Sự ngụy biện của ông Hoàng Hải Vân (Trung Bảo)

Tuy nhiên, đưa tin rằng có sự xâm phạm của tàu Trung Quốc đối với EEZ của Việt Nam và hoạt động can thiệp của lực lượng chấp pháp Việt Nam là điều mà bất kỳ nhà báo nào cũng phải thực hiện. Từ chối điều đó là từ chối trách nhiệm đưa tin của nhà báo. Cố dùng sự nguỵ biện để lu lấp đi việc ấy rồi kết luận ẩu “báo chí cần gì phải biết” là tự nhận vai trò của một tuyên truyền viên. (Trung Bảo)


Trong bài viết của Hoàng Hải Vân về sự kiện ở bãi Tư Chính, câu chữ đá nhau chan chát từ trên xuống dưới với nhiều lỗi nguỵ biện mà vì đó đã khiến ông ấy phải viết ra những điều đi ngược với các nguyên tắc của nghề báo. Kể từ sau bài viết này, với tôi, ông Huỳnh Kim Sánh (có bút danh Hoàng Hải Vân) tuyệt đối không phải là nhà báo. Ông đã chọn cho mình vị trí của một tuyên truyền viên.

Ngay trong khổ đầu tiên của bài viết, ông Sánh khẳng định “nhiều chiến binh mạng dùng bàn phím định xông ra bãi Tư Chính cứu nước”. Đây là một lối viết xách mé thiếu sự lương thiện và “dán nhãn” cho những người đang lên tiếng trên mạng về sự kiện Tư Chính nhằm tạo ra ấn tượng họ chỉ là những người chỉ “cào bàn phím” – như cách nói quen thuộc của các dư luận viên, chứ không trả lời được những điều mà người ta đưa ra.

Lối viết này là sự tấn công cá nhân, loại nguỵ biện thấp kém nhất trong các loại nguỵ biện, cách mà các dư luận viên cấp thấp thường dùng để phô bày sự kém cỏi của trí óc. Ông Sánh, trong các bài viết của mình, thường dẫn các tư tưởng triết học Đông – Tây kim cổ, lại dùng ngay cách nguỵ biện thấp kém này ngay trong phần mở đầu bài viết, điều ấy cho thấy gì? Cho thấy ông ta chỉ dùng chữ nghĩa để loè bịp thiên hạ chứ những tư tưởng triết học cao đẹp này không thấm được vào ông ấy.

Trong phần tiếp theo, ông khẳng định có sự thật rằng tàu thăm dò của Trung Quốc đang thăm dò dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam. Ông cũng dẫn luật Biển về Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ). Từ đó, ông cho rằng việc khai thác dầu khí của tàu Trung Quốc đã bị “ta giám sát” và sự giám sát ấy là “chuyện quân sự báo chí cần gì phải biết”.

Đây chính là lối nguỵ biện kết luận ẩu thường thấy ở những dư luận viên có chút đầu óc, ông khá hơn ở đoạn này, dùng để bịp thiên hạ sau khi tung ra một mớ xà bần kiến thức góp nhặt.

Đúng là theo luật Biển, tàu bè được phép đi qua lại trong EEZ nhưng như ông ta đã khẳng định, tàu Trung Quốc đến để khai thác dầu khí. Do đó, việc giám sát thế nào đối với những xâm phạm vào EEZ của Việt Nam thì bất kỳ người dân nào cũng có quyền được biết. Không ai đòi hỏi báo chí phải đưa tin kế hoạch tác chiến, trực chiến, hay biện pháp can thiệp cụ thể. Đó là những bí mật quân sự mà luật đã nghiêm cấm báo chí thông tin.

Tuy nhiên, đưa tin rằng có sự xâm phạm của tàu Trung Quốc đối với EEZ của Việt Nam và hoạt động can thiệp của lực lượng chấp pháp Việt Nam là điều mà bất kỳ nhà báo nào cũng phải thực hiện. Từ chối điều đó là từ chối trách nhiệm đưa tin của nhà báo. Cố dùng sự nguỵ biện để lu lấp đi việc ấy rồi kết luận ẩu “báo chí cần gì phải biết” là tự nhận vai trò của một tuyên truyền viên.

Không chỉ vậy, ông Sánh còn công khai hạ nhục những chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam khi gọi họ là “mạ thủ” tức bọn chuyên đi chưởi bới trêu tức đối phương. Những cảnh sát biển Việt Nam đang căng mình đối đầu với lực lượng mạnh hơn mình, đối diện với sinh tử để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của tổ quốc, họ tuyệt đối không phải là lực lượng thấp hèn chỉ biết đi chửi bới nhục mạ đối phương. Họ, dù danh nghĩa là lực lượng bán quân sự nhưng ai cũng biết lực lượng này được biên chế như một binh chủng thuộc quân chủng hải quân, có phương án tác chiến – can thiệp và bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Tuyệt đối không thể có chuyện “mở quần vạch cu đuổi đám cóc nhái” hay “vung ‘cac’ vung ‘lon’ lên tàu chúng nó” như cách ông Sánh hạ nhục họ.

Ông Sánh nhiều lần khoe từng là lính nhưng với khổ cuối trong bài viết của ông thì tôi đề nghị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phải có ý kiến chính thức về điều xằng bậy mà ông ta cố ý gán ghép cho lực lượng này. Không cần là luật sư, tôi cũng nhận ra dấu hiệu vi phạm điều 258 Bộ luật Hình Sự trong bài viết của ông Sánh “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức và cá nhân” ở đây cụ thể là danh tiếng của lực lượng Cảnh sát biển, là danh dự của những chiến sĩ Cảnh sát biển đang chiến đấu bảo vệ biển đảo.

Ông Sánh tuyệt đối không còn là nhà báo. Không phải bởi ông đã bị rút thẻ nhà báo. Một nhà báo không được công nhận bởi cái thẻ do nhà nước cấp. Một nhà báo được công nhận bởi bài viết và bị phủ nhận cũng bởi bài viết.

17/7/2019