Bài diễn văn của Phó TT Mỹ Mike Pence tại diễn đàn APEC 2018 (Đinh Viết Khiêm chuyển ngữ)



Hội nghị APEC 2018 (tại Port Moresby, Papua New Guinea) đã không có được  tuyên bố chung. Trung Quốc đã tìm mọi cách phá đám và lý do chính có lẽ là bài diễn văn của phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong đó Pence tấn công Trung Quốc thẳng thừng và mạnh mẽ. Pence nhắc lại hai lần là Mỹ sẽ không để Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông. Ông cũng làm dịu xuống khẩu hiệu America First của Trump. ("America First doesn't mean America Only" - "Nước Mỹ trước hết" không đồng nghĩa với chỉ biết có nước Mỹ). Mặc dù ông Pence nói là ông chỉ lặp lại chủ trương của Trump nhưng có những lặp lại thay đổi hẳn ý nghĩa, ví dụ việc Mỹ sẽ không còn co cụm lại nữa mà sẽ tìm đồng minh và Mỹ sẽ tham gia tích cực vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương...



Cảm ơn tất cả vì sự chào đón nồng nhiệt.  Thưa Thủ tướng O’Neill, Chủ tọa Taureka, các vị đại diện từ khắp các miền đất, các vị lãnh đạo của cộng đồng doanh nghiệp, và mọi vị khách đặc biệt khác, thật là vinh dự được gặp tất cả các vị ở đây, Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC 2018.  Cảm ơn mọi người đã đến đây.


Tại hội nghị này hồi năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã vạch ra viễn kiến của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và tự do, nơi mà theo lời ông “các quốc gia độc lập và có chủ quyền, với các nền văn hóa đa dạng và các giấc mơ khác biệt, có thể cùng thịnh vượng bên nhau, và phát triển mạnh trong tự do và hòa bình.”


Và chính Tổng thống Trump đã phái tôi tới đây hôm nay, đúng một năm sau, để tường trình về sự tiến triển của viễn kiến đó. Trên mọi phương diện, chúng tôi đã có hành động quyết định, và cam kết của Hoa Kỳ với vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương chưa bao giờ mạnh hơn thế.


Vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương bao trùm hơn một nửa bề mặt trái đất và hơn một nửa gia đình nhân loại.  Hai phần ba lượng giao dịch thương mại toàn cầu xảy ra ở đây, và tiềm năng kinh tế cùng sự quan trọng chiến lược của nó gia tăng từng ngày.


Để mở khóa các cơ hội vô hạn của miền này, năm ngoái Tổng thống Trump hứa hẹn theo đuổi “các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ bắt rễ từ trong các nguyên tắc công bằng và có qua có lại.”  Và từ Nam Cao Ly đến Mexico đến Canada, chúng tôi đã rèn dũa nên những hiệp định thương mại lịch sử mới, và sẽ còn nhiều nữa.


Ông tổng thống đã hứa cho các quốc gia vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương một cơ hội lựa chọn tốt hơn để hỗ trợ các đề án kết cấu hạ tầng, bằng “cải cách các thiết chế tài trợ phát triển của mình”, và giờ đây Hoa Kỳ tăng hơn gấp đôi khả năng tài chính của mình, lên tới 60 tỷ USD.


Ông Tổng thống cũng đã hứa xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh hơn để bảo đảm an ninh chung của chúng ta.  Năm nay chúng tôi cung cấp nhiều viện trợ quân sự hơn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bằng ba năm trước đó cộng lại.


Tổng thống đã hứa sẽ “đối mặt với các hiểm họa an ninh.”  Chúng tôi sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong vùng để bảo vệ chủ quyền của mình, tiệt trừ gốc rễ khủng bố, và đem Bắc Cao Ly ngồi vô bàn đàm phán.


