Thương chiến Mỹ-Trung: Ai là người phải trả thuế nhập khẩu (tariff)? (Thạch Đạt Lang)

Thương chiến là cuộc chiến đấu bằng nội lực, sức chịu đựng của người dân. Một điều chắc chắn là sức chịu đựng của người dân Mỹ chẳng thể sánh với dân Tầu đại lục, kéo dài cuộc thương chiến, kẻ bỏ cuộc, gục ngã trước chắc chắn là Mỹ, không phải Trung Quốc. (Thạch Đạt Lang)
Chiến tranh thương mại giữa 2 nước Hoa Kỳ - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khốc liệt sau khi Trung Quốc vào ngày thứ sáu 23/08/2019 tuyên bố áp đặt mức thuế mới từ 5-10% lên các mặt hàng nông sản của Mỹ như bơ đậu phụng, đậu nành, tôm hùm... cùng nhiều loại hàng hóa khác, kể cả xe ô tô và các phụ tùng từ ngày 01/09/2019. Riêng thuế cho xe ô tô và phụ tùng sẽ chịu mức thuế 25% bắt đầu từ ngày 15/12/2019.
Tổng cộng mức thuế này (nghe nói) sẽ đem về cho ngân sách của chính phủ Tập Cận Bình khoảng 75 tỉ USD. Tương tự như thế, những chính sách thuế quan (tariff) mới của ông Donald Trump đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, theo lời ông Trump, dự trù (cũng) sẽ mang thêm về 300 tỉ USD cho nước Mỹ.
Có một vấn đề không ít người lầm lẫn, cho rằng khi Trump đánh thuế hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ là chính quyền của Tầu phải móc tiền từ ngân sách ra để trả số tiền đó như Trump thường tuyên bố láo lếu để lừa bịp người dân Mỹ (bao gồm Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ vàng, Mỹ đỏ, Mỹ nhuôm nhuôm…) ít học hoặc có học nhưng kém hiểu biết.
Trên thực tế, thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu hoàn toàn do người tiêu thụ gánh chịu chứ không phải nhà sản xuất hay giới kinh doanh. Lấy một thí dụ sau đây cho dễ hiểu :
- Nhà sản xuất làm ra lò vi sóng (microwave) 1.000 Watt với giá thành 60 USD/cái. Nhà sản xuất muốn có lời 10 USD/cái thì phải bán 70 USD/cái.
Khi lò vi sóng này được xuất cảng qua Mỹ, Mỹ đánh thuế 10% trên trị giá món hàng khai tại cửa khẩu hải quan là 70 USD, giá sẽ tăng lên thành 77 USD/cái. Không tính chi phí vận chuyển - tùy theo hợp đồng thương mại là ai sẽ phải chịu - nhà sản xuất muốn giữ vững lợi nhuận 10% tất nhiên phải giao cho các công ty, nhà buôn sỉ (big trader) hoặc các siêu thị bán lẻ như Costco, Walmart, Target... mua hàng của mình với giá 77 USD.
Khi Donald Trump tăng tariff từ 10% lên 15% thì thuế nhập khẩu đánh lên lò vi sóng này sẽ là 10,5 USD, Nhà sản xuất vẫn muốn giữ mức lợi nhuận là 10% thì phải bán cho Costco, Walmart, Target, Fry's Electronics... giá 80,5 USD. Khi đến tay người tiêu thụ (consumer) cộng thêm thuế trị giá gia tăng (VAT), lợi nhuận cho Costco, Walmart, Target... trị giá lò vi sóng có thể lên tới 100 USD hoặc hơn.
Nên nhớ rằng thuế quan 10-15% áp lên hàng hóa không chỉ đơn thuần là 10-15% mà còn tiếp tục tăng (progressive) vì phải cộng thêm thuế trị giá gia tăng của 10-15% này từ công ty nhập khẩu qua nhà buôn sỉ, đại lý đến cửa hàng bán lẻ. (Ngoài lề. "Chẳng ai được biết vụ tăng tariff này có áp dụng cho hàng trăm mặt hàng của cha con Donald, Ivanka Trump sản xuất ở Trung Quốc đem về Mỹ bán không ?").
Tăng thuế quan như vậy sẽ gây ra tác động trực tiếp làm tăng giá món hàng nếu nhà sản xuất, công ty, cửa hàng... tất cả các đơn vị, cá nhân tham gia vào việc kinh doanh vẫn muốn giữ nguyên lợi nhuận.
