Đảng đối thoại với ai, về những gì? (VOA)
“Thứ nhất phải giải quyết cơ bản, nhanh chóng vấn đề tù nhân lương
tâm. Chỉ có cái đó mới tạo được lòng tin cho giới trí thức thực sự ngồi
vào bàn đối thoại. Thứ hai, tất cả những thủ đoạn không lành mạnh của an
ninh lâu nay đối với anh em trí thức thì cũng phải hủy bỏ ngay. Nó sẽ
tạo ra niềm tin ban đầu. Rồi ta mới bàn tới tiếp về quản lý kinh tế, thể
chế kinh tế. Xong bắt đầu mới sang chuyện xã hội, rồi thể chế chính
trị, tiến đến có thể là tôn trọng đa nguyên chính trị”.
Người đứng đầu bộ máy tuyên giáo Việt Nam tuần trước nói đảng cộng
sản “không sợ đối thoại”. Phát biểu này đã gây nhiều bàn tán trong công
chúng Việt Nam. Nhiều người đặt vấn đề rằng bước tiếp theo đảng sẽ đối
thoại với ai và về những gì.
Tại một hội nghị hôm 18/5, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo
Trung ương, nói đảng sẽ “đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan
điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng”.
Ông Thưởng cho biết thêm việc tổ chức đối thoại ra sao “đang chờ Ban
Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn”. Theo ông, cần có quy định rõ
ràng để “từng cấp từng ngành từng cơ sở từng đơn vị xác định rõ trách
nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại”. Ông nói đang
cố gắng để Ban Bí thư “thông qua vấn đề này trong thời gian tới”.
Nhấn mạnh đây là vấn đề “rất quan trọng”, vị trưởng ban tuyên giáo
khẳng định “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự
phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải
dựa trên sự cọ xát và tranh luận”.
Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo ở Nha Trang đánh giá phát biểu của ông
Thưởng là một “thông điệp tốt” và có phần “gây bất ngờ” đối với nhiều
người. Song ông Tạo, người có nhiều bài phản biện chính trị, xã hội trên
mạng internet, cũng chỉ ra rằng những lời của ông Thưởng không phải là
một sự đột phá mà là bước đi tiếp theo từ một điều trong nghị quyết của
Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 của đảng cộng sản hồi tháng 10 năm ngoái.
Sau khi báo chí nhà nước tường thuật về phát ngôn của vị trưởng ban
tuyên giáo, nhiều người trong giới hoạt động vì tự do, dân chủ ở Việt
Nam tỏ ý nghi ngờ. Một số người so sánh với chiêu “dụ rắn ra khỏi hang”
của Trung Quốc thời giữa những năm 1950 để đàn áp trí thức. Một số khác
cho rằng tuyên bố của ông Thưởng là một “trò đối phó” ngay trước vòng
đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ ở Hà Nội.
Chia sẻ suy nghĩ của ông Tạo, tiến sĩ Việt kiều Áo Đặng Hoàng Giang
bày tỏ hy vọng phát ngôn của ông Thưởng sẽ mở ra giai đoạn mới trong đó
đảng cộng sản “thực sự cầu thị, lắng nghe” người dân, các chuyên gia,
các tổ chức xã hội dân sự, báo chí và kể cả mạng xã hội.
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều cá nhân, hội nhóm lâu nay lên tiếng chỉ
trích, phản biện – đôi khi rất gay gắt – về nhiều vấn đề, chính sách
khác nhau của đảng và chính phủ, từ môi trường cho đến tham nhũng, từ
giáo dục cho đến chính trị, đối ngoại. Đảng sẽ đối thoại với những ai
trước tiên trong các cá nhân, tổ chức này, cựu nhà báo Võ Văn Tạo nhận
định:
“Chắc chắn là chuyện đối thoại thì họ cũng nhằm vào trí thức phản
biện thôi chứ không phải mọi tầng lớp khác. Bởi vì trí thức thường đưa
ra những ý kiến đóng góp liên quan đến những vấn đề rất là quan trọng
của đất nước, quốc kế dân sinh, thể chế chính trị, dân chủ, tự do, v.v…,
những vấn đề chiến lược của đất nước”.
