Việt Nam thuộc nhóm nước cản trở thương mại điện tử của Mỹ (VOA)

Sẽ không có chuyện các công ty của Mỹ như Facebook, Google, Viber...bị chính quyền VN cấm cửa. Sẽ có những thỏa thuận trong chừng mực để làm hài lòng chính quyền nhưng rút khỏi VN là không có. Những báo cáo như thế này là tiền đề và cơ sở để Mỹ trừng phạt hay chế tài VN mỗi khi cần. 


Việt Nam nằm trong nhóm thủ phạm hàng đầu cản trở thương mại điện tử của Mỹ, theo phát hiện của Hiệp hội Internet (IA) đệ trình cho Báo cáo Ước định Thương mại Quốc gia 2019 (NTE) của Đại diện Thương mại Mỹ.

Ngoài Việt Nam, các quốc gia dựng nên rào cản nhiều nhất cho các công ty Mỹ bị nêu tên trong văn bản IA công bố ngày 31/10 còn có Ấn Độ, EU, Indonesia, và Trung Quốc.

“Thương mại điện tử là tương lai của kinh tế Mỹ,” giám đốc phụ trách chính sách thương mại của IA Jordan Haas nói. “Chúng ta đã tạo dựng được thặng dư thương mại 196 tỷ đô la vốn đem đến lợi ích cho tất cả các thành phần của nền kinh tế chúng ta nhờ vào khung chính sách cho phép doanh nghiệp có quy mô khác nhau cạnh tranh và tiếp cận được các thị trường trên toàn thế giới. Báo cáo NTE của IA đã nêu rõ vì sao Đại diện Thương mại Mỹ nên ủng hộ sự thành công tiếp diễn của Mỹ trong lĩnh vực kỹ thuật số và giúp cho nền kinh tế kỹ thuật số của Mỹ được phồn thịnh.”

Văn bản của IA nêu chi tiết những rào cản thương mại điện tử mà các công ty internet đối mặt trong việc làm ăn hay cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng ở trên 50 quốc gia. Những rào cản này ngăn trở các công ty Mỹ trong việc cung cấp dịch vụ đến với người dân sở tại và kết nối họ với phần còn lại của thế giới.

Danh sách các rào cản được nêu trong báo cáo của IA bao gồm: hệ thống bảo vệ dữ liệu mang tính phân biệt đối xử và tạo gánh nặng; rào cản hải quan đối với sự phát triển thương mại điện tử; hạn chế dòng dữ liệu và ngăn chặn dịch vụ; áp dụng các quy tắc cạnh tranh một cách không khách quan và phân biệt đối xử; lọc; kiểm duyệt; chặn dịch vụ; hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Mỹ, những quy định giới hạn quá mức về các dịch vụ trực tuyến; khung bản quyền và trách nhiệm mất cân đối, hệ thống thuế một chiều và phân biệt đối xử.

Việt Nam lâu nay bị chỉ trích về các nỗ lực kiểm duyệt internet mà gần đây nhất là Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 6.