Lực lượng ‘còn đảng còn mình’ ra sao khi ngân sách tồi tệ? (Thiền Lâm)

Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân”, đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công an cấp quận huyện và cấp tỉnh thành có thể rơi vào tình trạng “bán thất nghiệp”, “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc.


Báo Thanh Niên dẫn lời Đại tá Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2017, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình.

Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác.

Vào tháng Sáu năm 2017, một mục sư Tin Lành ở Sài Gòn cho biết cơ quan công an địa phương nơi ông cư trú có chủ trương giảm đến 30% nhân sự. Không biết vô tình hay hữu ý, từ khoảng một năm qua “cơ chế” an ninh canh theo (canh gác – theo dõi) mục sư này đã lơi hẳn. Nếu trước đó luôn có vài ba công an mặc thường phục “chốt” ngay trước nhà ông hàng ngày, từ giữa năm 2016 đến nay công an đã bỏ chế độ canh theo thường xuyên mà chỉ còn “chốt chặn” vào những đợt cao điểm như hành lễ tôn giáo hoặc các dịp lễ 30/4, 2/9…

Cũng không biết vô tình hay hữu ý, kể từ thời điểm Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bất chợt phát ra tán thán chưa từng có về “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào đầu năm 2017, từ đó đến nay nhiều người hoạt động nhân quyền đã phản ánh chuyện họ bớt hẳn bị công an canh theo. Thậm chí đã xảy ra hai động thái khá trái ngược nhau: trong khi số người hoạt động nhân quyền bị công an tống giam từ đầu năm 2017 đến tháng 8/2017 lên đến con số 21, giới an ninh ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn lại không “dậu đổ bìm leo” – tức lợi dụng tình hình bắt bớ để tăng cường canh theo, sách nhiễu những người hoạt động nhân quyền chưa bị bắt – như những năm trước, mà vẫn “lặng như tờ”.

Vào những năm trước, một số người hoạt động nhân quyền cho biết mức “mật phí” dành cho an ninh theo dõi là 500.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp thành phố, 300.000 đồng/người/ngày với công an cấp quận, và 100.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp phường xã. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, mức “thù lao bảo vệ đảng” này đã tụt hẳn: chỉ còn 300.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp thành phố, 100.000 đồng/người/ngày cho công an cấp quận, còn công an cấp phường xã… không có gì.

“Có thực mới vực được đạo”. “Đạo” lại là tiền. Tiền ít nên chẳng có gì lạ khi giới an ninh vô công rồi nghề chuyên canh theo người hoạt động nhân quyền bỗng “hiền” hẳn đi.

Một con số từ công an Bà Rịa – Vũng tàu đã chứng thực cho tình trạng khốn khó của công an xã: mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống chỉ còn 1,6 – 1,7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những năm trước.

Mặc dù công an, cùng với quân đội, là lực lượng có hệ số lương cứng thuộc loại cao nhất quốc gia, nhưng thu nhập của những giới này ngày càng teo tóp trong cơn bão giá cả và lạm phát ở Việt Nam. Hàng năm, trong khi Chính phủ và Tổng cục Thống kê chỉ đưa ra chỉ số lạm phát dưới 5%, mức trượt giá thực tế cao hơn rất nhiều – có thể lên tới 20-30%. Một trong những nguồn cơn chính gây ra lạm phát là in tiền.

Vào tết nguyên đán năm 2017, một số nhân viên an ninh chuyên canh theo than vãn: tết năm trước còn được 180 ngàn đồng và một cặp bánh chưng, nhưng năm nay chỉ có 180 ngàn đồng mà không có bánh chưng!

 Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân”, đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công an cấp quận huyện và cấp tỉnh thành có thể rơi vào tình trạng “bán thất nghiệp”, “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc.

Tuy thế, một tương lai không mấy mong đợi dành cho giới công an trị là tìm việc sẽ không mấy dễ dàng. Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt Nam lên đến ít ra 20% – gấp hàng chục lần con số báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều cử nhân đại học còn phải chạy xe ôm hoặc làm công nhân…, những người có xuất thân công an ít chuyên môn, kỹ năng, lại là giới bị người dân và doanh nghiệp ít ưa nhất, sẽ rất khó để tìm được những công việc “màu mỡ” hay có mức thù lao cao. May ra chỉ có thể đi làm bảo vệ như một số công an xã sau khi xin nghỉ công việc “bảo vệ đảng”.

(Calitoday)