Tổng thống Mỹ ký chỉ thị áp thuế thép và nhôm nhập khẩu (Chánh Tài)
Bất
chấp các phản đối từ trong nước và nước ngoài, rạng sáng 9-3 (theo giờ
Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký chỉ thị tổng thống về việc
áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, tuy nhiên, một
số nước được miễn trừ.
Canada, Mexico được miễn trừ
Hãng tin Reuters cho biết theo chỉ thị, Canada, nước xuất khẩu thép và
nhôm đến Mỹ nhiều nhất và Mexico, nước xuất khẩu nhôm lớn thứ tư sang Mỹ
sẽ được miễn áp các mức thuế mới, khi có kết quả tái đàm phái Hiệp định
tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).
Chỉ thị cũng có những điều khoản cho phép các đồng minh của Mỹ đề xuất
các biện pháp giúp giải tỏa mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ để
được miễn bị áp các mức thuế mới, chứ không phải như quan điểm ban đầu
của Tổng thống Trump là sẽ “không có bất cứ ngoại lệ nào”. Chỉ thị này
sẽ có hiệu lực trong 15 ngày tới.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump mô tả việc bán phá giá nhôm
và thép của các nhà sản xuất nước ngoài ở thị trường Mỹ là một “đòn công
kích vào đất nước chúng ta” và các biện pháp áp thuế sẽ bảo vệ an ninh
quốc gia Mỹ và bảo vệ các công nhân ngành thép Mỹ. Ông nói giải pháp tốt
nhất là các nhà sản xuất nước ngoài phải chuyển các nhà máy và các lò
luyện kim đến Mỹ.
“Nếu các bạn không muốn áp thuế, hãy đưa nhà máy của bạn đến Mỹ”, ông
nói. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng “Mỹ sẽ linh động trong việc áp
thuế và hợp tác với những người là những người bạn thực sự của chúng
ta”.
Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra thông điện “an ủi” với Úc khi nói
rằng, Mỹ có mối quan hệ rất gần gũi với Úc và thặng dư thương mại với
quốc gia châu Đại Dương này. Đó là một đối tác dài hạn và một nước tuyệt
vời. Vì thế, Mỹ sẽ làm điều gì đó với đối tác này.
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối
Quyết định áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu làm dấy lên làn sóng
phản đối với các lãnh đạo doanh nghiệp ngành sản xuất của Mỹ cũng như
các thành viên quan trọng của đảng Cộng hòa vì họ sợ động thái này sẽ
châm ngòi cho những biện pháp trả đũa từ các nước khác và gây tổn thương
cho nền kinh tế Mỹ.
Chỉ ít phút sau thông báo của Tổng thống Trump về chỉ thị áp thuế,
thượng nghị sĩ Jeff Flake nói rằng, ông sẽ giới thiệu dự luật hủy bỏ các
mức thuế mới. Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính
Thượng viện Mỹ, cũng nói ông sẽ làm việc với Nhà Trằng nhằm “làm giảm
nhẹ tổn hại” từ việc áp thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan ra tuyên bố chỉ trích quyết định áp thuế
nhập khẩu thép và nhôm. Tuyên bố cảnh báo động thái này có thể dẫn đến
những hậu quả khôn lường bao gồm gây tổn thất cho việc làm và gây tổn
thương cho tăng trưởng kinh tế. Cùng quan điểm, Thượng nghị sĩ John
McCain cảnh báo quyết định áp thuế sẽ gây mất mát việc làm, làm tổn
thương nền kinh tế Mỹ và gây tổn hại quan hệ với các nước đồng minh của
Mỹ.
Một loạt phản ứng từ các nước
Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom nói: “EU là
đồng minh thân cận của Mỹ và chúng tôi tiếp tục cho rằng EU phải được
miễn trừ khỏi các biện pháp áp thuế mới. Tôi sẽ tìm hiểu rõ thêm về vấn
đề này trong những ngày tới”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói EU sẽ thống nhất biện pháp trả đũa thích hợp.
Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố nói rằng biện pháp áp thuế của Mỹ sẽ tác động nghiêm trong trật tự thương mại toàn cầu.
Hiệp hội sắt thép Trung Quốc và Hiệp hội ngành công nghiệp kim loại màu
Trung Quốc cùng ra các tuyên bố riêng rẽ, trong đó, lên tiếng phản đối
mạnh mẽ các biện pháp áp thuế của Mỹ và kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa
ra các biện pháp đáp trả hàng hóa nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc bao
gồm thép không gỉ, tấm thép mã kẽm, ống không hàn, than, các sản phẩm
nông nghiệp và điện tử.
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Paik Un-gyu
lấy làm tiếc về quyết định áp thuế của Mỹ và cho biết Hàn Quốc sẽ cân
nhắc kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu nước này không
được miễn trừ.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, quyết định của Mỹ về việc áp
thuế thép và nhôm nhập khẩu có thể “tác động lớn” đến mối quan hệ kinh
tế Nhật-Mỹ. Quyết định này sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Nhật
Bản sẽ có phản ứng thích hợp sau khi kiểm tra các tác động đối với các
công ty Nhật Bản và các quy định của WTO.
Trong thư gửi cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, Bộ trưởng Kinh
tế Đức Brigitte Zypries bày tỏ lo ngại cách tiếp cận đơn phương của Mỹ
trong chính sách thương mại và cho rằng Mỹ có thể đặt ra tiền lệ xấu cho
các nước khác lấy cớ an ninh quốc gia để đưa ra các biện pháp hạn chế
thương mại.