Tổng thống Bolsonaro sa thải 300 công chức bị cho là 'thiên tả' (BBC)

Tổng thống Cộng hòa Brazil Bolsonaro là một TT dân túy. Những việc làm của ông như việc sa thải hàng loạt công chức vì "khác biệt tư tưởng" sẽ làm cho xã hội Brazil thêm chia rẽ trầm trọng. Cần một chính sách Hòa giải dân tộc thay vì các chính sách phân biệt và cực đoan như vậy. Rất tiếc là các tổng thống dân túy đều không có viễn kiến. Một tương lai bất ổn và ảm đạm đang chờ người dân Brazil.


Trong tuần đầu năm 2019, Tổng thống Jair  ra lệnh sa thải 300 công chức bị cho là theo tư tưởng 'xã hội chủ nghĩa và cộng sản' ở Brazil.

Khi còn tranh cử, ông Bolsonaro, 63 tuổi, cựu đại uý quân đội từng tuyên bố rằng lá cờ xanh-vàng của Brazil 'sẽ không bao giờ có màu đỏ'.

Sau khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Cộng hòa Brazil hôm 1/1/2019, chính phủ Bolsonaro ra quyết định trong tuần:
  • Chuẩn bị để chuyển đại sứ quán Brazil ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, bày tỏ xu thế thân chính quyền Netanyahu cũng thuộc phe hữu;
  • Sa thải ngay 300 nhân viên, quan chức làm hợp đồng vì lý do họ theo ý thức hệ 'xã hội chủ nghĩa' hoặc 'cộng sản';
  • Ông Bolsonaro tỏ ý sẵn sàng để Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự ở Brazil nhằm phòng ngừa Nga;
  • Chính phủ của ông cũng nói sẽ cải cách kinh tế, cắt giảm chi tiêu cho hệ thống hưu bổng và phúc lợi của người thiểu số.
Theo BBC Monitoring, truyền thông Brazil và các nước Nam Mỹ chú ý đến tuyên bố của ông Jair Bolsonaro "giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa xã hội".

"Jair Bolsonaro hứa bảo vệ nền dân chủ Brazil bằng cách giải phóng nước này khỏi dây trói ý thức hệ," báo El Mercurio ở Chile đăng bài hôm 2/1.

Báo Argentina, La Nacion thì nhắc lại rằng lãnh đạo Brazil hứa "tái lập trật tự, chống tham nhũng và giải phóng khỏi CNXH".

Báo Colombia, El Colombiano hôm 2/1 chạy tựa "Thời đại Bolsonaro bắt đầu." 

Từ Guatemala, báo Prensa Libre có bài với tựa đề nhấn mạnh quan điểm thiên vị tôn giáo của tân Tổng thống Brazil, "người đặt Thượng Đế lên trên tất cả", và đang muốn phục hồi các giá trị truyền thống.

Trả lời đài SBT TV, ông Jair Bolsonaro nói ông sẵn sàng để Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Brazil vì có lo ngại quan hệ chặt chẽ của Nga với nước láng giềng Venezuela, theo Reuters hôm 3/1.

Làn sóng thiên hữu

Trang Cubadebate của chính phủ Cuba ghi nhận chính quyền Jair Bolsonarolà "cực hữu" và đang rời đi khỏi các liên minh ở các quốc gia đang phát triển.

Trong quá khứ, ông Bolsonaro thường cáo buộc các đối thủ chính trị là 'phe đỏ' và nói thành viên Đảng Lao động Brazil (PT) "tốt nhất là vào tù hoặc đi sống lưu vong". 

Hồi tháng 10/2018, khi ông Bolsonaro mới là ứng viên tổng thống nhưng đã tung ra nhiều khẩu hiệu tranh cử nhắm vào phe tả Brazil, báo Anh, tờ The Independent có bài bình luận nói về xu thế độc đoán mới ở quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ.

Ngay từ khi đó, các nhóm vận động chống phe tả đã dùng ứng dụng nhắn tin WhatsApp -để tung ra làn sóng tin giả nhằm thu hút cử tri.

Hậu quả là, theo bài báo, nhiều cư dân Brazil tin rằng đảng cánh tả PT không khác gì một băng đảng mafia kiểu như Sinaloa ở Mexico cộng với Liên Xô thời Stalin. 

Một phần dân số Brazil tin rằng PT tìm cách 'xây dựng nền độc tài cộng sản'. 

Nhưng bài báo khi đó đã viết rằng nếu thắng cử, ông Bolsonaro sẽ tìm cách đặt PT ra ngoài vòng pháp luật và sẽ gọi các hội đoàn giúp người mất đất, người vô gia cư là "khủng bố". 

Sau khi ông Bolsonaro lên cầm quyền, tuần này, các báo khu vực cũng nói sau một thập niên cầm quyền của Đảng Lao động (2003 -2016), dưới thời các tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva và Dilma Rousseff, chính trị Brazil nay hoàn toàn ngả về phía cực hữu.

Phe tả Brazil từng đấu tranh vì quyền lợi của người lao động và bảo vệ các giá trị quốc tế, chống lại nền độc tài quân sự ở nước này trong các thập niên sau Thế Chiến 2.

Tuy nhiên, chính quyền của các tổng thống cánh tả Lula da Silva và Rousseff cũng gây thất vọng vì các vụ scandal.