Dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Sài Gòn xuất hiện sai sót nghiêm trọng (Vietnamnet)

Một công trình giao thông trọng điểm quốc gia tại một Thành phố lớn nhất nước với vốn đầu tư lên đến nhiều tỉ USD mà vẫn bị rút ruột đến mức đó thì không hiểu chính quyền và các ban ngành liên quan làm việc kiểu gì? Chúng ta có thể khẳng định rằng dưới sự lãnh đạo "tài tình và sáng suốt của đảng ta" thì đất nước Việt Nam sớm muộn cũng tiêu vong. Nếu không có các cuộc thanh trừng nội bộ và đấu đá lẫn nhau thời gian qua giữa phe "đốt lò' của ông Trọng và phe cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì chúng ta không thể nào biết được những chuyện kinh thiên động địa như vậy. Đảng cộng sản tàn phá đất nước kinh khủng hơn cả những gì chúng ta đã được biết. Bao giờ thì trí thức và người dân Việt Nam mới thôi hết mong chờ vào sự "thay đổi" của đảng cộng sản để ủng hộ cho một giải pháp mới của một tổ chức chính trị mới?  


Thiết kế độ dày tường vây dự án metro là 2m nhưng bị phía chủ đầu tư yêu cầu điều chỉnh còn 1,5m.

Vì sao hai tuyến metro của TP.HCM đội vốn 44.000 tỷ?

Thanh tra Thành phố TP.HCM vừa có kết luận về việc thực hiện gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Bến Thành) thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên).

Theo kết luận thanh tra, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có những sai sót và vi phạm rất nghiêm trọng trong quá trình thực hiện gói thầu trên như điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, nhưng chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tường vây đường hầm tuyến metro số 1 bị điều chỉnh độ dày từ 2m xuống còn 1,5m.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đã xác nhận với PV VietNamNet về việc tường vây đường hầm metro số 1 bị điều chỉnh so với thiết kế. 
Vị lãnh đạo cho biết, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP làm không đúng trình tự thủ tục theo quy định. Sau khi có kết luận chỉ đạo của UBND TP, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã thực hiện các nội dung khắc phục sự cố.

Hiện Sở GTVT TP đang phối hợp với chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị thuê tư vấn độc lập tính toán lại.

Còn liên quan cụ thể về việc thay đổi và yếu tố kỹ thuật như thế nào, vị lãnh đạo Sở GTVT từ chối trả lời và yêu cầu nên liên hệ phía chủ đầu tư Ban quản lý đường sắt đô thị để nắm thông tin.

PV liên hệ qua số điện thoại của ông Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) thì ông này không bắt máy.

Trước đó, ông Lê Nguyễn Minh Quang cũng đã có đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền của TP chấp thuận.

Trong khi đó, ông Hoàng Như Cương - Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM kiêm Bí thư Đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã đi nước ngoài với lý do giải quyết việc cá nhân.

Điều đáng nói, ông Cương đi nước ngoài nhưng chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng.

Trong một diễn biến khác, ông Dương Hữu Hòa - Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý đường sắt đô thị TP, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên) cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc để “đi chữa bệnh”. Tuy nhiên, đơn nghỉ việc của ông Hòa chưa được chấp thuận nên ông vẫn làm việc bình thường. 

Ngoài ra, hôm nay, trên trang web của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đăng tải thư khẩn, mời báo chí dự họp báo cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vào lúc 8h30 ngày 26/12.

Được biết, dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.

Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020 nhưng đến nay xảy ra tình trạng 'đình trệ' do thiếu vốn và TP.HCM phải nhiều lần cầu cứu Quốc hội, Thủ tướng. Thậm chí, 2 năm qua, TP.HCM còn phải ứng vốn ngân sách để chi trả cho nhà thầu thi công.

Dư án metro đầu tiên của Sài Gòn dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Hồi năm 2007, thành phố phê duyệt dự án Metro số 1 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng. Sau đó dự án, được chuyển giao cho Ban quản lý đường sắt đô thị làm chủ đầu tư. Đơn vị này chọn nhà thầu cùng với việc làm rõ thiết kế cơ sở dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án lên 47.325 tỷ đồng vào năm 2009.

Tuấn Kiệt