Năm ngoái, cũng tại diễn đàn này, Tổng thống Trump hứa “sẽ luôn đặt nước Mỹ trên hết” và khiến nền kinh tế Mỹ sống động trở lại.  Các hành động của chúng tôi đã dẫn tới tăng trưởng ở Mỹ, vốn cũng làm lợi cho mọi quốc gia trên toàn vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng tôi đã cắt bỏ các điều lệ hạn chế kinh tế với tốc độ kỷ lục.  Chúng tôi đã buông lỏng dây cương cho năng lực Mỹ và đã thực thi các cắt giảm và cải cách thuế khóa lớn nhứt trong lịch sử.


Kết quả rất ấn tượng – 4.5 triệu công việc mới, tỷ suất thất nghiệp thấp nhứt trong nửa thế kỷ qua, và hôm nay chưa bao giờ có nhiều người Mỹ đang làm việc như vậy so với lịch sử đã qua.  Chúng tôi đang đi đúng hướng để đạt đến sự tăng trưởng cao nhứt trong mười lăm năm qua.  Và sau mười năm, Hoa Kỳ một lần nữa được công nhận là nền kinh tế năng động nhứt trên thế giới.


Tăng trưởng Mỹ, như tôi đã nói, đang thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu ngay ở đây, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.  Suốt hai năm qua các doanh nghiệp Mỹ đã tuyên bố hơn 1500 đề án mới và hơn 61 tỷ USD trong đầu tư trên khắp vùng.  Tổng cộng đầu tư của Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện giờ hơn 1400 tỷ USD – nhiều hơn Trung Quốc, Nhựt, và Nam Cao Ly cộng lại.  Đầu tư Mỹ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương chỉ có tiếp tục tăng lên.


Sự tăng trưởng kinh tế mới của Mỹ là điều thiết yếu cho viễn kiến của chúng tôi về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi các quốc gia độc lập và mạnh sẽ tăng trưởng mạnh.  Và họ sẽ cùng nhau tăng trưởng mạnh hơn.  Và đó là điều mà nước Mỹ luôn theo đuổi, từ những ngày lập quốc.


Lịch sử của chúng tôi trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương là câu chuyện về giao dịch thương mại – khởi đầu từ hơn hai thế kỷ trước với Nữ Hoàng Trung Hoa, một con tàu khởi hành từ New York, đã băng qua Ấn Độ Dương vô Thái Bình Dương, đến Quảng Châu để bán nhân sâm Mỹ và mua lại trà và đồ sứ.


Trong suốt lịch sử của chúng tôi, đó là câu chuyện về tinh thần hữu nghị và đối tác – về các mối liên hệ sâu sắc với mỗi quốc gia qua dòng thời gian – đông, tây, nam, bắc – bao gồm cả năm đồng minh thân thuộc nhứt.


Đó là câu chuyện về sức mạnh và hy sinh – những người dũng cảm nhứt của chúng tôi đã sát cánh với những người dũng cảm nhứt của các bạn để đẩy lùi những cơn triều của chủ nghĩa đế quốc và cộng sản, từ biển San Hô cho tới cuộc đổ bộ ở Incheon, và ở vô số các ngọn đồi , bãi biển, và rừng rậm nằm giữa hai nơi đó.


Đó cũng là câu chuyện về tiến bộ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương  - chúng tôi đã làm việc liền tay cùng các bạn để nâng các công dân của mình lên và mở ra một kỷ nguyên mới với cơ hội cho mọi người.  Khắp vùng này, hàng trăm triệu người đã vượt thoát nghèo khó, sáng kiến và đầu óc làm ăn đang tăng tốc, độc tài rơi rụng và dân chủ vươn lên thay thế, các công dân ngẩng cao đầu để nắm lấy tương lai và tái khẳng định sự độc lập của mình, từ Mã Lai cho tới Maldives.


Khi tụ họp ở đây, chúng ta giờ đây đang viết một chương mới cho sự tiến bộ của mình, và chúng ta đang được hướng dẫn bằng chính viễn kiến của mình.


