BigC ngừng nhập bán hàng may mặc trong nước (Tổng hợp)

LTS: Sau khi có thư gửi tới các doanh nghiệp Việt Nam thông báo chuyện ngừng nhập bán hàng may mặc từ các nhà cung cấp nội địa, phía BigC đã có buổi làm việc trực tiếp với bộ Công Thương Việt Nam, theo đó, BigC sẽ bố trí nhập lại các mặt hàng may mặc từ các doanh nghiệp Việt Nam, muộn nhất là đến tháng tám.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương đẩy mạnh sự phát triển của thị trường nội địa ngay từ trong những Dự án Chính trị đầu tiên. Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi một lần nữa nhắc lại lập trường này trong chương Những Định Hướng Lớn Của Mô Thức Việt Nam.

Thị trường nội địa luôn là thị trường quan trọng nhất của mọi nền kinh tế, ngoại trừ những nước xuất khẩu dầu mỏ. Hoa Kỳ, nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, cũng chỉ phụ thuộc 30% vào xuất nhập khẩu, phần còn lại là trọng lượng của thị trường nội địa. Thị trường nội địa vừa quan trọng về khối lượng, lại vừa là nơi cho những thử nghiệm, vừa là trái độn phòng ngừa những biến thiên liên tục của thị trường quốc tế.

Muốn phát triển thị trường nội địa không thể không nhắc đến những công ty, xí nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Chúng ta đang rất thiếu những doanh nhân có tầm cỡ do vậy phải không ngừng nâng đỡ, khuyến khích các xí nghiệp và công ty cỡ nhỏ, giúp họ phát đạt và gia tăng tầm vóc. Nhưng nhà nước Việt Nam dân chủ không cần và cũng không nên can thiệp vào chuyện cạnh tranh một cách thường xuyên và đột ngột như chính quyền hiện nay đã và vẫn đang làm, như trong vụ BigC này.

Chúng ta, ngoài nâng đỡ bằng các chính sách thông tin, giao thông, và truyền thông, sẽ đảm bảo một hệ thống pháp luật rõ ràng. Đầu tiên, các thủ tục hành chính rườm rà sẽ bị gỡ bỏ. Chúng ta hoan nghênh và cần tranh thủ những nhà đầu tư nước ngoài, tuy vậy, người nước ngoài không được phép có những đặc quyền kinh doanh mà người Việt Nam không có.


BigC ngừng nhập bán hàng may mặc trong nước (Dân Trí)

Tập đoàn Central Group của Thái Lan vừa có thư gửi các đối tác tại Việt Nam thông báo về việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam. Hàng trăm nhà cung ứng của Big C tại Việt Nam chiều ngày 3/7 đã lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, hãng này cho biết, việc đỉnh chỉ đó là "tạm thời" (Theo Dân trí)

Cụ thể, Tập đoàn Central cho biết nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, đơn vị này quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019.

"Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam", thông báo của Central nêu rõ.

Theo thông báo này, tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại.

Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.

Sau động thái nói trên của "đại gia" Thái Lan, nhiều nhà cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam đang hợp tác với BigC đối diện với tình hình khó khăn.


Ngay trong chiều nay (3/7), nhiều người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP HCM nhằm làm rõ vụ việc.

Một số chuyên gia lo ngại, nếu tiền lệ này được thông qua, có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.

Về phía Big C Việt Nam, trao đổi nhanh với Dân trí qua điện thoại, đại diện Big C Việt Nam cho biết, hãng này có hàng ngàn nhà cung cấp tại Việt Nam. Công văn trên chỉ gửi cho vài chục đơn vị để thay thế hàng chứ không phải là ngừng hoàn toàn việc nhập hàng may mặc của Việt Nam.

Trong thông cáo báo chí phát đi cuối ngày, ông Vũ Thanh Tân, đại diện Big C Việt Nam cho biết: "Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng".

"Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam", ông Tân cho biết.

