Cú thoát của Vũ ‘Nhôm’ sẽ thổi bùng ngọn lửa xung đột chính trị? (Phạm Chí Dũng)

Trên bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam, tuy chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Vũ “Nhôm” – tức đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ – lại rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là “tình báo hai mang” này.

Con chốt đột phá khẩu

Nguồn cơn nguy hiểm nhất là Vũ “Nhôm” không chỉ là kẻ trục lợi chính sách nhà đất, mà còn là thượng tá công an – theo chính một tiết lộ của người được xem là “cánh anh Phúc” – tân Bí Thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.

Vào Tháng Tư, 2017, thời điểm bắt đầu bùng nổ cuộc chiến “nội bộ Đà Nẵng rất đoàn kết” giữa bí thư là Nguyễn Xuân Anh và chủ tịch là Huỳnh Đức Thơ, trên mạng xã hội đã bất thần xuất hiện những tài liệu từ một nguồn ẩn danh cho thấy Phan Văn Anh Vũ chính là sĩ quan tình báo của Bộ Công An, hàm cấp tá, bí số AV75, còn Nova 79 nơi Phan Văn Anh Vũ là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị lại là “công ty bình phong” của Tổng Cục Tình Báo Bộ Công An.

Tài liệu trên, cho dù không thể kiểm chứng được về mức độ chính xác, nhưng đã khiến dư luận xã hội xôn xao. Có người còn gọi đó là cuộc chiến lợi ích giữa hai cơ quan tình báo – một quân đội và bên kia là công an.

Với vai trò là một thượng tá tình báo, Phan Văn Anh Vũ rất có thể đã có điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ “Mật,” thậm chí “Tuyệt Mật” về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an. Nhưng vào thời buổi mà đặc thù to lớn nhất của một bộ phận trong lực lượng vũ trang không phải công tác tình báo mà là “nhảy múa kiếm cơm” qua vô khối động tác “bình phong” để trục lợi chính sách, mối quan tâm hàng đầu của số này là “phe cánh chính trị” và những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ “xămxônai” (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức “lại quả” cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường… Tất cả những loại bằng chứng đó đều được dùng cho “biện pháp nghiệp vụ ngành,” nghĩa là khi điều kiện cho phép sẽ được mang ra khống chế nhau. Chẳng thế mà có dư luận bức bối về câu chuyện Vũ “Nhôm” từng mang súng ngắn đi “đàm phán hợp đồng.”

Giờ đây, kẻ mà có thể tích trữ không chỉ nhiều triệu đô la mà còn hàng tá tài liệu thói hư tật xấu và đấu đá nội bộ của quan chức – tái hiện kịch bản Trịnh Xuân Thanh cuối năm 2016 – đã biến mất. Biến mất ngay trước mũi Công An Đà Nẵng, Bộ Công An và Tổng Bí Thư Trọng.

Hãy nhìn lại vụ Trịnh Xuân Thanh.

Những tiền lệ đào thoát

Vào giữa năm 2016, khi tung ra chiến dịch truy buộc Trịnh Xuân Thanh bằng vụ xe Lexus ở Hậu Giang cùng khoản lỗ hơn 3,200 tỷ đồng (hơn $141.1 triệu) thời Thanh còn là tổng giám đốc ở công ty PVC, lỗ hổng lớn nhất của Tổng Trọng là đã “quên” không đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy và đường không. Hậu quả là không chỉ Trịnh Xuân Thanh biến mất chỉ vài tháng sau đó, mà vụ biến mất này chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ “biện pháp nghiệp vụ” để cho tới nay, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có một manh mối nào về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư.

Thế lực giấu mặt trên không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.

Trước vụ Trịnh Xuân Thanh là vụ Dương Chí Dũng Vinashin năm 2012. Khi Dũng sắp bị bắt, “một lãnh đạo Bộ Công An” đã ngầm báo tin cho Dũng để bỏ trốn. Được sự giúp sức của em ruột là Dương Tự Trọng – phó giám đốc Công An Hải Phòng, Dương Chí Dũng đã đào thoát thành công ra nước ngoài. Dũng chỉ bị bắt lại 4-5 tháng sau đó. Cũng sau đó đã xảy ra một vụ scandal lớn trong ngành công an Việt Nam.

Còn vào lần này và ứng với vụ Vũ “Nhôm,” liệu có scandal nào? Nếu có thì liên đới những quan chức công an hay quan chức đảng nào?

Và dấu hỏi quan trọng không kém là nếu đúng là có những quan chức bị liên đới trên, họ thuộc “phe” nào?

