Vụ Thủ Thiêm: mượn ‘lò’ để tống tiền lẫn nhau? (Phạm Chí Dũng)
Nếu chịu ‘ói ra’, sẽ chẳng có
quan chức ‘ăn đất’ nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị ‘cách hết mọi
chức vụ trong quá khứ’ như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và
cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ
chui vào túi của những kẻ tống tiền.
Tháng Năm năm 2018. Trong tuần đầu tiên của vụ ‘khủng hoảng Thủ
Thiêm’, đã có dấu hiệu khá rõ về ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’, không
chỉ liên quan vụ biến mất Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ
Thiêm, mà còn ‘hồi tố’ toàn bộ quá trình xây dựng quy hoạch, trình duyệt
phê chuẩn và triển khai bồi thường, giải tỏa và cưỡng chế tại khu vực
này.
Tuần đầu tiên bùng nổ
Trong tuần đầu tiên đó, vụ Thủ Thiêm đã được xới tung lên và trở nên
ồn ào một cách đầy chủ ý. Báo chí nhà nước ồ ạt vào cuộc và tung tin bài
như thể vô số bất công của vụ Thủ Thiêm mới được phát hiện lần đầu
tiên.
Nhiều quan chức của TP.HCM và bộ ngành liên quan vội vã lên tiếng thanh minh để tránh trách niệm của quá khứ và hiện tại…
Cũng khá nhanh chóng, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan
chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm
trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua - Phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, Lê
Thanh Hải - Chủ tịch TP.HCM và sau đó là Bí thư thành ủy TP.HCM.
Nguyễn Văn Đua bị ‘tố’ là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm
mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng
chính phủ.
Nguyễn Văn Đua, mà trong giới quan chức thường gọi là ‘Anh Ba Đua’,
là người ‘trưởng thành’ từ đoàn thanh niên cộng sản, từng được kỳ vọng
là một chính khách trong sáng và tâm huyết. Nhưng sau khi từ Phó chủ
tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM vào thời
Lê Thanh Hải làm bí thư, ‘Anh Ba Đua’ đã nắm khối an ninh nội chính và
mau chóng trở thành một ‘sát thủ’ đối với giới hoạt động dân chủ nhân
quyền ở Sài Gòn.
Nhiều trận đàn áp, bắt bớ người hoạt động nhân quyền đều in đậm dấu
ấn của ‘Anh Ba Đua’. Vào ngày Nhân quyền quốc tế 10/12 năm 2013, trong
khi các nhà hoạt động nhân quyền đang tụ tập ở công viên Quách Thị Trang
tại trung tâm quận Nhất để tổ chức kỷ niệm trong vòng vây của hàng trăm
nhân viên công an, thì hàng chục bịch mắm tôm từ tứ phía ào ạt ném vào
đám đông kỷ niệm. Rất nhiều người đã bị dính mắm tôm, bốc mùi kinh
khủng. Ngay sau đó, một số nhà hoạt động nhân quyền nhìn thấy từ một góc
công viên, Nguyễn Văn Đua hiện ra giữa một đám công an. ‘Anh Ba Đua’
hỏi gấp ‘Bọn nó đâu?’, và đám công an chỉ thẳng vào những nhà hoạt động
nhân quyền đang bị phủ từ đầu xuống chân bởi mắm tôm…
Một số tờ báo nhà nước cũng đã bắt đầu chỉ đích danh Lê Thanh Hải -
vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã ‘dọn đường’ cho việc thay đổi quy
hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 ha đất mà trước đó dùng làm khu
vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm
khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Chỉ sau 5 ngày từ thời điểm một phóng viên ‘vô tình’ đặt câu hỏi đối
với Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM về việc tại sao không thấy tồn tại
Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, ‘Đoàn đại biểu quốc hội
TP.HCM’ - một cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của các cử tri
tại thành phố này - đã xuất hiện.
Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên ‘Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM’
đến làm việc một cách chính thức với dân oan Thủ Thiêm, cho dù khoảng
thời gian khiếu nại và tố cáo của người dân nơi đây đã kéo dài suốt từ
mười mấy năm qua mà chẳng có cơ quan chính quyền hay ‘đoàn đại biểu quốc
hội’ nào thèm đoái hoài.
Từ ‘đoàn đại biểu quốc hội’ đến đại án quốc gia?
Đợt ‘đấu tố’ của báo chí nhà nước và cú nước rút thần tốc của ‘Đoàn
đại biểu quốc hội TP.HCM’ là hai dấu hiệu mà từ đó có thể cho rằng vụ
Thủ Thiêm đang bị ‘hồi tố’ và thậm chí còn có thể trở thành một đại án
quốc gia trong năm 2018.
Cái cách báo chí nhà nước đăng bài ồ ạt như trên lại khá giống với vụ
‘xe Lexus’ của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh - cũng được báo
chí làm đậm vào tháng Sáu năm 2016. Tháng Sáu ấy lại được đặc thù bởi
‘việc cần làm ngay’ của Nguyễn Phú Trọng.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang đi một nước cờ chưa từng có kể từ
lúc khởi động chiến dịch ‘đốt lò”: xới tung hồ sơ một vụ việc gây ảnh
hưởng diện rộng đối với dân chúng và do đó vừa diệt cả quan chức tham
nhũng cấp ‘tập đoàn quân’, vừa thu hồi tài sản tham nhũng, vừa được
tiếng lo cho dân?
Khởi đi từ vụ ‘mất bản đồ Thủ Thiêm’, hiện tượng ‘Đoàn đại biểu quốc
hội TP.HCM’ đang cho thấy có thể sẽ dẫn đến một đại án quốc gia về tham
nhũng, trực chỉ ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ và phe cánh chính trị mà quan
chức ‘đại gia tư bản đỏ’ này đã dày công gây dựng từ vài chục năm qua ở
Sài Gòn.
Chỉ từ đầu tháng Ba đến nay, đã có 3 người thân của Lê Thanh Hải bị
‘lên thớt’: Lê Tấn Hùng - em ruột ông Hải - với vụ chi khống 13,3 tỷ
đồng, Lê Trương Hải Hiếu - con trai ông Hải - với vụ ‘có con ngoài giá
thú không báo cáo với tổ chức đảng’, và gần đây nhất là Tất Thành Cang.
Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực TP.HCM - sẽ chắc chắn mất
chức vì chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của Thành ủy TP.HCM bán trái phép
32 ha đất Nhà Bè cho tư nhân. Khi con bài này bị ‘cháy’, Lê Thanh Hải sẽ
mất đi một lá chắn mạnh nhất trong Thành ủy TP.HCM, và do vậy ông Hải
sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn hẳn khi bị kiểm tra, thanh tra và
điều tra trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, sau khi tiếp xúc dân oan Thủ Thiêm và kiểm tra lại hồ
sơ khiếu nại tố cáo, ‘Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM’ sẽ báo cáo vụ việc
này cho Quốc hội - dự kiến sẽ bắt đầu kỳ họp quốc hội từ ngày 20/5 tới.
Khác với vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Thủ Thiêm không chỉ được khởi phát
bằng dấu ấn của ‘báo nói’, mà còn là hoạt động tiền trạm của cơ quan dân
cử.
Người ta cũng còn nhớ là vào ngày 8/12/2017 khi Đinh La Thăng bị bắt,
ngay trước đó đã diễn ra động tác Ủy ban Thường vụ quốc hội tiến hành
bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội của ông Thăng.
Cứ theo cách đó, vụ việc Thủ Thiêm có thể được đẩy lên tầm mức quốc
gia, nhưng không phải được khởi động ngay bằng hoạt động thanh tra, kiểm
tra hay điều tra, mà bằng ‘tiếng nói dân cử’.
