Nguyễn Thiện Nhân, đi và về cùng những dấu hỏi (Phạm Chí Dũng)

Cuối cùng, chiến dịch tranh đấu giành vị trí đứng đầu TP.HCM dường như đã dẫn đến kết quả mang tính thỏa hiệp: một nhân vật Nam Bộ và trung dung không thuộc phe phái nào như Nguyễn Thiện Nhân lại nghiễm nhiên “buồn ngủ gặp chiếu manh”. 

 
Sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục “đi lên” vào năm 2017 với việc “xuống” địa phương. Nhưng thực chất là một bước thăng tiến.

Sau khi tưởng chừng đã bị an bài cho đến lúc về hưu với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở tận Hà Nội xa lạnh, ông Nhân bất chợt nhận quyết định “về nhà”, kết thúc 11 năm “ra trung ương”.

Mơ ước khôn tận

Có lẽ chức vụ bí thư thành ủy TP.HCM vẫn là mơ ước khôn tận của Nguyễn Thiện Nhân. Mơ ước này còn vượt quá cả vị trí phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục mà một thời ông Nhân đã được sủng ái.

Và có lẽ rời xa một Hà Nội nhung nhúc âm mưu thủ đoạn chính trị, con người không mang tư tưởng tranh đoạt, và thực chất cũng không có đủ bản lĩnh tranh đoạt như ông Nhân, chỉ muốn “về nhà”. Mà lại về Sài Gòn trong một tư thế đẹp nhất trong nhiều tư thế, được ngẩng cao đầu, được trở thành “đầu chuột hơn đuôi voi” như dân gian vẫn ví von.

Với dư luận chung ở Sài Gòn, “phương án Nguyễn Thiện Nhân” có thể được xem như một sự dung hòa có thể chấp nhận được.

Là người có thực hàm, nhưng hơn cả là có thực học nhất trong tổ chức Bộ Chính trị, Nguyễn Thiện Nhân cũng thường được coi là ủy viên bộ chính trị duy nhất có khả năng nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài mà không cần phiên dịch, tuy nhiều lúc ông vẫn cần đến tờ giấy để đọc trước người dân trong nước. Vào năm 2006 khi được đưa từ TP.HCM ra trung ương làm bộ trưởng giáo dục, Nguyễn Thiện Nhân đã được khá nhiều người dân kỳ vọng về triển vọng “đưa trí tuệ vào Bộ Chính trị”.

Nguyễn Thiện Nhân lại thuộc về số ít, có thể là số rất ít, trong giới quan chức cao cấp được dư luận nhìn nhận là “sạch”. Trái ngược với rất nhiều quan lại bị dư luận đàm tiếu và lên án về tài sản cá nhân và hình ảnh tham nhũng “ăn của dân không chừa thứ gì”, ông Nhân chưa hề bị điều tiếng về chuyện tham ô hay nhà cửa. Chỉ đối chiếu ngay tại phạm vi TP.HCM, đức tính này của ông Nhân đã vượt hẳn quá nhiều tai tiếng của hai đời bí thư trước đó là Lê Thanh Hải và Đinh La Thăng. 

Chỉ có điều, chừng đó tố chất trên vẫn là chưa đủ. Chưa đủ để Nguyễn Thiện Nhân được “tập thể Bộ Chính trị”, mà ai cũng hiểu là chính Tổng bí thư Trọng, quyết định điều động “về nhà” làm Bí thư thành ủy TP.HCM.

Phải có nguyên do nào khác. Khác đặc biệt.

“Trung lập” và “Nam Bộ”

Ngay khi Hội nghị trung ương 5 của đảng diễn ra vào đầu tháng 5/2017 cùng xuất hiện tình huống “ai thay thế Đinh La Thăng”, “phương án Nguyễn Thiện Nhân” đã chỉ khá mờ nhạt. Nổi trội hơn hẳn là “phương án Trương Hòa Bình” - người đang giữ chức vụ Phó thủ tướng thường trực và được xem là “được anh Tư đỡ đầu”. “Anh Tư” ở đây là Trương Tấn Sang - cựu chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân vật tuy đã thôi mọi chức vụ nhưng lại được dư luận xem là “cố vấn đặc biệt” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngoài Trương Hòa Bình là ứng viên hàng đầu cho chức bí thư thành ủy TP.HCM, còn có những cái tên khác mà Nguyễn Thiện Nhân phải “xếp hàng” sau: Tô Lâm - Bộ trưởng công an, Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Vào nửa chừng Hội nghị trung ương 5 và là lúc Đinh La Thăng chính thức bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, dư luận còn đồn ầm ĩ về người đàn bà “quá khổ” - Ủy viên bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - sẽ được đưa về thay Đinh La Thăng. Có người còn nói vui: thay Thăng bằng Phóng để quyết tâm đưa Sài Gòn bằng với… Sơn La.

Nhưng rốt cuộc, có tin Trương Hòa Bình “xin rút không về TP.HCM”. Không loại trừ ông Bình mang cao vọng mà đang tính toán đường đi xa hơn, cao hơn chức vụ phó thủ tướng thường trực hiện thời…
Lại không nghe tin tức gì về Tô Lâm vào Sài Gòn…

Cũng rốt cuộc, đã xuất hiện tin tức về phản ứng của nhiều cán bộ lão thành và quan chức đương nhiệm ở Nam Bộ trước việc trung ương cứ khăng khăng điều “người Bắc, có lý luận” để trấn giữ khu vực phía Nam, rằng một Đinh La Thăng đã là quá đủ…

Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng đã không thể thờ ơ trước phản ứng của miền Nam. Nếu lại phát sinh một scandal Đinh La Thăng nữa, uy tín của tổng bí thư trong mắt bàn dân thiên hạ sẽ ra sao?