Như Tổng thống Trump mô tả hồi năm ngoái, Hoa Kỳ muốn thấy một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, nơi các quốc gia độc lập mạnh bạo theo đuổi các lợi ích của mình, tôn trọng các lân bang như những quốc gia ngang bằng, nơi các xã hội, niềm tin, và truyền thống phát triển mạnh mẽ bên nhau, nơi các cá nhân thực hành quyền tự do Trời cho để theo đuổi giấc mơ và định đoạt số phận của mình.


Hoa Kỳ cũng muốn thấy một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở, nơi thương mại và văn hóa luân chuyển tự do, nơi biển và bầu trời đều mở ra cho mọi người với mục tiêu hòa bình, nơi các tranh chấp được giải quyết không cần tới xung đột và ép buộc, nơi các quốc gia giao dịch lẫn nhau, nhận về cũng nhiều như cho đi, và là nơi mà chúng ta đón nhận một tương lai của khả năng vô hạn cho tất cả mọi người coi đây là quê nhà.


Tôi biết viễn kiến này được chia sẻ bởi hầu hết các quốc gia trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.  Nó không loại trừ một quốc gia nào, và từ bờ Tây Thái Bình Dương cho tới những bờ biển xa xôi nhứt của Ấn Độ Dương, Hoa Kỳ chìa ra bàn tay trong tinh thần hữu nghị và đối tác, tìm kiếm hợp tác, không phải khống chế.  Trong mọi điều mình làm, chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi để thăng tiến thịnh vượng chung, tăng cường an ninh chung, và nêu cao các nguyên tắc chung.


Thương mại, dĩ nhiên, nằm ở trung tâm của các mối quan tâm của chúng tôi trong vùng.  Như ông Tổng thống nói hồi năm ngoái, Hoa Kỳ sẽ “ký các thỏa ước thương mại song phương với bất kỳ quốc gia nào trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương muốn trở thành đối tác của chúng tôi, và sẽ tôn trọng các nguyên tắc giao dịch công bằng và có qua có lại.”


Đi xa hơn các hiệp ước mà tôi đã đề cập, Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng ngồi vô đàm phám một thỏa ước thương mại với Nhựt, nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.  Tôi cũng hân hoan thông báo rằng Hoa Kỳ cũng đã thảo luận về một thỏa ước thương mại với một thành viên APEC khác – và chúng tôi sắp sửa khởi sự.


Và khi chúng tôi đang rèn dũa nên các hiệp định mới, chúng tôi cũng đối đầu với các quốc gia đang sử dụng các biện pháp thương mại không công bằng.  Hãy nhìn vô cuộc đối đầu của Tổng thống Trump trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.


Như Tổng thống Trump nói chỉ vài giờ trước từ Nghị Phòng Bầu Dục, chúng tôi “vô cùng kính trọng chủ tịch Tập và Trung Quốc.” Nhưng như chính lời ông Tổng thống “Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ suốt nhiều năm qua.”  Thời đó giờ đã qua rồi.


Như ông Tổng thống nói thêm, “Trung Quốc đặt ra những cản trở khổng lồ”, họ có “thuế suất khủng khiếp”, và như tất cả mọi chúng ta đều biết, quốc gia họ dự phần trong việc đặt ra các hạn định, ép buộc chuyển giao kỹ thuật, ăn cắp tài sản trí tuệ, bao cấp cho các ngành công nghiệp ở quy mô chưa từng thấy.  Những hành động đó đã thực sự góp phần tạo ra mức thâm thủng mậu dịch 375 tỷ USD, chỉ nội trong năm ngoái, của Hoa Kỳ.  Nhưng như ông Tổng thống nói, “mọi chuyện đó giờ phải thay đổi.”


