Sau các dự luật có nhóm lợi ích nào không? (Quốc Phương BBC)
Trước câu hỏi liệu phải chăng
chính quyền lo sợ việc người dân biểu tình nhiều, quy mô lớn sẽ gây ra
mất kiểm soát tình hình, nhất là tạo ra rủi ro chính trị cho chế độ, ông
Nguyễn Gia Kiểng nêu quan điểm: "Tôi chắc chắn là có vấn đề đó, nhưng sự thực nếu chúng
ta nghiên cứu kỹ tâm lý người Việt Nam, thì dân tộc Việt Nam không phải
là một dân tộc hỗn loạn. Trong suốt dòng lịch sử của chúng ta, dân tộc
Việt Nam là một dân tộc có khuynh hướng phục tùng chính quyền". "Họ
biểu tình là biểu tình trong trường hợp tối cần thiết thôi, nhưng tôi
nhắc lại hôm nay hội luận có sự tham gia của luật gia, rằng trong một xã
hội văn minh, trong một thế giới mà chúng ta đang sống, những gì luật
pháp không cấm thì người dân có quyền làm". (Quốc Phương)
Một số dự án luật tại Việt Nam có
thể có các nhóm lợi ích đứng sau lưng vận động, tác động, khách mời nói
với tọa đàm của BBC Tiếng Việt hôm 23/5/2019, nhân Quốc hội Việt Nam
khóa 14 nhóm họp kỳ họp thứ Bảy.
Trước tiên từ Sài Gòn, Luật sư Lê
Công Định đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này và nêu hai dự luật về
Biểu tình và luật về các Đặc khu làm các trường hợp tham chiếu. Ông nói
với Bàn tròn thứ Năm từ London:
"Tôi
nghĩ là Luật Biểu tình thì không có nhóm lợi ích nào hết, bởi vì nhà
nước đang tìm cách hạn chế quyền biểu tình của người dân, cho nên không
có nhóm lợi ích nào dám động chạm đến vấn đề thuần túy chính trị như thế
này.
"Còn Luật Đặc khu chắc chắn có các nhóm lợi ích đứng sau và
nói trắng ra ai cũng nghi ngờ đó là những nhóm lợi ích mà thân Trung
Quốc. Cho nên họ gây một áp lực với phía Việt Nam trong việc ban hành
Luật Đặc khu.
"Và
điều may mắn là chúng ta thấy là lần này Quốc hội lại một lần nữa không
thông qua Luật Đặc khu. Đó là một điều may mắn mà ông Nguyễn Gia Kiểng
(một khách mời khác tại Bàn tròn thứ Năm) cũng đã trình bày."
Bình
luận tại chỗ về ý kiến trên của Luật sư Lê Công Định, Tiến sỹ, bác sỹ
Trần Tuấn, nhà phản biện chính sách tại Liên hiệp các Hội Khoa học &
Kỹ thuật Việt Nam, nói:
"Luật sư Lê Công Định có nói rằng Luật Biểu tình gần
như không có một nhóm lợi ích nào. Đứng từ phía y tế, thì tôi có thể
thấy rằng là Luật Biểu tình chắc chắn có một nhóm lợi ích lớn, mạnh và
có can thiệp chủ định trong vấn đề làm sao ra chậm Luật Biểu tình. Đó
chính là các ngành công nghiệp có lợi ích phát triển mâu thuẫn với lợi
ích của sức khỏe người dân và an toàn môi sinh.
"Bởi vì chúng tôi
cũng nhìn nhận thấy từ kinh nghiệm của các nước, kể cả các nước dân
chủ, là chúng ta thấy rằng một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất để
vạch ra, hoặc theo dõi, cũng như chỉ ra được sự can thiệp của những
ngành công nghiêp đó như rượu bia, thuốc lá, amiang vân vân, là đều từ
các tổ chức xã hội dân sự.
"Và vì thế cho nên Luật Biểu tình nếu
có, chắc chắn những nhóm như của chúng tôi sẽ quan tâm đến sức khỏe của
người dân, cũng như an sinh và an toàn môi sinh, chúng tôi sẽ thể hiện
sự quan tâm của mình và chỉ ra rằng những luật liên quan đến bảo vệ sức
khỏe cộng đồng đang bị can thiệp bởi những nhóm đối tượng nào.
"Cho nên tôi thấy rằng các ngành công nghiệp mà có
những mâu thuẫn lợi ích đó, họ thực sự sợ việc có được một Bộ Luật Biểu
tình tồn tại ở một đất nước như thế này, bởi không có như thế, họ sẽ dễ
dàng thông qua các hình thức quan hệ đối với một số vị trí, một số con
người ở trong hệ thống của nhà nước, hay qua hình thức mà chúng ta vẫn
gọi là đẩy tình trạng tham nhũng, duy trì tình trạng tham nhũng.
"Và
như thế họ muốn đóng các thông tin trong một khuôn khổ họ có thể dễ
dàng can thiệp, cho nên tôi xin nêu rõ rằng Luật Biểu tình, một trong
những trở ngại của nó chính là sự can thiệp của các ngành công nghiệp
phi nhân bản, những ngành có mâu thuẫn lợi ích với y tế công cộng."
Từ kinh nghiệm Pháp
Từ
Lognes, mạn đông Paris, Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, nhà hoạt động và tác
giả biên khảo chính trị, nói về kinh nghiệm của nước Pháp liên quan tới
biểu tình và luật biểu tình, ông nói:
"Luật Biểu tình của Pháp
cũng là một luật bình thường mà khi đọc không có gì đáng ngạc nhiên.
Những người 'áo vàng' (Gillets Jaunes) biểu tình vì một khúc mắc của xã
hội, bởi vì lý do là xã hội châu Âu này đã thay đổi rất là nhiều với
cuộc Cách mạng 4.0, với phong trào tự động hóa, trí khôn nhân tạo, mà
trong khi đó không có tư tưởng chính trị và luật pháp, không theo đà
tiến hóa của xã hội, cho nên tạo ra một cuộc khủng hoảng, tôi nghĩ là
vẫn còn kéo dài.
"Nhưng cho phép tôi nói về Luật Biểu tình ở Việt
Nam. Có một sự ngộ nhận lớn, hôm nay có Luật sư Lê Công Định, chúng ta
phải đồng ý với nhau một điều rằng trong xã hội văn minh, người dân được
quyền làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm.
"Việc không có
Luật Biểu tình không có nghĩa là cấm biểu tình. Có nghĩa là không có
giới hạn nào hết cho cuộc biểu tình. Thế thì một cách bình thường, đáng
lẽ chính quyền phải ra một đạo luật để chỉ dẫn, để hướng dẫn rằng người
dân Việt Nam phải cần những gì, khi biểu tình phải có những giới hạn
nào? Đằng này họ không ra Luật Biểu tình, họ tưởng rằng như vậy là không
được biểu tình. Nhưng mà họ sai."
Trước câu hỏi liệu phải chăng
chính quyền lo sợ việc người dân biểu tình nhiều, quy mô lớn sẽ gây ra
mất kiểm soát tình hình, nhất là tạo ra rủi ro chính trị cho chế độ, ông
Nguyễn Gia Kiểng nêu quan điểm:
"Tôi chắc chắn là có vấn đề đó, nhưng sự thực nếu chúng
ta nghiên cứu kỹ tâm lý người Việt Nam, thì dân tộc Việt Nam không phải
là một dân tộc hỗn loạn. Trong suốt dòng lịch sử của chúng ta, dân tộc
Việt Nam là một dân tộc có khuynh hướng phục tùng chính quyền.
"Họ
biểu tình là biểu tình trong trường hợp tối cần thiết thôi, nhưng tôi
nhắc lại hôm nay hội luận có sự tham gia của luật gia, rằng trong một xã
hội văn minh, trong một thế giới mà chúng ta đang sống, những gì luật
pháp không cấm thì người dân có quyền làm.
"Vậy thì sự vắng mặt
của Luật Biểu tình chỉ có nghĩa là không có một giới hạn nào cho một
cuộc biểu tình cả. Nếu chính quyền cộng sản cho rằng không có Luật Biểu
tình là không được biểu tình là họ rất là sai. Và điều đó tôi nghĩ, bổn
phận của các luật gia là phải nói cho người dân để người dân hiểu rõ."
'Quên mất một điều'
Bình luận ý kiến của Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng và ý
kiến trước đó của Tiến sỹ Trần Tuấn, Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nói:
"Tôi thấy ý kiến của ông Nguyễn Gia Kiểng hoàn toàn xác đáng. Là bởi vì chính quyền hoàn toàn hiểu sai vấn đề.
"Họ cứ nghĩ rằng không có luật thì người dân không có quyền làm.
"Họ
quên mất một điều là quyền biểu tình là một quyền Hiến định, quy định
trong Hiến pháp, thì người dân đương nhiên có quyền làm.
"Và không có luật thì nhà nước không thể đặt ra được những giới hạn quyền biểu tình được thực thi bởi công dân.
"Liên
quan ý kiến của ông Trần Tuấn về vấn đề nhóm lợi ích đằng sau Luật Biểu
tình, thì tôi cũng xin nói thêm là ý kiến của ông Tuấn chỉ đúng đối với
một xã hội dân chủ.
"Mà trong khi chúng ta thấy là Việt Nam bây giờ dân chủ hoàn toàn thiếu vắng.
"Và
nếu nhóm lợi ích thực sự cản trở người dân thực thi quyền biểu tình,
thì chắc chắn chỉ có Đảng Cộng sản, hoặc Bộ Công an mà thôi. Đó mới là
nhóm lợi ích thực sự cản trở Luật Biểu tình được ban hành.
"Còn
liên quan đến luật về thành lập các Công đoàn độc lập, hoặc là Luật về
lập Hội, thì chúng ta biết đó là những yêu cầu cụ thể trong Hiệp định
Thương mại giữa Việt Nam và EU.
"Và châu Âu hoàn toàn cứng rắn
trong việc yêu cầu Việt Nam phải ban hành những luật nội địa để thực thi
các quyền lao động và quyền lập hội của người dân.
"Và tôi nghĩ rằng chính quyền không thể tiếp tục trì hoãn việc ban hành luật lập hội và luật liên quan đến công đoàn độc lập."
'Kiên trì và thay đổi'
Phản hồi tại chỗ ý kiến này của Luật sư Định, ông Trần Tuấn nói:
"Tôi
nhận thấy thế này có hai sự thiếu vắng đối với Dự luật biểu tình. Điểm
thứ nhất đối với chính phủ, nhà nước và điểm thứ hai đối với chính những
tầng lớp nhân dân.
"Ở đây, nói về nhân dân trước, tôi sẽ trách
tầng lớp trí thức bởi vì chính tầng lớp trí thức đã không có được một sự
nhìn nhận một cách đầy đủ về vấn đề biểu tình, ý nghĩa của nó đối với
sự phát triển đất nước và sự điều chỉnh các chính sách; đặc biệt khi mà
các chính sách có sự mâu thuẫn lợi ích của nhiều nhóm khác nhau.
"Kể
cả trong đó có những nhóm lợi ích về phía chính phủ, hoặc là về phía
của người dân và các doanh nghiệp. Cho nên tôi cho rằng một tiếng nói
yếu, đặc biệt sự quan tâm của tầng lớp trí thức đối với vấn đề phát
triển đất nước và sự thể hiện với các vấn - đề đó là một trong những sự
thiếu hụt rất lớn khiến cho Luật Biểu tình tới giờ vẫn chưa đi vào được
nghị trường cho ra luật.
"Điểm thứ hai về phía chính phủ, tôi nhận thấy rằng rõ
ràng trong một cấu trúc từ trước đến nay là nhà nước sẽ hoàn toàn làm
chủ và thực sự định hướng cho dân các hoạt động, theo mô hình Xã hội Chủ
nghĩa, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, tôi cho rằng nó đòi hỏi
phải có một sự chuyển đổi sang một tình hình mới.
"Thì nó có hai
phần: một phần là nhà nước cũng chưa kịp sự chuyển đổi, nhưng đồng thời
thứ hai cũng chịu sự tác động của các nhóm mà nhằm vào vấn đề khai thác
thị trường và chính vì lẽ đó tôi nói đến vấn đề các nhóm lợi ích từ phía
các ngành công nghiệp đi vào và đặc biệt các ngành công nghiệp có mâu
thuẫn lợi ích với sức khỏe và môi trường như vậy.
"Trong đó, nếu
chúng ta muốn giải quyết ở đây thì cái kiềng ba chân chúng ta phải đẩy,
nhưng trước hết, về phía các tổ chức xã hội dân sự và về tầng lớp trí
thức, tôi nghĩ rằng đúng như chỗ anh Nguyễn Gia Kiểng nói quyền Hiến
định của Hiến pháp đưa ra như vậy và thứ hai là quyền thể hiện những vấn
đề của mình, tôi nghĩ chúng ta cứ phát huy.
"Và đồng thời chúng
ta kiên trì thì chúng ta sẽ chờ đợi đến sự thay đổi đáng kể. Những diễn
biến gần đây trên truyền thông, cũng như các vấn đề về mặt xã hội, mà
đặc biệt những hoạt động chúng tôi đang làm như với Luật về Rượu, bia,
Luật Thuốc lá, thì tôi thấy rằng là rõ ràng khi chúng ta làm đúng vì lợi
ích của dân, chúng ta thể hiện bằng sự khách quan, khoa học, thì tiếng
nói đó được sự chú ý và tạo được sự thay đổi," ông Trần Tuấn nói với BBC
Tiếng Việt.