Nền tảng giáo dục gia đình (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Khi được mời ăn cơm ở nhà khác, không được chê chủ nhà nấu dở. Món nào dở thì ăn ít, ngon ăn nhiều. Không được bảo “Mẹ em nấu món này ngon hơn!” dù mẹ mình có nấu ngon hơn thật. Khi được người ta mời ăn, ấy là điều quý, mình phải biết trân trọng tình cảm đó và biết lịch sự cảm ơn, không nên chê bai hoặc nói những điều làm họ buồn lòng. Khi ăn xong phải dọn chỗ mình ngồi ăn cho sạch sẽ, phụ giúp dọn dẹp rửa bát. (Nguyễn Thị Bích Ngà)
 
 
Học ăn học nói học đái học ỉa

Đọc cái tiêu đề, hẳn không ít người phì cười và có người bảo con Voi vẽ chuyện, ăn nói đái ỉa là bản năng sinh tồn tự nhiên nó vậy, mắc gì phải học?! Dạ đúng, phàm cái gì có sự sống thì đều ăn vào thải ra theo quy luật tự nhiên, loài nào có tiếng thì cũng biết thể hiện tiếng ra ngoài, như chim thì hót hoặc ríu rít, hổ thì gầm, chó thì gâu gâu, người thì nói.. Nhưng quy luật thì quy luật, vẫn phải học mới có thể tồn tại trong bầy. Ở con người, cần phải học để không làm phiền người khác và đẹp, lịch sự, văn minh hơn để hòa nhập với cộng đồng xung quanh.

Học ăn

Anh bạn mình kể chuyện, hai vợ chồng đi dự tiệc buffet do công ty anh tổ chức. Chị thò tay bốc cái bánh xong đặt xuống bốc cái khác. Anh phục vụ đứng gần nhìn thấy liền tiến đến lẳng lặng lấy cái bánh cho vào thùng rác, trước mặt hai vợ chồng. Anh bạn mình xấu hổ, chẳng biết chui vào đâu, về nhà phải dạy lại vợ cách ăn và lấy đồ ăn.

Một người bạn khác than phiền con gái nhỏ có cách ăn rất xấu. Con không cầm bát lên mà cúi mặt xuống gần sát bát cơm và xúc ăn. Nhắc con, con bảo nhưng mà mấy bạn trong lớp toàn ăn thế, đâu có làm sao, tại sao bố lại bắt con phải khác.

Một cháu có thời gian ở cùng tôi, khi ăn cháu vét thìa vào bát dĩa ken két để xúc cơm, cho vào miệng thì va vào răng côm cốp, nhai chóp chép, miệng đầy ự thức ăn vừa nhai vừa nói chuyện. Múc canh từ tô vào bát thì tát như tát gàu sòng làm bắn ra ngoài, đặt lại cái muôi vào bát thì ném toạch một cái làm văng nước ra bàn. Cháu không thấy đó là nết ăn xấu.

Những trường hợp tôi kể ở trên bây giờ có hiếm không? Thưa không. Nó phổ biến lắm và người ta coi đó là điều bình thường, khi ai đó nhắc thì bị cho là khó tính và thậm chí còn bị mắng lại.

Thật ra thì ăn uống thế nào là quyền của mỗi người, nhưng cách mình ăn thể hiện mình có lịch sự, có văn hóa hay không và cũng một phần nói lên tính cách của mình, đâu chỉ đơn giản ăn chỉ để sinh tồn.

Trong một bầy sư tử, khi con con đã bỏ bú, bắt đầu tập ăn, con mẹ luôn dạy con vị trí ăn và lúc nào được ăn. Con mẹ săn được con mồi về, con con nhào vào cắn xé miếng ngon liền bị mẹ tát hoặc gầm, cắn cho một phát. Con con phải lùi lại, quy phục, chờ đợi, khi con mẹ và các dì trong bầy đã chọn miếng rồi mới tới lượt con con. Đó là con mẹ dạy các con biết vị trí và thân phận của mình trong bầy.

Ở chó cũng vậy, quan sát ta thấy, khi chó con còn bú, chưa tới lúc ăn vì hệ tiêu hóa chưa sẵn sàng, mà mon men vào bát của mẹ thì liền bị mẹ gầm gừ, cắn nhẹ đuổi đi. Trong bầy chó, tuy mỗi con một bát riêng, nhưng con bé sẽ thường chờ con đầu đàn ăn rồi nó mới dám ăn, không được xâm phạm vào bát con đầu đàn, nếu không sẽ bị đứa đầu đàn dạy cho bài học. Động vật hoang dã còn phải học cách ăn, huống chi người.

Ở người Việt, ta rất thường gặp cảnh người bà hoặc người mẹ bồng ngửa đứa nhỏ ra, nhét một thìa đầy ặp bột vào miệng nó, tống thêm vào thìa nước để nó buộc phải nuốt, nó nhè ra không ăn thì dùng thìa vét lấy nhét ngược trở vào, hò hét dụ dỗ làm trò đủ các kiểu để dụ, nhét cho đủ khẩu phần.

Khi đứa trẻ biết đi biết chạy thì các bà các mẹ cầm bát chạy theo sau, hò hét, hết dụ dỗ đến quát nạt. Đứa trẻ nôn hoặc ọe là bị quát, tét vào mông. 

Thỉnh thoảng, ta thấy vài clip đây đó các cô bảo mẫu đè ngửa trẻ ra nhét tống thức ăn vào miệng trẻ và vừa đánh vừa quát nạt sỉ nhục trẻ, các cô học từ cách cho ăn bao đời nay của ông bà mình đó chứ có xa lạ gì đâu. Nói các cô ác, cũng đúng, nhưng cái ác không tự các cô nghĩ ra, mà từ cái cách cho ăn sai lầm của ông bà ta cả. Và đó là cách quái dị nhất, nhân danh tình yêu thương, chẳng giống nơi nào khác trên thế giới.

Dạy trẻ ăn phải bắt đầu từ rất sớm, từ cách cho trẻ ăn của chính mình. Bạn cố ép trẻ ăn cho nhanh, cho nhiều nên nhét thìa đầy ặp thì lâu dần trẻ sẽ quen, khi lớn nó sẽ cho rất nhiều thức ăn vào miệng cùng lúc, nhồm nhoàm nhai vội, nuốt nhanh. 

Khi trẻ biết cầm nắm, ta đã phải dạy trẻ cách cho thức ăn vào miệng từ tốn, dạy cách cầm thìa, đũa, xúc nhẹ nhàng từng miếng nhỏ vừa đủ, cho thìa vào miệng theo chiều xuôi để tránh va vào răng, húp canh từ tốn để đừng phát ra tiếng sì sụp to. Lấy thức ăn từng miếng nhỏ vừa đủ cho vào miệng thì trẻ không phải há miệng quá to, khi nhai không bị phùng to hai bên má. Nhai kỹ để nghiền thức ăn thì dạ dày đỡ phải vất vả nhào bóp, chất dinh dưỡng dễ hấp thụ vào cơ thể, nuốt từ tốn sẽ không bị nghẹn. Vừa lịch sự vừa tốt cho sức khỏe.

Dạy trẻ khi lấy thức ăn trong dĩa chung phải dùng thìa chung của món đó để lấy, không dùng thìa, đũa đầy nước miếng của mình để chọc vào đĩa, bát đựng thức ăn chung vì sẽ dễ lây truyền bệnh. Khi lấy thức ăn, không được xới tung dĩa thức ăn lên để chọn miếng ngon, phải quan sát bằng mắt, thích miếng nào lấy miếng đó, không gắp lên xem xem rồi lại bỏ xuống. Người ta nhìn thấy mình xới tung dĩa để chọn miếng ngon, họ sẽ nhận định ta là người vừa mất lịch sự vừa chỉ biết có bản thân, khôn lỏi.

Dạy trẻ khi trẻ rất thích một món nào đó thì trẻ có thể ăn nhiều, nhưng nhất thiết phải nhìn xem bố, mẹ, anh, em, người trong bàn đã được miếng nào chưa, không được tì tì cắm cúi ăn món mình thích trong khi người cùng bàn chẳng được chút nào. Đó là bài học về sự nhường nhịn, chia sẻ và kềm chế bản năng đầu đời.

