Tổng thống Ba Lan phủ quyết luật về Toà Tối cao

Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan cho biết ông sẽ phủ quyết bộ luật mới gây nhiều tranh cãi. Luật này, nếu có hiệu lực, cho phép chính phủ cánh hữu sai thải hết các thẩm phán Tòa Tối cao của Cộng hòa Ba Lan và thay họ bằng các nhân vật chính phủ ủng hộ.

Hàng nghìn người đã đốt nến suốt đêm trước Quốc hội Ba Lan hôm thứ Năm tuần qua để phản đối "cải cách tư pháp"  


Ông Duda, bản thân từng là thành viên Đảng Pháp luật và Công lý (PiS), nói trên truyền hình nhà nước rằng ở cương vị nguyên thủ quốc gia, ông "không cảm thấy luật mới này làm tăng công lý".

Luật về Tòa Tối cao chỉ là một phần trong ba dự án cải cách ngành tư pháp Ba Lan được Quốc hội mà đảng PiS chiếm đa số, thông qua trong tuần qua.

Sự kiện này gây ra biểu tình phản đối ở Warsaw và nhiều đô thị trên cả nước.

Trước Quốc hội Ba Lan hôm thứ Năm đã có Đêm Thắp nến để lên tiếng bảo vệ tam quyền phân lập.

Liên Hiệp châu Âu, mà Ba Lan là thành viên, cảnh báo Warsaw sẽ phải chịu hình phạt nếu tiếp tục ra các luật hạn chế tư pháp, tự do ngôn luận.
Tiêu chuẩn 'yêu nước' kiểu mới

Từ khi lên cầm quyền năm 2015, đảng PiS đã liên tiếp thực hiện chính sách nhân sự "gây choáng" và thanh lọc bộ máy dựa trên tiêu chuẩn ý thức hệ.

Chính quyền do PiS nắm, mà thực chất là do dân biểu Jaroslaw Kaczynski người không nắm chức Thủ tướng nhưng điều hành từ hậu trường, đã công khai cổ vũ cho một nghị trình quốc gia, dân tộc chủ nghĩa.

Ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa và đạo Công giáo theo cách hiểu hẹp hòi được chính phủ đề cao.

Họ đang dần loại trừ các nhà báo, biên tập viên các đài truyền hình, truyền thanh công cộng nếu có "biểu hiện" phê phán đảng cầm quyền.

Mới đây, nhà báo Wojciech Dabrowski - người phụ trách chương trình 'Thông điệp trong ngày' - đã bị cắt hợp đồng tại Đài phát thanh quốc gia Ba Lan vì đặt ra câu hỏi khó khi phỏng vấn nữ Thủ tướng Beata Szydlo.

Chỉ sau nhiều phản đối rộng khắp Đài phát thanh Ba Lan mới cho ông Dabrowski quay lại làm việc hôm 17/07.

Chỉ số tự do báo chí của Ba Lan liên tục tuột dốc, theo công bố của Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF, từ 18 (2015) xuống 47 (2016) và tiếp tục xuống thêm 7 bậc nữa trong 6 tháng đầu năm nay, và hiện ở vị trí 54.

Gần đây, Tòa Hiến pháp Ba Lan cũng bị đảng PiS ra luật để biến đổi thành phần của hội đồng thẩm phán cao cấp. PiS bổ nhiệm vào chức Chánh án Tòa Hiến pháp Ba Lan một nữ luật sư theo tư tưởng cánh hữu, bà Julia Przylebska, vốn đã không hành nghề trong 9 năm liền.

Vụ việc đã gây choáng cho nhiều trí thức Ba Lan nhất là khi họ biết rằng trước khi rời ngành tư pháp để theo chồng ra nước ngoài (chồng bà là đại sứ Ba Lan tại Đức), thẩm phán Przylebska chỉ làm đến thẩm phán cấp huyện. Sau khi trở về Ba Lan, bà cũng chỉ làm phó phòng tư pháp chuyên về bảo hiểm ở Poznan nhưng theo các báo Ba Lan, chồng của bà, ông Andrzej Przylebski, là người được các lãnh đạo đảng cầm quyền ưa thích.

Chính phủ PiS cũng sa thải một loạt tướng lĩnh quân đội Ba Lan, gây lo ngại cho khối Nato. Hồi năm 2015, chính phủ PiS bổ nhiệm ông Bartlomiej Misiewicz, sinh năm 1990 và chưa một ngày vào quân đội, làm phát ngôn viên Bộ Quốc phòng.

Ông Misiewicz đã gây ra nhiều điều tiếng sau khi ra lệnh cho các đơn vị quân đội Ba Lan đón ông tới thăm phải làm lễ đón đặc biệt, có chào cờ, hát quốc ca và các sỹ quan phải xếp hàng chào ông.

Sang tháng 4 năm 2017, vì các vụ scandal ông Misiewicz gây ra như nạn bia rượu và lời hứa giải quyết việc làm trong Bộ Quốc phòng cho người thân quen, chính phủ PiS đã sa thải ông.

BBC