Về huyền thoại Hồ Chí Minh (Nguyễn Gia Kiểng)
Nhưng dù Hồ Chí Minh có thế nào đi nữa, dù ông có công hay có tội,
thì ông cũng vẫn là một con người và vẫn phải được hưởng quyền
tối thiểu của một người chết, nghĩa là được yên nghỉ. Việc đem xác một
người đã chết trưng bày ở giữa một công trường, dù là trong
một lăng đồ sộ và trong một lồng kiếng, là một hành động dã man theo văn
hóa Việt Nam. Không một người Việt Nam nào có thể bị đối
xử như thế. Hồ Chí Minh đã bị sử dụng như một dụng cụ tuyên truyền. Đã
đến lúc ông có quyền được an táng một cách văn minh.
Đài "Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại" phỏng vấn tôi về ông Hồ Chí Minh
nhân ngày sinh thứ 104 của ông. Sau nhiều tài liệu của các
nhà nghiên cứu, đài này muốn cho thính giả nghe quan điểm của một người
hoạt động chính trị về một nhân vật chính trị. Câu hỏi đầu
tiên của ký giả Hồng Phúc làm tôi bối rối: "Xin ông cho thính giả biết
những nét chính về nhân vật Hồ Chí Minh". Nét đậm đầu tiên
của ông Hồ Chí Minh là ông là một người lý lịch không rõ rệt.
Ngay cả ngày sinh của ông, 19-5-1890, mà Đảng Cộng Sản Việt Nam dùng
làm một ngày lễ, cũng không có gì chắc chắn. Ở những dịp khác
nhau, chính ông Hồ Chí Minh đã khai những ngày sinh khác nhau, mặc dầu
không có nhu cầu phải giấu giếm. Thí dụ như khi nộp đơn xin
học Trường Thuộc Địa Pháp, ông khai là sinh năm 1892; sau đó ít lâu,
trong hồ sơ gia nhập Hội Tam Điểm (Free Mason, Franc Maçonnerie)
ông khai ngày sinh là 15-2-1895. Cho đến một ngày rất gần đây mọi người
vẫn đinh ninh rằng ông họ Nguyễn, tên Nguyễn Tất Thành, sau
đổi thành Nguyễn Sinh Cung, con ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Thế rồi sử
gia Trần Quốc Vượng đưa ra một giả thuyết mới theo đó ông
thực sự họ Hồ, cháu nội ông Hồ Sĩ Tạo, và đã chỉ cho mang họ Nguyễn sau
một thảm kịch gia đình: bà nội ông đã có thai với ông Hồ Sĩ
Tạo dù ông này đã có vợ con, gia đình bà đã phải đem gả bà cho một ông
đồ già họ Nguyễn, vì thế thân phụ ông đã mang tên Nguyễn Sinh
Huy. Trần Quốc Vượng đưa ra những chứng cứ và biện luận khó phản bác.
Hồ Chí Minh đã sống thời niên thiếu như thế nào tại Việt Nam, đã làm
gì tại Pháp và tại Nga, đã có thành tích và trách nhiệm nào
trước và trong thời gian làm chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa?
Ngay cả những tài liệu về Hồ Chí Minh do những người cộng sản
kỳ cựu gần gũi với ông viết ra cũng đã mâu thuẫn.
