Chung một giấc mơ? (Nguyễn Gia Kiểng)

Làm thế nào để có một giấc mơ Việt Nam chung thay vì mỗi người một giấc mơ riêng? Không khó. Cái khó là phải mơ. Nếu mỗi người tạm từ bỏ cái tôi để trở về với mình và thành thực nghĩ về những gì mà mình có thể mơ ước cho đất nước Việt Nam rồi viết ra giấc mơ Việt Nam của mình họ sẽ thấy giấc mơ đó không khác bao nhiêu giấc mơ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. (Nguyễn Gia Kiểng)
Một người bạn hỏi tôi "tại sao các vị lại kết thúc dự án chính trị của các vị bằng chương "Chung một giấc mơ Việt Nam". Các ngài định đấu tranh hay mơ mộng?"

Không biết anh hỏi thực hay hỏi đùa nhưng những từ "các vị", "các ngài" chắc chắn cũng có hàm ý trêu chọc là chúng tôi, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, không thực tế và vì thế không phù hợp với chính trị. Câu hỏi khiến tôi khựng lại. Không phải vì không có câu trả lời mà vì không biết phải trình bày nó như thế nào. Dù Giấc Mơ Việt Nam đã là kết luận của các dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ mấy chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên có người hỏi chúng tôi như vậy. Sau một lúc chần chừ tôi quyết định bắt đầu bằng cách hỏi lại anh : "Tôi sẽ trả lời nhưng trước hết xin hỏi lại là ngài có giấc mơ nào cho Việt Nam không ?". Đến lượt anh bạn lúng túng. Anh là một trí thức lớn, uyên bác và chân chính.

Nhưng giấc mơ là gì ? Nó không giản dị như người ta thoạt tưởng.

Ở nghĩa thông thường nhất giấc mơ chỉ là một sản phẩm của hoạt động của khối óc trong giấc ngủ. Các nơ-rôn chuyển động, va chạm và kết hợp với nhau tạo ra các diễn biến ảo –hình ảnh, âm thanh, cảm xúc v.v.- hoàn toàn không có thực mà bình thường chính người mơ cũng không biết và không nhớ. Tất cả đến và đi trong giấc ngủ. Đôi khi người ta nhớ được khúc cuối, lúc sắp thức dậy, khi giấc ngủ đã mất cường độ và ý thức đã dần dần trở lại. Người ta gọi những gì còn nhớ được là giấc mơ. Đặc tính chính của giấc mơ là người mơ hoàn toàn không chủ động. Đó không phải là giấc mơ Việt Nam mà anh em chúng tôi theo đuổi.

Giấc mơ Việt Nam của chúng tôi là một giấc mơ trong lúc thức tỉnh, cả trí tuệ lẫn tâm hồn. Giấc mơ này giống như một ước mơ, nghĩa là những gì chúng ta muốn thấy, xuất phát từ thực tại mà chúng ta đang sống và ý muốn vượt lên thay đổi thực tại đó và đạt tới một thực tại khác đẹp hơn. Tuy vậy nó vẫn là một giấc mơ chứ không phải là một ước mơ bởi vì, khác với một ước mơ, nó vượt thoát hẳn khỏi thực tế và không thể đạt tới được một cách trọn vẹn trong một thời gian dự trù được. Trong giấc mơ không có kết quả cụ thể, cũng không có quyền lợi và tham vọng cá nhân, ngay cả tham vọng chính đáng. Nó là phẩm chứ không phải là lượng, một hướng đi chứ không phải một cột mốc, một lý tưởng chứ không phải một mục tiêu.

Và tại sao phải mơ ?

Trước hết là vì giấc mơ, dù hiểu theo nghĩa nói trên, trong lúc tỉnh, hoàn toàn không có sự giả dối. Lý do là vì không ai bắt mình mơ, mình tự ý mơ trong một khoảng khắc bình yên và chỉ đối diện với chính mình cho nên tuyệt đối không có nhu cầu nói dối. Giấc mơ vì vậy bao giờ cũng là một khoảng khắc chân thành và khiến người ta trong sạch hơn.

