Tiết lộ bất ngờ về lãi suất vay vốn Trung Quốc: Cẩn trọng với ưu đãi (VNN)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong năm 2016-2017 Việt Nam vay của Trung Quốc là 281 triệu USD. Vốn vay của TQ phải chịu lãi suất cao, thời gian cho vay ngắn và bao gồm nhiều điều kiện đi kèm...Bộ này khuyến cáo chính phủ cần "cân nhắc và xem xét" các khoản vay từ TQ...Có lẽ ĐCSVN cũng nhận ra một sự thật đáng lo ngại cho họ là TQ không còn khả năng cho họ vay tiền được nữa dù với bất cứ lãi suất hay điều kiện gì...TQ hết tiền và không còn là chổ dựa cho VN nữa.

Lãi suất vay vốn của Trung Quốc thấp hơn Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng ADB nhưng cao hơn Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020 tầm nhìn 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều con số so sánh mức lãi suất của các nước, các đối tác với nhau.

Báo cáo cho thấy, năm 2016-2017 vốn vay Trung Quốc đứng hàng thứ 5 trong số các nhà tài trợ với 281 triệu USD.

Bộ KH-ĐT khẳng định: Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

"Vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm", báo cáo của Bộ KH-ĐT cho hay.

Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Mức lãi suất này thấp hơn các khoản vay IBRD của Ngân hàng Thế giới (lãi vay WB là 3-4% tùy thuộc thời hạn vay và lựa chọn mức chênh lệch cố định hay biến đội); thấp hơn của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB (lãi vay ADB là 3,51% nếu theo lãi suất thả nổi; 4,65% nếu lãi suất cố định trong thời hạn 15 năm; 5,1% nếu cố định lãi suất trong thời hạn 20 năm).

Ngoài ra, so sánh với vốn vay của Nhật Bản, Hàn Quốc thì mức lãi suất khi vay của Trung Quốc là cao hơn.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ODA Nhật Bản có điều kiện vay thông thường với các mức lãi suất từ 0,6% đến 1,2%, Thời hạn vay từ 15-30 năm, ân hạn từ 5-10 năm. Điều kiện vay ưu đãi với các mức lãi suất từ 0,4-1%, thời hạn vay từ 15-30 năm, ân hạn từ 5-10 năm.

Vốn ODA Hàn Quốc, lãi suất dao động từ 0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu (lãi suất 0% áp dụng đấu thầu giữa các công ty Hàn Quốc, lãi suất 2% áp dụng đối với các dự án đấu thầu giữa công ty Hàn Quốc và Việt Nam), thời hạn vay 25-40 năm, ân hạn từ 7-10 năm.

Dù vậy, trong báo cáo kể trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý: "Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư,... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư".

Do đó, Bộ này đề xuất Chính phủ trong định hướng đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc thời gian tới "cần được xem xét và cân nhắc".

Một chuyên gia đánh giá: Vay vốn Trung Quốc thường đối mặt những vấn đề không lường trước được. Khi vay vốn Trung Quốc thì điều kiện tiên quyết là phải chỉ định thầu cho các nhà thầu Trung Quốc thi công dự án, thậm chí kể cả trang thiết bị máy móc. Đây là điều khoản mà nhiều nước áp dụng khi cho vay vốn ưu đãi, thế nhưng với nhà thầu Trung Quốc thì chúng ta cần lưu ý nhiều hơn.

"Giữa việc chọn một chiếc xe ô tô Nhật Bản và xe Trung Quốc thì tôi vẫn chọn xe Nhật vì chất lượng và an toàn, tin cậy hơn. Vay vốn ODA cũng vậy", vị chuyên gia này nói.

L.Bằng