Ngoài Trương Hòa Bình đã “rút”, chỉ còn Võ Văn Thưởng và Nguyễn Thiện Nhân là “đại diện” cho miền Nam mà có thể dễ được người Nam Bộ chấp nhận.

Đến lúc này, yếu tố “phe phái” mới thực trọng yếu.

Trong lịch sử hoạt động chính trị của mình, Nguyễn Thiện Nhân còn có một đức tính đáng kể khác: ít có dấu hiệu và biểu hiện nào cho thấy ông trực tiếp tham dự vào đấu trường chính trị và trở thành người của các phe nhóm. Nói cách khác, ông Nhân là người tương đối trung lập. Mà trung lập trong tình trạng nhiều đảng viên than thở “đảng nát như tương” cũng đã là “quý”.

Chưa kể một vấn đề khác cũng thuộc về lịch sử: vào thời còn làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Nguyễn Thiện Nhân bị bí thư thành ủy khi đó là Lê Thanh Hải tìm cách cô lập - theo nhiều dư luận. Rất có thể chính vì nguồn cơn đó mà ông Nhân bị “đá” ra trung ương. Do vậy, không thể có chuyện Nguyễn Thiện Nhân, khi đã nghiễm nhiên “vinh quy” về TP.HCM, lại “cùng cánh” với triều đại cựu bí thư họ Lê. 

Cuối cùng, chiến dịch tranh đấu giành vị trí đứng đầu TP.HCM dường như đã dẫn đến kết quả mang tính thỏa hiệp: một nhân vật Nam Bộ và trung dung không thuộc phe phái nào như Nguyễn Thiện Nhân lại nghiễm nhiên “buồn ngủ gặp chiếu manh”. 

Thách thức lớn nhất?

Giờ đây, như thường lệ đối với những nhân vật mới nhậm chức, công luận đang đặt dấu hỏi “thách thức nào cho Tân bí thư Nguyễn Thiện Nhân?”. 

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Thách thức lớn nhất đối với Nguyễn Thiện Nhân chính là bản thân ông.
Để lại phát sinh một câu hỏi khác: Nguyễn Thiện Nhân có năng lực hay không?

Cần nhắc lại, khi được điều ra trung ương để nắm giữ chức bộ trưởng giáo dục vào năm 2007, Nguyễn Thiện Nhân đã được dư luận và báo chí kỳ vọng, cùng một làn sóng ca ngợi ông không mấy kém thua những trường hợp Nguyễn Bá Thanh và Đinh La Thăng sau này.

Khi đó, Nguyễn Thiện Nhân đã trở thành bộ trưởng hiếm hoi dám đưa ra những cam kết như “Sẽ không một sinh viên nào phải bỏ học” và “Đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương”.

Nhưng sau năm 2010 và từ đó đến nay, kết quả lại giống như một cái gương chiếu hậu: sinh viên phải bỏ học do khó khăn gia đình và học phí quá cao, giáo viên ở nhiều vùng sâu phải thoái trường, còn một số học sinh phải tự nuôi thân bằng thịt chuột. Nền giáo dục Việt Nam thời Nguyễn Thiện Nhân đã không hoặc chỉ được cải thiện rất ít, còn sau thời ông thì lao dốc không phanh.

Từ đó đến nay, nhiều tạp chí chuyên ngành danh tiếng quốc tế đã thường xuyên công bố danh sách 400 - 500 trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam hoàn toàn vắng bóng.

Sau năm 2010, tiếng nói của Bộ trưởng Nhân chỉ còn rơi rớt.

Bệnh nói nhiều làm ít còn có thể được châm chước vào thời Nguyễn Thiện Nhân còn ở TP.HCM, khi ông bị Lê Thanh Hải “siết”. Nhưng khi đã một mình một cõi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí còn lên đến chức Phó thủ tướng, Nguyễn Thiện Nhân đã tự thể hiện mình ra sao để đến mức ông bị điều về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - một cơ quan bị xem là “đầu không tới trời, chân không tới đất”?

Rất nhiều người hâm hộ và ủng hộ ông trước đó đã chuyển sang tâm thái thất vọng. Sau thất vọng là chỉ trích. Ông nói nhiều nhưng lại làm quá ít. Ngay cả những người còn giữ được cái nhìn về một Nguyễn Thiện Nhân “trí thức” và “sạch” cũng đâm ra hoài nghi về năng lực hành động của ông.

Còn giờ đây, “bỗng dưng” trở thành Bí thư thành ủy và nắm vận mạng của thành phố lớn thứ hai quốc gia, Nguyễn Thiện Nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác chính trị và nhân quyền chứ không còn thuần túy như chuyên môn giáo dục trước đây.

Khác hẳn năm 2007 là lúc đảng “còn bạc còn tiền còn đệ tử”, lúc này đây không chỉ “đảng nát như tương” mà đất nước đã nát như cám. Một quan chức sẽ trở thành cái gì nếu não trạng anh ta vẫn chỉ chăm chăm những lời hứa hẹn được lập trình như hồi mười năm trước?

Nếu không khắc phục nhanh nhất những nhược điểm cố hữu trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác tổ chức nhân sự, công tác hậu kiểm và không có được một chút dũng khí để thẳng tay xử lý tiêu cực, Nguyễn Thiện Nhân sẽ có thể ứng xử với Sài Gòn theo cái cách mà ông đã hô hào phong trào “hai không” ở ngành giáo dục nhưng chỉ đạt được kết quả “không không thấy”.

Blog VOA