Hậu quả là sức cạnh tranh của món hàng nhập cảng bị yếu đi vì giá cao so với hàng nội địa (nếu có) dẫn tới việc tiêu thụ ế ẩm, sản xuất sút giảm, đình trệ. Từ đó có thể phải sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy... làm tăng tình trạng thất nghiệp, tạo gánh nặng cho xã hội. Nhìn xa hơn, trên bình diện rộng lớn, việc bị áp thuế có thể gây ra khủng hoảng kinh tế - điều mà không một chính quyền nào muốn.
Khi tăng mức thuế quan, khởi động cuộc chiến thương mại, mục đích của Trump là muốn kềm hãm sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giảm bớt thâm thủng mậu dịch với họ, đồng thời ngăn chận việc ăn cáp sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên việc làm này đòi hỏi phải có một kế hoạch lâu dài, phải được chuẩn gị kỹ lưỡng, chi tiết, thực hiện từng bước và cần có đồng minh chứ không thể hứng lên là làm, không tìm hiểu, tính toán, bất chấp hậu quả, khi Trump gây thương chiến chẳng những với Trung Quốc mà còn với 28 nước trong Liên Âu, Mexico, Canada nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Hơn 30 năm trước, khi Trung Quốc mở rộng cửa giao dịch, buôn bán với thế giới. Các công ty, đại tổ hợp của Mỹ, Âu Châu ào ạt tiến vào China, mở chi nhánh, nhà máy, công xưởng sản xuất đủ mọi thứ hàng hóa. Trung Quốc được hưởng tiêu chuẩn Tối Huệ Quốc (Most Favored Nation Clause) khi gia nhập WTO (World Trade Organisation) để xây dựng, phát triển kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc phát triển liên tục nhiều năm với 2 số, hàng hóa Made in China với giá thật bèo bắt đầu tràn ngập các siêu thị Mỹ - nhờ chính sách Tối Huệ Quốc, không bị đánh thuế, tariff 0% trong nhiều năm cộng với nhân công rẻ mạt - đã tạo thói quen tiêu dùng thả cửa cho người dân Mỹ kéo dài đến ngày hôm nay.
Trump muốn ngăn chặn, làm giảm bớt sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhưng việc vội vã áp đặt tariff 25% lên nhôm và thép sản xuất từ Trung Quốc của Trump tác động trực tiếp lên ngành sản xuất ô tô và công nghiệp luyện kim của Mỹ. Giá thành xe hơi, xe gắn máy sản xuất ở Mỹ như Ford, GM... tăng vọt, vất vả cạnh tranh với các loại xe Toyota, Lexus của Nhật, BMW, Mercedes, Voklswagen của Đức, Hyundai của Nam Hàn...
Ford và GM cho biết sẽ đóng cửa một số nhà máy sản xuất ở Mỹ, sa thải hàng chục ngàn người trong hai năm 2019-2020. Hãng sản xuất xe mô tô Harley Davidson đã phải đem cơ sở rời khỏi Mỹ cũng là hậu quả cuộc thương chiến mà Donald Trump gây ra.
Trở lại vấn đề. Khi thuế nhập khẩu tăng thì nhà sản xuất phải có một trong hai quyết định là giảm lợi nhuận, giữ nguyên giá bán và mức sản xuất hay tăng giá bán, giữ nguyên lợi nhuận, chấp nhận sản xuất ít đi để điều chỉnh mức cung và cầu.
Không có thống kê chính xác nhưng từ những quan sát, tìm hiểu và phỏng đoán trong các chuỗi siêu thị như Walmart, Costco, Whole Sales, Home Depot, Orchard, Best Buy... có từ 50-70% là sản phẩm Made in China thì thấy rõ việc giữ nguyên lợi nhuận, tăng giá bán để trả cho thuế quan đang được thực hiện. Trong trường hợp này, việc tăng tariff thuế nhập khẩu khiến người tiêu thụ lãnh đủ.
Chỉ trong trường hợp tariff tăng, Nhà sản xuất chịu từ bỏ một phần lợi nhuận khi nhập hàng vào nước khác thì cuộc chiến thương mại của Trump về một khía cạnh nào đó mới có chút ý nghĩa. Nhưng không ! Thâm thủng mậu dịch của Mỹ so với Tầu năm 2017 là 375 tỉ USD tăng lên 419 tỉ USD năm 2018 . Chỉ trong năm 2019 vì cuộc thương chiến, nhập và xuất cảng giữa 2 nước đều giảm đáng kể nhưng mức độ thâm hụt giữa nhập và xuất siêu của Mỹ trong 6 tháng đầu năm vẫn vào khoảng gần 50% của năm 2017 là 167 tỉ USD.
Phía Trung Quốc không có thống kê về thiệt hại do cuộc thương chiến gây ra nhưng về phía Mỹ thì ai cũng thấy nông dân ở các tiểu bang miền trung tây nước Mỹ như Ohio, North Dakota, Wisconsin, Nebraska, Missouri, Mississippi... đang bị te tua vì nông sản ứ đọng không có nơi tiêu thụ.
Trong khi Trump tự sướng, mải mê thủ dâm chính trị, gửi Tweet liên tục, sáng đe nẹt, hăm dọa tiếp tục tăng Tariff, chiều lại khen ngợi, vuốt ve, nịnh bợ Tập Cận Bình là lãnh đạo vĩ đại, thông minh, khôn ngoan, hiểu biết... và khoe có tình bạn tốt với Tập, hi vọng sẽ có thỏa thuận ngưng chiến trong tháng 9... thì nhiều nông trại ở các tiểu bang miền trung tây nước Mỹ kể trên đang tiếp tục khai phá sản.
Năm 2018 chính quyền Trump phải chi 13 tỉ tiền thuế của dân để trợ giúp cho nông dân các tiểu bang này, năm nay số tiền trợ giúp cho họ cũng ngang ngửa năm 2018. Cuộc thương chiến mà Trump khoe khoang là tốt và dễ thắng đã khiến Donald Trump ngày càng lún sâu vào vũng bùn chưa có lối thoát.
Thế thì bao giờ Trung Quốc mới sụp đổ cho chế độ cộng sản Việt Nam chết theo ? Chẳng ai biết, chỉ thấy hàng hóa Made in China vẫn tăng giá và sống mạnh, sống hùng trong các siêu thị Walmart, Costco, Whole Sales, Home Depot, Orchard, Best Buy, Fry´s Electronics... cũng như người dân Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm tưng bừng, không thấy ai bỏ thời gian cặm cụi đi tìm những món hàng không phải Made in China.
Thương chiến là cuộc chiến đấu bằng nội lực, sức chịu đựng của người dân. Một điều chắc chắn là sức chịu đựng của người dân Mỹ chẳng thể sánh với dân Tầu đại lục, kéo dài cuộc thương chiến, kẻ bỏ cuộc, gục ngã trước chắc chắn là Mỹ, không phải Trung Quốc. Theo một đánh giá và tiên đoán của nhà băng JP Morgan chuyên về đầu tư chứng khoán thương chiến Mỹ-Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho mỗi gia đình người dân Mỹ khoảng 1.000 USD.
Hiện tại đã có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái, các tài xế xe Truck than vãn vì không có việc. Vận chuyển hàng hóa bằng xe truck chiếm 70% lượng hàng hóa được chuyên chở trên toàn nước Mỹ, khi họ than phiền không có việc có nghĩa là kinh tế bắt đầu chậm lại.
Phải chăng đó là lý do mà Donald Trump bắt đầu thấy lạnh cẳng, rụt rè gửi Tweet cách đây vài ngày : "Chúng tôi sắp sửa nói chuyện nghiêm chỉnh trở lại" nguyên văn : We will talk again soon" . Ủa ? Thế thì từ trước tới giờ Trump và Tập toàn nói chuyện tào lao thôi sao ?
Hơn nữa, nếu đã muốn quất sụm kinh tế Trung Quốc, tại sao Trump không áp thuế luôn một lần 200-300% vào tất cả hàng hóa sản xuất ở Tầu nhập vào Mỹ cho Tập Cận Bình chết nhanh hơn mà cứ xìu xìu, ển ển vừa đún vừa reo thế thì bao giờ Trung Quốc mới chết cho các bác Beo Hâu Đờ (Bell Holder) ăn mừng chiến thắng ?
Thế giới chẳng còn mấy ai tin vào tính khí bất thường "sáng đánh, chiều đàm, mai lại đánh" của Trump. Có chăng những người cuồng tín, sẵn sàng bênh vực mọi hành động, lời nói, việc làm của Trump bằng mọi giá, bất kể liêm sỉ, tự trọng, giống như đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam bênh vực, bào chữa cho "bác" Hồ.
Thạch Đạt Lang
(01/09/2019)