Nó cũng khiến người ta gắn bó với đất nước hơn bởi vì người ta luôn luôn mơ bằng tiếng mẹ đẻ. Một điều có thể nhận thấy là các thế hệ di dân thứ hai –con của những người vừa tới định cư ở một nước mới- thường ít mơ mộng. Họ có thể rất năng động và thành công ngoạn mục trong học hành cũng như trong nghề nghiệp nhưng họ ít mơ mộng. Không phải vì phải phấn đấu nhiều và không còn thời giờ để mơ mộng như họ thường nói mà vì không có tiếng mẹ đẻ để mơ. Họ được cha mẹ chăm nom trong những năm đầu đời cho nên tiếng mẹ đẻ vẫn là tiếng của cha mẹ, nhưng rồi họ đi học và sau đó đi làm bằng tiếng của nước nhập cư và dần dần quên đi tiếng mẹ đẻ hay chỉ còn giữ lại được một chút ít không đủ để mơ. Họ không thể mơ vì đã mất tiếng mẹ đẻ. Đó là một thiệt thòi lớn vì mơ mộng là một điều kiện cần để sống hạnh phúc.

giacmo2

Giấc mơ cũng khiến người ta gắn bó với đất nước hơn bởi vì người ta luôn luôn mơ bằng tiếng mẹ đẻ. Ảnh minh họa 

Quan trọng hơn, giấc mơ làm đẹp tâm hồn và gắn bó những con người.

Giấc mơ chỉ có thể đẹp và hiền hòa. Một người Cao Ly có thể nguyền rủa Kim Jong-un, rất mong ước hắn bị lật đổ và trừng trị thật đích đáng nhưng người ta không thể mơ như thế. Giấc mơ chỉ có thể có những điều tốt và đẹp. Và vì nó vừa thành thực vừa tốt và đẹp nên nên nó khiến chúng ta cùng hướng về cái Tốt, cái Đẹp và cái Đúng. Nó khiến chúng ta gắn bó với nhau trong sự chia sẻ những điều mà ai cũng muốn. Điều này tổ tiên ta đã biết ngay từ một ngày rất xa xưa. Các cụ gọi những kết hợp tạm bợ là "đồng sàng dị mộng" (cùng một chiếu nhưng không cùng một giấc mơ). Như vậy các cụ đã biết từ lâu điều mà nhiều người đấu tranh chính trị ngày nay, ngay cả những người rất thông thái, không ý thức được một cách rõ ràng là người ta chỉ có thể chung sức hành động lâu dài nếu cùng chia sẻ một giấc mơ. Như vậy giấc mơ tuy xa vời nhưng lại là một nhu cầu rất cụ thể cho một kết hợp bền vững.

Có cần những bằng chứng cụ thể cho những khẳng định này không ?

Hai tôn giáo lớn quen thuộc với chúng ta, Phật Giáo và Kitô Giáo, đã gắn bó hàng tỷ người trong hàng ngàn năm trong một giấc mơ chung là sẽ được vào Niết Bàn, hay lên Thiên Đàng cũng thế vì hai tôn giáo này là anh em (1). Ngày nay cả hai đều đang gặp khó khăn bởi vì giấc mơ đó, ít nhất theo cách mô tả cổ điển, không còn được chia sẻ nồng nhiệt như trước nữa.

Một thí dụ khác, cũng là một thảm kịch cho nhiều dân tộc trong đó có chúng ta, là phong trào cộng sản. Cũng như tất cả mọi đảng cộng sản đã từng xuất hiện trên thế giới và hầu hết đã tiêu vong, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được xây dựng trên danh nghĩa như là một phương tiện để tiến tới giấc mơ Thế Giới Đại Đồng không giai cấp, tuyệt đối bình đẳng và liên đới trong đó mỗi người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Giấc mơ này rất đẹp cho nên có lúc đã động viên được hàng tỷ người và hàng triệu người đã say mê đến độ sẵn sàng chết cho nó và sẵn sàng giết người vì nó. Tại Việt Nam nó đã qui tụ được một số người không nhiều cũng không có trình độ hiểu biết nào đáng kể, chủ yếu theo cộng sản vì mù quáng, nhưng cuồng nhiệt chia sẻ giấc mơ chung đó và đã có thể lôi kéo hoặc cưỡng bức nhiều người khác theo họ và hy sinh cho họ. Sau cùng họ đã thắng trước một phe chống cộng tuy đông hơn, kiến thức cao hơn, phương tiện dồi dào hơn, nhưng đồng sàng dị mộng. Đó là một trong những bài học lịch sử lớn nhất.

