Hong Kong, cuộc khủng hoảng không lối thoát (Việt Hoàng)


‘Quả trứng vàng Hong Kong’ đang biến thành cái ‘gân gà’ cho Bắc Kinh, nuốt vào cũng không được mà nhè ra cũng không xong. Biết đâu chừng,  cái ‘gân gà’ sẽ làm sụp đổ đế quốc Trung Hoa? Không ai có thể biết được điều đó. Trước đây Trung Quốc  đã đầu tư vào đảo Hải Nam hàng trăm tỉ USD với mọi ưu đãi đặc biệt nhằm biến nơi đây thành một trung tâm kinh tế tài chính như Hong Kong hay Singapore nhưng dự án khổng lồ này có lẽ đã thất bại. (Việt Hoàng)


1/10/2019 là ngày Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949-1/10/2019). Tại quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra một cuộc diễu binh vô cùng hoành tráng và tốn kém với hơn 100.000 người tham dự.

Nhiều loại vũ khí tối tân nhất của Trung Quốc trong đó có cả đầu đạn hạt nhân và 160 máy bay chiến đấu các loại đã tham gia cuộc diễu hành khổng lồ. Tất nhiên là chính quyền Trung Quốc  có lý do ‘chính đáng’ để tổ chức quốc khánh ầm ĩ vì năm nay là năm chẵn và hơn bao giờ hết Trung Quốc đang muốn thổi một làn không khí mới vào tâm hồn người dân của một đất nước hơn 1,4 tỉ người đang phải đối mặt với những thách thức mới chưa từng có.

Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực đó của đảng cộng sản Trung Quốc, ngày quốc khánh của Trung Quốc đã bị làn khói được tạo ra bởi lựu đạn cay và vòi rồng của cảnh sát Hong Kong che phủ. Bầu không khí tại Bắc Kinh cũng mờ đi do ô nhiễm không khí và khói từ các động cơ máy bay, xe tăng đang tham gia cuộc diễu hành.

Bạo lực giữa những người biểu tình và cảnh sát Hong Kong tiếp tục dâng cao trong ngày 1/10, ngày  mà người Hong Kong đặt tên là ‘ngày tang tóc’. Lần đầu tiên cảnh sát Hong Kong bắn đạn thật và làm trọng thương một người biểu tình (một học sinh 18 tuổi). Cuộc đối đầu này sẽ đi về đâu là câu hỏi không có câu trả lời và không ai có thể đoán được. 

Những người biểu tình Hong Kong muốn gì? Đầu tiên chỉ là yêu cầu chính quyền Hong Kong hủy bỏ dự luật dẫn độ về Trung Quốc. Mục tiêu này đã thành công khi bà Carrie Lam tuyên bố khai tử dự luật hôm 9/7/2019. Tuy nhiên thay vì giải tán thì những người biểu tình tiếp tục đặt ra thêm 5 yêu cầu mới trong đó có việc ‘điều tra về việc sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát Hong Kong’ và nhất là yêu cầu ‘được bầu cử tự do’. Hai yêu cầu này khó lòng được chính quyền chấp nhận. Cảnh sát Hong Kong đang trên ‘tuyến đầu’ và là lực lượng duy nhất để đối phó với các cuộc biểu tình, bất cứ hành động chỉ trích hay phê phán nào của chính quyền đều làm cho lực lượng cảnh sát nao núng và bất mãn.

Yêu cầu thứ hai càng khó khăn hơn nếu không muốn nói là vô vọng. Hong Kong là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh chấp nhận điều kiện (khi tiếp quản Hong Kong) duy trì tình trạng ‘một quốc gia hai chế độ’ là một sự nhân nhượng bất đắc dĩ và họ không thể để Hong Kong đi xa hơn. Nếu chấp nhận cho Hong Kong tự do bầu cử đồng nghĩa với việc Hong Kong hoàn toàn độc lập như một quốc gia, đó là điều Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận và thế giới không thể can thiệp vì đây là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Một lý do nữa khiến Trung Quốc không thể chấp nhận yêu cầu ‘bầu cử tự do’ của người dân Hong Kong vì nếu làm thế Trung Quốc sẽ tan vỡ. Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và nhiều vùng lãnh thổ khác sẽ theo gót Hong Kong ngay lập tức. Chính vì thế cuộc biểu tình của người Hong Kong đòi ‘tự do’ là hoàn toàn vô vọng trừ khi Trung Quốc sụp đổ. Người biểu tình Hong Kong sẽ không bao giờ ‘chiến thắng’ vì họ không thể ‘lật đổ’ được chính quyền Hong Kong khi mà đảng cộng sản Trung Quốc vẫn còn tồn tại.

