Thủ tướng Việt Nam lên tiếng về ‘vi phạm chủ quyền’ trên Biển Đông (VOA)

Một 'đồng thuận' trên toàn thế giới hiện nay có lẽ là 'chống Trung Quốc". Các nước dân chủ đã nhận ra một sự thật đau lòng là việc làm ăn với TQ như 'nuôi ong tay áo'. TQ không hề trở lên dân chủ và cởi mở khi kinh tế phát triển mà ngược lại TQ càng siết chặt tự do tại đại lục và ngày càng trở nên nguy hiểm cho hòa bình của thế giới. Đây là thời điểm mà thế giới nhận ra nguy cơ khủng hoảng của TQ đang đến gần nên họ đã tìm cách cho quá trình này diễn ra nhanh hơn. VN cũng đã nhận ra điều đó và quyết tâm xoay trục để không chết chìm cùng TQ. Việc chính phủ VN ngày càng chống TQ ra mặt là lẽ đương nhiên dù trong lòng không hề muốn. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/9 nói Việt Nam đã “đấu tranh bằng mọi biện pháp” để chống lại các hoạt động vi phạm chủ quyền trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động “bất hợp pháp” trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra thông tin trên trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội hôm 4/9, theo ghi nhận của truyền thông trong nước.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam có phát ngôn trực tiếp liên quan đến tình hình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam nói là vi phạm vùng biển của mình từ ngày 3/7.

Ông Phúc không nhắc tới Trung Quốc hay một sự việc cụ thể nào nhưng nói rằng: “Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta.”

Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã 3 lần lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc “vi phạm” chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vài lần phản bác những cáo buộc của Hà Nội và cho rằng tài Hải Dương 8 của họ luôn hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.

Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vụ Bãi Tư Chính khi Thủ tướng Phúc cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu lên “quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông” trong một cuộc họp báo chung sau khi gặp mặt nhau tại Hà Nội hôm 23/8.

Trước đó vài tuần, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng” về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương 8 trong một cuộc họp kín với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok hôm 1/8.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chưa lần nào lên tiếng trước công chúng về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai tháng qua trên Biển Đông.

Trong khi đó tại cuộc họp hôm 4/9, Thủ tướng Phúc còn được truyền thông trong nước trích lời nói rằng: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã làm hết sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.”

Vào thời điểm này, theo Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA hồi tuần trước, cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là “kháng cự âm thầm” trong khi “kiểm soát truyền thông” và Việt Nam đã “tận dụng tất cả các kênh từ Đảng, lãnh đạo và quân đội” để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc nhằm khiến Trung Quốc phải rút đi.

Các chuyên gia nước ngoài và người dân Việt Nam trong 2 tháng qua đã kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam về lâu dài như Philippines làm và đã thắng tại vụ kiện ở tòa La Haye cách đây hơn 3 năm.