Chính Hồ Chí Minh cũng đóng góp tích cực vào việc gây hoang mang và
lẫn lộn về tiểu sử của ông. Ông dùng những bí danh T. Lan và
Trần Dân Tiên để viết về mình một cách mơ hồ. Trong cuốn "Những mẩu
chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch", ông Trần Dân Tiên, tức
Hồ Chí Minh, thuật lại cảm giác bồn chồn sung sướng khi được "Hồ chủ
tịch" tiếp và được ông Hồ Chí Minh trả lời như sau khi ngỏ ý
muốn viết tiểu sử của ông: "Tiểu sử? Đấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện
nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói
khổ". Câu chuyện này chứng tỏ Hồ Chí Minh là một người giả dối muốn đánh
bóng tiểu sử của chính mình; đó là tâm lý của những người
trong thâm tâm không hãnh diện về mình. Điều đáng ghi nhận là mặc dù đã
bỏ ra rất nhiều thời giờ và công sức và dùng tới hai bút hiệu
để viết về chính mình, một việc có lẽ chưa một nhà chính trị nào làm,
nhưng cả hai hồi ký của ông Hồ Chí Minh đều không có một giá
trị lịch sử hay chính trị nào cả, bởi vì chúng không đóng góp giải thích
một sự kiện lịch sử nào mà chỉ là những mẩu chuyện nhắm mục
đích ca tụng ông Hồ Chí Minh như một người tốt, tài giỏi, dũng cảm, có
chí lớn, có quyết tâm, đáng ngưỡng mộ v.v. Hồ Chí Minh hoàn
toàn không hiểu ý nghĩa và hậu quả của những biến cố lớn của một giai
đoạn lịch sử trọng đại, trong đó ông là nhân vật chính; ông
chỉ chú trong đến những chuyện vụn vặt về cá nhân mình. Đây là một điều
đáng buồn cho cả ông Hồ Chí Minh lẫn dân tộc Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã phá mọi kỷ lục Việt Nam về tiểu sử. Số sách và bài
viết về ông đã gấp hàng trăm lần bất cứ nhân vật lịch sử Việt
Nam nào. Tuy vậy bí ẩn về ông vẫn còn nguyên vẹn. Bài này vì vậy không
phải là một đóng góp thêm về tiểu sử ông Hồ Chí Minh mà chỉ
có mục đích nhận diện một trong những huyền thoại nền tảng của Đảng Cộng
Sản Việt Nam và chế độ cộng sản Việt Nam.
Có một số dữ kiện mà mọi người có thể đồng ý. Ông sinh vào khoảng
1890-1895 tại Nghệ An, mồ côi mẹ rất sớm, cha đậu phó bảng, làm
quan đến chức tri huyện nhưng vì say rượu đánh chết người nên mất chức,
bị tù, rồi lưu lạc vào Nam chết trong cô đơn và nghèo khổ.
Hồ Chí Minh học hết tiểu học, đang học trường Quốc Học tại Huế thì phải
bỏ học vì cha bị mất chức. Ông sống vất vưởng ở trong Nam,
đặc biệt tại Sài Gòn vài năm, rồi đi làm phụ bếp trên một tàu buôn và
tới Pháp năm 1911. Tại đây ông làm đơn xin vào học Trường Thuộc
Địa, một trường đào tạo công chức cho chế độ thuộc địa Pháp ở Nantes,
nhưng bị từ chối. Ông lên Paris sinh sống bằng nghề tô ảnh,
gặp một số trí thức có tinh thần quốc gia trong đó có Phan Chu Trinh,
Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và hợp tác với họ.
Ông gia
nhập Đệ Nhị Quốc Tế, rồi Đảng Cộng Sản Pháp, và được gửi đi Nga huấn
luyện năm 1923. Cuối năm 1924 ông được cử làm thông ngôn cho
phái đoàn Nga tại Trung Quốc do Borodin cầm đầu; do biến cố này mà sự
nghiệp chính trị của ông trở thành gắn bó với Việt Nam. Ông
trở thành đại biểu Đông Dương tại Đệ Tam Quốc Tế, đóng vai trò then chốt
trong việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam và trở thành
lãnh tụ số 1 của đảng này từ khi thế chiến II bùng nổ. Ông lãnh đạo cuộc
Cách Mạng Tháng 8, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp và chống
chính quyền Bảo Đại do Pháp yểm trợ, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên
Phủ và hiệp định Genève. Ông mất năm 1969, giữa lúc cuộc
chiến tranh Nam Bắc đạt đến mức độ gây cấn nhất. Về đời tư ông có khá
nhiều người tình và cũng đã có vợ, có con, nhưng ông giấu nhẹm
những chuyện này. Một trong những người phụ nữ này là cô Nông Thị Xuân,
có con với ông, đã chết trong một trường hợp bí ẩn, thân nhân
quả quyết là đã bị thủ tiêu. Những sự kiện này được mọi nhà nghiên cứu
nhìn nhận và cũng chưa hề bị Đảng Cộng Sản Việt Nam bác bỏ.