Trẻ con thường hiếu động, khi ăn chúng thường muốn nhanh xong bữa để còn chơi. Ta nên có giờ cụ thể cho các bữa ăn để trẻ quen nếp và sắp xếp việc chơi, học, ăn theo giờ, không phải gấp gáp. Khi trẻ vét xoèn xoẹt vào bát đĩa để lấy thức ăn cho nhanh, ta cần nhắc ngay trẻ đang tạo ra tiếng động chói tai rất phiền người xung quanh. 

Khi ăn bằng bát, đũa, ta dạy trẻ cách cầm bát bằng các ngón tay và nửa lòng bàn tay ôm bát, không cho ngón cái chọc vào trong miệng bát vì sẽ mất vệ sinh, nhiều vi khuẩn. Khi ăn, dạy trẻ ngồi thẳng lưng, một tay bưng bát đưa lên tầm ngang ngực, một tay cầm đũa hoặc thìa, gắp, xúc, và thức ăn vào miệng. Không để bát ở bàn, một tay xúc thức ăn, mặt cúi gằm xuống bát, tay kia buông thỏng gầm bàn hoặc...nghịch điện thoại. Dạy trẻ giờ nào việc nấy, không vừa ăn vừa chơi. Tư thế ngồi ăn cũng một phần nói lên tính cách. 

Khi trẻ vừa nhai vừa nói ta cần nhắc trẻ nhai ngậm miệng và nuốt xong mới nói vì người khác nhìn thấy miệng mình đầy thức ăn trông sẽ rất xấu. Thức ăn trên dĩa thì đẹp, nhưng khi vào miệng nhai dỡ thì nó nát, trộn lẫn và cả nước miếng, nhìn rất ghê, người khác nhìn thấy sẽ ăn mất ngon. 

Khi trẻ biết nhẹ nhàng trong việc xúc thức ăn từ bát của mình thì trẻ sẽ tự động biết cách nhẹ nhàng khi lấy thức ăn từ bát dĩa chung. Dạy trẻ cách để muôi múc canh vào bát nhẹ nhàng để đừng bắn nước ra ngoài, khi múc thì múc vừa phải từ tốn cho vào bát của mình, không được gấp gáp múc đầy, làm đổ và chan vội.

Khi ăn nên ăn hết thức ăn trong bát của mình, không để cơm, thức ăn thừa lại trong bát. Ăn xong dọn dẹp sạch sẽ chỗ mình ngồi, xếp gọn bát dĩa và đem vào bồn rửa. Thức ăn thừa hoặc xương xẩu các thứ phải cho vào thùng rác, không để lẫn và cứ thế vứt vào bồn rửa vì sẽ làm người rửa chén vất vả, bẩn thỉu khi dọn rửa. Khi đứng dậy khỏi bàn ăn phải đẩy ghếvào lại cho gọn. Khi uống nước thì rót ra ly, uống từng ngụm nhỏ, không ngửa cổ tu ừng ực. 

Khi được mời ăn cơm ở nhà khác, không được chê chủ nhà nấu dở. Món nào dở thì ăn ít, ngon ăn nhiều. Không được bảo, “Mẹ em nấu món này ngon hơn!” dù mẹ mình có nấu ngon hơn thật. Khi được người ta mời ăn, ấy là điều quý, mình phải biết trân trọng tình cảm đó và biết lịch sự cảm ơn, không nên chê bai hoặc nói những điều làm họ buồn lòng. Khi ăn xong phải dọn chỗ mình ngồi ăn cho sạch sẽ, phụ giúp dọn dẹp rửa bát. 

Một đứa trẻ được ông bà, cha mẹ dạy cho những điều cơ bản trong ăn uống thì khi lớn chúng sẽ trở thành người lịch sự, từ tốn, biết chia sẻ, nhường nhịn và biết cách cư xử với người, dễ học hỏi tiếp thu các nền văn hóa khác thông qua nghệ thuật ẩm thực, từ đó dễ hòa nhập vào các môi trường xã hội khác. 

Biết ăn là đã biết được rất nhiều điều trong cuộc sống thông qua đó, không chỉ đơn giản chỉ sống để ăn. Học ăn là bước căn bản đầu tiên, nhìn vào đó người ta có thể đánh giá gia đình có nền tảng giáo dục hay không. Do đó, điều này rất quan trọng, các bậc làm cha mẹ cần quan tâm, không nên lơ là bởi khi trẻ đã thành thói quen thì sẽ rất khó sửa.

22.4.2019