Kẻ sĩ thời nay (Huy Phương)
Chúng tôi không muốn đặt đến vấn đề chống tham nhũng hay thay đổi phe cánh hiện nay ở Việt Nam, nhưng thấy tình cảnh, người đi, kẻ đến, tư cách "cùng mình" như Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân mà chán ngán sự đời, thương cho kẻ sĩ ngày nay. Cuối cùng chỉ có thằng dân là khốn khổ chịu thiệt !
Các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước đây có câu khẩu hiệu : "Nhìn quân phục biết tư cách" và ở mỗi lối ra cổng đơn vị đều có một tấm gương lớn cho quân nhân soi bóng trước khi rời đơn vị. Các giới chức cao cấp cộng sản thời này không có quân phục, nhưng cứ nhìn thái độ của các vị này mỗi khi có chuyện dao động như đổi ghế, lên xuống vì phe nhóm, thời cuộc thì nhân dân thấy rõ tư cách của các ông này ra sao ?
Dư luận trong mấy tuần qua ồn ào quanh chuyện cái ghế Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Chúng ta cũng biết cái ghế Bí thư này quan trọng như thế nào (bên cạnh đó UBND thành phố là đồ bỏ). Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - là chức vụ đứng đầu Ban chấp hành Đảng bộ Đảng cộng sản tại Sài Gòn. Đây là một trong những chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống chính trị tại Việt Nam, vì vậy Bí thư Thành ủy Sài Gòn theo thông lệ phải có chân trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lâu nay, chiếc ghế Bí thư này là cái bàn đạp được sắp đặt để đưa những nhân vật giữ chức vụ này lên hàng cao cấp hơn. Bằng chứng là trừ những bất trắc phe phái, sau khi giữ chức bí thư, hai người phải về hưu như Võ Trần Chí và Lê Thanh Hải, trong khi một Bí thư thì thành Bộ trưởng Công an (Mai Chí Thọ), hai lên chức Chủ tịch nước (Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang).
Với chức vụ trọng yếu như vậy, lại được giao cho Đinh La Thăng, người bị các sai phạm từ 2009 đến 2015, mà theo báo chí trong nước, gồm thiếu trách nhiệm khi lãnh đạo Hội đồng quản trị Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PViệt Nam), thất thoát vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, mà chủ yếu là do việc góp vốn vào Ngân hàng cổ phần Đại dương (OceanBank), mất 800 tỷ đồng. Đinh La Thăng nhận chức vụ này dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng hai tháng trước khi Dũng ra đi.
Điều đáng nói là thái độ của hai vị, người vừa bị đuổi việc, kẻ mới được lên chức, Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân, thay chỗ Thăng.
Sau khi khen ngợi lấy lệ nhân vật kế vị là Nguyễn Thiện Nhân, Đinh La Thăng cũng gửi lời cảm ơn đến nhân dân, Đảng bộ và chính quyền Sài Gòn theo cung cách xã giao. Đinh La Thăng thú nhận về những sai phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, "tự kiểm điểm", nhận trách nhiệm của người đứng đầu về những khuyết điểm của tập đoàn.
Biết lỗi tày trời ra như thế mà còn dám nhận chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn, và trong hơn một năm với chức vụ này, Đinh La Thăng tỏ ra chủ quan, huyên hoang, và tự phụ. Trong thời gian mới đây, chỉ mới dẹp sạch vài khoảng lòng lề đường, Đinh La Thăng đã vội vã tuyên bố, ít nhất là vùng Quận 1 Sài Gòn, sẽ là một Singapore tương lai. Nhân gian hiện nay có thành ngữ "lạc quan phát ớn" để nói về những trường hợp này.
Nhân ngày "Thầy Thuốc Việt Nam", Đinh La Thăng nói rằng Sài Gòn "sẽ thành lập một tổ chuyên gia đầu ngành y tế để nghiên cứu thành lập đề án phấn đấu để có một đơn vị có thể giành được giải thưởng Nobel về y học trong tương lai", và vội vã kết luận : "Tất cả chúng ta ngồi ở đây sẽ là người quyết định có hay không có giải thưởng Nobel Y Học !" Điên cuồng và say thuốc như thế là cùng.
Nhưng khi biết số phận mình đã tạm thời được giải quyết, ra khỏi Bộ chính trị, về giữ chức Phó Ban kinh tế trung ương, còn tương lai chưa biết ra sao, thì Đinh La Thăng "nhũn như con chi chi", để lộ sự sợ hãi, ca ngợi Đảng hết lời : "Quyết định thi hành kỷ luật của Ban chấp hành trung ương đối với tôi là có lý có tình, thể hiện sự đoàn kết, tập trung, thống nhất cao trong Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương và cũng đã tạo điều kiện để tôi có cơ hội khắc phục, sửa chữa khuyết điểm !"
Thăng cũng cho biết đã xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân, xin lỗi Tổng bí thư, Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương, nói chung là xin lỗi… "cả nhà". Chỉ thấy cách Đinh La Thăng nói lời xin lỗi, cám ơn mà cũng phải chúi đầu vào tờ giấy viết sẵn, thì cũng thấy trình độ "uyên bác" dường nào !
Trong khi đó, Nguyễn Thiện Nhân, người mới, tuy ở trong Bộ chính trị, có văn bằng tốt nghiệp ở Mỹ, Đức, nhưng từng thất bại trong vai trò Bộ trưởng Giáo dục, được giao cho một chức vụ có tính cách nghi lễ vòng ngoài là Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc gần 4 năm nay.
Được đảng cất nhắc vào chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Nguyễn Thiện Nhân như người chết đi sống lại. Cái cách Nhân nhận chức mới nó phản ánh "phong cách trí thức" của thời này ở Việt Nam. Việc trước tiên cần làm là tỏ lòng trung thành với Đảng, là hương đèn khấn vái trước bàn thờ Hồ Chí Minh. Cử chỉ này bình dân, không khác chi người mới trúng số đề, van vái trước bàn thờ Ông Địa và xin cúng tạ một nải chuối hay ra khấn khứa mấy ông Táo dưới gốc cây đa đầu làng. Chưa lúc nào thứ văn hóa khấn vái, sì sụp, xin xỏ lại thịnh hành như hiện nay.
Chúng tôi không muốn đặt đến vấn đề chống tham nhũng hay thay đổi phe cánh hiện nay ở Việt Nam, nhưng thấy tình cảnh, người đi, kẻ đến, tư cách "cùng mình" như Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân mà chán ngán sự đời, thương cho kẻ sĩ ngày nay. Cuối cùng chỉ có thằng dân là khốn khổ chịu thiệt !