Đại biểu quốc hội Châu thị Thu Nga đưa tiền cho ai? (Dân Luận)
Chính bà Nga cũng là nạn nhân
của các quan chức. Khi đã bỏ tiền ra chạy và có dự án rồi, nhưng lại
không được phê duyệt quy hoạch. Cho nên bà đã bị cái thòng lọng do các
quan chức giăng ra siết vào cổ bà. Chính cái công đoạn cuối cùng là “phê
duyệt quy hoạch” ấy, có thể do bà Nga “lót” chưa đủ độ dày, nên mới
mang họa.
Mấy tháng nay, một sự kiện làm bùng nổ dư luận trong nước, ấy là việc
bà cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga đã khai “toạc móng heo” ra rằng, để được
góp mặt trong cái đám gần 500 “nghị gật” ngồi trong cái Hội trường Diên
Hồng tại Ba Đình-Hà Nội, bà Nga đã phải bỏ ra số tiền 30 tỷ VNĐ(1.5
triệu USD).
Điều đáng nói là tại phiên tòa xét xử vụ án và đầu tháng 10 vừa qua, khi
bà Nga hai lần xin khai trước tòa về số tiền 30 tỷ bà đã đưa cho ai,
đều bị tòa cắt không cho nói.
Báo Tuổi trẻ ra ngày 06/10/2017 chạy tít: “Tòa không cho khai tiền
'chạy' đại biểu Quốc hội là sai luật”. Báo này trích ý kiến của thạc sĩ
Trần Thanh Thảo, giảng viên khoa Luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM
rằng, “Khai báo là quyền và cũng là nghĩa vụ của bị cáo, nên nếu khai,
bị cáo Châu Thị Thu Nga phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình.
Nhiều vụ án được mở rộng điều tra từ lời khai tại phiên tòa. Số tiền 1,5
triệu USD được xác định là tiền do bị cáo chiếm đoạt mà có. Việc làm rõ
bị cáo đã sử dụng số tiền chiếm đoạt của các khách hàng mua dự án vào
việc gì là rất cần thiết. Luật không cấm các bị cáo khai, nếu lời khai
đó không làm tiết lộ bí mật an ninh quốc gia. Do đó, việc hội đồng xét
xử (HĐXX) ngắt lời không để bị cáo khai là không đúng quy định của pháp
luật”. (https://tuoitre.vn/toa-khong-cho-khai-tien-chay-dai-bieu-quoc-hoi-la-sai-luat-20171006150329893.htm).
Việc bà Nga khai đã bỏ ra một khoản tiền lớn để “chạy” cái ghế ĐBQH này
làm cho các quan chức vô cùng nhức nhối, bối rối và khó chịu vô cùng.
Nếu họ im lặng thì càng bí. Mà nói thì biết nói thế nào đây. Những vụ
khác có thể áp dụng câu ngạn ngữ “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Nhưng vụ này
không thể im lặng mãi được. Họ thừa biết rằng, nếu để lâu dư luận sẽ
cho rằng, vì có tịt nên không dám nói.
Vậy là màn kịch được dựng lên. Việc bố trí cho ai hỏi, nội dung như thế
nào, bà Chủ tịch QH nhắc lại cho ra vẻ quan tâm hơn, và vị Chánh an
TANDTC trả lời như thế nào đều rất “đúng quy trình”.
Tờ VTV.vn ra ngày 18/11/2017 đưa tin: “Sáng 18/11, trong phiên trả lời
chất vấn trước Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa
Bình đã lý giải về một tình tiết đáng chú ý tại phiên xử Châu Thị Thu
Nga mới đây, khi hội đồng xét xử tại phiên toà không cho bà này khai về
việc đã chi một số tiền lớn "chạy" để làm đại biểu Quốc hội.
Khi nhận đại biểu nêu chất vấn tại nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Thị Kim Ngân nhắc nhở, Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời rằng, phiên sơ
thẩm xử Châu Thị Thu Nga là phiên xét xử có tranh tụng. Khi có dư luận
báo chí nêu việc hội đồng xét xử không cho bà Nga khai về việc nói trên,
"có vẻ giấu giếm và vi phạm tố tụng, thậm chí có báo còn nói là cắt
điện 30 giây, tôi ngay lập tức yêu cầu kiểm tra".
"Chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, yêu
cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải trình và cũng đã gặp luật sư Hướng
(luật sư bào chữa cho bà Nga - PV). Theo đó, mọi việc trong phòng xét xử
vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì về kỹ thuật loa đài", Chánh
án khẳng định.
Cũng theo ông, hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu, như: lời khai của Châu
Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất
của Nga và các đối tượng liên quan.
"Việc chủ tọa dừng không cho khai tiếp vì vụ án này đã được tách ra,
và luật cho phép. Thực thế, ta tách án rất nhiều, như ALC II tách làm 6
vụ, vụ Ngân hàng Xây dựng tách làm 3 vụ, vụ Ocean Bank đã xử một phần.
Nếu trong phiên tòa xuất hiện tình tiết mới mà xác định không có tách án
thì trách nhiệm hội đồng xét xử là phải làm rõ, nhưng đã tách án thì
hội đồng xét xử được phép không cần đề cập đến vụ án này nữa. Đây là
thông lệ bình thường, không phải gì là quá khác biệt", ông lý giải.
"Lời khai của bà Nga có trong hồ sơ vụ án, không có gì dấm dúi ở đây cả", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Theo đó, bà Châu Thị Thu Nga khai chi tiền cho hai mục đích. Một là chi
cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử (2/3 số
tiền). Hai là chi để giải quyết việc báo chí viết về bằng tiến sỹ giả
của bà này, do ở thời điểm bầu cử, nhiều báo chí viết bà Nga không đi
học nhưng có bằng tiến sỹ. (http://vtv.vn/trong-nuoc/chanh-an-tand-toi-cao-noi-ve-viec-ba-chau-thi-thu-nga-chay-vao-quoc-hoi-20171118122114235.htm).
Sau khi nghe qua clip trao đổi giữa bà Chủ tịch QH và lời giải trình của
vị Chánh án, dư luận cho rằng, cách trả lời của ông Chánh án có cái gì
đó không bình thường và tỏ ra lúng túng, hồi hộp, thiếu tự tin. Nếu như
mọi việc sòng phẳng và minh bạch thì tại sao ông Chánh án phải rào trước
đón sau là “ở đây không có gì mờ ám, không có gì giấu giếm, không có gì
dấm dúi cả” (từ dấm dúi không có trong bài báo, nhưng có trong clíp).
Mặc dù báo chí và các chuyên gia pháp lý nói rằng, việc Chủ tọa phiên
tòa không cho bà Nga khai đã đưa tiền “chạy”vào QH cho ai là sai luật.
Nhưng ông Chánh án TANDTC vẫn cho rằng, việc đó là phù hợp, là “đúng quy
trình”.
Người ta không sốc với tình trạng mua quan bán tước là truyền thống của
ĐCSVN xưa nay. Ngày nay, việc ra giá cho các chức vụ từ trung ương đến
địa phương diễn ra hầu như công khai. Chức càng lớn thì giá càng cao.
Một khi đã phải bỏ tiền ra mua để có chức quyền địa vị, thì việc tiếp
theo là phải tìm mọi cách để thu hồi vốn, và sau đó là tìm mọi cách vơ
vét để “tái đầu tư”. Một cái ghế Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh lên đến ghế
Thứ trưởng và Bộ trưởng có giá vài trăm tỷ. Và trong một nhiệm kỳ 5 năm,
họ thu về cả ngàn tỷ. Vậy là có lãi khủng nhờ biết đầu tư “ đúng quy
trình”.
Người ta sốc trong vụ này là, với cương vị một ĐBQH, trong các kỳ họp,
các vị này chỉ “gật” là chính. Vì có người suốt cả nhiệm kỳ 5 năm mà
chẳng phát biểu được câu nào cho ra hồn. Hoặc có ‘phát” đi nữa thì cũng
chỉ là đọc bài do các ông trưởng đoàn soạn sẵn, để cho “có người có ta”.
Vậy thì việc bà Nga bỏ ra 30 tỷ chỉ để mua cái chức “nghị gật” ấy, thì
làm sao để thu hồi vốn? Xin thưa: Với năng khiếu của nhà kinh doanh, tuy
bà Nga không nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền.
