Đạp lên sợ hãi chính trị (Võ ngọc Ánh)


Đừng nghĩ chính trị là những việc làm kinh bang tế thế như phải vào đảng, làm lãnh đạo, hay tham gia một đảng phái, tổ chức chính trị nào đó. Nó đơn giản chỉ là thái độ, hành động đối với luật lệ, chính sách, dự án... mà chính quyền đưa ra trên quy mô quốc gia, hay địa phương. Bạn không cất lên tiếng nói của mình, bạn im lặng, cá nhân hoặc nhóm người ra quyết sách kia sẽ vui mừng. Họ mặc định cho bạn đã đồng ý (vì có thấy ai phản đối đâu) và họ thực hiện. Tuy nhiên, quyết sách đó chưa chắc phục vụ cho cộng đồng, mà trước tiên cho lợi ích của họ. Điều này không sai và phổ biến ở Việt Nam. (Võ Ngọc Ánh)





Sợ hãi chính trị chẳng những không còn tự do, mà còn tự đánh mất quyền công dân, trách nhiệm với dân tộc.

Nó càng không giúp các vấn đề của quốc gia được giải quyết, quyền lợi cá nhân được đảm bảo.

Tháng 6/2018, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV của nhà nước cộng sản Việt Nam đã phải dừng việc thông qua luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (đặc khu). Một quyết định khá hiếm hoi của Quốc hội Việt Nam vốn dĩ chỉ là nơi hợp thức hóa, ‘làm phép’ các chỉ thị của đảng Cộng sản.

Để có được kết quả ban đầu này là sự phản đối quyết liệt của tất cả các tầng lớp người dân từ nông dân, trí thức, doanh gia... Đa số đã vượt qua nỗi sợ chính trị trong các phản ứng kịp thời. Tại nhiều tỉnh thành người dân đã xuống đường phản đối. Đặc biệt tại Sài Gòn đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Cuộc xuống được cho lớn nhất từ sau ngày 30/4/1975.

Khi người dân đồng loạt lên tiếng chính quyền phải nhượng bộ.

Dẹp Suy Nghĩ Với Tâm Thức Nô Lệ

Con người ai cũng có những nỗi sợ. Sợ để cầu tiến, sống tốt hơn, phấn đấu, hy vọng vào một tương lai tươi đẹp... Tuy nhiên, nỗi sợ khuất phục chính trị của người Việt hiện nay chỉ mang đến tâm thức nô lệ, phục tùng.

Đừng nghĩ chính trị là những việc làm kinh bang tế thế như phải vào đảng, làm lãnh đạo, hay tham gia một đảng phái, tổ chức chính trị nào đó. Nó đơn giản chỉ là thái độ, hành động đối với luật lệ, chính sách, dự án... mà chính quyền đưa ra trên quy mô quốc gia, hay địa phương.  

Bạn không cất lên tiếng nói của mình, bạn im lặng, cá nhân hoặc nhóm người ra quyết sách kia sẽ vui mừng. Họ mặc định cho bạn đã đồng ý (vì có thấy ai phản đối đâu) và họ thực hiện. Tuy nhiên, quyết sách đó chưa chắc phục vụ cho cộng đồng, mà trước tiên cho lợi ích của họ. Điều này không sai và phổ biến ở Việt Nam.

Bạn than trách xã hội Việt Nam hiện nay không có tự do, văn hóa xuống cấp, tham nhũng tràn lan, công an lộng hành, quan chức nhũng nhiễu, thực phẩm thiếu an toàn…

Không sai. Nhưng bạn cần nhìn lại, đã bao giờ lên tiếng cảnh báo, phản đối, hành động để chống lại các bất cập kia chưa? Hay bạn chỉ im lặng và bây giờ thì than vãn?

Đành rằng chính quyền độc đoán, có dùi cui, còng, súng, tòa án, nhà tù... và cả trăm cơ quan ngôn luận chỉ để đè bẹp. Tuy nhiên, khi cả làng, cả xã, cả huyện, cả tỉnh và toàn dân đồng lòng lên tiếng sẽ khác. Nhà nước chẳng có đủ nhà tù để nhốt tất cả đâu. Chẳng phải vụ việc ở Đồng Tâm, dự luật đặc khu đã phải ngưng lại trước sự phản đối của người dân đó sao.!

“Hành Động Của Chúng Ta”

Bắt đầu từ năm 2019, phí môi trường các loại xăng dầu ở Việt Nam tăng từ 500 đồng đến hơn 1.000 đồng tùy loại. Chẳng hạn, xăng trước đó chịu phí môi trường 3.000 đồng/lít tăng lên mức 4.000 đồng/lít. Mức tăng không hề nhỏ. Bạn đã lên tiếng phản đối hay chỉ cam chịu chấp nhận trong suy nghĩ, “nói cũng chẳng được gì”.

Cần thiết phải có phí môi trường, nhưng đã bao giờ bạn đặt câu hỏi khoản tiền này có được dùng đúng vào việc cải thiện cho môi trường tốt hơn chưa?. Nhà nước có dùng số tiền này đúng mục đích của nó hay bù lỗ cho những dự án đầu tư thiếu hiệu quả, phung phí trong các dự án đầu tư của các công ty nhà nước?

Không quá khó để tính ra được số tiền nhà nước thu được cho phí môi trường từ việc tiêu thụ xăng dầu mỗi năm.

Cụ thể hơn, hiện nay Việt Nam đang có kế hoạch làm đường cao tốc Bắc – Nam. Phải khẳng định con đường này là cần thiết để phát triển đất nước. Dù có nhịn ăn để làm cũng nên.

Công nghệ, kỹ thuật, phương pháp thi công đường cao tốc không phải quá khó, quá sức với các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay. Siêu dự án quốc gia này cần ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước để họ hoàn thiện mình và nâng cao năng lực. 

Tuy nhiên, mới đây ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải đã có ý muốn giao cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng con đường này.

Có tư vấn, đấu thầu quốc tế đi nữa thì doanh nghiệp đầu tư đến từ Trung Quốc cũng sẽ thắng vì họ bỏ thầu thấp và hiểu ‘lệ’ với người có chức quyền thẩm duyệt.

Tuy nhiên, khi đi vào thi công nhà thầu Trung Quốc có muôn vàn thủ đoạn để tăng mức đầu tư. Ngược với đó, chất lượng công trình do các nhà thầu ở quốc gia này thi công luôn ở mức tồi. Thực tế đã được chứng minh trên khắp thế giới và Việt Nam không thiếu kinh nghiệm với thủ đoạn của nhà thầu Trung Quốc. Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đang là một minh chứng hiển hiện.

Cùng với đó âm mưu ngàn đời thôn tính, đồng hóa Việt Nam của Trung Quốc chưa bao giờ vơi.

Bạn có dám hành động chính trị phản đối đường cao tốc Bắc – Nam nếu nó được giao cho các nhà thầu đến từ Trung Quốc như đã làm với luật đặc khu không?

By Võ Ngọc Ánh (17/4/2019)