hết đều là những sản vật đặc trưng của Mỹ trong đó không thể thiếu được gà tây đút lò nguyên con (roasted turkey), khoai lang, khoai tây, đậu que đút lò với phô mai (green bean casserole) (ăn cực ngán), giăm bông hun khói (smoked ham), bánh bí ngô (pumpkin pie) và sốt cranberry. Bắt đầu bữa tiệc, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi xung quanh bàn và nắm tay nhau đọc một bài kinh cảm tạ và cầu nguyện rồi mới bắt đầu nhập tiệc. Thường thì món gà tây đút lò sẽ được dọn ra giữa bữa ăn sau khi một số món đã được ăn xong. Người chủ gia đình sẽ dùng một con dao cong có răng cưa và bắt đầu cắt vào con gà tây (carve the turkey) và dùng chiếc xiên to chia đều phần thịt gà cho các thành viên trong gia đình. 

Hầu hết các bữa tiệc truyền thống của người Mỹ đều không thể thiếu gà tây và bánh bí ngô vì gà tây và bí ngô là hai món đặc trưng của vùng Tân Thế Giới mà trước đây Châu Âu không có. Bí ngô (pumpkin) ở Mỹ cực to, một trái mười mấy ký là chuyện bình thường. Những dịp như Halloween, Thanksgiving hay Christmas, người ta có thể mua bí ngô chất đống với giá rất rẻ ở các siêu thị hoặc tại các nông trại, hoặc thậm chí nhiều người chở bí thu hoạch được trên xe tải rồi đậu ở ven đường đổ ra bán. Bí ngô ở Mỹ thường được xay nhuyễn và thêm đường, quế để làm nhân bánh pumpkin pie chứ không nấu canh hoặc làm món mặn như ở Việt Nam. Lúc còn ở VN, tôi cực ghét canh bí đỏ và món bí đỏ hầm dừa nhưng khi sang Mỹ thì lại rất thích pumpkin pie vì nó rất ngon và không ngán như bí đỏ hầm dừa. Khoai lang cũng được dùng trong bữa ăn Thanksgiving ở dạng nghiền ra và đút lò gọi là yam (ở Mỹ cái gì cũng có thể đút lò trừ …nước đá). Và tất nhiên không thể không nói đến gà tây đút lò nổi tiếng. 

Ở Việt Nam gà tây thực sự là một món xa lạ và ai trong chúng ta chắc cũng có ít nhất một lần tưởng tượng được dự một buổi tiệc Giáng Sinh với con gà tây thơm phức vàng bóng rất bắt mắt đặt trước mặt. Khi sang Mỹ, tôi cũng rất háo hức chờ được thưởng thức món ăn huyền thoại này và nhanh chóng…thất vọng tràn trề. Quả thực nhìn con gà tây vàng bóng được bọc giấy bạc bốc khói nghi ngút lấy ra từ lò nướng, khó ai có thể cưỡng được sự hấp dẫn của nó. Nhưng chỉ sau khoảng hai miếng thôi đã thấy ngán rồi. Thịt gà tây không khác lắm so với gà thường nhưng khô hơn rất nhiều, hơn nữa các thớ thịt gà tây rất to nên ăn có cảm giác xơ chứ không mềm như thịt gà thường. Về mặt dinh dưỡng, thịt gà tây được đánh giá là giàu đạm ít mỡ và cung cấp ít calo hơn thịt đỏ và thịt gà, nói chung là được xem là một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nói gì thì nói, tôi vẫn không thích món này.

5. Truyền thống tha chết cho gà tây (turkey pardoning) bắt đầu khi nào? 

Ở Mỹ vào sáng ngày lễ Tạ Ơn có một tục lệ rất lạ được truyền hình trực tiếp trên truyền hình. Đó là truyền thống tha chết cho gà tây được chính tổng thống Mỹ đương nhiệm thực hiện tại sân Nhà Trắng. Theo những gì tôi được xem trên truyền hình trực tiếp, một con gà tây còn sống bị trói đặt trên một chiếc bàn gỗ, bên cạnh đó là một cây rìu dùng để chặt cổ gà. Sau đó tổng thống Mỹ cùng gia đình và một số quan chức khác của Nhà Trắng sẽ đến bên bàn đặt chú gà tây. Tổng thống Mỹ sẽ đặt tay lên mình chú gà và đọc một đoạn trong kinh thánh cảm tạ Chúa trời đã ban tặng con gà này làm món ăn cho gia đình mình vào ngày lễ Tạ Ơn và sau đó ông tuyên bố tha tội cho con gà tây rồi dùng rìu chặt đứt dây trói con gá. Con gà tây may mắn đó sau đó có thể được nuôi thả trong vườn Nhà Trắng hoặc có thể được tặng cho một vườn thú địa phương để mọi người đến tham quan. Và dĩ nhiên sẽ có những con gà xấu số khác chết thay để nó được sống phây phây đến cuối đời.