***********************

BigC ngừng nhập hàng may mặc trong nước, doanh nghiệp Việt hoang mang (Tiền Phong)



TPO - Chiều 3/7, hàng chục doanh nghiệp may mặc trong nước giăng băng-rôn biểu tình trước trụ sở văn phòng đại diện Central Group – đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC Việt Nam tại TPHCM do siêu thị bất ngờ ngừng nhập hàng dệt may của doanh nghiệp Việt.



Theo những người phản đối, họ là những nhà cung cấp sản phẩm dệt may cho hệ thống siêu thị này. Hôm nay (ngày 3/7), một số kho hàng của BigC từ chối nhận hàng của họ khiến hàng đã sản xuất ra không thể tiêu thụ.

Đại diện một công ty may cho biết, công ty có 300 nhân sự. Nếu BigC không nhập hàng thì thiệt hại rất lớn. “Để có hàng giao cho BigC, nhà cung cấp chuẩn bị hàng trước từ 3-6 tháng. Hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu rất nhiều nhưng BigC không nhập hàng nữa khiến chúng tôi rất bị động. Hôm nay công ty đã phải cho công nhân nghỉ việc. Không có việc làm, công nhân sẽ đi tìm nơi khác. Nếu tình trạng này kéo dài thì công ty rất dễ phá sản, trong khi chúng tôi đã đồng hành cùng BigC đã 20 năm rồi” – vị này cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết chưa nhận được thông báo nào từ BigC mà chỉ nghe thông báo “miệng” từ bộ phận thu mua của BigC.

Trước tình trạng lượng các nhà cung cấp kéo đến ngày một đông, đại diện BigC đã phải làm việc với các nhà cung cấp. BigC giải thích, do kế hoạch của doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình, nên tạm thời không nhận đơn hàng mới. Tuy nhiên vẫn sẽ nhận những đơn hàng đã đặt với nhà cung cấp. Những đơn hàng gặp vướng mắc sẽ được đơn vị này giải quyết cho nhập kho ngay.




Central Group Việt Nam cũng đưa ra cam kết sẽ gửi thông tin đến cho nhà cũng cấp ngay trong ngày hôm nay. Đồng thời sẽ có buổi gặp mặt riêng để giải thích về mô hình mới. “BigC cam kết không loại bỏ hàng may mặc đang chiếm tỷ trọng lớn trong mô hình kinh doanh của mình” - đại diện BigC khẳng định.

Trước đó, ngày 2/7, Central Group gửi thông báo đến các đối tác nêu rõ: “Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam”.

Lý giải cho động thái này, Tập đoàn Central Group cho rằng, đây là việc làm nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam.


Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, đại diện truyền thông của BigC cho biết đang có sự hiểu lầm thông tin. Thông báo này của BigC chỉ áp dụng đối với một số nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam. BigC không hoàn toàn dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ tất cả các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam. BigC tại Việt Nam sẽ có thông báo chính thức, giải thích rõ hơn về việc này.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện chưa có đầy đủ thông tin để cung cấp cho báo
chí những chỉ đạo của Central Group đối với hệ thống siêu thị BigC tại Việt Nam về việc tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.



***********************

Đằng sau việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt (PLO)


Tối 2-7, trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam (VN), Central Group VN (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C) nêu rõ: Kể từ tháng 7-2019, Central Group VN tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa hai bên.

Tập đoàn này giải thích việc tạm ngừng đặt hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan.

Doanh nghiệp Việt bức xúc

Chiều 3-7, nhiều đại diện của các doanh nghiệp dệt may đã có mặt tại văn phòng đại diện Central Group ở TP.HCM để phản đối quyết định trên. Trao đổi với báo chí, đại diện một số công ty dệt may VN cho rằng hành động của Central Group đã đẩy hàng loạt nhà cung cấp sản phẩm may mặc VN vào khó khăn.