Chúng tôi đã có hành động quyết định để nhắm vô sự mất cân đối trương mại với Trung Quốc.  Chúng tôi đã ấn đính thuế suất lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, và chúng tôi có thể tăng gấp đôi con số đó nữa.  Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ khả quan hơn.  Hoa Kỳ sẽ không thay đổi phương thức của mình cho đến khi Trung Quốc thay đổi.


Xa hơn thương mại, Hoa Kỳ đang khuyến khích đầu tư tư nhân trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, ở mức độ chưa từng thấy trước đây.  Khi chúng tôi đang đứng đây, các công ty Hoa Kỳ đang thuê mướn và đào tạo nhân công ở các quốc gia của bạn, theo các tiêu chuẩn cao nhứt.  Họ không phục vụ cho một thủ đô xa xôi, họ mang các ích lợi trực tiếp đến cho quốc gia của các bạn.  Và các bạn không cần nhìn xa hơn Papua New Guinea để thấy được bằng chứng về sự quan trọng thiết yếu và ích lợi của đầu tư Mỹ.


Lấy một ví dụ: Exxon Mobil đã đầu tư hơn 19 tỷ USD vô quốc gia này, xây dựng hơn 450 dặm đường ống dẫn dầu, và tạo ra hơn 2600 công việc, phần lớn là thuê mướn nhân công địa phương.  Giờ Exxon Mobil, như tôi được biết, dự định tăng gấp đôi công suất của nhà máy ở Port Moresby, với một món tiền đầu tư hàng tỷ USD khác nữa.  Và ngày mai, tôi mong chờ hội cùng nhiều đồng minh  và đối tác trong khu vực để tuyên cáo một sáng kiến lịch sử mà sẽ làm thay đổi tương lai của Papua New Guinea.


Nhưng đầu tư Mỹ không chỉ tăng lên ở đây, nó dâng cao trên toàn vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.  Các công ty của chúng tôi đang xây dựng các nhà máy điện ở Bangladesh, khuyếch trương sự nối kết điện toán ở Nepal.  Họ đang xây cất các nhà máy năng lượng mặt trời ở Việt Nam, các trung tâm sáng tạo ở Singapore, định hình kết cấu hạ tầng năng lượng cho Peru, và khuyếch trương dịch vụ y tế ở Chile.  Và họ đang lắp đặt và bảo dưỡng các các hệ thống cáp ngầm dưới biển để kết nối nhiều quốc gia ở Nam Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và thế giới rộng lớn.

Hoa Kỳ đặc biệt đang có hành động để thúc đẩy đầu tư lớn hơn trong kết nối điện toán.  Tuần này, chúng tôi lập ra US-ASEAN Smart Cities Partnership để tăng cường nền kinh tế trên mạng của Đông Nam Á và mang chuyên môn của các doanh nghiệp Mỹ tới gánh vác cho nhu cầu điện toán của khu vực.  Khi chúng tôi đeo đuổi các đề án tương tự trong những ngày sắp tới, tôi có thể đoan chắc với các bạn rằng chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin rằng một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở xứng đáng phải có một hệ thống internet tự do và rộng mở.


Với cam kết mới này về tài trợ phát triển, chúng tôi cũng đang biến hạ tầng cơ sở của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương trở thành ưu tiên cao nhứt – từ đường bộ cho tới đường sắt, cảng cho tới ống dẫn dầu, phi trường cho tới đường truyền dữ liệu.  Và Hoa Kỳ có một lối tiếp cận có tính nguyên tắc khác hẳn với một số quốc gia khác.


Như đã nói, như mọi quốc qua đều biết, một số quốc gia đang đề nghị cung cấp các khoản cho vay xây dựng hạ tầng cơ sở đến các chính quyền trên toàn vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và thế giới rộng lớn hơn.  Tuy nhiên, các điều khoản cho mượn nợ thường mờ ám, ngay cả khi nhìn vấn đề lạc quan nhứt.  Các đề án họ hỗ trợ thường khó bền vững và kém phẩm chất.  Thông thường chúng có nhiều điều khoản dắt dây kèm theo, và dẫn tới các món nợ khổng lồ.


Không lâu sau cuộc chiến giành độc lập, Tổng thống đầu tiên của nước chúng tôi, George Washington, đã cảnh báo về các hiểm họa có thể xói mòn tất cả các thành quả đạt được: nợ và sự can thiệp của ngoại quốc.  Vì vậy hôm nay tôi xin nói với với mọi quốc gia trong khu vực rộng lớn này, và với thế giới: Đừng nhận các món nợ ngoại quốc có thể gây phương hại cho chủ quyền quốc gia của các bạn.  Bảo vệ lợi ích của các bạn.  Bảo tồn sự độc lập của các bạn.  Và, như nước Mỹ, luôn đặt quốc gia của bạn lên trên hết.


Xin thấy rằng Hoa Kỳ đang đề nghị một lựa chọn tốt hơn.  Chúng tôi không nhận chìm các đối tác trong biển nợ.  Chúng tôi không ép buộc và gây phương hại cho nền độc lập của các bạn.  Hoa Kỳ xử trí công khai và công bằng.  Chúng tôi không đưa ra một vành đai trói buộc hoặc một con đường một chiều.  Khi các bạn muốn làm đối tác với chúng tôi, chúng tôi sẽ là đối tác của các bạn, và tất cả chúng ta đều thịnh vượng.


Trong khi công cuộc đầu tư của chúng tôi vào sự thịnh vượng đang diễn ra trên khắp khu vực này, Hoa Kỳ cũng tiếp tục sát cánh với các các quốc gia có cùng đầu óc để bảo đảm an ninh và hòa bình trên khắp vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Các vị biết đó, thiệt đáng lưu tâm để nghĩ lại lúc ông Tổng thống phát biểu trước các vị hồi năm ngoái, đe dọa lớn nhứt tới vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương là chính quyền Bắc Cao Ly.  Tất cả chúng ta đều nhớ những ngày đó: các vụ thử nghiệm hạt nhân, hỏa tiễn bay ngang bầu trời Nhựt Bản, cuộc chiến ngôn từ và khiêu khích.


Đối mặt với đe dọa này, Hoa Kỳ đã tập hợp thế giới lại, thực thi một cuộc vận động gây áp lực chưa từng có tiền lệ.  Như thế giới đã chứng kiến tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim ở Singapore hồi tháng Sáu, giải pháp dựa trên sự hợp tác của chúng ta đã có kết quả.  Không còn thử nghiệm.  Không còn hỏa tiễn.  Các con tin đã trở về nhà.  Và hy vọng về hòa bình trên bán đảo Cao Ly đã sống trở lại.


Như chúng tôi nói, Hoa Kỳ đang lập các kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh khác giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim.  Mọi quốc gia phải tiếp tục cùng giữ lập trường, thực thi các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, và khiến cho Bắc Cao Ly tôn trọng các cam kết trong bản Tuyên Cáo Singapore – và chúng tôi cũng vậy.


Chúng ta phải tỉnh táo và thấu đáo để đạt được sự phi hạt nhân hóa được kiểm định đầy đủ và chung cuộc cho Bắc Cao Ly.  Chúng ta nợ điều đó với con cháu để bảo đảm một nền hòa bình lâu dài cho nhân dân Cao Ly, chúng ta nợ điều đó với vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, và chúng ta nợ điều đó với thế giới.


Và như Tổng thống Trump đã nói rõ hồi năm ngoái, Hoa Kỳ sẽ luôn cảnh giác trước các mối đe dọa khác trong khu vực này – các tổ chức tội phạm, những kẻ buôn lậu ma túy, những kẻ buôn người, và các tội phạm trên mạng internet.  Để đạt mục đích đó, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyếch trương sự hợp tác quân sự, tình báo, và thực thi pháp luật trên toàn khu vực.


Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và các đối tác để đánh bại mối đe dọa của ý thức cực đoan.  Sau khi những kẻ cực đoan kiểu ISIS tràn ra hung hăng ở Philippines hồi năm ngoái,  Hoa Kỳ đã sát cánh với đồng minh của mình để giải phóng thành phố Marawi.  Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép những kẻ khủng bố theo đạo Islam cực đoan thiết lập một cứ điểm nào trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và các đối tác để bảo vệ các đường biên giới trên đất liền và trên biển, và trong thế giới điện toán.  Tuần này, thiệt là vinh dự cho tôi để tuyên cáo một quan hệ đối tác mới giữa Hoa Kỳ và Singapore để tăng cường phòng vệ điện toán cho mười quốc gia của ASEAN.

Chúng tôi đang tiếp tục rèn dũa nên và làm mới lại các quan hệ đối tác an ninh mới, như được chứng tỏ qua cuộc tập trận hải quân tay ba cùng với Ấn Độ và Nhựt Bản.  Và hôm nay, tôi thấy thiệt vinh dự để tuyên cáo rằng Hoa Kỳ sẽ làm đối tác với Papua New Guinea và Úc trong sáng kiến chung của họ tại Căn Cứ Hải Quân Lombrum trên đảo Manus.  Chúng tôi cũng sẽ làm việc cùng với các quốc gia này để bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải của các đảo quốc Thái Bình Dương.


Các bạn có thể tự tin: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì tự do trên biển và trên bầu trời, vốn rất thiết yếu cho sự thịnh vượng của chúng ta.  Chúng ta sẽ tiếp tục bay và giong buồm tới bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích của quốc gia chúng ta đòi hỏi.  Gây khó dễ sẽ chỉ làm mạnh thêm lập trường của chúng ta.  Chúng ta sẽ không thay đổi phương hướng.  Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các cố gắng trong nội bộ ASEAN để chấp thuận một bộ các nguyên tắc ứng xử có ý nghĩa và có ràng buộc vốn sẽ tôn trọng quyền của mọi quốc gia, bao gồm tự do hàng hải trên biển Nam Trung Hoa.


Cuối cùng, như Tổng thống Trump nói rõ hồi năm ngoái, chúng tôi cũng sẽ “duy trì các nguyên tắc làm lợi cho mọi người” suốt nhiều thế hệ đã qua.  Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thăng tiến xã hội dân sự, nguyên tắc pháp trị, chính quyền có trách nhiệm và minh bạch trong toàn khu vực.  Những nguyên tắc này là nền tảng của tiến bộ và phòng tuyến cho nền độc lập.


Hôm nay tôi cũng thấy thiệt vinh dự để tuyên cáo Sáng Kiến Minh Bạch Khu Vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mới của mình.  Cùng với 400 triệu USD từ tài trợ của Mỹ, chương trình này sẽ giúp mang lại sức mạnh cho các công dân của khu vực này, chống tham nhũng, và tăng cường chủ quyền.  Và chúng tôi thấy thiệt vinh dự khi đề ra chương trình này.


Mọi người dân trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đáng được sống trong phồn vinh ở quê nhà của mình.  Và các chính quyền có trách nhiệm với người dân của mình sẽ trở thành các đối tác tốt hơn cho mọi chúng ta, kể cả Hoa Kỳ.


Như ông Tổng thống đã nói tại APEC hồi tháng Mười Một năm ngoái, Hoa Kỳ sẽ luôn không tiếc sức để bảo vệ các quyền của cá nhân.  Từ khi thành lập nước Mỹ, quốc gia của chúng tôi luôn yêu quý nguyên tắc mọi người được sinh ra bình đẳng và được ban cho các quyền không thể bị tước đoạt bởi Tạo Hóa. 

 Người Mỹ tin tưởng ở tự do ngôn luận, quyền tư hữu, và tự do tín ngưỡng.  Và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ những ai muốn có các quyền tự do này trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.


