“Nghề tu”: Trụ trì hơn 10 năm có tài sản hàng trăm tỷ đồng (Diễm Thi)

Giáo hội phật giáo quốc doanh càng lúc càng làm cho bá tánh liên tưởng đến "con buôn" thần thánh. Không chỉ buôn nhỏ lẻ, mà là những dự án cả trăm, cả ngàn tỷ, làm tín đồ choáng ngợp. Thiên nhiên, hệ sinh thái quý hiếm bị tàn phá nặng nề, đau xót để phục vụ lòng tham của những con buôn này.

Ba bức tượng Phật tại chùa Bái Đính chụp hôm 22/8/2010.
Ba bức tượng Phật tại chùa Bái Đính chụp hôm 22/8/2010. AFP

Đại đức Thích Thanh Toàn hoàn tục và xin giữ lại tài sản hơn 300 tỉ đồng đang gây “khó” cho địa phương và cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dư luận đặt vấn đề 300 tỉ trong hơn 10 năm làm trụ trì của sư Toàn từ đâu ra?


Mập mờ tiền chung - riêng

Sau tai tiếng “gạ tình” phóng viên báo Phụ Nữ, Đại đức Thích Thanh Toàn trụ trì chùa Nga Hoàng xin hoàn tục. Tại cuộc họp chiều 5 tháng 10, ông Thích Thanh Toàn gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục nhưng xin giữ lại tài sản. Ông nói:

“…Nhưng bây giờ, con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào? Thế thôi! Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ.

Còn chùa 800m2 đấy thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 2-300 tỷ đấy, con xin các ngài!...”

Ngày 11 tháng 5 năm 2008, Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Toàn về trụ trì tại chùa Nga Hoàng (Quan Âm thiền tự), xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo theo Quyết định số 89/QĐ/BTS ngày 17/4/2008.

Như vậy chỉ trong hơn 10 năm trụ trì, Đại đức Thích Thanh Toàn đã có khối tài sản lên đến 300 tỷ, một con số khiến dư luận bàn tán…

Một vị sư từng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không muốn nêu tên nói với RFA sáng 9 tháng 10 rằng:

“Chủ sở hữu đứng tên sổ đỏ như tài sản cá nhân nhưng vẫn phải có một tờ giấy khác kèm theo xác nhận đó là tài sản của giáo hội theo đúng hiến chương của giáo hội.”

Theo chính quyền địa phương nơi vị sư này trụ trì, từ khi về chùa Nga Hoàng năm 2008, nhà sư Thích Thanh Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân địa phương ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích giao dịch không phép lên tới 6000 m2. Số đất này là do sư Toàn bỏ tiền ra mua, chuyển nhượng, nhưng chưa thể sang tên được và sư Toàn nói là của riêng mình, không liên quan đến chùa Nga Hoàng.

Hiện chưa có quyết định chính thức của chính quyền và giáo hội về khối tài sản mà sư Toàn nhận là của mình. Thầy Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc, xác nhận với RFA tối 9 tháng 10:

“Cho đến giờ này chưa có cơ quan nào xác nhận về những tài sản đó. Riêng tiền cúng dường thì thuộc về chùa. Nếu chứng minh tài sản đó không tranh chấp, không kiện tụng thì đương nhiên sẽ được sở hữu.”

Với số tài sản trị giá lên đến 300 tỷ đồng thì có lẽ không ai tin đó là tiền “cúng dường” của bá tánh. Vì theo sự giải thích của thầy Thích Tâm Vượng, thì:

“Tiền cúng dường thì nó thuộc về chùa vì tiền cúng để xây chùa, để tạc tượng, để đúc chuông chứ đâu phải cúng cho cá nhân. Tiền này do các vị trụ trì ở chùa quản lý.”

Một vị thầy khác cho hay cách hành xử tiền cúng dường tùy thuộc vào từng chùa, từng tu viện và thiền viện chứ không giống nhau, không theo một khuôn khổ nhất định nào hết. Con số cụ thể do Ban trị sự và vị trụ trì quản lý.

“Bá tánh cùng dường là cúng cho cơ sở tôn giáo chứ không phải cho cá nhân. Nếu vị trụ trì không đàng hoàng thì giáo hội sẽ lấy tài sản đó làm của tam bảo và cử người thầy khác vô thay thế.” 