Đảng Cộng Sản Việt Nam và chế độ cộng sản Việt Nam đặt nền tảng trên
ba huyền thoại: chủ nghĩa cộng sản chủ trương giải phóng giai
cấp vô sản và thiết lập một thế giới công bằng lý tưởng; cuộc chiến đấu
oanh liệt thắng Pháp, thắng Mỹ đem lại độc lập và thống nhất
đất nước; và thần tượng Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng lớn, một nhà chính
trị lỗi lạc, một mẫu mực về đạo đức, đồng thời cũng là một
người giản dị, khắc khổ chỉ sống cho đất nước.
Mỗi huyền thoại có một công dụng riêng. Chủ nghĩa cộng sản là một cứu
cánh, một biện minh sau cùng cho mọi hành động. Chiến công
giành độc lập, thắng ngoại bang cho Đảng Cộng Sản Việt Nam một sự chính
đáng lịch sử và, quan trọng hơn, tiêu biểu cho dụng cụ bạo
lực sẵn sàng đập tan mọi chống đối. Thần tượng Hồ Chí Minh là đối tượng
để ngưỡng mộ và kính phục và đem lại cho đảng sự chính đáng
về mặt đạo đức. Ngày nay lý tưởng cộng sản không những đã sụp đổ mà còn
bị lố bịch hóa. Nó chỉ được duy trì qua loa như vòng phòng
thủ bên ngoài. Còn lại cặp bài trùng cố hữu và bắt buộc của mọi quyền
lực: bạo lực và đạo đức. Bạo lực để đập tan mọi chống đối, đạo
đức để đừng bị chống đối. Đảng cộng sản dùng bạo lực để áp đặt sự tôn
sùng Hồ Chí Minh, ngược lại sự tôn sùng thần tượng Hồ Chí Minh,
biểu tượng của đảng, có tác dụng triệt tiêu ý muốn chống đối và do đó
cho phép tiết kiệm việc sử dụng bạo lực. Nếu một trong hai thành
tố này không còn thì chế độ cộng sản không thể tiếp tục tồn tại.
Vậy thì Hồ Chí Minh là nhân vật như thế nào?
Một tranh cãi quen thuộc là Hồ Chí Minh có phải là một người yêu nước
và nhân bản hay không? Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra là vì
Đảng Cộng Sản Việt Nam đề cao ông như là chân dung của lòng yêu nước và
đức hạnh, nhưng đây là một tranh cãi phiến diện. Yêu nước
là tình cảm tự nhiên của mọi người và ngay cả những kẻ phản quốc cũng
yêu nước. Sự quyến luyến với phần đất mà mình sinh ra và lớn
lên nằm trong phản xạ của mọi động vật, không cứ gì loài người. Vậy thì
ông Hồ Chí Minh chắc chắn là có yêu nước. Cũng thế, những
giá trị nhân bản có sẵn trong mọi người. Ngay cả những kẻ gian ác nhất
cũng ưa chuộng sự lương thiện, sự thủy chung và lòng bao dung.
Con người đã được cấu tạo như thế. Vấn đề thực sự đặt ra là trong hoàn
cảnh khó khăn và trước hiểm nguy, lòng yêu nước và các giá
trị đạo đức như tình bạn, tình yêu có trọng lượng nào?
Hồ Chí Minh đã thẳng tay thủ tiêu các lực lượng chính trị, dù là cộng
sản đệ tứ, hay Đại Việt, hay Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ông
thừa biết là họ rất yêu nước, nhưng họ không thuộc đảng cộng sản của ông
và do đó sự hiện hữu của họ đe dọa độc quyền lãnh đạo của
ông.