Vũ “Nhôm” biết trước?


Tín hiệu rõ ràng nhất cho tương lai một scandal lớn hoặc rất lớn là ngay từ Tháng Tư, 2017, khi cuộc xung đột Đà Nẵng còn bất phân thắng bại, Vũ “Nhôm” đã thoái sạch vốn khỏi hàng loạt công ty.

Theo một điều tra riêng của kênh truyền thông nhà nước VTC, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty Cổ Phần Xây Dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26 Tháng Tư, 2017, cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng (hơn $28.6 triệu), tương đương 92.86% vốn.

Tại công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Phú Gia Compound) – pháp nhân tặng cựu Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh xe Toyota Avalon để sử dụng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7 Tháng Tư, 2017, thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng (hơn $1.7 triệu), tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên.

Với siêu dự án Vầng Trăng Khuyết (The Sunrise Bay), hai pháp nhân liên quan đến ông Vũ “Nhôm” là công ty Cổ Phần Xây Dựng 79 và công ty Cổ Phần Nova Bắc Nam 79 từ ngày 19 Tháng Tư, 2017, đến 28 Tháng Sáu, 2017, đã rút 100% vốn tại dự án trên.

Bản thân công ty Cổ Phần Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của ông Phan Văn Anh Vũ và đổi tên thành công ty Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Chấn Phong…

Trừ Dương Chí Dũng khá cập rập mà đã không thể thu vén toàn bộ tài sản tiền bạc, cả Trịnh Xuân Thanh lẫn Vũ “Nhôm” đều có đủ thời gian để tẩu tán rất gọn.

Tình thế hiện thời là còn chưa xử lý xong “ruồi Thanh,” Tổng Trọng lại bị thách thức bởi Vũ “Nhôm,” và do đó ông Trọng vẫn phải đối mặt với một đối thủ chính trị ngầm ẩn và nguy hiểm mà có thể sẵn sàng làm ông thất bại cục bộ hoặc thậm chí hất ông khỏi ghế tổng bí thư vào một lúc nào đó.

Liệu ông Trọng có cam chịu ngồi yên để cấp dưới qua mặt mình và đến một lúc nào đó sẽ hất đổ mình?

Sẽ là đại án “an ninh quốc gia?”

Nếu vào thời gian trước Tháng Mười Hai, 2017, câu trả lời có vẻ nghiêng về hướng “bất lực” trong tâm thế Tổng Bí Thư Trọng, thì từ Tháng Mười Hai, 2017, khi “vượt qua sợ hãi” bằng việc phát lệnh bắt cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng, ông Trọng đã dường như chấp nhận không thể lùi, và thực tế cũng không còn đường lùi, để từ đó chỉ tiến và tiến.

Một kịch bản nhiều khả năng xảy ra là sau vụ Vũ “Nhôm” đào thoát, Tổng Bí Thư Trọng sẽ nổi cơn lôi đình, sẽ chỉ đạo “bằng mọi cách bắt bằng được Phan Văn Anh Vũ về quy án,” như một quyết tâm tương tự vào Tháng Tư, 2017, đối với Trịnh Xuân Thanh.

Khả năng bắt được Vũ “Nhôm” lại có thể sáng sủa hơn dĩ vãng trầy trật và quá tai tiếng với Trịnh Xuân Thanh. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Interpol quốc tế đã cảnh giác cao độ với các quan chức tham nhũng Việt Nam đào tẩu ra nuốc ngoài. Còn vụ bắt Đinh La Thăng đã phát ra dấu hiệu cho thấy lần đầu tiên ông Trọng “khiển” được Bộ Công An.

Dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Vũ “Nhôm” lại có một vai trò “hồ sơ sống” đối với nhiều quan chức, và có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.

Nếu Vũ “Nhôm” bị bắt, gần như chắc chắn đó sẽ là đại án. Đại án không chỉ về kinh tế và tham nhũng mà còn về “an ninh quốc gia” và chính trị.

Lệnh truy nã của Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An đối với Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” đã phác ra bức tranh đại án “an ninh quốc gia” và chính trị ấy.

Nhưng có lẽ chưa cần bắt được Vũ “Nhôm,” Tổng Bí Thư Trọng sẽ ngay lập tức đề ra một kế hoạch không chỉ “chấn chỉnh nội bộ” mà còn có thể cải tổ Bộ Công An – một động thái mà Tập Cận Bình đã làm đến mức “long trời lở đất” bắt đầu từ mùa Xuân năm 2014. 

(Người Việt)