Bước tiến Hun Sen (Phạm Phú Khải)

Có ba bài học nên được rút ra từ "hiện tượng Hun Sen". Thứ nhất bản chất của những kẻ độc tài là không thay đổi. Thứ hai đối lập dân chủ Campuchia đã không có sự chuẩn bị và nhảy vọt về mặt tư tưởng nên đã không tranh thủ được tình cảm và hậu thuẫn của quần chúng sau một thời gian được hoạt động công khai. Thứ ba là sự chống lưng của hai quan thầy cộng sản là TQ và VN, ý thức hệ độc tài cộng sản đã tạo nên một liên minh để chống lại trào lưu dân chủ của thế giới. 
 
Ngày 28 tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Lần nói chuyện trước của Hun Sen tại đây là vào năm 2005, 15 tháng 9, cách đây 13 năm. Lần này, cũng như lần trước, Hun Sen dùng cơ hội này để ngợi ca những thành quả mà Campuchia đã đạt được (dưới sự lãnh đạo của mình), đưa đất nước này từ một quá khứ tăm tối, từ những cánh đồng tàn sát (killing fields), sang một Campuchia có tỷ lệ phát triển kinh tế 7 phần trăm hơn một thập niên qua, một Campuchia đã thật sự giành được nền hòa bình, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền tại đây được tôn trọng. Bàn về dân chủ, Hun Sen tuyên bố Campuchia là nền dân chủ cấp tiến đa đảng, với các cuộc bầu cử được tổ chức thường xuyên, công bằng và tự do, để người dân có thể bầu chọn lãnh đạo quốc gia của họ.
Hun Sen đã làm Thủ tướng Campuchia kể từ năm 1985, được xem là một trong những thủ tướng và lãnh đạo quốc gia lâu đời nhất trên thế giới. Tháng 7 năm nay, Hun Sen và đảng của ông, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã thắng tất cả 125 ghế quốc hội khi bên đối lập, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), đã bị giải tán và nhiều thủ lãnh của đảng này đã lần lược bị bắt bớ và tù đầy. Do đó Hun Sen sẽ tiếp tục nắm toàn bộ quyền lực trong tay, ít nhất là 5 năm tới, nếu không phải là 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Vậy thì Hun Sen muốn gì khi phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc và ông muốn gửi thông điệp gì tại đây ?
Trước tiên là để phản hồi lại các phản ảnh tiêu cực của các chính phủ Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, và Canada, trong thời gian qua về chính quyền ông đang lãnh đạo. Thứ nhất, cuộc bầu cử cuối tháng 7 vừa qua bị nghi ngờ là bất chính, rằng chính quyền Hun Sen đã thổi phồng số cử tri đi bầu và đã dọa nạt cử tri. Thứ hai, bản báo cáo đặc biệt của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet tại cuộc họp Hội đồng Nhân quyền thứ 39 đã đặt nhiều vấn đề đối với chính quyền Hun Sen. Vào ngày 10 tháng 9, trong bản tường trình này, bà Bachelet đã nêu lên các quan ngại về sự xuống cấp nghiêm trọng của các quyền dân sự và chính trị tại Campuchia, từ sự đàn áp đối với các tiếng nói và các cơ quan truyền thông đối lập cho đến việc giải thể đảng đối lập CNRP, mà bà cho là đã tước đoạt quyền lựa chọn của người dân. Bà cảnh báo rằng sự phát triển bền vững đòi hỏi chính quyền bảo vệ và phát triển không gian của xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, đối lập truyền thông và chính trị, trong một môi trường đối thoại nhau, cho phép mọi người Campuchia có tiếng nói, kể cả những người có thể phê phán các quyết định của chính quyền. Thứ ba, vào đầu tuần mà Hun Sen phát biểu, Báo Cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia Rhona Smith cho rằng cuộc bầu cử vừa qua đã "chôn vùi nền dân chủ cấp tiến đa đảng vào lịch sử trong vòng năm năm tới".
Tóm lại, mang tiếng dân chủ cấp tiến đa đảng nhưng Hun Sen lại đi triệt tiêu đảng đối lập để chỉ có đảng của mình cai trị thì tính chính đáng của nền dân chủ sẽ bị lung lây. Khi uy tín và thể diện quốc gia đang bị thách thức trước dư luận quốc tế, Hun Sen nhận thấy khai mạc của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc là  hi toàn ho để biện minh cho các hành động của mình.
