Sẽ lấy tiền bán vốn từ Sabeco, Vinamilk để cứu 13 dự án thua lỗ (Dân Việt)
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cho biết với việc tìm kiếm vốn cho 13 dự án thua lỗ là một trong những hoạt động mà Uỷ ban Quản lý vốn phải giải quyết và tính toán. Đơn cử, việc thoái vốn của Sabeco, Vinamilk rất hiệu quả và dùng chính đồng vốn đó cho vay trở lại các dự án đang thiếu vốn.
Bình luận về đề xuất của Chủ tịch tập đoàn PVN về việc nếu muốn cứu 13 dự án đang thua lỗ thì chỉ còn cách bơm tiền thì mới vực dậy được, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho rằng, nếu chỉ nhìn vào tiền thì chưa đủ và đúng.
Ông Cường đồng với quan điểm
của Chủ tịch PVN đưa ra là cần có cơ chế đặc biệt cho các dự án thua lỗ
này, nhưng không có chuyện dùng tiền ngân sách để giải cứu, mà dự án đó
phải tự “vật lộn” để tìm nguồn tài chính, nhà nước chỉ giúp dự án bằng
các cơ chế thuận lợi hơn trong huy động vốn, tiêu thụ sản phẩm…
- Nhưng Chủ tịch
Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh cho rằng 13 dự án thua lỗ
hiện giống như người bị bệnh nặng phải đưa vào cấp cứu, vì vậy cần phải
có giải pháp đặc biệt, thưa ông?
Đúng là những dự án rơi vào
tình trạng thua lỗ, có lượng vốn đầu tư lớn và có sự tác động đến hoạt
động kinh tế - xã hội như công ăn việc làm của người lao động, nếu ngay
lập tức cho đóng cửa thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động hoặc
những ngành, lĩnh vực chúng ta xác định là quan trọng, có tiềm năng
nhưng do quá trình đầu tư trước đây chưa đảm bảo đúng yêu cầu về lựa
chọn công nghệ, chưa đồng bộ dẫn đến thất thoát, thua lỗ. Như vậy, những
dự án thua lỗ này chưa hẳn đã phải bỏ đi, có thể ảnh hưởng đến chiến
lược phát triển của một ngành hay làm mất đi cơ hội phát triển.
Do đó, đối với những đại dự
án như thế này, cách xử lý cần phải có một cơ chế đặc biệt. Tôi cho
rằng, đề xuất về một cơ chế đặc biệt với những dự án này là hợp lý, chứ
không có nghĩa cứ thấy thua lỗ là cho phá sản, bán tống bán tháo như một
đống sắt vụn hay coi dự án đó như một xác chết.
- Nhưng Chủ tịch
PVN cho rằng, chỉ có đưa dự án trở lại hoạt động thì mới thu hồi được
vốn, đem lại hiệu quả tốt hơn và có đề xuất Chính phủ nên "rót" thêm
tiền cho các dự án trên để các dự án có thể tiếp tục hoạt động trở lại?
Đề xuất Chính phủ phải rót
thêm tiền ngân sách thì cần phải xem lại. Cơ chế đặc biệt không có nghĩa
cứ phải bỏ tiền ngân sách bù lỗ, theo tôi điều này chưa có cơ sở.
Bởi,
bản thân những dự án này từ trước đến nay luôn dùng tiền ngân sách bơm
vào nên đã dẫn đến tình trạng thua lỗ. Vì dùng tiền ngân sách nên trách
nhiệm người quản lý không cao, họ không tính toán đến hiệu quả cuối cùng
sử dụng số tiền này. Cũng vì sử dụng tiền ngân sách đã dẫn đến dự án
không chủ động được nguồn vốn, ngân sách cấp đến đâu thì dùng đến đấy,
dẫn đến thiếu vốn và thua lỗ kéo dài. Không có người kiểm soát đồng tiền
đó đã dẫn đến đầu tư, chọn công nghệ không phù hợp.
- Phó Thủ tướng
Vương Đình Huệ cũng khẳng định là "không sử dụng tiền ngân sách". Nhưng
nếu không có tiền thì cũng rất khó để vực dậy bất kỳ dự án nào, thưa
ông?
Việc Phó thủ tướng phản ứng
dùng tiền ngân sách để cứu các doanh nghiệp thua lỗ là hoàn toàn đúng
đắn. Việc phản ứng này thể hiện trên 2 góc độ. Thứ nhất, lịch sử dùng
tiền ngân sách bao lâu nay đã cho thấy luôn không hiệu quả. Thứ hai, bản
thân ngân sách cũng đang khó khăn. Tôi ủng hộ việc Chính phủ cương
quyết không bơm tiền vào những dự án này để không đi vào vết xe đổ trước
đây. Còn việc dự án muốn được “cứu” thì phải xem dự án đó còn xứng đáng
được cứu nữa hay không.
- Vậy theo ông cần phải làm thế nào để các dự án này có được nguồn tiền?
Chúng ta đã thành lập Ủy ban
Quản lý vốn các doanh nghiệp nhà nước. Đây là một trong những hoạt động
mà Uỷ ban này phải giải quyết, phải tính toán. Đơn cử, việc thoái vốn
của Sabeco, Vinamilk rất hiệu quả và dùng chính đồng vốn đó cho vay trở
lại các dự án đang thiếu vốn.
SCIC sẽ đóng vai trò sử dụng
vốn của các doanh nghiệp CPH thành công để dùng cho cho các doanh nghiệp
đang cần vốn như các doanh nghiệp của PVN. Nhưng những doanh nghiệp này
phải có trách nhiệm hoàn trả lại vốn cho SCIC. Đây là quá trình đầu tư
vốn nhà nước chứ không phải cấp không.
Bên cạnh đó, những dự án này
phải tự vận động đi vay vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng khác. Cơ
chế đặc biệt ở đây là nhà nước có thể dùng chính sách như khoanh nợ,
chưa áp dụng biện pháp phải có tài sản thế chấp… có thể việc này không
đúng với một tổ chức tín dụng nào đó, nhưng cơ chế đặc biệt cho phép làm
việc này. Nếu vay mà sử dụng không hiệu quả thì người đứng đầu dự án đó
phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, những sản
phẩm của các nhà máy này sản xuất ra phải được ưu tiên tiêu thụ trong
nước.
Theo Nguyễn Việt (Diễn đàn doanh nghiệp)