Bởi theo họ, việc đột ngột ngưng hợp tác này gây ra nhiều thiệt hại về tài chính, đồng thời là nỗi lo việc hàng ngoại nhập sẽ thoải mái vào hệ thống siêu thị này sau khi đã đẩy toàn bộ hàng may mặc VN ra khỏi hệ thống siêu thị. “Không chỉ hàng may mặc mà các mặt hàng khác của VN trong siêu thị do nước ngoài sở hữu có thể sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập” - đại diện một công ty cảnh báo.


Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, cho biết công ty không cung cấp hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C nhưng cung cấp mặt hàng chăn, ra, gối, nệm... “Dù chưa nhận được thông báo chính thức do Tập đoàn Central Group gửi đến nhưng chúng tôi nắm được thông tin tập đoàn này muốn dành mặt bằng để phát triển ngành điện máy (nên phải giảm mặt bằng dành cho ngành may mặc và các ngành khác - PV). Do đó, khả năng thu hẹp ngành hàng của chúng tôi sẽ diễn ra trong tương lai” - ông Hòa lo ngại.

Ngoài ra, ông Ngô Đức Hòa cho hay thời gian qua công ty gặp một vấn đề là chiết khấu tại siêu thị Big C tăng cao so với các siêu thị khác và tăng bất thường. “Trong khi sức mua thấp mà chiết khấu bỗng nhiên tăng cao khiến doanh thu thời gian qua của chúng tôi giảm 20%” - ông Hòa nói.


Central Group nói lại cho rõ nhưng…

Trước sự phản ứng mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, đến cuối giờ chiều 3-7, Big C VN giải thích rõ cho thông báo trước đó. Cụ thể, đơn vị này cho rằng việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại VN.

Phía Big C VN còn cho biết đang phát triển các thương hiệu mới, đồng thời đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình. “Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C VN đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này. Tìm kiếm các nguồn cung ứng từ nhà cung cấp VN luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó” - đơn vị này cam kết.

Ảnh hưởng doanh thu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da dày, túi xách TP.HCM, nói những doanh nghiệp đang hợp tác và là đối tác với Big C mà đột nhiên cắt ngang hợp đồng chắc chắn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Cắt hợp đồng đồng nghĩa không sản xuất được nên trước hết ảnh hưởng đến thu nhập, thậm chí gây tâm lý hoang mang cho người lao động.

“Về phía doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng về doanh thu, mà nguồn nguyên liệu mua để làm hàng cho Big C trước đó có thể bị tồn kho” - ông Khánh nói.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết chưa nghe hội viên phản ảnh về chính sách ngừng nhập hàng may mặc của Big C.
Đột ngột dừng nhập hàng may mặc Việt, Big C nói gì?

"Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam", chuỗi siêu thị này cho biết.

18h ngày 3/7, tập đoàn Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C, phản hồi chính thức về văn bản ngừng nhập hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt từ tháng 7.

Big C Việt Nam cho biết đang phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ của mình, trong đó có ngành hàng may mặc.

Chuỗi siêu thị này nói đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

"Tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó. Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.", thông cáo báo chí của Big C viết.

Đại diện Big C cũng cam kết sẽ tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng.

Trước đó, trong chiều 3/7, lãnh đạo và công nhân nhiều doanh nghiệp dệt may đang cung ứng sản phẩm may mặc cho Big C Việt Nam có mặt tại trụ sở Central Group ở TP.HCM để phản đối thông báo đột ngột tạm dừng nhập mặt hàng này của chuỗi siêu thị.



Trao đổi với các đối tác Việt Nam chiều 3/7, đại diện Central Group khẳng định quyết định dừng nhập hàng may mặc này "chỉ là tạm thời, không phải là chấm dứt hợp đồng".

Phía Central Group cho biết việc tạm dừng nhập hàng này "lâu nhất là 2 tuần". Trong thời gian đó, doanh nghiệp sẽ đánh giá lại chiến lược, xem xét hàng tồn kho và đưa ra chiến lược mới.

Theo văn bản do Tổng giám đốc Central Group Việt Nam ký được gửi đi ngày 2/7, Big C sẽ tạm ngưng đặt hàng của các nhà cung cấp hàng may mặc theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.

“Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại”, thông báo của Central Group Việt Nam nêu rõ.

Tập đoàn này giải thích việc tạm ngừng đặt hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan.

Big C Việt Nam hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Central Group của gia tộc tỷ phú Thái Lan Chirathivat. Đại gia bán lẻ Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam từ tay tập đoàn Casino của Pháp năm 2016 với giá hơn 1 tỷ USD.

Tỉ phú Thái thâu tóm thị trường bán lẻ VN

Central Group là một tập đoàn đa ngành chuyên về bán lẻ có trụ sở tại Thái Lan. Tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình tỉ phú Chirathivat, gia tộc được Forbes xếp hạng giàu thứ hai tại Thái Lan năm 2018 với khối tài sản 21,2 tỉ USD.

Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan vào năm 2016 đã mua lại hệ thống siêu thị Big C VN gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ USD. Hiện tại, tập đoàn này nắm giữ cổ phần chi phối trong Công ty Điện máy Nguyễn Kim và thành lập nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ khác. Ngoài ra, tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Mertro VN gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD...

Như vậy, đến thời điểm trên, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại VN, bao vây thị trường bán lẻ Việt. 

Theo đó, Big C VN đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm VN chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng.

“Big C VN đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu tiềm năng. Big C VN cam kết tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng” - đơn vị này khẳng định.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp cho hay các đại gia ngoại luôn cam kết rằng họ sẽ ưu tiên số một cho hàng Việt nhưng thực tế không đúng như vậy. Bằng chứng là sau khi các siêu thị vào tay đại gia Thái thì hàng của nước này đã dần phủ các kệ hàng, giảm mua hàng Việt. Hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ. Giám đốc một công ty từng nói: “Bây giờ chúng tôi không thể đưa hàng vào được vì họ không nhập hàng VN vào nữa!”.

Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group mua siêu thị BigC từ tập đoàn của Pháp

Ngày 29/4/2016, Tập đoàn Thái Lan Central Group đã hoàn tất giao dịch mua lại hệ thống siêu thị Big C từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỉ USD). Việc bán Big C cho Central Group nằm trong kế hoạch của chuỗi bán lẻ thực phẩm Pháp để giảm bớt các khoản nợ ngày một tăng cao.

Theo tờ Bangkok Post, ông Tos Chirathivat, Tổng giám đốc của Central Group, cho biết tập đoàn cho biết ý định tham gia vào mua Big C Việt Nam vì đây là một trong những thị trường đầu tư chiến lược của tập đoàn này trong khu vực ASEAN và việc mua Big C giúp doanh số tập đoàn này tăng gấp đôi.

"Châu Âu là thị trường đã bão hòa. Chúng tôi hiện tập trung vào Việt Nam, với rất nhiều cơ hội bán lẻ tiềm năng", CEO Central Group, ông Tos Chirathivat, cho biết.

Ông cũng đánh giá việc thương vụ không chỉ mang đến cho họ chuỗi siêu thị Big C với 33 chi nhánh tại Việt Nam, mà còn có 10 cửa hàng tiện lợi và 30 trung tâm mua sắm do các công ty con của Big C Việt Nam sở hữu, VnExpress dẫn tin.

Bộ Công Thương sẽ làm việc với Big C

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết trong quan hệ thương mại giữa VN và các siêu thị này, không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích các doanh nghiệp này ưu tiên dùng nguồn hàng của các doanh nghiệp VN.

“Trong các cuộc làm việc giữa Bộ Công Thương và các chuỗi siêu thị, Bộ luôn phối hợp, tư vấn cho các doanh nghiệp để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối với tỉ lệ phù hợp” - vị lãnh đạo trên cho hay.

Theo vị này, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm làm việc lại với Big C về vấn đề này, xem xét nguyên nhân đằng sau là gì. Cùng với đó, Bộ tiếp tục đề nghị phía tập đoàn Thái Lan có trách nhiệm hợp tác với các doanh nghiệp Việt để đưa hàng VN tham gia chuỗi hệ thống siêu thị.



