Dự án 'ma' náo loạn thị trường (Đình Sơn)
Một xã hội vô luật pháp. Việc các công ty bất động sản bán khống đất đai không phải của mình một thời gian dài mà không có cơ quan chức năng nào phát hiện và có biện pháp xử lý thì thử hỏi có ai tin được không? Một là chính quyền đã bị vô hiệu hóa hai là ăn tiền nên làm ngơ. Việc để các công ty bất động sản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đâu vào đấy rồi mới đem quân đến cưỡng chế là phá hoại và lãng phí tiền bạc, tại sao không ngăn cản sớm? Rồi thì bao nhiêu người dân nghèo chắt góp được ít tiền mua đất ở các dự án ma này bị mất đi thì ai chịu trách nhiệm? Chế độ này đã thối nát đến cùng tận.
Thời gian qua, tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu,
Bình Thuận... xảy ra tình trạng đầu nậu, cò lừa bán đất nền khắp nơi
bằng hàng loạt dự án ma, điển hình như trường hợp Công ty Alibaba.
Lừa đảo khắp nơi
Từ giữa năm 2017 trên các phương tiện truyền thông đã từng cảnh báo việc
Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) giới thiệu là chủ đầu
tư 14 dự án, từ Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 tại Long
Thành (Đồng Nai) và rao bán khắp nơi.
Thời điểm đó, ngoài khu đất được giới thiệu là dự án Alibaba Long
Phước 1 đã làm xong con đường nhựa nhỏ xây dựng không phép, còn lại đều
là những khu đất cỏ mọc um tùm, đất trồng cây cao su nhỏ lẻ với hiện
trạng là đất nông nghiệp do các cá nhân đứng tên. Thế nhưng, Công ty
Alibaba đã tự vẽ bản đồ quy hoạch thành các dự án, khu đô thị “hoành
tráng” để bán nền đất.
Dù vẫn là đất nông nghiệp nhưng công ty này mở bán đất ở, thu của
khách hàng đến 95% giá trị hợp đồng. Thậm chí, Alibaba còn “mạnh miệng”
tuyên bố 1 năm sau sẽ mua lại với lãi suất 28%, nhiều dự án lợi nhuận
cam kết đến 38%. Nếu khách hàng mua giữa chừng không có khả năng thanh
toán tiếp thì công ty trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng 150% trên
tổng số tiền đã đóng.
Đến nay chỉ tính riêng trên địa bàn H.Long Thành, công này cùng với Công
ty cổ phần địa ốc Tia Chớp (cùng hệ thống - NV) đã bắt tay nhau bán đất
nền ở 21 khu đất. Theo UBND H.Long Thành, những vị trí mà 2 công ty này
rao bán, phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Hai công
ty trên đã tự thiết kế giao thông ngang dọc khu đất kết nối ra quốc lộ
51 và chia đất ra những lô nhỏ không đúng thực tế rồi rao bán.
Cũng thời gian này, Công ty Alibaba
tự xưng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII - 3,
có diện tích 97,58 ha, pháp lý sổ đỏ thổ cư 100% và công bố bán 1.000
nền bằng phiếu đặt chỗ nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền, giá bán đất nền
là 5,5 triệu đồng/m2, trong khi dự án này là của Ban Quản lý đầu tư -
xây dựng Khu đô thị Tây Bắc (thuộc UBND TP.HCM). Các cơ quan chức năng
của TP thời điểm đó cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng “nhận vơ” của
Alibaba để người dân cảnh giác nhưng mọi chuyện cũng chỉ dừng ở đó,
không có xử lý gì thêm.
Được đà, Công ty Alibaba tiếp tục rao bán hàng loạt dự án tại huyện
Nhơn Trạch, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Tất cả các dự án Công ty Alibaba
rao bán đều được các cơ quan chức năng khẳng định là dự án “ma”, không
thuộc quyền sở hữu của Công ty Alibaba. Cụ thể, ông Võ Văn Chánh, Phó
chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã khẳng định: “UBND tỉnh Đồng Nai chưa ban
hành quyết định liên quan đến thỏa thuận địa điểm, chấp thuận chủ
trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất để Công ty Alibaba thực hiện dự án
nói chung và các dự án bất động sản riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Tình trạng dự án “ma”, các công ty lừa đảo ngày càng nở rộ ở khắp
nơi. Đơn cử tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ riêng ở TX.Phú Mỹ, ông Nguyễn
Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ, cho biết nơi đây có tới 113 dự án
“ma” là đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân tự ý mở đường, phân
lô bán trái phép, không thể ra sổ đỏ và không thể xây dựng được. Mới đây
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã công bố, cảnh báo đến người dân hàng loạt
dự án “ma” trên địa bàn tỉnh này.
