Luật Biểu tình tiếp tục bị ‘treo’ (RFA)

“Tôi nghĩ rằng sắp tới, qua vụ này, Quốc hội sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo Luật Biểu tình khẩn trương xúc tiến để nhanh chóng đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua. Làm thế nào để có căn cứ pháp lý cho người dân được thể hiện chính kiến, nguyện vọng của mình đúng quy định pháp luật.”




Sau đợt biểu tình rầm rộ chống dự thảo Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng  vừa qua; nhiều người lại nhắc đến Luật Biểu Tình và cho thấy đó là một nhu cầu bức thiết không thể trì hoãn được thêm nữa.

Cần thiết có Luật Biểu tình

Cứ sau mỗi dịp bùng nổ những cuộc biểu tình lớn có đông người tham gia thì cơ quan chức năng Việt Nam lại lên tiếng qui kết đó là hoạt động tập trung gây mất trật tự công cộng, bị thế lực xấu lợi dụng, kích động…

Thậm chí sau đợt biểu tình phản đối hai dự luật các khu hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà nhiều người gọi tắt là dự Luật Đặc Khu, cùng dự luật An Ninh Mạng; một số quan chức hàng đầu trong chính phủ Việt Nam cho rằng lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng và dân chúng phải biết yêu nước đúng cách.
Dù truyền thông chính thống của Nhà nước không loan tin; thế nhưng những người tham gia biểu tình trong ngày 10 tháng 6 vừa qua cho biết chính bản thân hay người khác bị buộc về trụ sở công an làm việc, bị hành hung, đánh đập… Nhiều người khác bị ngăn chặn không được ra khỏi nhà trước khi biểu tình nổ ra.

Khi xảy ra biểu tình, cơ quan chức năng phát loa yêu cầu người dân giải tán, không tập trung đông người gây mất trật tự và sẽ bị xử lý…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Lê Văn Luân cho rằng việc xử lý việc “tụ tập đông người” sẽ khác đi nếu Việt Nam có Luật Biểu tình:

“Khi đã có Luật Biểu tình rồi nó sẽ loại trừ đi cái gọi là hành vi khách thể đối tượng khác nhau. Trường hợp gây rối là mục đích khác, còn biểu tình là hành vi pháp lý được hiến định bởi quyền hiến định, tức quyền bày tỏ chính kiến cũng bằng đông người, tuy nhiên nó gọi là hành thị hay khách thể hoàn toàn khác nhau.”

Trên facebook, bạn trẻ Lâm Vy chia sẻ bài viết của một người Việt sống tại Anh giải thích về Luật biểu tình của nước này. Cụ thể cần phải đóng lệ phí, làm giấy xin phép sẽ biểu tình vào ngày mấy, trong khoảng thời gian nào, vì sao biểu tình, cầm theo những băng rôn gì, hô hào khẩu hiệu với âm lượng bao nhiêu… Sau khi được cấp phép thì được quyền biểu tình đúng như trong giấy tờ đăng ký, hết thời gian biểu tình bắt buộc phải giải tán. Ngoài ra nếu có bạo động, an ninh có quyền đánh dẹp.
Quy định như thế được xem là bình thường tại những quốc gia dân chủ.

Dời luật biểu tình đến khi nào?

Ở Việt Nam, dự luật Biểu tình từng được nói đến từ năm 2011 sau khi xảy ra những cuộc biểu tình liên tiếp vào những chủ nhật mùa hè năm đó tại Hà Nội nhằm phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.

Chính ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên thủ tướng Việt Nam, đưa ra đề nghị xây dựng luật biểu tình. Và có yêu cầu Bộ Công An soạn thảo dự luật này.

Tại buổi thảo luận quốc hội vào ngày 17 tháng 11 năm 2011, các đại biểu quốc hội đã tranh luận gay gắt xung quanh việc nên hay không nên đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật.

Đến ngày 26 tháng 11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết đưa dự luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13. Tuy nhiên từ đó đến nay, dự luật này vẫn chưa được hình thành.

Giải thích về nguyên nhân vì sao chậm trễ như vậy, ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa 11, 12 của đoàn Thanh Hóa cho rằng:

“Những năm qua Quốc hội Việt Nam có đặt vấn đề về Luật Biểu tình, nhưng do quá trình của các cơ quan chưa đảm bảo chất lượng, chưa được trình ra Quốc hội. Vấn đề này do cơ quan soạn thảo chưa tích cực xúc tiến việc này, do Quốc hội chưa cương quyết nên Luật biểu tình chậm ra đời.”

Là người duy nhất ủng hộ dự án Luật Biểu tình trong phiên thảo luận quốc hội ngày 17 tháng 11 bảy năm trước, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc gần đây nói với truyền thông trong nước rằng sau sự việc người dân cả nước đồng lòng xuống đường phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng, ông nghĩ đây là lúc cần có Luật biểu tình. Từ đó, người dân có thể bày tỏ ý kiến theo quy định, đồng thời có thể điều chỉnh được những người quá khích.

Đây cũng là mong muốn của Luật sư Lê Văn Luân:

“Đấy là nhu cầu thực tế cần thiết phải đặt ra cho Quốc hội và các cơ quan soạn thảo luật trình qua và bàn thảo, thông qua ngay vào kỳ họp tới là điều tốt nhất cho quản lý xã hội. Nhất là về hành vi biểu tình đã nợ nhân dân đến nay là 70 năm rồi.”

Ông Lê Văn Cuông cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng những cuộc biểu tình vừa qua gây ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế cũng như dư luận xã hội:

“Tôi nghĩ rằng sắp tới, qua vụ này, Quốc hội sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo Luật Biểu tình khẩn trương xúc tiến để nhanh chóng đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua. Làm thế nào để có căn cứ pháp lý cho người dân được thể hiện chính kiến, nguyện vọng của mình đúng quy định pháp luật.”

Sự lúng túng của chính quyền

Nhiều ý kiến cho rằng chính việc chậm thông qua Luật Biểu tình đã góp phần tạo ra sự lúng túng trong cách ứng xử của chính quyền, và cả trong các đánh giá trái chiều trong dư luận về mỗi cuộc biểu tình.

Điều này được minh chứng rõ ràng trong những ngày vừa qua, ngay sau khi những hình ảnh, video về cuộc biểu tình tại các tỉnh thành được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, hai luồng ý kiến tranh cãi gay gắt đã xuất hiện.

Tuy nhiên, báo chí chính thống của Việt Nam đã im lặng, kể cả Đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV cũng không hề đưa tin trong phần thời sự. Mãi đến một ngày sau, các báo mới đồng loạt đưa tin về những cuộc biểu tình. Tuy nhiên lại cho rằng bị thế lực phản động dụ dỗ để kích động biểu tình. Việc này được các nhà quan sát nhận xét là chính phủ Hà Nội đã lúng túng do không lường trước được sức mạnh đoàn kết của nhân dân nên đã không có chỉ đạo thông tin kịp thời.

Trong những năm gần đây, nhờ vào sự phát triển mạng xã hội, người dân biết được nhiều hơn về tình hình chính trị - xã hội. Từ đó bày tỏ ý kiến và đòi hòi hỏi quyền lợi nhiều hơn. Điển hình như các cuộc biểu tình phản đối các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm, phản đối Formosa hay gần đây nhất là phản đối dự luật đặc khu và dự luật An ninh mạng.