***********************

Big C mở lại đơn hàng may với doanh nghiệp Việt (Cafef)


Trong ngày 4-7, Big C đã mở đơn hàng may mặc cho 50 nhà cung cấp Việt Nam và trong 2 tuần tới sẽ tiếp tục mở cho 100 nhà cung cấp khác.

Ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sáng cùng ngày, ông đã cùng Vụ Thị trường trong nước, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm việc với Central Group Việt Nam (chủ sở hữu và quản lý chuỗi siêu thị Big C Việt Nam) về việc doanh nghiệp (DN) này vừa có thông báo tạm ngừng nhập sản phẩm may mặc của DN Việt Nam.

Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Việt

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Central Group đang sắp xếp lại việc bán các sản phẩm may mặc trong hệ thống siêu thị Big C nên cần phải có thời gian để thực hiện, thông báo tạm ngừng nhập hàng. "Phía Central Group khẳng định việc dừng nhập hàng chỉ là tạm thời trong vòng 15 ngày, đồng thời gửi thư đến các đối tác để giải thích rõ việc này"- ông Hải nói.


Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện nay có khoảng 4.000 nhà sản xuất đang cung cấp sản phẩm cho phía Central Group, trong đó có khoảng 200 nhà sản xuất các măt hàng dệt may. Central Group giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp ngân sách lớn cũng như tham gia các chương trình thu mua sản phẩm nông sản với chiết khấu 0%, chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Dù vậy, trong sự việc này, ông Hải khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương là bảo đảm lợi ích chính đáng của các DN Việt Nam nhưng mặt khác cũng bảo vệ quyền của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.


Trong vụ việc giữa 200 nhà cung ứng và Central Group, ông Hải cho biết sẽ được giải quyết dựa trên hợp đồng hai bên đã ký kết với nhau, đồng thời tuân thủ pháp luật Việt Nam về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau buổi làm việc với Bộ Công Thương, Central Group cam kết sẽ mở lại đơn hàng ngay trong ngày cho 50 nhà cung cấp hàng may mặc. Trong vòng 2 tuần tới, khoảng 100 nhà cung cấp sẽ tiếp tục được mở đơn hàng. Đối với 50 nhà cung cấp còn lại, Central Group sẽ tiếp tục làm việc kỹ hơn với các đơn vị này để đáp ứng các quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký.

Đàm phán cùng hợp tác

Chuyên gia kinh tế độc lập Đinh Thế Hiển nhìn nhận cùng lúc có đến 200 nhà cung cấp bị tạm dừng đặt hàng thì việc cần làm là các nhà cung cấp gặp nhau để thảo luận xem đúng hay sai. Hầu hết DN cung cấp hàng may mặc cho Big C là DN nhỏ, không có luật sư phụ trách pháp lý; trong trường hợp này, các DN hoàn toàn có thể hợp sức lại thuê luật sư kinh tế. Nhiệm vụ của luật sư kinh tế không phải là đi kiện mà là nhận diện hợp đồng, đúng sai của 2 bên để hỗ trợ thân chủ đàm phán với đối tác sao cho có lợi nhất.

Ngoài ra, một số DN là thành viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Dệt may Thêu đan TP HCM có thể nhờ hiệp hội, hội đại diện DN đàm phán lại với nhà phân phối. Trường hợp trong thỏa thuận hợp tác đã ký giữa 2 bên, DN gặp bất lợi về mặt pháp lý thì hiệp hội, hội vẫn có thể đại diện DN đàm phán với Big C để có bước thỏa thuận hợp lý nhất.

Trong trường hợp nhà phân phối sai, DN cung ứng có thể kiện đòi bồi thường.