Trong cuộc khủng hoảng  này,  chính quyền Trung Quốc cũng hoàn toàn bế tắc. Họ không thể làm gì hơn với những người biểu tình Hong Kong. Nhân nhượng cũng không thể mà đàn áp cũng không thể. Cho dù quân đội Trung Quốc đứng hàng thứ hai trên thế giới về quân số cũng như vũ khí nhưng họ không thể sử dụng với người dân Hong Kong. Trước ngày quốc khánh , chủ tịch Tập Cận Bình trả lời phỏng vấn báo chí rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tình trạng ‘một nhà nước hai chế độ’, ông Tập không hề đe dọa hay có ý định sử dụng vũ lực như trong các trường hợp khác. 

Tình trạng hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài khi cả hai phía đều không có ý định nhân nhượng. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi đó? Một điều mà ai cũng thấy được rằng, khi các cuộc biểu tình kéo dài thì tình trạng bạo lực sẽ leo thang từ cả hai phía, cảnh sát và người dân. Người dân sẽ gia tăng bạo lực để gây sức ép buộc chính quyền nhượng bộ và cảnh sát thì sẽ phản công và đàn áp mạnh tay khi bị khiêu khích và khi không giữ được bình tĩnh. Rốt cuộc, tình cảm và quan hệ giữa người dân và chính quyền Hong Kong (mà lực lượng cảnh sát là đại diện) đã và đang đổ vỡ nghiêm trọng. Mối quan hệ này khó mà hàn gắn trong tương lai. Chưa bao giờ mà hình ảnh của cảnh sát Hong Kong trở nên tồi tệ và kinh hoàng như vậy trong con mắt người dân Hong Kong và cả thế giới. Lực lượng cảnh sát Hong Kong vốn được kính trọng vì có tinh thần dân chủ nổi tiếng trong quá khứ nay đã hoàn toàn biến mất. Tiếp theo, chính quyền Bắc Kinh sẽ là trung tâm để người dân Hong Kong trút mọi thù ghét và giận dữ. Hình ảnh người biểu tình nhục mạ quốc kỳ Trung Quốc và hình ảnh Tập Cận Bình đã nói lên điều đó. Cho dù sau này tình hình trật tự tại Hong Kong có được vãn hồi thì tình cảm của người dân Hong Kong đối với Bắc Kinh cũng đã chấm hết, ít nhất là trong tâm hồn. Việc bà Carrie Lam ban bố ‘tình trạng khẩn cấp’ khi cấm người dân không được đeo khẩu trang càng làm bùng lên ngọn lửa chống đối của người Hong Kong.

Dù chính quyền Trung Quốc có bưng bít đến đâu thì hình ảnh các cuộc biểu tình và thái độ bất hợp tác của người dân Hong Kong trong suốt 4 tháng qua sẽ được truyền đi và lan tỏa mạnh mẽ đến các vùng tự trị tại đại lục như Tây Tạng, Tân Cương và ngọn lửa âm ỉ này có thể thổi bùng lên thành những đám cháy khổng lồ khi có cơ hội. 

Một hậu quả nặng nề nữa đối với Hong Kong khi cuộc khủng hoảng kéo dài là kinh tế Hong Kong sẽ suy thoái nghiêm trọng. Các nhà đầu tư quốc tế sẽ nản chí, khách du lịch hay các hoạt động kinh tế thường nhật sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đừng quên rằng Hong Kong là trung tâm tài chính lớn của thế giới, là đầu cầu thu hút đầu tư cho Trung Quốc, một con gà để trứng vàng. GDP của Hong Kong với 7 triệu dân, năm 2018 là 364 tỉ USD đứng thứ 35 thế giới, gần gấp đôi GDP của Việt Nam với 100 triệu dân (GDP 240 tỉ USD). ‘Quả trứng vàng Hong Kong’ đang biến thành cái ‘gân gà’ cho Bắc Kinh, nuốt vào cũng không được mà nhè ra cũng không xong. Biết đâu chừng,  cái ‘gân gà’ sẽ làm sụp đổ đế quốc Trung Hoa? Không ai có thể biết được điều đó. Trước đây Trung Quốc  đã đầu tư vào đảo Hải Nam hàng trăm tỉ USD với mọi ưu đãi đặc biệt nhằm biến nơi đây thành một trung tâm kinh tế tài chính như Hong Kong hay Singapore nhưng dự án khổng lồ này có lẽ đã thất bại.

Bài học nào cho người tranh đấu Việt Nam?