“Chi tiêu thì cũng thông báo với đại chúng. Ví dụ tiền cúng dường được bao nhiêu, chi tiêu cho tiền ăn trong chùa bao nhiêu, có những dự án xây dựng gì…”

Vị thầy này nói thêm rằng, Giáo hội chỉ quản lý cơ sở, còn vấn đề chi tiêu, xây dựng trong chùa là do từng chùa tự vận dụng sao cho có lợi nhất cho sự tu tập mà thôi.

Cũng trong ngày 9 tháng 10, trả lời trên báo Thanh Niên, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng hội thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN rằng theo luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa, tất cả những gì họ đang sử dụng thì những tài sản đó đều thuộc về tăng (nghĩa là Tăng đoạn, Giáo hội). Thậm chí khi vị tỳ kheo đó mất đi ngay cả cái được coi là tài sản trên mình là tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.


Lợi dụng tôn giáo để trục lợi?

Ở Việt Nam những năm gần đây có những ngôi chùa rất đẹp với mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng như Chùa Tam Chúc (Hà Nam) có diện tích lên tới 5.000 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.

Chùa Bái Đính là một quần thể Phật Giáo rộng khoảng 540 ha. Du khách lần đầu đến sẽ choáng ngợp trước sự hùng vĩ, rộng lớn và vẻ đẹp nơi đây.

Chùa Ba Vàng có tên gọi từ xa xưa là Bảo Quang Tự, nghĩa là “ánh sáng quý”, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.

Báo mạng Giáo Dục Việt Nam hôm 7 tháng 3 trích lời Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - chuyên gia nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) rằng:

"Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam và không gian văn hóa của người Việt thì từ xưa đến nay không có hệ thống chùa quá to. Một ngôi chùa có thể được gọi là to như chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích hoặc chùa Keo thì vẫn nằm trong không gian làng xã chứ không hề mang tính du lịch, thương mại…”

Với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cũng thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì vấn đề văn hóa tâm linh đã bị các nhóm lợi ích thương mại hóa, trở thành một lĩnh vực kinh doanh với lợi nhuận khổng lồ. Ông nói:

“Cách đây 10-15 năm, một số người giàu có kết hợp với các quan chức coi việc trùng tu hoặc nâng cấp mở ra các chùa chiền. Đấy là cách làm ăn của họ có thể thấy ở tất cả các nơi, mà thực chất đằng sau nó là việc kinh doanh. Họ chỉ mượn các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng để kinh doanh, đây là mối lợi béo bở giữa các thế lực chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp giàu có và các quan chức từ trung ương đến địa phương. Ba thế lực chân vạc này nó tạo nên những cái khu du lịch Bái Đính ở Ninh Bình và Đại Nam lạc cảnh ở Bình Dương.”

Với những tai tiếng xảy ra liên tục những năm gần đây liên quan đến việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi như gần đây nhất là vụ “giải vong” ở chùa Ba Vàng, vụ Đại Đức Thích Thanh Toàn “gạ tình” phóng viên, dư luận cho rằng cần phải có sự cải tổ từ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Đại Đức Thích Tâm Vượng chia sẻ với RFA về việc này hôm 9/10:

“Cái đấy thì thầy cũng không dám có ý kiến vì phải do Trung ương giáo hội. Thầy chỉ phụ trách cấp cơ sở nên phải tuân thủ chỉ đạo từ trên xuống dưới. Giáo hội muốn hoạt động được thì phải do Ban tôn giáo chính phủ, Bộ nội vụ, nên các thầy phải tuân thủ từ trên xuống dưới.”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định, cho đến bây giờ thì càng ngày lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại càng mất đi. Chưa bao giờ các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.

Chính những người trong những ngôi chùa như vậy kết hợp với những quan chức cấp tỉnh và kết hợp với những đại gia lợi dụng sự yếu đuối, sự, mê lầm đó của dân chúng để họ trục lợi. Họ quyết liệt phải trục lợi bằng được. Ông cho rằng đây đã đến hồi mạt pháp của Phật giáo Việt Nam và khó có thể chấn hưng lại.