Theo các chuyên gia bán lẻ, luật pháp Việt Nam không bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam phải cam kết tỉ lệ hàng Việt trong cửa hàng/hệ thống của họ, bởi quy định đó cũng được xem là rào cản trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi một nhà bán lẻ ngoại thâm nhập thị trường đều nhắm đến mục tiêu bán hàng cho người tiêu dùng tại thị trường đó và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh nên luôn ưu tiên cho hàng hóa trong nước, đồng thời tìm kiếm, phát triển nguồn cung tại chỗ. Hàng nhãn riêng cũng là 1 dạng của hàng hóa trong nước được gia công cho nhà bán lẻ. Do vậy, DN muốn cung ứng hàng cho siêu thị, duy trì sự hiện diện trên kệ hàng thì phải luôn chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giảm giá thành lẫn hoạt động marketing, bán hàng để nâng khả năng cạnh tranh.

Bán trên 90% hàng Việt Nam
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết trong buổi làm việc với Central Group, DN này không phàn nàn về chất lượng sản phẩm của 200 nhà cung ứng phía Việt Nam nhưng họ nhấn mạnh muốn nâng số lượng hàng chất lượng cao hơn nữa trong hệ thống Big C. "Đây là chiến lược kinh doanh mới của Central Group, họ đang xác lập lại hệ thống, tập trung nhiều hơn vào mặt hàng chất lượng cao. Chúng ta tôn trọng chiến lược kinh doanh của đối tác nhưng sẽ giám sát về tính tuân thủ pháp luật Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng" - bà Nga khẳng định.

Bà Lê Việt Nga cũng cho hay hiện chúng ta chưa có quy định về tỉ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài. Trong trường hợp Big C, bà Nga nhấn mạnh Central Group cam kết duy trì tỉ lệ hàng Việt ở các hệ thống siêu thị trên 90%, trong đó các mặt hàng nông sản ở siêu thị Big C chiếm tỉ lệ rất cao, bán rất tốt. Trong khi đó, tỉ lệ hàng Thái Lan chỉ chiếm 1,26% trên toàn hệ thống Big C. Đặc biệt trong năm 2018, tỉ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Big C lên tới 96%.



***********************

Từ vụ Big C dừng nhập hàng Việt: Doanh nghiệp phải thay đổi hoặc là "chết"! (VnEconomy)



Thông tin Big C mới đây tạm dừng mua may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam khiến không ít người bất ngờ, thậm chí bày tỏ sự phẫn nộ. Thế nhưng, với những người trong lĩnh vực bán lẻ, siêu thị thì điều này không có gì ngạc nhiên bởi những yêu cầu này dường như được dự đoán từ trước khi mà hãng Big C về tay nhà bán lẻ Thái Lan - Central Group.

Doanh nghiệp Việt lần lượt dừng cuộc chơi
Không những là ông chủ sở hữu mới của BigC, Central Group còn là cổ đông lớn nắm giữ tới 49% cổ phần của Nguyễn Kim - một cái tên không còn xa lạ trên thị trường điện máy Việt Nam.

Cách đây 3 năm, Thế giới di động buộc phải rời 22 cửa hàng khỏi hệ thống của Big C trên toàn quốc chỉ vì Thế giới di động bán những mặt hàng giống với Nguyễn Kim.

Trước đó không ít doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cung cấp hàng cho hệ thống này đã phải lên tiếng kêu cứu khi BigC đưa ra những yêu cầu như nâng mức chiết khấu… khiến doanh nghiệp không thể chen chân được vào chuỗi siêu thị.

Khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, mức chiết khấu mà Big C yêu cầu lên đến 20%, thậm chí 25% là rất khó, doanh nghiệp chắc chắn lỗ, không có lãi để tái đầu tư.

Thực tế, chỉ ít lâu khi mua lại Big C từ tay tập đoàn Casino của Pháp, Central Group đã âm thầm đưa sản phẩm "Made in Thailand" độc chiếm những vị trí đẹp nhất. Các loại bia, nước ngọt, gạo, giày dép xuất xứ Thái Lan được đặt ở ngay lối ra vào, thậm chí còn được trưng bày trên những kệ riêng biệt, sát quầy tính tiền, dễ thu hút khách hàng quan tâm, mua sắm.