Hồ Chí Minh biết bà Nguyễn Thị Năm là người vô tội, hơn thế còn là
người tốt, đã giúp đỡ nhiều cho đảng cộng sản và có con trai
đang là trung đoàn trưởng quân đội cộng sản. Ông quí bà Năm, nhưng khi
cố vấn Trung Quốc cho biết là không thể thay đổi quyết định
xử bắn bà để thị uy vì tất cả mọi nghi thức đã sắp xếp xong rồi thì ông
im mồm và để cho bà Năm bị bắn. Sau này, trong các vụ Nhân
Văn - Giai Phẩm và "xét lại chống đảng" ông cũng để mặc cho các cộng sự
viên gần gũi bị bách hại oan ức. Ông bỏ rơi bà vợ chính thức
Tăng Tuyết Minh để giữ hình ảnh một lãnh tụ thánh thiện chỉ sống cho đất
nước và lấy đất nước làm gia đình. Cũng vì hình ảnh này mà
ông hoặc đã ra lệnh hoặc đã chấp nhận thủ tiêu cô Nông Thị Xuân và bỏ
rơi người con của ông với cô này. Có rất nhiều khả năng là chính
ông đã quyết định tội ác này bởi vì ông quan tâm một cách bệnh hoạn đến
hình ảnh của mình, ông đã dùng cả hai bí danh để viết sách
tự đánh bóng mình. Một người không mắc bệnh tâm thần không thể làm như
thế. Tóm lại, khi đứng trước khó khăn thì lòng yêu nước, những
giá trị đạo đức, cũng như danh dự và an ninh của những người thân thiết
với ông không có một trọng lượng nào đối với Hồ Chí Minh cả,
ông có thể nhẫn tâm một cách đáng sợ.
Ông Hồ Chí Minh thiếu hẳn những kiến thức cần thiết mà mọi người lãnh
đạo quốc gia, ngay cả trong thời đại của ông, phải có. Ông
hoàn toàn không biết gì về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, luật
pháp, và ngay cả về nông nghiệp. Trong cuốn sách "Mấy kinh
nghiệm Trung Quốc cần phải học" mà ông viết dưới bút hiệu Trần Lực (nhà
xuất bản Sự Thật, 1958, tr. 41), ông tin và kêu gọi mọi người
tin là một mẫu lúa tại Trung Quốc có thể đạt được 333 tấn lúa mỗi năm.
Những phát biểu của ông, dù là bài viết hay bài nói, không
chứng tỏ một sự hiểu biết nào, dù sơ sài đến đâu, về lịch sử thế giới và
tư tưởng chính trị. Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam đề cao ông
như một nhà tư tưởng là cả một xúc phạm đối với trí tuệ.
Không phải là Hồ Chí Minh không có tài, nhưng cái tài của ông ở chỗ
khác. Ông lặn lộn và từng trải, học được nhiều bài học thực
dụng. Ông sống một thời niên thiếu bi đát, một tuổi thanh niên chật vật,
được hoàn cảnh đưa đẩy đến những hoạt động phiêu lưu nguy
hiểm, được huấn luyện để làm gián điệp tại Nga và đã hoạt động tình báo
thực sự với cả Nga, Trung Quốc lẫn Mỹ và Pháp trong bối cảnh
chiến tranh và khủng bố. Có thể nói ông là người Việt Nam đầu tiên trong
thế kỷ 20 có huấn luyện và kinh nghiệm trong các tổ chức
quốc tế. Cuộc sống đó đã tạo cho ông một bản năng sống còn đặc biệt bén
nhậy và đã khiến ông hạ được các đối thủ, trong cũng như ngoài
đảng cộng sản, nhưng mặt khác cũng đã khiến ông đặt an ninh, địa vị và
danh tiếng cá nhân lên trên hết, và ông trở thành nguy hiểm
cho mọi người vô tình hay cố ý trở thành một đe dọa thực sự hay tưởng
tượng đối với ông.