Chúng tôi làm vậy vì đó là điều đúng đắn.  Chúng tôi cũng làm vậy vì nó nằm trong lợi ích của chúng tôi.  Sự thật là các chính quyền từ chối các quyền của dân chúng mình thường vi phạm các quyền của lân bang.  Chủ nghĩa độc tài và hiếu chiến không có chổ đứng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Trong những ngày sắp tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đặt nước Mỹ lên trên hết, như mọi quốc gia hiện diện ở đây cũng có trách nhiệm đặt lợi ích của dân chúng họ lên trên hết.  Nhưng tôi hy vọng, bằng các lưu ý riêng hôm nay và sự chỉ đạo của ông Tổng thống từ hồi năm ngoái, rõ ràng rằng nước Mỹ trên hết không có nghĩa chỉ là một mình nước Mỹ.  Chúng tôi biết rõ rằng thịnh vượng, an ninh, và tương lai của mình đan xen với thịnh vượng, an ninh, và tương lai của các bạn.


Ông Tổng thống phái tôi tới đây để biểu thị cam kết liên tục của mình không chỉ với tất cả các bạn và khu vực, mà còn là cam kết liên tục của chúng tôi với APEC và sứ mệnh thăng tiến các thị trường rộng mở, thương mại tự do, công bằng, và có qua có lại của nó.  Các thảo luận tuần này về thương mại và dịch vụ điện toán rất quan trọng cho sự vươn lên tiếp của khu vực, và chúng tôi rất tự hào hỗ trợ chúng.  Như tôi đã nói với các vị lãnh đạo quốc gia của ASEAN hồi đầu tuần, ASEAN nằm ở trung tâm của viễn kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương của chúng tôi.  Chúng tôi tự hào về quan hệ đối tác với ASEAN - từ quá khứ, ở hiện tại, và trong tương lai.


Hoa Kỳ ngày càng tiến lại gần hơn với các đồng minh.  Chúng tôi đang làm cùng với Nhựt để đầu tư 10 tỷ USD cho hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng cho khu vực, và chúng tôi đang là đối tác cùng Nhựt và Úc để hổ trợ các đề án phát triển tư nhân rộng khắp suốt vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Vốn là nền dân chủ lâu đời nhứt, Hoa Kỳ cảm thấy có mối quan hệ ruột rà với Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhứt thế giới.  Quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ là thành tố chính trong viễn kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương của chúng tôi.  Như đã nói, chúng tôi đang gia tăng hợp tác an ninh với các đối tác phòng vệ chính yếu.  Chúng tôi đang tăng cường quan hệ thương mại với Ấn Độ, và thăng tiến các giá trị chung trong khắp khu vực.


Chúng tôi đã chứng tỏ các cam kết của mình với các đảo quốc Thái Bình Dương chưa từng thấy trước đây bằng các khoản đầu tư trong kết cấu hạ tầng, hợp tác trong đánh cá, và ký các hiệp ước hàng hải mới.  Ngay cả các quốc gia nhỏ nhứt cũng là các cổ đông bình đẳng trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và tự do.  Chúng tôi tự hào đứng chung và làm đối tác với tất cả các quốc gia này.


Giờ đây khi tôi đứng trước nhóm các vị lãnh đạo nổi bật trong doanh nghiệp và đời sống công cộng, chúng tôi nhận thức được sự lo ngại về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều vị.  Có một lo ngại rằng cuộc cạnh tranh sẽ gây thương tổn kinh tế cho khu vực và rằng diễn tiến ở biển Nam Trung Hoa sẽ gia tăng căng thẳng quân sự.


Tôi xin nói rõ: Hoa Kỳ đang tìm kiếm một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc, dựa trên sự công bằng, có qua có lại, và tôn trọng chủ quyền.


