Đề xuất TP.HCM làm trong sạch nội bộ (Tá Lâm)

Trong nhiều biện pháp đưa ra, ông Trực cho rằng cần phải xây dựng cơ chế tổ chức, bố trí, tuyển dụng, sử dụng, đề bạt cán bộ công khai, minh bạch, dân chủ, dựa trên những tiêu chí chọn người có phẩm chất tốt, có năng lực và bản lĩnh, có tâm huyết vì nước vì dân, trung trực, trách nhiệm, chí công vô tư.


Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đề xuất Thành ủy TP.HCM nên tập trung làm trong sạch nội bộ bằng cách chuẩn hóa nội bộ, mạnh dạn loại ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất. 

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã nói như vậy tại tọa đàm khoa học “Nâng cao trách nhiệm chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 2-6.

Theo ông Trực, trong thực tế hiện nay khắp nơi từ trung ương đến cơ sở, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng xảy ra tình hình bức xúc của nhân dân đối với tinh thần trách nhiệm và cách hành xử của cán bộ, đảng viên, công chức, thậm chí đối với nhiều chủ trương của một cấp lãnh đạo, quản lý nhà nước.

Để minh chứng điều này, ông Phạm Chánh Trực đã liệt kê một số vụ việc mà báo chí đã nêu. Đó là tình trạng phá rừng, lâm tặc phá rừng chở gỗ rầm rộ ngày đêm trước mặt kiểm lâm, chính quyền. “Tệ hơn nữa, là lãnh đạo địa phương cấp tỉnh, thành cũng chủ trương phá rừng để xây dựng khu công nghiệp, để nuôi bò, để xây khách sạn du lịch... Dù với lý do nào, phá rừng vẫn là phá rừng, hủy diệt hệ sinh thái, gây hậu quả lũ lụt, đất đai cạn kiệt sa mạc hóa, phá hoại môi trường. Và người ta làm bất kể chỉ thị của Thủ tướng” - ông Trực nói.

“Ở một tỉnh mà cô giáo và học sinh phải đu dây để qua sông đến trường học thì người ta vẫn ung dung xây dựng sân tennis để công chức giải trí mỗi buổi chiều” - ông Trực nói tiếp về một thực trạng hiện nay.
 
Hay trong câu chuyện khai thác cát, ông Trực cho rằng bộ, ngành và các tỉnh, thành liên quan cho phép khai thác cát để xây dựng công trình đô thị hóa, nhưng không ai tính lượng cát xây dựng cần bao nhiêu cho đủ, cũng không tính hậu quả sạt lở, lún sụp khắp nơi thì làm sao khắc phục, chưa kể người ta cho phép xuất khẩu cát qua Campuchia, Singapore... Khối lượng cát thì chưa biết đào đâu ra, trong khi dự án xây dựng thì khắp nơi phê duyệt không hạn chế.
 
Đến câu chuyện sau 40 năm giải phóng, nhiều tỉnh, thành vẫn tiếp tục xin ngân sách trung ương, ông Trực cho rằng đó là điều đáng suy nghĩ, càng nhức nhối hơn là số tiền ngân sách xin về để xây dựng những công trình không hiệu quả, những dự án thua lỗ kéo dài. “Nhiều địa phương đã xây tượng đài trên một quảng trường quy mô lớn hàng ngàn tỉ đồng bằng ngân sách xin trung ương trợ cấp, trong khi dân thì nghèo” - ông Trực nói.
 
Ông Trực cũng cho rằng rất nhiều vụ việc tương tự Vinashines, Vinalines... đã diễn ra từ hàng chục năm nay mới được hé lộ. “Và chắc chắn còn nhiều việc như thế nữa chưa được phát hiện hoặc chưa được công bố, nhưng uy tín của “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo của nền kinh tế” đã không bảo vệ được” - ông Trực nói.
 
Còn ở TP.HCM, ông Trực cho rằng cũng không ít những cán bộ vô cảm với dân. “Vụ một cán bộ vòi tiền doanh nghiệp để được cấp giấy phép, vụ không cho mở quán Xin Chào ở Bình Chánh, vụ hủy bỏ hàng chục tỉ đồng thuốc đặc trị đắt tiền do nhiều công đoạn xin phép nhập hàng kéo dài đến khi thuốc hết hạn sử dụng” - ông Trực điểm một số vụ việc.
 
Nguyên nhân cán bộ, đảng viên, công chức thiếu trách nhiệm thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, ông Trực cho rằng là do nhận thức, kém hiểu biết về vai trò trách nhiệm về “Nhà nước quản lý” và “nhân dân làm chủ”. Trong nhiều trường hợp, khi đặt bút ký duyệt thu hồi đất, người cán bộ chức quyền tự xem mình là chủ chứ không phải là người quản lý, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, dư luận xã hội bất bình.
 
“Ở Đà Nẵng hiện đang tranh luận việc phát triển du lịch phá hoại bán đảo Sơn Trà. Nhiều đồng chí lãnh đạo xem Sơn Trà là thuộc sở hữu của chính quyền Đà Nẵng, mà quên rằng đó là mảnh đất của quốc gia Việt Nam, không thể sử dụng tùy thích, không thể chỉ quan tâm kinh tế, còn hệ sinh thái Sơn Trà, môi trường thiên nhiên và vị trí đặc biệt của Sơn Trà thì không gì bù đắp nổi nếu đã trót bị hủy hoại” - ông Trực nói.
 
Ông Trực cũng cho rằng còn có nguyên nhân từ việc nhiều cán bộ thiếu tấm lòng vì nước, vì dân. Nhiều cán bộ chưa được rèn luyện nghiêm túc, đúng mức, chưa từng nắm quyền lực, nay có quyền hành trong tay cảm thấy choáng ngộp, dễ bị hám lợi, hám danh, làm điều sai trái.
 
Trong nhiều biện pháp đưa ra, ông Trực cho rằng cần phải xây dựng cơ chế tổ chức, bố trí, tuyển dụng, sử dụng, đề bạt cán bộ công khai, minh bạch, dân chủ, dựa trên những tiêu chí chọn người có phẩm chất tốt, có năng lực và bản lĩnh, có tâm huyết vì nước vì dân, trung trực, trách nhiệm, chí công vô tư.
 
Ông Trực cũng đề xuất Thành ủy TP.HCM nên tập trung làm trong sạch nội bộ bằng cách chuẩn hóa nội bộ, mạnh dạn loại ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất.
 
Theo PLO