Nhưng nhờ khoác cái áo ĐBQH, bà ta có dịp tiếp xúc với những người có
chức quyền để “chạy dự án”. Khi đã “ mua” được dự án rồi, thì tiếp tục
vẽ ra những dự án chung cư cao cấp với những trang thiết bị đắt tiền,
cùng với đó là sân chơi, bể bơi, đường đi rộng rãi, nơi gửi xe, nhà giữ
trẻ, trạm xá, trường học, siêu thị… Ôi thì đủ thứ hấp dẫn trên đời. Tuy
các dự án này còn nằm trên giấy, nhưng bà Nga đã bán được cho 726 khách
hàng, thu về gần 400 tỷ nhờ cái áo ĐBQH và những lời hứa hẹn ngọt ngào
hấp dẫn.
Và cái vòng luẩn quẩn diễn ra như sau: Tìm mọi cách “chạy” vào QH. Khi
đã “lẻn” vào được ĐBQH rồi, có điều kiện tiếp xúc làm quan với nhiều
quan chức. Từ các mối thân quen này, rất có điều kiện để “chạy” dự án.
Khi đã có dự án thì phải “chạy” các quan chức để được phê duyệt quy
hoach, được giao đất và triển khai dự án. Chính bà Nga cũng là nạn nhân
của các quan chức. Khi đã bỏ tiền ra chạy và có dự án rồi, nhưng lại
không được phê duyệt quy hoạch. Cho nên bà đã bị cái thòng lọng do các
quan chức giăng ra siết vào cổ bà. Chính cái công đoạn cuối cùng là “phê
duyệt quy hoạch” ấy, có thể do bà Nga “lót” chưa đủ độ dày, nên mới
mang họa.
Tại tòa, bà Nga đã khai như sau: “Thưa tòa chúng tôi đã làm tất cả
chứ không phải chúng tôi lừa đảo. Lúc đầu ủy ban (TP Hà Nội) giao cho
chúng tôi khu chung cư biệt thự nhà vườn, sau đó chúng tôi được giao
tiếp và chúng tôi đã điều chỉnh theo quy hoạch theo những quyết định,
quy định của thành phố”… “ Bản thân tôi là người trong cuộc, có rất
nhiều điểm oan ức chưa được làm rõ mà phiên tòa đã dừng lại ở đây. Tôi
thấy thực sự có điều gì đó chưa thỏa đáng”… “Chỉ vì mỗi việc (chưa được)
phê duyệt quy hoạch mà không thể nói chúng tôi là lừa đảo. Tôi đồng ý
với quan điểm một khách hàng là triệu tập sở ban ngành Hà Nội xem ai là
người có lỗi. Ở đây chúng tôi đã làm hết khả năng”… “công ty đã trình
duyệt quy hoạch để phê duyệt, lỗi không thuộc về các bị cáo”… “Bao nhiêu
lần tôi xin gặp luật sư cũng không được. Tiếp xúc luật sư tôi cũng bị
hạn chế, trước hôm qua tôi cũng mới được tiếp xúc 5-10 phút”, cựu đại
biểu Quốc hội đề nghị tòa xem xét lại các chứng cứ để các bị cáo tâm
phục khẩu phục”. (https://news.zing.vn/chau-thi-thu-nga-nhieu-dieu-oan-uc-chua-duoc-lam-ro-post786467.html).
Việc bà Nga được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH, và sau đó trúng cử ĐBQH khóa
XIII, sau khi trúng cử thì bà là Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ
thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty
cổ phần đầu tư xây dựng nhà đất Hà Nội, thì công lớn trước hết thuộc về
cựu Bí thư TU Hà Nội Phạm Quang Nghị. Vì ngay từ khi mới giới thiệu ra
ứng cử, đã có một số đơn thư tố cáo bà này. Nhưng dưới cái ô của ông Bí
thư Thành ủy thì mọi việc vẫn êm xuôi.
Bà Nga nói không phải bà ta lừa đảo. Vậy theo bà, ai là kẻ lừa đảo sao bà khôn nói toạc ra luôn mà còn ấm ức, sụt sùi trước tòa?