Điều ngộ nhận lớn nhất cần nói ngay là phong trào phản kháng của người dân Hong Kong được tổ chức rất chặt chẽ và bài bản chứ không phải không có tổ chức như nhiều người Việt suy đoán. Làm sao họ có thể duy trì được các cuộc biểu tình trong 4 tháng qua và có lúc lên đến cả triệu người nếu không có tổ chức? Chỉ cần lo nước uống cho chừng đấy con người cũng cần đến một sự chuẩn bị rất chu đáo và ăn ý. Sự thành công của người dân Hong Kong là do họ nhanh chóng đạt được đồng thuận với nhau từ trước (sự đồng thuận này đơn giản và dễ thống nhất hơn hoàn cảnh Việt Nam rất nhiều) và sau đó là phân công công việc rất hợp lý khiến không cần tổ chức nào ra mặt lãnh đạo để tránh bị bắt bớ như hồi phong trào Dù Vàng năm 2014. Những khuôn mặt biểu tượng của phong trào như Hoàng Chí Phong, La Quán Thông, Chu Đình (Joshua Wong, Agnes Chow, Brian Leung, Nathan Law,  Alex Chow, Andy Chan...) không phải tự nhiên mà xuất hiện, họ được sự ủy nhiệm của các tổ chức chính trị đứng đằng sau hậu trường. Như chúng tôi đã có dịp trình bày trước đây, cuộc phản kháng đang diễn ra tại Hong Kong không đơn giản như chúng ta nghĩ mà đây là cuộc ‘đối đầu’ giữa chế độ Trung Quốc và toàn bộ các lực lượng chống Trung Quốc trên toàn thế giới trong đó có cả các tỉ phú đến từ đại lục.

Hoàn cảnh, dân trí và mục tiêu của phong trào phản kháng Hong Kong cũng rất khác Việt Nam. Người dân Hong Kong đã sống 99 năm dưới chế độ bảo hộ của Anh quốc, một chế độ dân chủ bậc nhất trên thế giới vì vậy tinh thần dân chủ đã có sẵn trong mỗi người Hong Kong. Mục tiêu của họ cũng rõ ràng là muốn được sống tự do như trước đây bằng cách ‘độc lập’ với chế độ cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu này dù hoàn toàn chính đáng nhưng lại vô vọng vì không bao giờ được Bắc Kinh chấp nhận. Tự do và độc tài như nước với lửa, không biết là ai sẽ chiến thắng ai trong cuộc đối đầu ‘châu chấu đá xe’ này. 

Phong trào dân chủ Việt Nam không thể có sự đồng thuận như ở Hong Kong vì chúng ta là một quốc gia với gần 100 triệu dân trong khi Hong Kong chỉ là một thành phố với 7 triệu dân. Tuy vậy chúng ta lại có thể đạt được mục đích cuối cùng là dân chủ hóa đất nước trong khi Hong Kong thì không.

Bài học lớn nhất mà chúng tôi nghĩ rằng người Việt Nam nên rút ra từ khủng hoảng Hong Kong là cần ủng hộ cho một vài tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn để các tổ chức đó trở nên hùng mạnh và có thể đảm nhận vai trò đầu tàu, hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng khi thời cơ đến. Một tổ chức chính trị dù đứng đắn, cố gắng và quyết tâm đến đâu cũng không thể làm gì được nếu không nhận được sự ủng hộ và đồng tình của người dân Việt Nam. Dân chủ hóa đất nước là công việc chung của tất cả mọi người dân chứ không phải việc riêng của một tổ chức nào. Một ca sĩ đi hát để lấy tiền mà họ còn mong được khán giả vỗ tay để hưng phấn. Một tổ chức mà không nhận được sự ủng hộ của người dân thì đâu có thể kêu gọi hành động hay làm bất cứ điều gì?

Với những người tranh đấu thì cần biết rằng, trong đấu tranh chính trị thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là tổ chức. Quần chúng chỉ xuống đường khi mọi khâu chuẩn bị đã được hoạch định và lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Các tổ chức chính trị có thể chỉ là một thiểu số nhỏ, nhưng khi thiểu số nhỏ này bằng trí tuệ và sự đứng đắn đã thuyết phục được đa số trí thức và các tổ chức xã hội dân sự thì họ có thể dẫn dắt và động viên được dư luận và quần chúng. Quần chúng có thể căm phẫn chế độ độc tài và ủng hộ phong trào đấu tranh nhưng đặc tính cơ bản của quần chúng là thực dụng, họ chỉ xuống đường vào phút cuối khi biết thắng lợi là điều chắc chắn. Vậy nên, thuyết phục quần chúng và sau đó là dẫn đường cho quần chúng luôn là công việc và trách nhiệm của giới trí thức thông qua các tổ chức chính trị dân chủ.

Việt Hoàng (2/10/2019)