Tôi nghiên cứu về những kẻ nói dối. Tôi chưa bao giờ thấy một người như Tổng thống Trump. (Bella DePaulo)




LTS: Benjamin Franklin – một trong những vị sáng lập nổi tiếng của Hoa Kỳ đồng thời cũng là một nhà khoa học, một tác giả, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội và một nhà ngoại giao hàng đầu đã từng nói: “DỐI TRÁ VÀ LỪA LỌC LÀ HÀNH ĐỘNG CỦA KẺ NGU XUẨN, LÀ NHỮNG KẺ KHÔNG CÓ ĐỦ ÓC TRUNG THỰC.” - “Tricks and treachery are the practice of fools, that don't have brains enough to be honest.” Và chính Benjamin Franklin cũng là tác giả của câu: ½ sự thật thường là một lời nói dối lớn” - "Half a truth is often a great lie." 

Một số người ủng hộ Trump cho rằng chính trị gia nào cũng nói dối, nên việc Trump nói dối là bình thường. Tuy nhiên, phần lớn con người nói dối để bảo vệ người khác hoặc không gây hại đến người khác. Còn theo các nghiên cứu của các nhà xã hội học như trong bài viết này của Giáo sư Bella DePaulo, Trump là tổng thống cận đại đầu tiên liên tục nói dối nhằm nâng cao bản thân mình và miệt thị người khác. Tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do miệt thị, bóp méo sự thật để chửi rủa người khác.

Vấn đề là những ai căm ghét sự dối trá của chế độ cộng sản mà lại nhắm mắt làm ngơ, tìm mọi cách bình thường hóa thói dối trá đầy ác ý của Trump, thì thực sự họ có phải ghét sự dối trá – yêu mến sự thật hay không? Mục đích cao cả của chính trị không phải chỉ là dân chủ - tự do mà còn là đạo đức. Vũ khí hiệu quả nhất để đấu tranh chống cái ác, độc tài dối trá là sự thật và lẽ phải. Văn minh và tiến bộ của nhân loại đã chứng minh rằng con người không hề bị khuất phục bởi bạo lực hoặc dối trá nhưng chỉ là ĐẠO ĐỨC – LƯƠNG THIỆN. Nếu ủng hộ dân chủ cho Việt Nam, nghĩa là ủng hộ lẽ phải – tự do – đạo đức, làm sao có thể tôn thờ một kẻ liên tục nói dối và vi phạm đạo đức như Trump?

MVP
---/---

Tác giả: Bella DePaulo là một nhà tâm lý học và xã hội học tại Đại học Santa Barbara, California.

Tôi đã dành hai thập kỷ đầu của sự nghiệp là một nhà khoa học xã hội nghiên cứu những kẻ nói dối và những lời nói dối của họ. Tôi nghĩ rằng tôi đã đủ khả năng để hiểu những kẻ nói dối. Nhưng đến thời Tổng thống Trump, những lời nói dối của ông ta thường xuyên hơn và độc hại hơn những người dân thường.

Trong nghiên cứu vào giữa những năm 1990, khi tôi còn là giáo sư tại Đại học Virginia, các đồng nghiệp của tôi và tôi đã yêu cầu 77 sinh viên đại học và 70 người từ cộng đồng gần đó lưu giữ nhật ký về tất cả những lời nói dối họ mỗi ngày trong vòng một tuần. Sau đó, họ đưa nhật ký của họ cho chúng tôi mà không có tên kèm theo. Chúng tôi đã tính toán tỷ lệ nói dối và phân loại từng lời nói dối: (1) loại ích kỷ (nói ra để kiếm lợi cho bản thân người nói dối hoặc bảo vệ người nói dối khỏi sự bối rối, đổ lỗi hoặc kết quả không mong muốn khác) hoặc (2) loại tử tế (lời nói dối để tâng bốc hoặc bảo vệ người khác).

Tờ Washington Post với tính năng Fact Checker (kiểm chứng sự thật) đã theo dõi mọi tuyên bố dối trá và lừa gạt của Tổng thống Trump đã đưa ra trong năm nay. Việc Trump đưa ra các tuyên bố sai lệch và lật lọng giống với định nghĩa nói dối mà đồng nghiệp và tôi đã đưa ra cho những người tham gia trong cuộc nghiên cứu: "Lời nói dối xảy ra bất cứ khi nào bạn cố tình lừa dối một ai đó." Tuy nhiên, trong trường hợp của Trump, chúng ta chỉ có thể xác định liệu các lời nói dối là sai trái hay đánh lừa, và khó tìm ra liệu đó có phải là chủ tâm của tổng thống hay không.

Các sinh viên đại học trong nghiên cứu của chúng tôi nói trung bình 2 lời nói dối một ngày, và các thành viên cộng đồng nói 1 lời nói dối. Một nghiên cứu gần đây về những lời nói dối của 1000 người Mỹ đã nói trong 24 giờ cho thấy một người nói trung bình 1,65 lời nói dối mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng 60% những người tham gia nói rằng họ không nói dối, trong khi 5% những người nói dối nói gần một nửa trong tổng số các lời dối trá trong nghiên cứu.