Trong phần phát biểu, Hun Sen cảnh báo sự can thiệp của bên ngoài vào nội tình chính trị của Campuchia. Ngoài ra Hun Sen đã lợi dụng cơ hội này để lên lớp dạy đời Hoa Kỳ và lấy lòng Trung Quốc. Tuy không nêu thẳng tên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Hun Sen đề cao nhu cầu duy trì và củng cố chính sách đa phương, và phê phán chính sách bảo hộ mậu dịch, đơn phương và chiến tranh thương mại có hại cho toàn cầu. Hun Sen cũng muốn làm vừa lòng Trung Quốc khi lên án Hoa Kỳ vì quan hệ với Trung Quốc hiện đang là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của Hun Sen và đảng CPP.
Những lời phát biểu của Hun Sen tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc có lẽ chẳng ảnh hưởng gì lên chính trường quốc tế. Nhưng dù sao sự xuất hiện này cũng là tính toán chiến lược của Hun Sen.
Theo tường trình của Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), chính quyền Hun Sen (ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp đều nằm gọn trong tay của đảng CPP), trong ba năm qua đã gia tăng đàn áp giới hoạt động bảo vệ nhân quyền, giới truyền thông độc lập, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các lãnh đạo của đảng đối lập CNRP. Đảng đối lập CNRP đã gia tăng ảnh hưởng đáng kể vào cuộc bầu cử toàn quốc năm 2013 cũng như bầu cử thôn xã/địa phương năm 2017, làm cho Hun Sen lo sợ đến kết quả bầu cử toàn quốc được ấn định ngày 29 tháng 7 năm 2018. Do đó Hun Sen và Đảng CPP đã tìm cách tu chính luật về Đảng Chính trị vào tháng Hai và tháng 7 năm 2017, cho phép Bộ Nội vụ và tòa án quyền lực mới đối với các đảng chính trị và ngăn chặn các cá nhân đã có tiền án tiền sự tham gia giữ các vai trò lãnh đạo chính trị. Ngày 16 tháng 11 năm 2017, Tòa án Tối cao do một thẩm phán, cũng là ủy viên trung ưng đảng của CPP, đã quyết định giải tán đảng CNRP và cấm 118 đảng viên và dân biểu quốc hội thuộc đảng CNRP hoạt động trong vòng 5 năm tới.
Trong 33 năm cầm quyền dưới những chức vụ hàng đầu của quốc gia, Hun Sen lên nắm được quyền lực này và tiếp tục duy trì cho đến ngày hôm nay phần nào nhờ công ơn của hai quan thầy mình. Một là Đảng Cộng Sản Việt Nam và hai là Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tính ra thì Hun Sen có bản lãnh hơn cả hai quan thầy. Trong khi ĐCSVN và ĐCSTQ đều không dám, trong suy nghĩ khoan nói hành động, cho phép bất cứ hình thức đối lập nào, thì Hun Sen dám chấp nhận một thể chế tương đối có dân chủ trong một thời gian, trong đó có các đảng đối lập thực sự, có nền tự do báo chí phần nào, và các các tổ chức xã hội dân sự năng động. Nhưng kẻ độc tài chuyên quyền nào cũng lo sợ. Sợ mất quyền lực, mất quyền lợi, mất ảnh hưởng, và nhất là khi quyền lực vào tay người khác, những hành động bất chính của mình trước đây, sợ sẽ bị phơi bày. Do đó sợ mất hết, không còn gì, có khi còn phải đi tù nữa. Những nỗi lo sợ này là cái vòng luẩn quẩn của cường quyền. Do đó Hun Sen đã tiếp tục sử dụng nhiều thủ đoạn và chiến thuật khác nhau để kìm chế đối lập và duy trì quyền lực.
Tính ra Hun Sen không phải là một tay vừa : có bản lãnh, biết đu dây giỏi, dám chơi khăm quan thầy, nhưng cũng biết sợ. Nhưng trong lịch sử xưa nay thì đâu có ai có thể sống mãi để bảo vệ cơ ngơi của mình.
Úc Châu, 10/10/2018
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 11/10/2018