Sau cùng phong trào cộng sản thế giới đã sụp đổ khi giấc mơ tan biến. Lý tưởng này tuy đẹp nhưng không có đường đi tới. Đường đi tới được đưa ra là tư tưởng Mác-Lênin sai cả về phương pháp lý luận lẫn chính lý luận. Và giấc mơ đã chỉ là ác mộng. Các chế độ cộng sản và các đảng cộng sản đã tiêu vong, chỉ còn lại hai chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam và hai chế độ khốn cùng là Triều Tiên và Cuba. Nhưng cả hai chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều đã chấp nhận kinh tế thị trường và không những thế còn tạo ra một tình trạng chênh lệch giầu nghèo thách đố hơn cả các nước tư bản. Giấc mơ cộng sản đã bị chối bỏ, hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam không thú nhận chỉ vì gian trá và ngụy biện mà thôi. Sự sụp đổ của cả hai chế độ là chắc chắn bởi vì những người cộng sản không còn giấc mơ chung.

Còn đối lập dân chủ Việt Nam ?

Phải nói thật vắn tắt và quả quyết : muốn đánh bại được sự ngoan cố của Đảng Cộng Sản phải có một tổ chức dân chủ mạnh và muốn có một tổ chức dân chủ mạnh chúng ta cũng cần một giấc mơ Việt Nam chung. Chúng ta thiếu một giấc mơ Việt Nam và vì thế không thấy cần có một tư tưởng chính trị để chứng minh rằng có đường đi tới lý tưởng đó và một dự án chính trị để biết phải đi tới như thế nào. Mỗi người theo đuổi một ước vọng cá nhân, có khi chỉ tầm thường như được đóng một vai trò nào đó hay được thừa nhân một tư cách nào đó. Hậu quả là đấu tranh nhân sĩ hoặc đồng sàng dị mộng. Chính vì thế mà chúng ta vẫn chưa có nổi một tổ chức dân chủ có tầm vóc, cuộc vận động dân chủ vẫn dậm chân tại chỗ và chính quyền cộng sản vẫn còn tồn tại dù đã mất lý tưởng, đã phân hóa cùng cực, đã trở thành một lực lượng chiếm đóng cướp bóc và đã thất bại trên mọi phương diện. Nhiều người có thể nghĩ giấc mơ xa vời, nhưng cũng chính vì thế mà nó đoàn kết chúng ta một cách lâu dài.

Sau một hồi trao đổi anh bạn nói : "Thú thực là mình không có một giấc mơ nào cho Việt Nam, chỉ ghét bọn cầm quyền hiện nay vì chúng nó quá nhảm nhí thôi. Có lẽ là vì trong thâm tâm mình cũng không yêu nước lắm". Anh là một người hiểu biết và chân thực, anh thành công lớn, được mọi người quý trọng ; các con anh cũng đều rất thành đạt, nhưng họ chủ yếu quan tâm tới cuộc sống cá nhân.

Rồi anh hỏi tôi làm thế nào để có một giấc mơ Việt Nam chung thay vì mỗi người một giấc mơ riêng ?

Không khó. Cái khó là phải mơ. Nếu mỗi người tạm từ bỏ cái tôi để trở về với mình và thành thực nghĩ về những gì mà mình có thể mơ ước cho đất nước Việt Nam rồi viết ra giấc mơ Việt Nam của mình họ sẽ thấy giấc mơ đó không khác bao nhiêu giấc mơ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên :

     Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

     Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

     Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Giấc mơ chung đó chắc chắn sẽ nhanh chóng khiến cuộc vận động dân chủ khởi sắc.

Nguyễn Gia Kiểng

(31/07/2019)

-----------------

Đề nghị đọc thêm :