Cam Bốt: Phiên xử Khmer Đỏ cuối cùng? (Minh Anh)

"Thành tích" của các chế độ cộng sản thật kinh hoàng. Đảng cộng sản Campuchia (Khmer đỏ) đã giết hại gần 2 triệu người dân vô tội của chính mình trong một đất nước có 6 triệu dân, tức là 1/3 dân số. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa tại các nước bị nạn cộng sản là vì giới trí thức tinh hoa đã không quan tâm đúng mức và cần có đến tư tưởng chính trị. Một dân tộc không có tư tưởng chính trị thì sẽ bị hết tai họa này đến tai họa khác. 


Phải mất đến 40 năm sau ngày chế độ độc tài Pol Pot sụp đổ, khoảng 1,7 triệu người bị giết hại, tư pháp quốc tế mới thừa nhận tội ác « diệt chủng » của chế độ Khmer Đỏ. Tòa án Quốc tế ngày thứ Sáu 16/11/2018, đã kết tội hai lãnh đạo cao cấp Khmer Đỏ phạm tội ác « diệt chủng ». Trước đó, hai bị cáo này đã bị kết án phạm tội ác chống nhân loại. Tuy nhiên, theo giới quan sát, phiên tòa ngày hôm qua rất có thể sẽ là phiên xử cuối cùng.
Từ Phnom Penh, thông tín viên đài RFI, Juliette Buchez giải thích :

« Ba trăm triệu đô la được chi ra cho những phiên xử này. Trong vòng một chục năm chỉ có ba người bị kết án. Hôm qua, việc tư pháp thừa nhận cụm từ « diệt chủng » là một thắng lợi mang tính biểu tượng đối với cộng đồng người Việt và người Chăm.

Nhưng bảng tổng kết hoạt động của tòa án này bị hoen ố vì bị chỉ trích là chậm chạp ; các ý đồ can thiệp chính trị cũng đã bị « chỉ mặt điểm danh ».

Do hai bị cáo đã già yếu - Nuon Chea, 87 tuổi và Khieu Samphan, 92 tuổi - nên đã được chia ra thành hai phiên xử. Năm 2014, hai người này đã bị kết án phạm tội ác chống nhân loại.

Hôm qua chỉ có hai người trên hầu tòa, nhưng trước đây, khi bắt đầu mở hồ sơ xét xử này, có tới bốn bị cáo. Hai bị cáo khác là Ieng Sary và vợ là Ieng Thirith đã chết trước khi bị đưa ra xét xử. 

Dưới thời Khmer Đỏ, rất nhiều người Cam Bốt đã tham gia bộ máy chính quyền, hoặc bị cưỡng bức, hoặc không. Do vậy, nhiều hồ sơ mà Tòa xét xử, có liên quan đến các lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ độc tài Pol Pot.

Trong hai hồ sơ khác mà Tòa án Quốc tế xem xét, có rất nhiều trường hợp đã bị xếp lại hoặc rất có thể sẽ không bao giờ đi đến cùng, do thủ tục tố tụng tốn kém. Bản thân thủ tướng Hun Sen trước đây là một cán bộ trung cấp trước khi ông đào tẩu vào thời điểm Khmer Đỏ vẫn đang nắm quyền. Ông Hun Sen tuyên bố không ủng hộ ý kiến mở những hồ sơ mới hay kết tội các lãnh đạo cấp thấp hơn.
Do vậy, bản án do Tòa án quốc tế tuyên bố ngày hôm qua rất có thể sẽ khép lại phần xét xử các tội ác của chế độ Khmer Đỏ ».

RFI