Tại TP.HCM, thời gian qua, UBND một số quận huyện như quận 12, Thủ
Đức, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn... đã phải phát đi các thông báo, cắm
biển báo lừa đảo bán đất nền tại rất nhiều khu đất. Chỉ riêng Q.12,
chính quyền nơi đây đã công khai vị trí 10 khu đất nền mà giới đầu nậu
lừa bán đất bởi đây là những khu đất nông nghiệp, đất quy hoạch là công
viên, giáo dục. H.Hóc Môn cũng có hàng chục khu đất nông nghiệp, công
viên bị các đầu nậu tự phân lô lừa bán. UBND Q.Bình Tân cũng đã công bố 9
lô đất bị lập dự án “ma” bán cho người dân tại 6 phường An Lạc, Tân
Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.
Lan rộng vì xử lý không nghiêm
Sở dĩ Công ty Alibaba có thể lộng hành ở khắp nơi cũng như tình
trạng cò, đầu nậu bán dự án “ma” ở khắp nơi là do xử lý không nghiêm.
Cuối năm 2017, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý những
sai phạm của Công ty Alibaba. Thậm chí, Bộ Công an, Công an TP.HCM cũng
đã vào cuộc điều tra các sai phạm của Công ty Alibaba, nhưng đến nay kết
quả vẫn “bặt vô âm tín”.
Tại Đồng Nai, nơi Công ty Alibaba hoạt động rầm rộ nhất, chính
quyền địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh đều phải vào cuộc, liên tục công
bố các thông tin cảnh báo người dân tránh mua các dự án “ma”. Mới đây
đích thân ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UNBD tỉnh Đồng Nai, đã phải tổ
chức họp báo công khai các sai phạm của công ty này, có văn bản nghiêm
cấm phân lô bán nền, cảnh báo người dân không nên tham gia mua bán và
giao dịch để không bị thiệt hại về tài chính. Đồng thời chỉ đạo các cơ
quan chức năng, trong đó có Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với
UBND H.Long Thành và các sở ngành liên quan làm rõ việc sai phạm của
Công ty Alibaba để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chính quyền nơi đây cũng đã chỉ đạo Công an
tỉnh điều tra, xử lý dự án “ma” trên địa bàn tỉnh, trong đó có các dự án
của Công ty Alibaba. Mở đầu cho “chiến dịch” này, giữa tháng 6.2019,
UBND TX.Phú Mỹ đã ra quân cưỡng chế đối với các dự án “ma” xẻ đất nông
nghiệp làm đường, phân lô trái phép mà Công ty Alibaba tự nhận là dự án
của mình. Khi cơ quan chức năng đưa người và xe cuốc xuống cưỡng chế thì
hàng trăm người mặc áo của Công ty Alibaba đã chống trả quyết liệt,
thậm chí đập phá xe cuốc. Những người này còn kéo đến trụ sở UBND TX.Phú
Mỹ, nhà riêng lãnh đạo TX.Phú Mỹ để hô hào gây áp lực. Trước sự việc
trên, Công an TX.Phú Mỹ đã tạm giữ 2 người thuộc Công ty Alibaba.
Dù vậy theo luật sư Hoàng Thu, Công ty luật Hoàng Thu, thời gian
qua các dự án “ma” lừa bán nhà đất bùng nổ bởi những cơ quan thực thi
pháp luật xử lý không nghiêm, khiến các đối tượng vi phạm có dấu hiệu
xem thường pháp luật. Hệ lụy dẫn đến là tình trạng phân lô bán nền trái
phép đã diễn ra khắp nơi, lan rộng ở nhiều địa phương và diễn biến khá
phức tạp.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư
TP.HCM, cũng cho rằng việc xử lý của các cơ quan nhà nước không kịp
thời và không nghiêm, có tình trạng bỏ mặc cho vi phạm hoành hành, thậm
chí có dấu hiệu bao che để các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất, các công
ty bất động sản xây dựng hạ tầng không có giấy phép xây dựng, chưa
chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lừa bán đất nền tràn lan nhưng không xử
lý.
Thanh Niên