Phóng viên báo Giáo Dục VN bị khởi tố hình sự (BBC)

"Về một số thông tin cho rằng Công an thành phố Yên Bái "gài bẫy" để bắt Lê Duy Phong, đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho hay việc bắt quả tang là có cơ sở, Cơ quan điều tra làm việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những thông tin trên mạng đều chưa có sự kiểm chứng," báo này tường thuật.  

 
Tin cho hay nhà báo Lê Duy Phong của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bị khởi tố hình sự về tội 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'.

Ông Lê Duy Phong hiện đang giữ chức Trưởng ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam.

Ông bị truy tố theo Điều 280 Bộ luật Hình sự và bị tạm giam bốn tháng.

Hôm 22/6, tại nhà hàng Oanh Hiện, TP Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Yên Bái "bắt quả tang ông Lê Duy Phong đang có hành vi nhận tiền của một doanh nghiệp trên địa bàn", theo truyền thông Việt Nam.

"Theo Công an tỉnh Yên Bái, ngoài vụ lấy 50 triệu đồng của một doanh nghiệp, ông Lê Duy Phong còn lấy tiền của nhiều cá nhân khác," báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 26/6 tường thuật. 

"Theo lời khai ban đầu, ông Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn."

"Về một số thông tin cho rằng Công an thành phố Yên Bái "gài bẫy" để bắt Lê Duy Phong, đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho hay việc bắt quả tang là có cơ sở, Cơ quan điều tra làm việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những thông tin trên mạng đều chưa có sự kiểm chứng," báo này tường thuật.

'Có căn cứ'

Hôm 26/6, BBC gọi điện cho ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo điện tử Giáo Dục Việt Nam nhưng ông nói "Tôi đang bận" rồi cúp máy.

Trước đó, ông Bình được báo Người Lao Động dẫn lời: "Ông Lê Duy Phong là người trực tiếp điều tra, viết bài rất nhiều vụ việc về Bí thư và lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Những việc này đều có căn cứ và báo sẽ không gỡ bài."

Cùng ngày, một cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đề nghị ẩn danh nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh: "Tôi tin rằng trong vụ của nhà báo Lê Duy Phong còn nhiều vấn đề liên quan khác chứ không đơn thuần là vụ việc đang được Công an tỉnh Yên Bái trả lời chung chung là "đang điều tra" như trên báo chí."

"Theo tôi, ông Phong nên giữ quyền im lặng trong khi chờ luật sư."

"Lẽ ra phải đưa vụ án về Bộ Công an vì để Công an Yên Bái xét hỏi Duy Phong sau khi ông viết bài về dinh thự của giám đốc Công an tỉnh là không ổn."

"Theo kinh nghiệm tác nghiệp của tôi, phóng viên khi đi viết bài chống tiêu cực ở các địa phương thì có chứng cứ trong tay mới đi hỏi chính quyền."

"Khi hỏi xong thì phóng viên phải rời khỏi tỉnh đó ngay để tránh những hệ lụy."

Ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam được báo Người Lao Động hôm 26/6 dẫn lời: "Hội Nhà báo đang tiếp nhận thông tin, yêu cầu báo cáo. Trên cơ sở đó Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có những động thái phù hợp." 

Nhà báo Huy Đức viết trên mạng xã hội: "Tôi ít đọc báo Giáo Dục Việt Nam và không biết ông Duy Phong là ai nhưng khi ông ấy bị bắt tôi có đề nghị "Duy Phong vẫn nên được các đồng nghiệp suy đoán vô tội". 

"Nếu chúng ta nghĩ cứ ông Duy Phong bị bắt là có tội thì rất định kiến." 

"Hãy tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn, đặc biệt với nhân chứng trực tiếp này, để thấy ông bị bẫy, bị "bạn học cũ phản" hay ông tống tiền người khác."