Quãng đời đấu tranh chống chế độ thuộc địa của ông ngay trên đất Pháp
trong thời gian 1915-1923, thường được Đảng Cộng Sản Việt
Nam nhắc tới như một thiên anh hùng ca. Hai sự kiện nói lên con người Hồ
Chí Minh. Ông rất ít nhắc tới những đồng chí của ông trong
giai đoạn này, như các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế
Truyền đã hướng dẫn ông, nhất là Nguyễn Thế Truyền, người bạn
thân đã đem ông vào Đảng Cộng Sản Pháp. Ông giành mọi thành tích của
nhóm này cho riêng mình. Một sự kiện khác là ông đã tham gia
hội Tam Điểm. Đây là một hội kín mà theo một số tài liệu đã xuất hiện từ
thế kỷ thứ 10 và có thế lực lớn tại các nước phương Tây,
kể cả tại Pháp. Hội này có đặc tính nổi bật là các hội viên che chở cho
nhau, mặt khác nó cũng chống chính sách thực dân. Tam Điểm
có vô số nhân vật đầy quyền lực cho nên khi ra mặt đả kích chế độ thực
dân tại Pháp Hồ Chí Minh đã được bảo vệ. Nhưng Tam Điểm mâu
thuẫn với Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản nên từ 1920 các đảng viên cộng sản bị
cấm gia nhập hội này. Hồ Chí Minh đã chọn Đệ Tam Quốc Tế vì
phong trào này cho ông một triển vọng thăng tiến lớn. Ông lặng lẽ bỏ hội
Tam Điểm như một thành viên bị mất tích và cũng không khai
báo gì với Đệ Tam Quốc Tế. Hồ Chí Minh đi hai hàng, Tam Điểm không biết
ông là cộng sản, ngược lại Đệ Tam Quốc Tế cũng không biết
ông là hội viên Tam Điểm. Sau Cách Mạng Tháng 8, những người hoạt động
chính trị tại Việt Nam và thuộc hội Tam Điểm, do đó có khả
năng biết Hồ Chí Minh cũng thuộc hội này, như Tạ Thu Thâu, Bùi Quang
Chiêu, Dương Văn Giáo, v.v. đều bị thủ tiêu nhanh chóng. Ngoài
ra còn có một đợt tàn sát khó hiểu đối với chức sắc Cao Đài, một biến
thể của hội Tam Điểm tại Việt Nam, mà Nguyễn Hộ có kể lại trong
hồi ký của ông. Sự tàn sát này phải chăng có mục đích khiến không ai ngờ
rằng Hồ Chí Minh có một liên hệ nào với Tam Điểm? Điều chắc
chắn là cho tới khi ông qua đời không ai biết Hồ Chí Minh đã thuộc hội
này. Sự thực mới chỉ được phơi bày gần đây.
Cái gì đã khiến Hồ Chí Minh thành công? Có lẽ lý do chính là ông đã
được huấn luyện tại Nga trong bối cảnh khủng bố của các thập
niên 1920 và 1930 nên đã hiểu được bí quyết thành công của Đảng Cộng Sản
Nga và hiệu lực của khủng bố. Đừng nên quên rằng cuộc cách
mạng lật đổ Nga hoàng đã xảy ra vào tháng 2-1917, trong đó đảng cộng sản
chỉ có một vai trò không đáng kể. Cách Mạng Tháng 10 Nga
chỉ là cuộc đảo chính của đảng cộng sản sau khi đã nắm được thế thượng
phong nhờ khủng bố. Hồ Chí Minh đã được huấn luyện về khủng
bố và đã áp dụng khủng bố một cách thẳng tay. Cách Mạng Tháng 8 đã khởi
đầu với sự thủ tiêu hàng loạt các "phần tử phản động". Cuộc
chiến tranh 1946-1954 đã là một giai đoạn khủng bố kinh hoàng. Đặc tính
lãnh tụ khủng bố của Hồ Chí Minh cho đến nay chưa được nhấn
mạnh đúng mức. Hồ Chí Minh sử dụng khủng bố ngay cả khi không cần thiết
như trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm và nhất là trong đợt Cải
Cách Ruộng Đất năm 1955, trong đó hàng trăm ngàn người đã bị sát hại.