Thực ra truyền thống tha chết cho gà tây chỉ mới bắt đầu khoảng 50 năm nay và người đầu tiên được xem là khơi nguồn cho truyền thống này là tổng thống John F. Kennedy khi ông tuyên bố không muốn sát sinh trong lễ Tạ Ơn năm 1962 mà thay vào đó sẽ ăn thịt gà tây đã được làm sẵn từ trước. Nhưng tổng thống Ronald Reagan mới là người biến việc tha chết cho gà tây thành một nghi lễ long trọng thu hút giới truyền thông và được các đời tổng thống tiếp theo kế thừa (Tổng thống Reagan trước khi làm tổng thống đã từng là một diễn viên điện ảnh rất nổi tiếng, có lẽ vì thế mà khi trở thành tổng thống, ông vẫn diễn và diễn rất …sâu?)

6. Tại sao lại có ngày Black Friday? 

Theo truyền thống thì ngày thứ sáu sau lễ Tạ Ơn là ngày các gia đình khá giả sẽ làm từ thiện giúp đỡ người nghèo như Boxing Day của Giáng Sinh ở Anh. Một số cửa hàng bán lẻ đã dựa trên ý tưởng này để giảm giá tối đa các mặt hàng tạo điều kiện cho người nghèo có thể mua sắm cho dịp Giáng Sinh. Không ngờ ý tưởng này quá ư thành công vì nó giúp các cửa hàng giải quyết rất nhanh hàng tồn đọng trong kho. Nắm lấy cơ hội, các hệ thống siêu thị và bán lẻ trên toàn nước Mỹ như Wal-mart, K-mart, JC Penny, BestBuy… đã đồng loạt hạ giá các mặt hàng để bán ra. Ngay từ 4 giờ sáng, hàng trăm hàng nghìn người Mỹ đã xếp hàng trước các cửa hàng và siêu thị để chờ vào mua hàng giá rẻ. Và khi cánh cửa siêu thị vừa mở thì họ cũng chen chúc giành giật chẳng khác gì người Việt mình đi ăn khuyến mãi. Quả thực mọi thứ bán trong ngày Black Friday đều rất rẻ nên có nhiều người tranh thủ mua thật nhiều để về làm quà Giáng Sinh cho người thân. Tôi chỉ đi Black Friday một lần duy nhất trong sáu năm ở Mỹ vì thật sự là tôi không thích cảnh chen lấn giành giật nên đi xem là chính chứ không mua gì cả. Từ năm 1975 đến nay, theo thống kê đã có 8 trường hợp tử vong trong lúc giành mua hàng ngày Black Friday (một trường hợp bị bắn chết) và rất nhiều trường hợp xô xát dẫn đến bị thương.

Về cái tên Black Friday, nhiều người sẽ ngạc nhiên tại sao một ngày mua hàng giá rẻ như thế lại mang cái tên rất u ám. Thật ra nếu bạn là những nhân viên siêu thị, cảnh sát giao thông, thợ sửa ổng nước hay nhân viên vệ sinh thì cái tên này đúng là không sai tí nào. Đó là ngày mà những người làm công việc kể trên phải làm việc hết sức cật lực vì tình trạng xô xát, trộm cắp đánh nhau là khó có thể tránh khỏi, lượng xe lưu thông trên đường phố về khu trung tâm mua sắm tăng đáng kể và các vụ kẹt xe, tai nạn giao thông xảy ra từ 2-3 giờ sáng cũng tăng vọt, hậu quả của việc buồn ngủ lái xe và còn hơi men sau một đêm tiệc tùng lễ Tạ Ơn. Trong ngày Black Friday, các thợ sửa ống nước cũng bận túi bụi vì số lượng bồn rửa chén bị tắt nghẽn do thức ăn thừa tăng lên gấp năm lần. Đó là chưa kể những công nhân vệ sinh đi dọn rác. Quả thật đối với họ, ngày thứ sáu sau lễ Tạ Ơn thực sự đen tối.