Sau khi thông tin bà Châu Thị Thu Nga chi 30 tỷ để “chạy”ghế ĐBQH, Tổng
thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, nếu có thông tin bị can Châu Thị
Thu Nga bỏ 1,5 triệu USD để lo "chạy" được ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ
chuyển công an điều tra, làm rõ.
Nhưng đã mấy tháng nay, công an đã “điều tra làm rõ” như thế nào?
Qua vụ Đồng Tâm, chúng ta thấy công an VN đã “ rất nghiêm túc và điều
tra làm rõ” giỏi như thế nào. Khi ĐB Dương Trung Quốc hỏi, tại sao lực
lượng công an đánh ông Lê Đình Kình gây thương tích vẫn chưa xử lý? Ông
Phó GĐ Công an Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải nói: “ Bộ Công an đã rất
nghiêm túc, thành lập đoàn thanh tra do thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng
đoàn. Quá trình thanh tra đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công
tác, việc chấp hành pháp luật, việc thực thi pháp luật của lực lượng
công an TP Hà Nội. gia đình nhà ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại
lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và đã xảy ra cái việc ông Lê Đình
Kình bị gãy chân”. (https://tuoitre.vn/cu-kinh-dong-tam-bi-gay-chan-la-do-giang-co-voi-cong-an-20171107094900679.htm).
ĐB Dương Trung Quốc không cần tranh luận với những luận điệu trẻ con vớ
vẩn của kẻ vô học này. Ông ấy chỉ nói một câu có sức nặng ngàn cân:
“Những điều đó không nên biện bạch, tốt nhất các đồng chí nên công khai
sự việc đó để nhân dân bình luận, để mọi người tự xét xem ông già 82
tuổi có thể tự gãy chân không. Ở đây ngay cả quy định về người cao tuổi
chúng ta cũng không tuân thủ".
Việc ông Chánh án nói vụ án này đã được tách ra, nên Chủ tọa phiên tòa
không cho bà Nga khai việc đưa tiền cho ai là rất đúng. Nếu để bà Nga
khai toạc ra là đã đưa tiền cho ai, thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ làm lộ “bí
mật quốc gia”. Vì trong số gần 500 ĐBQH, chỉ khoảng 100 vị không phải
“chạy”. Số còn lại mà ai cũng giá đó thì đúng là một nguồn thu không hề
nhỏ. Điều này có thể làm rung chuyển chế độ.
Việc phóng viên có mặt tại tòa nói rằng, lúc bà Nga khai thì bị cắt điện
30 giây. Vậy mà ông Chánh an ngồi ở nhà “Kiểm tra” thì nói không có
chuyện đó. Quy trình kiểm tra của ông Chánh án làm sao giỏi bằng quy
trình kiểm tra của Bộ Công an và Công an Hà Nội trong vụ làm gãy chân cụ
Lê Đình Kình được.
Điều nực cười ở đây là ông Chánh án TANDTC nói cũng một bài như ông PGĐ
CA Hà Nội Đào Thanh Hải, là đổ tội cho các địa phương: “chi cho hội đồng
bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử”. Và ông Chánh án
còn tuyên bố như đinh đóng cột, rằng “không có gì dấm dúi ở đây cả”.
Đúng là “có tật giật mình”.
Lẽ ra qua phát biểu của ông Chánh án, Hội đồng bầu cử địa phương có quyền kiện ông ấy vì tội “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”.
Ai mà chẳng biết cái gọi là Quốc hội, cũng như HĐND các cấp chỉ làm một
tổ chức để trang trí cho cái áo dân chủ của đảng. Những người có tên
trong số các vị đại biểu ấy, đều do “đảng cử dân bầu”. Trước khi các
cuộc bầu cử diễn ra, thì khoảng một năm trước, đảng đã lựa chọn các
thành phần sẽ được đứng trong các HĐND trước. Nếu là cấp xã thì sau khi
đảng ủy địa phương lựa chọn, phải báo cáo lên huyện duyệt. Cấp huyện thì
lên tỉnh. Cấp tỉnh thì phải lên trung ương. ĐBQH thì quy trình càng
chặt chẽ gấp bội phần.