Không thể đổ lỗi cho Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Hồ Viết
Thắng vì lúc đó Hồ Chí Minh còn nắm mọi quyền hành. Cũng nên nhớ là mãi
tới năm 1958, ba năm sau khi Cải Cách Ruộng Đất đã được nhìn
nhận là một sai lầm đẫm máu, Hồ Chí Minh vẫn còn cho xuất bản cuốn sách
mà ông viết dưới bút hiệu Trần Lực ca tụng cải cách ruộng
đất tại Trung Quốc, khuôn mẫu của đợt cải cách ruộng đất tại Việt Nam.
Hồ Chí Minh chắc chắn là có tài, nhưng là cái tài của một chuyên viên
sách động, khủng bố, lật đổ và cướp chính quyền, chứ không
phải là cái tài của một người lãnh đạo quốc gia.
Còn về con người Hồ Chí Minh? Có thể tóm tắt ông đã là một đứa trẻ
không may, không được nuôi nấng và dạy dỗ trong tình yêu và
hạnh phúc, mất mẹ sớm lại phải chịu đựng một ông bố nghiện ngập và hung
dữ. Gia đình ông đã là một thảm kịch và ông đã phải bỏ học
và lăn lộn với đời rất sớm. Mỗi thảm kịch trong tuổi thơ đều để lại một
thương tích trong con người và Hồ Chí Minh cũng không phải
là một ngoại lệ. Ông đã bị chấn thương về tâm thần. Có lẽ chính thảm
kịch gia đình, mà theo Trần Quốc Vượng đã bắt đầu ngay từ bà
nội ông nhưng chắc chắn là đã trầm trọng từ đời thân phụ ông, đã khiến
Hồ Chí Minh không có tình cảm gia đình. Tất cả những tài liệu
do những người gần gũi với ông viết ra đều không bao giờ thuật lại một
lần nào Hồ Chí Minh nhắc đến cha mẹ, anh em, ngày giỗ v.v.
Đặc biệt không coi trọng phụ nữ, dù là bà Tăng Tuyết Minh hay cô Nông
Thị Xuân hay những người đàn bà khác. Trong cuộc đời ông không
có những người đàn bà sung sướng và được quí trọng. Chị ông, mẹ ông và
có lẽ cả bà nội ông, đã chỉ là những người sinh ra để làm nạn
nhân. Thảm kịch cá nhân của Hồ Chí Minh đã biến ông thành một người mưu
lược, khéo léo, nhưng vô nguyên tắc và không bị trói buộc
bởi một giá trị nào.
Hồ Chí Minh có công hay có tội? Đó là một vấn đề sẽ còn tranh cãi rất
nhiều và rất lâu. Nhưng nếu ta đặt câu hỏi một cách khác:
"Nếu không có Hồ Chí Minh và đảng cộng sản thì Việt Nam sẽ khá hơn hay
sẽ kém hơn hiện nay?" thì chắc chắn tuyệt đại đa số người Việt
sẽ có cùng một câu trả lời. Nói chung Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt
Nam đã là những sự kiện đáng tiếc. Trong cuốn Thời Dựng Đảng
do Đảng Cộng Sản Việt Nam xuất bản, ông Thép Mới viết: "Các thế hệ Việt
Nam sau này sẽ nhớ đến Hồ chủ tịch như là người đã có công
đem chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam". Nhận định này đúng, và giải
thích lý do tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn cố gượng gạo duy
trì trên đầu môi chủ nghĩa Mác - Lênin. Vấn đề là việc đem chủ nghĩa Mác
- Lênin vào Việt Nam có lợi gì?
Nhưng dù Hồ Chí Minh có thế nào đi nữa, dù ông có công hay có tội,
thì ông cũng vẫn là một con người và vẫn phải được hưởng quyền
tối thiểu của một người chết, nghĩa là được yên nghỉ. Việc đem xác một
người đã chết trưng bày ở giữa một công trường, dù là trong
một lăng đồ sộ và trong một lồng kiếng, là một hành động dã man theo văn
hóa Việt Nam. Không một người Việt Nam nào có thể bị đối
xử như thế. Hồ Chí Minh đã bị sử dụng như một dụng cụ tuyên truyền. Đã
đến lúc ông có quyền được an táng một cách văn minh.
Nguyễn Gia Kiểng
(2004)
(2004)