Các khó khăn mà Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đang đối mặt với Bắc Kinh đã được lập hồ sơ rõ ràng bởi chính phủ của chúng tôi.  Trung Quốc biết rõ quan điểm của chúng tôi.  Nhưng như Tổng thống Trump nói, chúng tôi muốn “tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia và cải thiện đời sống công dân của hai nước.”


Khi ông Tổng thống chuẩn bị gặp gỡ Chủ tịch Xi ở hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina, chúng tôi tin rằng có thể tạo được tiến bộ – có thể có được tiến bộ giữa hai quốc gia, ngay cả khi Hoa Kỳ lưu giữ vị thế mạnh mẽ.


Cho tôi nói rõ lần nữa: Trung quốc có một vị trí vinh dự trong viễn kiến  Ấn Độ – Thái Bình Dương mở rộng và tự do của chúng tôi, nếu họ chọn tôn trọng chủ quyền của các lân bang, đón nhận thương mại có qua có lại, công bằng và tự do, tôn trọng nhân quyền và tự do.  Nhân dân Mỹ không muốn điều gì khác hơn.  Nhân dân Trung Hoa và toàn vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương xứng đáng được hưởng như vậy.


Ngày hôm nay, cũng như trong các thời đại đã qua, Hoa Kỳ vẫn đang chìa tay ra cho vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương cho quan hệ đối tác.  Cam kết của chúng tôi luôn vững chắc và lâu bền.  Ý định của chúng đôi đã được chứng tỏ qua hai thế kỷ của thiện chí.  Và quá khứ chỉ là khúc dạo đầu cho một tương lai mà chúng ta sẽ cùng nhau viết nên, trong hợp tác và trong ganh đua, như những đối tác trung thực và như những bạn bè đáng tin cậy.


Như một quốc gia vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ tự hào dự phần trong câu chuyện vĩ đại này, và chúng ta sẽ cùng nhau viết nên những chương mới, bằng giải pháp và niềm tin – niềm tin ở các cư dân coi khu vực rộng lớn này là quê nhà, và ở khả năng vô hạn của mỗi cá nhân trong việc đạt được các giấc mơ, niềm tin trong các nguyên tắc được trân quý nhứt của chúng ta, và trong viễn kiến chúng ta có chung cho khu vực này.  Khi chúng ta ra sức tạo nên một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và tự do, chúng ta không làm việc đơn độc.


Không xa chỗ này lắm, trong tòa Quốc Hội của Papua New Guinea, tôi nghe nói có một báu vật quốc gia được lưu giữ – bản Kinh Thánh King James, hơn bốn trăm năm tuổi.  Trước khi nó đến đây, nó đã đi qua tiểu bang Indiana quê hương tôi.  Nó gợi lại trong đầu các tín ngưỡng và truyền thống văn hóa đa đạng và phong phú đã định tính khu vực rộng lớn này của thế giới.  Và trên nền tảng đó, tôi tin rằng viễn kiến của chúng ta về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và tự do sẽ thắng thế.  Vì, như được nói ra trong quyển cổ thư đó, “Nơi đâu có Thánh linh, nơi đó có tự do.”


Cảm ơn các vị vì sự vinh dự được hầu chuyện cùng các vị hôm nay, và vì sự tham dự cuộc gặp gỡ quan trọng này.  Chúng ta sẽ rèn dũa nên một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn cả đòi hỏi và tưởng tượng.  Chúng ta sẽ tạo ra một tương lai nơi các quốc gia lớn nhỏ  thịnh vượng và phồn vinh trên khắp vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.  Và tôi thực tâm tin tưởng chúng ta sẽ tạo nên tương lai đó cùng nhau.


Xin thay mặt cho Tổng thống Trump và nhân dân Mỹ, cảm ơn các vị đã hiện diện ở đây ngày hôm nay.  Xin Trời ban phúc lành cho mọi quốc gia và dân chúng trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, và xin Trời ban phúc lành cho nước Mỹ.

Đinh Viết Khiêm chuyển ngữ (27/11/2018)