Big C có vi phạm Luật Cạnh tranh?
Trong vụ việc mới nhất, mặc dù ngay trong chiều 3/7, đại diện Big C thanh minh rằng việc tạm dừng các đơn đặt hàng may mặc chỉ là tạm thời, song giới chuyên gia cho rằng sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà bán lẻ Thái Lan thời gian qua đã ít nhiều tác động đến thị trường bán lẻ cũng như hệ thống sản xuất của Việt Nam.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội bình luận: Big C đã lật kèo nhiều lần, vấn đề này thuộc đạo đức trong kinh doanh.

Bởi theo ông Vinh, Big C Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của cơ quan chức năng khi đầu tư tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đã "trải chiếu hoa" mời Big C vào làm ăn kinh doanh. Bao nhiêu bằng khen, giấy khen cũng đã được trao cho doanh nghiệp này. Mới đây, tại hội nghị 10 năm, đại diện Big C cũng khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này.

Tuy nhiên, họ đã không làm thế. Big C đã từng "đuổi" Thế giới di động ra khỏi hệ thống, tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25 - 30% giá trị. Trong vụ việc mới nhất, nếu có thay đổi mục đích kinh doanh thì Big C phải đàm phán trước, thông báo trước với các nhà cung ứng của Việt Nam. Việc thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng trăm, hàng nghìn người dân. 

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội còn cho rằng hành động của Big C còn có thể vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo luật Cạnh tranh, nhà bán lẻ không có quyền từ chối nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng.

Phải thay đổi, hoặc là "chết"!
Từ câu chuyện của Big C, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chúng ta cần phải dè chừng với chuỗi siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Lotte, Aone, bởi rất có thể một ngày, các siêu thị này sẽ hành động tương tự như Big C.

Ông Phú nêu ví dụ điển hình tại siêu thị của Hàn Quốc tại Việt Nam, có nhà cung ứng cho biết, một kiện hàng miến muốn vào kệ siêu thị này đòi 20 triệu, chưa kể chiết khấu. Đó chỉ đơn thuần là phí "nhập quốc tịch". 

"85% các mặt hàng được bày bán trong siêu thị là của doanh nghiệp bên ngoài cung ứng. Nếu họ nhập hàng nội địa hoặc một nước thứ ba thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ chết bởi mất hệ thống phân phối trên thị trường", ông Phú cho biết và nói thêm rằng, hiện bán lẻ hiện đại, các kênh siêu thị do nhà bán lẻ nước ngoài chiếm 50% thị phần, bán hàng online họ chiếm 70%, tăng trưởng mạnh so với các năm trước, từ 30% lên 50%. Riêng hệ thống siêu thị Big C chiếm 50 điểm/100 điểm siêu thị hiện đại của cả nước.

Xuất phát từ thực tiễn đó, ông Phú cho biết đã đề xuất sáng kiến thành lập Hiệp hội các nhà cung ứng hàng hoá Việt Nam để sẵn sàng đối phó với những siêu thị nước ngoài nếu làm ăn không tử tế với các doanh nghiệp Việt. 

Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ các tập đoàn bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn như Saigon Co.op Mart, Hapro, các chuỗi siêu thị của Vingroup… Hiện Hapro chỉ có mấy chục điểm siêu thị trong khi đó, phí vào Hapro chỉ bằng một phần tư so với con số 20 triệu nêu trên.


Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, qua vụ Big C đã nổi lên nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là thực lực cạnh tranh của sản phẩm Việt. Nếu hàng may mặc của Việt Nam có sức cạnh tranh thì người Thái cũng phải bán vì họ kinh doanh, có lợi thì họ làm. 

Tuy nhiên, đối với vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng muốn thay đổi, nâng cao chất lượng thì cũng phải mất 10-20 năm chứ không thể nói phấn đấu là bằng ngay hàng của Đức hay của Ý.