Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội từ chức 'vì tự trọng' (BBC)
Trong 5 năm tôi làm Chủ tịch hội, không hề có một
văn bản nào bắt tôi phải giải trình bất kỳ một hoạt động nào, cũng
không hề có một sự kiểm điểm nào. Nhưng tôi có thể là đối tượng người
ta nghi kỵ, dè chừng vì quan điểm học thuật của tôi, sự dấn thân của
tôi ví dụ như xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây rối ở Biển
Đông.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân
Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, Chủ tịch
Hội Nhà Văn Hà Nội vừa tuyên bố từ chức hôm 13/6 vì "lòng tự trọng và
trách nhiệm".
Trả lời BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà
Nội, ông Nguyên cho hay nguyên nhân chính là do "lãnh đạo thành phố Hà
Nội không muốn tôi tiếp tục làm chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, không
muốn tôi tiếp tục tham gia ban lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội nữa".
Ông
khẳng định ông không gửi đơn xin từ chức mà là tuyên bố từ chức đơn
phương. "Tôi cảm thấy là "game over" - cuộc chơi đã kết thúc," ông
Nguyên nói.
Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội khóa 11
(2011-2015). Do việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 12 của Hội Nhà Văn Hà
Nội bị trì hoãn từ năm 2015, nên ông Nguyên vẫn tiếp tục giữ chức chủ
tịch cho tới giờ.
Ông Nguyên cho rằng lý do Đại hội Hội Nhà văn
Hà nội đến nay vẫn chưa tổ chức được là vì "Thành phố Hà Nội chưa tìm
được phương án nào tốt nhất để loại trừ tôi".
'Chia rẽ sâu sắc'
Ông Nguyên cho BBC hay trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội có sự chia rẽ sâu sắc.
"Trong
ban chấp hành có 5 người thì đều hoàn toàn không ủng hộ tôi. Không
biết họ có nhận được chỉ đạo của cấp trên không, nhưng gần như là họ xổ
toẹt tất cả công lao hoạt động của tôi với cương vị chủ tịch hội
trong 5 năm."
Theo ông Nguyên, trong ban chấp hành đã có sự đấu
tranh quan điểm rất gay gắt nhưng cũng không đạt được sự đồng thuận.
"Và tôi thấy cái sự bất đồng quan điểm sâu sắc như vậy nó cũng phản ánh
ý muốn của lãnh đạo thành phố," ông Nguyên nhận định.
"Lòng tự trọng của tôi, vì trách nhiệm của tôi, tôi thấy tốt nhất là nên rút khỏi cuộc chơi này."
Bình
luận về việc Đại hội của Hội Nhà Văn Hà Nội đã bị chậm tổ chức 1
năm rưỡi nay, ông Nguyên nói: "Các hội khác làm hồ sơ lên, kể cả vấn đề
chuẩn bị dân sự đều được thông qua một cách đơn giản và dễ dàng. Nhưng
riêng với Hội Nhà văn Hà Nội thì bị nâng lên đặt xuống".
Vì sao không ủng hộ?
Trả
lời câu hỏi vì sao lãnh đạo thành phố lại không ủng hộ ông, ông Nguyên
nói "từ trước đến nay tôi vẫn là một đối tượng bị họ e ngại và dè
chừng, mặc dù tôi vẫn là công dân tự do tôi vẫn là Đảng viên với 35
tuổi Đảng và là cán bộ của Viện Văn học."
"Trong 5 năm tôi làm Chủ tịch hội, không hề có một
văn bản nào bắt tôi phải giải trình bất kỳ một hoạt động nào, cũng
không hề có một sự kiểm điểm nào. Nhưng tôi có thể là đối tượng người
ta nghi kỵ, dè chừng vì quan điểm học thuật của tôi, sự dấn thân của
tôi ví dụ như xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây rối ở Biển
Đông.
"Những chuyện ấy lãnh đạo họ không ưa, nhất là ở một người ở vị trí lãnh đạo Hội Nhà văn như tôi," ông Nguyên nói.
"Khi
tôi được bầu làm chủ tịch Hội Nhà Văn khóa VI, nhiều người cũng nói đó
là sự 'để xổng' của họ, chứ một người như tôi mà lên vị trí ấy là
không được. Nên bây giờ tôi hết nhiệm kỳ, họ tìm cách loại trừ tôi. Và
họ biết rằng tín nhiệm của tôi trong hội viên là cao, nên họ lo ngại
khi ra đại hội là có thể tôi được số phiếu cao."
Ông Nguyên cho
biết sau khi từ chức, ông sẽ không tham gia các hoạt động của Hội Nhà
Văn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội và Ban chấp hành hai
Hội.
Tuy nhiên ông sẽ vẫn tiếp tục hoạt động văn học vì ông là nhà lý luận phê bình và dịch thuật.
"Tôi sẽ vẫn tham gia đời sống văn học vì đó là nghề của tôi," nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết.