Chuyên gia: 70% ngân sách để chi thường xuyên ‘quá cao, không lành mạnh’ (VOA)
Chuyện bội chi ngân sách vì nguồn lực nhà nước dành hơn 70% trả lương cho bộ máy hành chính là chuyện ai cũng biết và ai cũng hiểu là chuyện này không thể kéo dài mãi được. Kể cả Trung Quốc rồi cũng sẽ vỡ nợ huống gì Việt Nam. Nếu mô hình TQ và VN "thành công" thì mọi sách vở về kinh tế của thế giới và mô hình kinh tế tư bản của các nước dân chủ cần phải...đốt bỏ và vứt hết đi? Không có chuyện đó. ĐCSVN cũng biết rõ nguy cơ này nhưng họ không thể làm khác. Nếu không ban phát bổng lộc và tạo điều kiện cho quan chức tham nhũng thì lấy đâu ra người để làm việc?
Chi ngân sách nhà nước của Việt Nam trong 11 tháng vừa qua của năm
nay vượt trên 1,21 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 54,5 tỷ đô la), theo
báo chí trong nước.
Thông tấn xã Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng và Trithucvn cho hay chiếm
20% số tiền nói trên được chi cho đầu tư phát triển, trong khi đó, tới
khoảng 70% dành cho chi thường xuyên. Phần còn lại để trả lãi nợ. Các
chuyên gia kinh tế cho rằng các khoản chi thường xuyên chiếm tỷ lệ “quá
cao” và “không lành mạnh”.
Các báo dẫn báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Việt Nam cho hay lũy kế
chi ngân sách nhà nước trong 11 tháng đạt “1 triệu 210 nghìn 600 tỷ
đồng, tăng khoảng 8% so với năm ngoái”. Trong con số này, chi đầu tư
phát triển đạt 239.600 tỷ đồng, chi trả lãi nợ hơn 98.000 tỷ đồng; và
chi thường xuyên lên đến 841.700 tỷ đồng.
Vẫn theo thông tin của Bộ Tài chính, được các báo đăng lại, lũy kế
thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng đạt gần 1 triệu 223 nghìn tỷ đồng,
“tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017”.
Với các số liệu được Bộ Tài chính đưa ra như vậy, trên giấy tờ, ngân
sách của Việt Nam đã “thặng dư khoảng 12.100 tỷ đồng sau 11 tháng”. Tuy
nhiên, trang Trithucvn lưu ý đến một thông tin mâu thuẫn mà Tổng cục
Thống kê đã công bố vài tuần trước cho thấy tính đến ngày 15/11/2018
ngân sách “đã thâm hụt khoảng 6.100 tỷ đồng”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận với VOA:
“Chi thường xuyên của Việt Nam chiếm tỷ lệ quá cao, cộng thêm 24,5%
là chi để trả nợ mà đấy chỉ là trả nợ lãi chứ còn trả nợ gốc thì chưa
tính. Vì vậy, phần còn lại để đầu tư chủ yếu dựa vào vay. Và đấy là một
trong các lý do dẫn đến bội chi ngân sách và nợ công tăng cao”.
Theo các chỉ số về chi tiêu ngân sách trong giai đoạn 2013-2018 được
chính phủ Việt Nam công bố, dự toán bội chi trên Tổng Sản phẩm Quốc nội
(GDP) đều trên dưới 5% mỗi năm trong các năm từ 2013 đến 2016. Nhưng dự
toán cho các năm 2017 đến 2019, tỷ lệ này thấp hơn hẳn, chỉ còn 3,5%
hoặc hơn một chút.
Trong một bài viết đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 8/12, tiến
sĩ Vũ Quang Việt, một chuyên gia kinh tế gốc Việt, cho hay ông đã tìm
hiểu và tính toán lại, từ đó thấy rằng “tình hình thực ra không sáng sủa
như thế”.
Tiến sĩ Việt, một cựu chuyên viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc, viết
rằng ông được biết Bộ Tài chính Việt Nam đã “thay đổi cách làm thống kê
kể từ năm 2017”, theo đó, khoản chi trả nợ chỉ có “chi trả lãi chứ không
bao gồm cả chi trả nợ gốc” như trước đây.
Với cách tính toán mới, tiến sỹ Việt cho rằng con số phần trăm bội
chi giảm đi là “giảm ảo” và theo tính toán của ông, tỷ lệ bội chi năm
2017 “là 5,5%, tức là cao hơn trước chứ không giảm”.
Vẫn theo bài viết trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, vị cựu chuyên viên
của LHQ lưu ý rằng ngưỡng bội chi ngân sách so với GDP mà các tổ chức
quốc tế khuyến nghị là “không nên vượt quá 3%”, nhưng bội chi ngân sách
Việt Nam “vẫn tiếp tục vượt tỷ lệ khuyến nghị trên dù với cách làm thống
kê mới”.
Nhận xét về vấn đề bội chi, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với VOA:
“Tôi nghĩ rằng việc bội chi như vậy là quá lớn. Và việc bội chi đó
lại dựa trên tăng thêm nợ công là điều rất không lành mạnh. Và Việt Nam
cần sớm có biện pháp để cắt giảm chi thường xuyên và hạn chế những chi
tiêu kém hiệu quả”.
Trong số các biện pháp, tiến sĩ Doanh nói chính phủ cần phải khôi
phục việc “thực hiện ngân sách khắc khổ và chi tiêu rất tiết kiệm” như
thời chiến tranh hay giai đoạn bắt đầu đổi mới kinh tế trong những năm
1986-1990.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này nói với VOA rằng chính phủ cũng phải
“cải cách bộ máy” trong đó bao gồm cả tinh giản biên chế những người
hưởng lương từ ngân sách song hiệu quả làm việc lại quá thấp.
Trong một cuộc họp của nhà nước hồi tháng 1/2013, ông Nguyễn Xuân
Phúc, khi đó là Phó Thủ tướng, đã được báo chí dẫn lại lời phát biểu
rằng 30% trong số 2,8 triệu công chức “không có cũng được” bởi họ làm
việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, “không mang lại bất cứ thứ
hiệu quả công việc nào”.
Việc tinh giản biên chế đã được Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo
tuyệt đối ở Việt Nam đốc thúc trong những năm gần đây, song trên thực tế
không mang lại kết quả đáng kể nào.
Các bản tin trong nước hồi tháng 11/2017 cho hay tại một hội nghị của
đảng, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã chỉ ra
tình trạng là mặc dù một nghị quyết hồi tháng 4/2015 của Bộ Chính trị
đặt ra mục tiêu mỗi năm Việt Nam phải “tinh giản 70.000 người”, nhưng
sau 2 năm thực hiện, thực tế cho thấy điều ngược lại.
Theo lời ông Chính được báo chí dẫn lại, nhân sự trong bộ máy nhà
nước “không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người”. Vị Trưởng ban Tổ
chức Trung ương bình luận rằng “đây là một mâu thuẫn lớn”, theo các bản
tin.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh với VOA rằng bộ máy nhà
nước cần phải tái cấu trúc, bao gồm cả tinh giản, trên cơ sở đó “chi
tiêu hết sức tằn tiện, tiết kiệm”. Có làm được như vậy, theo tiến sĩ
Doanh, nhà nước mới có thể “dành một tỷ lệ lớn hơn cho đầu tư, đồng thời
giảm bội chi và giảm nợ công”.
Hồi tháng 10, Ủy ban Tài chính Quốc hội cho biết tại một phiên họp
quốc hội rằng dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng;
ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người Việt
có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 3 triệu đồng
mỗi người so với năm 2017.