Trong vòng 298 ngày đầu nhậm chức tổng thống, Trump đã nói 1.628 lời nói dối, lừa gạt hoặc lật lọng theo Fact Checker của tờ Washington Post. Đó là khoảng hơn 6 lời nói dối trong một ngày, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trong các nghiên cứu của chúng tôi. Và tất nhiên, các phóng viên chỉ biết các tuyên bố dối trá của Trump khi ông phát biểu công khai - vì vậy nếu như Trump không nói thật lúc vắng mặt phóng viên, thì tỷ lệ nói dối thực tế của Trump chắc chắn cao hơn rất nhiều.

Tỷ lệ nói dối của Trump tăng tốc. Bắt đầu từ đầu tháng 10, Trump nói chín lời nói dối mỗi ngày, vượt xa cả những kẻ nói dối nhiều nhất trong nghiên cứu của chúng tôi. Nhưng cơn bão lừa dối không phải là phát hiện đáng ngạc nhiên nhất về Trump.

Cả sinh viên đại học và các thành viên cộng đồng trong nghiên cứu của chúng tôi nói dối để phục vụ lợi ích riêng của họ. Họ nói dối để làm lợi cho bản thân ở công sở, công cộng, trong các mối quan hệ cá nhân và mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, một nhân viên bán hàng nói với một khách hàng rằng chiếc quần jean cô ấy đang thử không quá chật, vì vậy cô ấy có thể bán hàng. Những người tham gia cuộc nghiên cứu cũng nói dối để bảo vệ bản thân về mặt tâm lý: Một sinh viên đại học nói với một bạn học cùng lớp rằng anh ta không lo lắng về điểm số của mình, để người bạn không nghĩ rằng anh ta ngu ngốc.

Ít gặp hơn là những người đã nói dối để thể hiện sự tử tế, giúp người khác có được những gì họ muốn hoặc cảm thấy tốt hơn, hoặc để họ khỏi bối rối hoặc đổ lỗi cho nhau. Ví dụ, một người con trai nói với Mẹ anh ta rằng anh không ngại khi dẫn Mẹ đi mua sắm. Hoặc một người phụ nữ bênh vực người bạn nữ đang ly hôn chồng, mặc dù cô ấy nghĩ rằng người bạn mình cũng có lỗi trong cuộc ly hôn.

Các đồng nghiệp của tôi và tôi thấy thật dễ dàng để giải thích từng lời nói dối của những người tham gia. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của Trump. Gần một phần tư các tuyên bố dối trá của Trump (24%) là phục vụ các mục đích khác nhau. Gần 2/3 lời nói dối của Trump lề (65%) là ích kỷ, phục vụ lợi ích bản thân. Ví dụ như Trump đã nói dối: "Chương trình giảm thuế là những cắt giảm lớn nhất trong lịch sử" hoặc Trump nói dối về những người đã đến xem chuyến viếng thăm của ông khi đến Việt Nam: "Họ đứng xếp hàng trên đường phố với số lượng hàng chục ngàn người." Ít hơn 10% những lời nói dối của Trump là với mục đích tử tế, nói ra nhằm tâng bốc hoặc bảo vệ người khác. 

Cái cách mà Trump nói dối khác biệt đáng kinh ngạc so với những người tham gia nghiên cứu của chúng tôi chính là ở sự tàn nhẫn và ác nghiệt. 50% những lời nói dối của Trump là gây tổn thương hoặc miệt thị người khác. 

Những lời nói dối của Trump không thể được mã hóa thành một loại thông thường vì chúng được nói ra với mục đích coi thường, miệt thị người khác và nâng cao bản thân Trump.

Tần suất những lời nói dối của Trump dường như có ảnh hưởng và ảnh hưởng đó có thể không phải là điều mà ông ấy mong muốn. Một cuộc thăm dò của Politico/Morning Consulting từ cuối tháng 10 cho thấy chỉ có 35% cử tri tin rằng Trump trung thực, trong khi 51% cho rằng Trump là người không trung thực. (Những cử tri còn lại nói rằng họ không biết hoặc không có ý kiến.) Kết quả cuộc thăm dò của Đại học Quinnipiac tháng 11 cũng cho kết quả tương tự: 37% cử tri nghĩ Trump là trung thực, so với 58% cho rằng Trump không thành thật.

Ít hơn 40% cử tri Mỹ cho rằng tổng thống Trump là người trung thực thực sự là điều đáng chú ý. Hầu hết con người phần lớn tin người khác. Đó là cách cài đặt mặc định của chúng ta. Thông thường, chúng ta cần một lý do để không tin ai đó.

Bằng cách nói quá nhiều lời nói dối và rất nhiều trong số đó là ác ý, Trump đang vi phạm một số quy tắc cơ bản nhất của việc tương tác trong xã hội và đạo đức  con người. Trong trường hợp của Trump, nhiều người trong chúng ta đã từ bỏ một quy tắc xã hội - đó là nghi ngờ, không vội phán xét liệu người đó có nói dối hay không. Chúng ta không cần nghi ngờ về những điều Trump nói nữa (bởi tất cả là dối trá).