Tiến sĩ Giang, hiện sống ở Việt Nam và là tác giả của nhiều sách và
bài báo phản biện xã hội, cũng cho rằng trong số nhiều kênh đối thoại,
các trí thức, các chuyên gia chắc chắn là “kênh cần thiết, hiệu quả”.
Ông Giang nói:
“Tôi hy vọng là trí thức sẽ có mặt nhiều hơn trong những ban tư vấn,
trong những hội nghị, hội thảo khác nhau trong đó có sự có mặt của đảng
và chính quyền, bởi vì chính quyền và đảng ở Việt Nam thì tuy hai mà
một. Từ trước đến nay thì tôi cũng chưa nhìn thấy vai trò của các nhà
khoa học. Kể cả trong chuyện đưa ra một chiến lược phát triển, hay một
dự án đầu tư, hay một kế hoạch tổng thể nào đấy thì thiếu vắng những
tiếng nói của các nhà khoa học”.
Về chủ đề đối thoại, vị tiến sĩ Việt kiều cho rằng không nên có “vùng
cấm”, kể cả đề tài đa nguyên, đa đảng cũng nên đem ra bàn thảo, do tình
hình Việt Nam từ năm 1930 - khi đảng cộng sản thành lập - đến nay đã
khác nhiều.
Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, nhiều nhà đấu tranh đã kêu gọi
Việt Nam bãi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp quy định đảng cộng sản là lực
lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Trong khi đó, cựu nhà báo lâu nay cổ súy tự do, dân chủ Võ Văn Tạo
nhận định những người có cơ hội đối thoại với đảng cần “kiên trì, nhẫn
nại” và “mục tiêu cao nhất phải để sau cùng”:
“Không thể đường đột được đâu, họ không thể chấp nhận được đâu. Và
đất nước cũng cần có sự thay đổi êm thấm, dần dần, qua từng bước. Chứ có
những cái xào xáo quá đột ngột thì nó cũng gây những hiệu ứng sốc cho
nền kinh tế, xã hội của đất nước nói chung. Thí dụ, quá trình vận động
có thể vài ba năm, không thể ngày một ngày hai được, không thể vài tháng
được”.
Tin rằng cần tạm gác những vấn đề “khó nuốt trôi” đối với đảng trong
giai đoạn trước mắt, ông Tạo đề xuất lộ trình đối thoại từ trước mắt cho
đến lâu dài gồm:
“Thứ nhất phải giải quyết cơ bản, nhanh chóng vấn đề tù nhân lương
tâm. Chỉ có cái đó mới tạo được lòng tin cho giới trí thức thực sự ngồi
vào bàn đối thoại. Thứ hai, tất cả những thủ đoạn không lành mạnh của an
ninh lâu nay đối với anh em trí thức thì cũng phải hủy bỏ ngay. Nó sẽ
tạo ra niềm tin ban đầu. Rồi ta mới bàn tới tiếp về quản lý kinh tế, thể
chế kinh tế. Xong bắt đầu mới sang chuyện xã hội, rồi thể chế chính
trị, tiến đến có thể là tôn trọng đa nguyên chính trị”.
Về phần mình, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nêu ra các vấn đề lớn cần đối thoại sớm:
“Về chuyện kinh tế thì mô hình phát triển kinh tế như thế nào, vai
trò của kinh tế nhà nước ra sao, câu chuyện về tham nhũng, các nhóm lợi
ích, thế rồi chuyện cải tổ hệ thống ngân hàng, chuyện nợ xấu. Tất cả
những cái đấy đều phải đặt ra để đối thoại với nhau. Sau đấy đến chuyện
chênh lệch giàu nghèo, rồi chuyện bảo vệ môi trường. Sau vụ Formosa và
một số vụ khác, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên đánh đổi môi
trường hay không đã trở nên cấp thiết. Câu chuyện đối ngoại, Trung Quốc
và Mỹ như thế nào, ASEAN ra sao. Tất cả những cái đấy tôi nghĩ rất là
cấp thiết và không nhất thiết liên quan đến câu chuyện chính trị đa đảng
hay là một đảng”.
Để đối thoại có kết quả thiết thực, cả tiến sĩ Giang và cựu nhà báo
Tạo đều nhấn mạnh đảng và các bên đối thoại cần trao đổi với nhau trên
cơ sở “tôn trọng và văn minh”, cũng như “bình đẳng và thiện tâm”.