Sau đó đảng mới thành lập cái gọi là Hội đồng bầu cử (hoặc Ban bầu cử) các cấp.
Sau khi hoàn thành quy trình này, đảng mới thực hiện các bước do Mặt
trận các cấp thực hiện cái gọi là “hiệp thương”. Tại đây, các ửng cử
viên lại được sàng lọc thêm mấy vòng nữa. Những người không được đảng
ưng ý, sẽ bị gạt ra tại đây. Tại các buổi họp này, đảng gợi ý rõ ràng
nên bầu những ai. Các ửng cử viên tự do đều rớt ở những vòng này. Vì vậy
mới có cây chuyện rằng, trong đợt bầu cử QH khóa XIV năm ngoái, có một
vị ứng cử tự do, trong một buổi họp, vị này đã bị ông Tổ trưởng dân phố
tố cáo rằng, ông này không đủ tiêu chuẩn ra ứng cử ĐBQH, vì đã để chó nhà
ông ấy sang ỉa vào vườn nhà ông tổ trưởng này.
Trong ngày bầu cử, đối với các vị ĐBQH, đại đa số cử tri chẳng biết
người này là ai. Vì vậy tại các phòng bỏ phiếu, đảng cử người gợi ý nên
bầu những ai. Đảng còn cử người viết giúp thực hiện ý đảng.
May lắm thì họ chỉ thấy mặt các vị này từ xa khi họ về địa phương thực
hiện cái gọi là “ra mắt cử tri”. Tại đây các vị ứng cử viên hứa hẹn đủ
điều. Nhưng thực chất họ chẳng có quyền hành gì. Họ cứ nói cho sướng lỗ
tai cử tri là được. Và các cử tri đi dự các cuộc họp này cũng như đi xem
phim vậy. họ chỉ mong cho xong mà về.
Hội đồng bầu cử địa phương hoàn toàn không dính líu và liên can gì đến
việc ai trúng ai trật. Vì nhiệm vụ của HĐBC không làm những việc đó (muốn
biết nhiệm vụ của HĐBC xin đọc tại đây: http://dangcongsan.vn/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/hoi-dap/ban-bau-cu-co-nhiem-vu-quyen-han-gi-375394.html).
Vì vậy, bà Nga đưa tiền cho Hội đồng bầu cử địa phương làm gì? Ông Chánh
án nói lấy được kiểu ấy, vô tình đã lòi cái dốt của ông ấy.
Trên nghị trường QH thì đến 96% là đảng viên. Một số ít ngoài đảng thì
cũng đã được đảng lựa chọn rất kỹ. Vì vậy, tại những buổi gọi là “chất
vấn’, trước hết người hỏi phải khen nức nở cấp trên đã. Sau đó mới dám “
thỏ thẻ” dăm câu ba điều. Cũng có vài vị có tâm và có tầm, đặt ra những
câu hỏi hóc búa. Nhưng những vị dám hỏi như vậy thì họ thừa biết rằng,
đây là khóa cuối cùng họ được nói trên diễn đàn này.
Màn kịch còn tiếp tục được diễn, khi sau mỗi buổi chất vấn, các phóng
viên đi “phỏng vấn” các chim mồi do họ bố trí sẵn. Tại đây các vị này
tha hồ tâng bốc các ông bộ trưởng đăng đàn lên tận mây xanh.
Với số tiền bà Châu Thị Thu Nga đã chi ra là 1.5 triệu USD ấy, và cũng
như các vị khác đã phải bỏ tiền ra mua, chắc rằng chẳng đến phần ông
Chánh án.
Nhưng ai dám chắc rằng, cái chức Chánh án ông đang giữ ấy lại không được mua bằng tiền?
Ông Chánh án có biết, những quan chức như Nguyễn Thị Kim Tiến, Trịnh Văn
Chiến, Võ Kim Cự, Đinh La Thăng v.v... với những thành tích bất hảo tàn
phá đất nước và hút máu dân khủng khiếp như vậy, đã bị dư luận lên án
dữ dội. Vậy mà không bị ông Trọng cho vào lò. Mà ông ấy lại đi “nướng”
con chuột nhắt Nguyễn Xuân Anh là vì sao không?