Một khả năng có thể là sau khi nghe báo cáo của ‘Đoàn đại biểu quốc
hội TP.HCM’, Quốc hội - mà cụ thể là Ủy ban Thường vụ quốc hội - sẽ đặt
vấn đề cần có một văn bản hoặc quan trọng hơn hẳn là một nghị quyết để
yêu cầu chính phủ phải ‘vào cuộc’ nhằm thanh tra toàn diện vụ quy hoạch
và đền bù giải tỏa ở Thủ Thiêm để ‘chống tham nhũng’ và ‘lấy lại niềm
tin của nhân dân’.
Và sau thanh tra có thể sẽ là điều tra, tức vụ việc Thủ Thiêm sẽ được chuyển sang chân Bộ Công an…
Tuần tiếp theo im bặt
Trong những ngày này, chắc chắn không ít dư luận người dân và công
chức đang ủng hộ Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch truy quét tham nhũng ở
Thủ Thiêm. Tuy nhiên, cái tuần tiếp theo im bặt của báo chí đã khiến
người dân lại lờ mờ nhìn thấy bóng dáng một nhóm quyền lực và lợi ích
khổng lồ nào đó đứng đằng sau, hoặc sát bên cạnh chiến dịch này, thậm
chí sát cạnh ông Trọng.
Sau tuần đầu tiên với hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn
xanh và do đó được ‘mở miệng’ gần như không hạn chế và một vài
facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài ‘đánh’ phe nhóm Lê Thanh Hải, sang
tuần tiếp theo đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: cũng báo chí nhà nước và
cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt
như thể bị ai đó khóa miệng.
Vào cuối tuần đầu tiên của vụ Thủ Thiêm, có tin Trưởng ban Tuyên giáo
trung ương Võ Văn Thưởng đã vào Sài Gòn làm việc và yêu cầu báo chí
ngừng đăng bài về vụ này.
Một lần nữa kể từ sau vụ Formosa, ‘nền báo chí cách mạng’ cùng hơn 800 tờ báo như thể bị một cái bạt tai ‘rọ mõm’.
Trong vụ Formosa, báo chí nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương ‘khóa miệng’ sau khoảng một chục ngày ‘xả xu pap’.
Cũng đang có dấu hiệu chính quyền TP.HCM xin trung ương ‘xử lý nội
bộ’. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tổ chức một cuộc họp về vụ Thủ
Thiêm với kết luận rất nước đôi và rất yếu ớt, như thể ông Phúc đang cố
che chắn cho một nhóm lợi ích nào đó đã ‘ăn đất’ ở cái vùng đất đã chứng
kiến không ít oan hồn dân oan phẫn uất này.
Nhóm đó là nhóm nào, gồm những ai? Nhóm quyền lực - lợi ích này có
lợi dụng chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng để ‘tống tiền’ nhóm
quyền lực - lợi ích cũ của Lê Thanh Hải?
Bởi một kịch bản mà nếu trở thành hiện thực thì người dân sẽ phải dìm
chút hy vọng còn lại vào Nguyễn Phú Trọng xuống tận đáy: sau khi đã có
kết quả kiểm tra hoặc thanh tra, một thế lực chính trị - lợi ích sẽ lấy
kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào
‘lò’. Lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải ‘ói ra’,
tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi
ích mới với giá cực thấp hoặc ‘cho không’. Nếu chịu ‘ói ra’, sẽ chẳng có
quan chức ‘ăn đất’ nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị ‘cách hết mọi
chức vụ trong quá khứ’ như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và
cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ
chui vào túi của những kẻ tống tiền.
Phải chăng vào khoảng thời gian báo chí bị ‘khóa miệng’, một nhóm
quyền lực - lợi ích mới đang bí mật đàm phán với nhóm quyền lực - lợi
ích cũ để ‘chuyển giao với giá rẻ’ một phần lớn hoặc toàn bộ đất vàng ở
Thủ Thiêm?
Liệu Nguyễn Phú Trọng có biết âm mưu đó?
VOA