Niềm tin vào thể chế (FB Thận Nhiên)

Có đôi điều cần nói thêm cho rõ ý tác giả. Đúng là niềm tin đặt vào đất nước có lúc khác với niềm tin đặt vào thể chế. Nhưng thể chế chính trị luôn là đại diện cho tổ quốc trong mỗi giai đoạn lịch sử, nếu không có niềm tin vào thể chế thì đất nước không thể phát triển. Thể chế (dân chủ) nào cũng phải xây dựng và vận hành trên niềm tin của dân chúng kể cả thể chế cộng sản hiện nay. Vấn đề là người dân Việt Nam không còn tin vào thể chế cộng sản nữa sau những gì họ đã làm hơn 70 năm qua. Nhận định của tác giả rằng niềm tin của người dân vào thể chế khác với niềm tin vào tôn giáo vì nó phải dựa trên lý trí và kết quả cụ thể...thì hoàn toàn chính xác. Huy Đức là một nhân sĩ nên ông vẫn tin là đến một lúc nào đó đảng cộng sản sẽ lấy lại được "niềm tin" của người dân. Điều này là hoàn toàn không tưởng. 



Sáng nay tôi đọc bài viết “THẾ HỆ THỨ BA” của nhà báo Huy Đức, nó đang nóng hổi, đang được hàng trăm ngàn người đọc và hàng ngàn người share. Nó mang nhiều thông tin và nhận định mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới biết, nó giúp tôi mở mang một số kiến thức về những gì xảy ra phía sau hậu trường chính trị Việt Nam. 

Chỉ có câu kết như sau đây khiến tôi băn khoăn và ngồi viết status này để thử bàn về cụm từ “niềm tin vào thể chế” trong câu kết của bài viết: “Dân chúng hân hoan khi thấy bọn tham nhũng bị tống vào tù; nhưng dân chúng cần có đủ niềm tin vào thể chế để tìm cảm hứng phát triển ngay cả khi “lò tắt.”

Tôi nghĩ, trước hết có 2 điều cần được minh bạch khi nói về “niềm tin vào thể chế”:

1/ Niềm tin đặt vào đất nước, tổ quốc, dân tộc thì khác với niềm tin đặt vào thể chế. Người ta có thể đặt niềm tin vào đất nước nhưng không đặt niềm tin vào thể chế, vì đó là hai thực thể khác biệt. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đảng Cộng Sản đã gian lận đánh đồng hai thực thể này và lừa dối người dân. Khi một bà cụ bốc bớt nắm gạo của nồi cơm nhỏ bé gia đình bỏ vào thùng gạo ủng hộ kháng chiến thì bà đang đặt niềm tin vào đất nước, vào tương lai của tổ quốc, chứ không phải đặt niềm tin vào đảng Cộng sản – vốn là một khái niệm mơ hồ, chưa rõ ràng trong ý thức của bà. Ngày nay, sau nhiều trãi nghiệm đắng cay, hầu hết người ta đã nhận rõ được sự khác biệt này, và không bị lừa lần nữa.

2/ Niềm tin vào thể chế thì khác với đức tin trong tôn giáo. Với đức tin trong tôn giáo, người ta tin vào nó mà gần như không có sự can thiệp của lý trí. Niềm tin vào thể chế thì khác, khi người dân trưởng thành và dân trí cao hơn, thì họ không dễ dàng nghe theo cán bộ tuyên vận của đảng như hồi đầu thế kỷ trước, thậm chí họ luôn luôn tỉnh táo với những chứng nghiệm từ thực tế.

Thế thì người dân còn có đủ niềm tin vào thể chế, hay còn chút niềm tin vào thể chế nữa hay không?

Tôi nghĩ, chẳng những người dân không đủ niềm tin vào thể chế thôi, mà thật ra là họ chẳng còn chút niềm tin nào vào thể chế.

Gần đây, có những gợi ý, những kêu gọi nhân dân góp vàng, góp tiền của cho nhà cầm quyền để cùng xây dựng đất nước, kết quả là những nỗ lực kêu gọi này chỉ khiến người ta văng tục và cười khẩy, ngay cả trong bốn triệu đảng viên hiện nay cũng chẳng mấy ai hưởng ứng.

Vì sao như vậy?

Vì qua thực tiễn trong hàng chục năm nay, không còn ai tin vào khả năng lãnh đạo của đảng lẫn đạo đức của đảng!

Nếu có một sự thay đổi thể chế cần thiết để khôi phục lại niềm tin của người dân thì nó cần thay đổi tới mức: hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Mà tới khi bỏ điều 4 thì hỡi ơi người ta không cần khôi phục lại niềm tin nữa, vì không ai cần khôi phục cái thực thể không còn tồn tại.